ĐÔNG LA
GIÁM SÁT QUYỀN LỰC
Nhìn sâu xa vào lịch sử, ngay thời phong kiến, nếu các vị
vua có tài đức và bản lĩnh, đất nước sẽ cường thịnh, nếu có giặc ngoại xâm sẽ
đánh thắng, dân sẽ được hưởng cuộc sống thái bình. Ngược lại, với chế độ cha
truyền con nối, vua mà lại “hổ phụ sinh ra con chó lợn” thì đất nước sẽ lại nội
chiến và rồi lại có kẻ bán nước, mất nước.
Từ 1945, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chúng ta đã
giành được những kỳ tích chấn động địa cầu, như đánh thắng “hai đế quốc to”
giành lại nền độc lập, vượt qua nguy cơ sụp đổ khi kinh tế lạm phát đến gần
800% giai đoạn 1986. Nếu những giai đoạn đó Đảng không mạnh, không có các vị
lãnh đạo ưu tú, tài đức, chắc chắn sẽ không thể có được những kết quả thần kỳ
như vậy.
Nhưng rồi đất nước đã thay da, đổi thịt,
cuộc sống của người dân no ấm hơn nhiều ngày xưa, sao đất nước lại bị đẩy đến
chỗ “nguy cơ tồn vong” trước nạn giặc tham nhũng như lời TBT Nguyễn Phú Trọng?
Vì trong thực tế suốt một thời gian dài, những đảng viên có chức, có quyền ở những
lĩnh vực liên quan đến tiền bạc, đã móc ngoặc, liên minh liên kết, co cụm, tạo
lập những vương quốc riêng, thoát khỏi sự lãnh đạo chung của Đảng; đã tham ô,
tham nhũng, hình thành nên “một bộ phận không nhỏ”.
Chế độ nước ta ở đâu cũng có “Đảng”. Nước ta cũng có cơ chế tam quyền
phân lập, cũng có Quốc hội lập pháp, Chính phủ hành pháp, Tòa án xử án. Bao
trùm lên cơ chế đó còn có Đảng lãnh đạo. Lẽ ra sự phạm pháp phải bị kiểm soát tốt
hơn cơ chế chỉ có “tam quyền phân lập”. Nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại.
Có tình trạng như vậy bởi Đảng có quyền lãnh đạo nhưng lại “quên”
mất quyền giám sát. Đảng chỉ ra đường lối, chủ trương bằng nghị quyết, rồi mọi
chuyện diễn ra ngoài tầm kiểm soát của Đảng. Chính vậy mới có chuyện Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri từng nói: “Cha ông ta nói rất hay:
“Miếng ăn là miếng tồi tàn / Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”… Đụng đến
lợi ích là phản ứng, nhất là một khi lợi ích nhóm móc ngoặc với nhau thành đường
dây vô cùng phức tạp”. Đảng lãnh đạo toàn diện, nhưng là lãnh đạo tập thể,
cá nhân chỉ là người được phân công phụ trách, khi sự cố xảy ra thì chịu trách
nhiệm chung, không ai bị làm sao cả.
Rất may giai đoạn gần đây Đảng đã thực hiện đúng
quyền được hiến định trong Hiến pháp. Luật pháp như được hồi sinh, nhiều chuyện
giai đoạn trước là không tưởng, là bất khả xâm phạm thì đã xảy ra. Tất cả các
ngành đều có cán bộ cao cấp bị kỷ luật. Một loạt tướng lĩnh thuộc quân đội và
công an cũng bị xử lý. Ai có thể ngờ bên quân đội đến Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Uỷ viên Trung
ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân; rồi bên công an, Thượng
tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bộ Công an, từng là Tổng cục trưởng Tổng cục
Tình báo, đều bị kỷ luật. Chưa hết, đến đương kim UVBCT, Bí thư TPHCM Đinh La
Thăng cũng đã vào tù, và chuyện mới nhất mà trước đây không thể có, Nguyễn
Thành Phong, Chủ tịch TPHCM: “Chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm”.
***
Tin
thời sự nổi nhất những ngày hôm nay đó là tin chiều qua, Chủ tịch QH Nguyễn Thị
Kim Ngân trình bày tờ trình Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành TƯ Đảng thống nhất giới thiệu
để QH bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Sáng nay, các đại biểu quốc hội sẽ bỏ phiếu
kín để bầu. Nếu được bầu TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm chức Chủ tịch nước.
Nhưng
khi bàn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, chính Tổng bí thư đã nói rằng:
“Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm
soát ông? Ở Trung ương thì Quốc hội giám sát Chính phủ, còn ở địa phương HĐND
giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Do vậy, cần thực hiện theo đúng
nguyên tắc cơ bản ở đâu có chính quyền ở đó phải có giám sát, và quan trọng là
làm sao cho giám sát phải có thực quyền”.
***
Trong
thực tế chính vì giám sát của người dân chưa có thực quyền, người có quyền giám
sát lại không làm tốt trọng trách nên mới có tình trạng đất nước bị đẩy đến “nguy
cơ tồn vong”.
Ta hãy coi
lại vài nét chính về sự giám sát quyền lực của nước Mỹ.
Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép Hạ viện luận
tội các viên chức cao cấp liên bang trong đó có tổng thống, cho phép
Thượng viện có quyền truất phế các viên chức bị luận tội. Trong toàn bộ lịch sử,
Hạ viện Hoa Kỳ đã luận tội hai vị tổng thống: Andrew Johnson năm
1868 và Bill Clinton năm
1998.
Tổng thống
Hoa Kỳ là người đứng đầu nhà nước, đứng
đầu chính phủ và là tổng tư lệnh quân lực, cũng là nhà ngoại giao trưởng, được
Hiến định rất nhiều quyền lực để điều hành công việc quốc gia , còn có quyền phủ
quyết các đạo luật đã được Quốc hội thông qua; nhưng Tổng thống lại bị giám sát
và luận tội bởi
Hạ viện và bị cách chức bởi Thượng viện nếu phạm pháp. Dù vậy, việc lạm quyền của
các vị Tổng thống Mỹ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho không chỉ các nước
khác mà cho cả chính nước Mỹ vẫn thường xảy ra.
Quyền tuyên chiến vốn đã được Hiến pháp Hoa Kỳ giao phó cho Quốc hội, tuy nhiên
các tổng thống đã không nhận được lệnh tuyên chiến chính thức khi đưa quân
vào Panama năm 1903, Chiến tranh Triều Tiên, các vụ
xâm chiếm Grenada và Panama (1990), và đặc biệt
là Chiến tranh Việt Nam.
Cuộc
chiến làm đau khổ cho dân ta và dân Mỹ thực chất đã được tiến hành từ “lời
nói dối” của TT Giôn-xơn. Daniel Ellsberg (còn gọi là Dan), cựu
nhân viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã đưa “Hồ sơ Lầu Năm góc” cho tờ New
York Times nêu rõ, sự kiện Vịnh Bắc Bộ là một trong những lần nói dối
của Chính quyền Giôn-xơn. “Tổng thống nói với Quốc hội và công chúng rằng,
chiến hạm nước ta bị tấn công, bằng chứng về điều này hết sức rõ ràng. Nói thế
là nói dối. Tôi biết rõ là nói dối. Cả Mác Na-ma-ra đã giấu nhẹm, không cho Quốc
hội biết về các cuộc đánh phá mà Mỹ đã tiến hành”, Dan nói.
Còn chuyện TT Nixon từ chức sau vụ bê bối Watergate thực ra
cũng không phải do cơ chế của nền dân chủ Mỹ phanh phui ra. Chỉ
khi Mark Felt với mật danh“Deep Throat”, đã thất vọng vì không nắm được FBI,
nên đã đưa tin cho tờ Washington Post công bố. Quốc hội Mỹ lúc đó mới lập ủy
ban điều tra và trước nguy cơ bị Quốc hội phế truất, Nixon mới tuyên bố từ chức.
Như
vậy để sự giám sát quyền lực có được kết quả tốt không phải là chuyện dễ!
23-10-2018
ĐÔNG
LA