Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

CHÙM THƠ ĐÔNG LA: TÀI SẢN, BẤT HẠNH, NHỮNG DÒNG SÔNG, CÁNH ĐÔNG QUÊ


CHÙM THƠ ĐÔNG LA: TÀI SẢN, BẤT HẠNH, NHỮNG DÒNG SÔNG, CÁNH ĐÔNG QUÊ


Trên báo Văn nghệ “Trung ương” (thuộc Hội Nhà Văn VN), số 36, ngày 5-9-1998, Nguyễn Quang Thiều là biên tập thơ đã đăng bài thơ “Những nhịp cầu” của tôi, xong Thiều gọi cho tôi bảo: “Ông Hữu Thỉnh khen thơ Đông La hay quá, kỳ này bảo Đông La dự thi đi!”. Được Hữu Thỉnh khen sau lưng không dễ vì ông ấy khen thật. Bài “Những nhịp cầu” tôi viết về hình ảnh những người nông dân cong lưng trên những cánh đồng trông như lưng ong, lưng tôm, giống như những nhịp cầu, nhưng là những nhịp cầu bằng xương thịt, không phải để xe cộ đi qua mà cho cả lịch sử, cả nền văn minh của nhân loại đi qua. Bởi người nông dân làm ra sản phẩm là những thực phẩm, cái quan trọng và quý giá nhất để nhân loại tồn tại, nhưng chúng lại luôn được định giá rẻ mạt nhất. Vì thế mà ví họ như những nhịp cầu ở vị trí thấp nhất, cõng trên lưng cho cả nhân loại đi tìm kiếm quyền lực, danh vọng và tiền bạc. Được Hữu Thỉnh khen nên tôi có động lực, dốc sức làm một chùm thơ, trong đó có bài “Cánh đồng quê”, để dự cuộc thi thơ “chào đón Giao thừa Thiên niên kỷ” ở báo Văn nghệ song song với cuộc thi ở TC VNQĐ. Khi chùm thơ được đăng, anh Nguyễn Ngọc Thu, một nhà thơ cùng làng Đông La với tôi, làm ở Trường “Nhân Văn”, bảo: “Tôi thích chùm này hơn bài Tổ quốc-nửa bàn chân dính bùn và máu”. Anh bạn TS Dung, từng đi thi học sinh giỏi văn, cũng ở “Văn Khoa”, bảo: “Đọc thơ anh, em không còn đọc được thơ của ai nữa!” Ông Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội Văn nghệ ở Vũng Tầu, tác giả lời bài hát Khúc hát sông quê nổi tiếng, đã làm hẳn một bài thơ “hoạ” bài “Cánh đồng quê” để tặng tôi. Đặc biệt, Nhà thơ lão thành Hải Như, tác giả lời bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” đi hỏi số điện thoại rồi gọi cho tôi: “Tôi là người đã giới thiệu Vũ Tú Nam, Tổng thư ký Hội Nhà Văn (nay là Chủ tịch) vào Hội. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ cho anh giải nhất. Thơ anh hiện đại như lớp… nhưng anh đã đạt được sự giản dị”. Nhưng rồi cuối cùng tôi không được giải mà người ta trao cho một chùm thơ rất buồn cười được giải. Nghề viết người ta gắn thêm chữ “lách” là vì thế và giá trị văn chương không thể cân đo đong đếm được. Cái số của tôi như đã nói, cũng chỉ có Chế Lan Viên mới đủ tài năng, quyền uy, đức độ để công minh với tôi mà thôi.
Chùm thơ trên báo văn nghệ ngoài hai bài hoành tráng, có tính sử thi, viết về quê hương, đất nước, về nhân loại, tôi còn viết hai bài khắc hoạ chiều sâu thuộc về tâm trạng, tính cách, số kiếp con người.
9-7-2019
ĐÔNG LA 

TÀI  SẢN

Có lúc muốn ngược dòng thời gian vá lại những mảnh đời đã rách của mình
Gom nhặt những nỗi buồn, những thất vọng, tuyệt vọng
Tắm gội bao tháng ngày lấm láp
Làm ấm lại bao ngày lạnh giá mùa đông

Nhưng liệu thế ta có còn là ta?
Ta sẽ có gì trong máu với những bằng phẳng, tròn xoe, dễ dãi, đủ đầy?
Khi kim cương chỉ sinh ra từ lò luyện ngục
Và trầm cũng chỉ được tạo thành từ máu của những vết thương cây!
7-1998

BẤT HẠNH

Những ngôi nhà
Chen chúc, xô đẩy dưới bầu trời thành phố
Ai cũng muốn thiết lập một thế giới lớn hơn thế giới mình có
Ai cũng muốn với tới một tầm cao cao hơn tầm với mình có
Những ngôi nhà kiễng chân đứng bên nhau

Dường như mỗi chủ nhân không xây nên gương mặt nhà mà xây nên gương mặt mình
Phía sau mỗi vẻ lộng lẫy như đều chất chứa nỗi bất hạnh
Nỗi bất hạnh của những cuộc săn đuổi
Sự mệt mỏi của những cuộc săn đuổi

Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc người ta thường không đi tìm hạnh phúc mà lại bị cuốn theo những tham vọng
Thường lạc khỏi con đường của mình
Thường díu vào nhau trong một con đường chung
Đều tìm thấy một gương mặt giống nhau nhưng không phải mặt mình
***
Trước cái túi bé nhỏ của cuộc sống
Bánh xe lịch sử ngăn chậm lại
Bởi những ngộ nhận
Những tắc nghẽn
Những va đập
Những đụng độ…
Bởi nhu cầu của mỗi người trong cuộc đời thật hạn hẹp
Nhưng tham vọng thì mênh mông!
30-3-1999
(Báo Văn nghệ số 19,8-5-1999)

NHỮNG DÒNG SÔNG

Như nếp nhăn hằn trên trán Trái Đất già nua
Như mạch máu chảy trong da thịt đất phì nhiêu
Như vòng ôm người yêu quấn chặt người yêu
Những dòng sông
Mạch nguồn của sự sống

Ai ngoài người thợ thời gian đã miệt mài khơi nên những dòng sông?
Ngọn cỏ đầu tiên nào sinh ra để dệt nên những châu thổ, những cánh rừng, choàng chiếc áo xanh lên mình Trái Đất?
Con cá đầu tiên nào sinh ra để ngập tràn sự sống?
Ngọn lửa đầu tiên nào đã được đốt lên?

Để sáng lên ánh sáng của văn minh
Nhưng trên một chiếc nôi không chỉ bình nguyên mà núi cao vực xoáy
Dưới một vòm trời cũng chỗ lành, chỗ rách
Ánh sáng phía này, bóng tối phía bên kia

Giọt sống mong manh với định mệnh không bình yên
Luôn nổi chìm trong bão tố của chính mình, của chính những đứa con tự đốt cháy nơi mình sinh sống
Như hai kẻ song sinh luôn song hành từng giây phút
Sự tham vọng hay yếu hèn nguồn cội những tai ương?

Theo suốt chiều dài thăm thẳm của thời gian
Dòng sông lịch sử quanh co mang trên mình đầy thương tích
Băng qua những mảng thời gian bị băm nát, những thiên kỷ bị cháy sém, những thế kỷ bị chặt khúc
Vẫn chẳng ngừng trôi

Chẳng ngừng trôi trên những khác biệt lớn lao
Trên những cao thấp, những sáng tối, những lành vỡ
Như sợi chỉ vẫn đêm ngày cần mẫn
Khâu lành những vết thương
9-1998 

CÁNH ĐỒNG QUÊ

Dường như không phải ở nơi Tạo Hóa đặt ngày tạo Thiên lập Địa
Mà ở tận cùng sâu thẳm của ký ức
Nơi mây bông đêm đêm vẫn lót đệm ta nằm
Những hạt mưa mát lành vẫn tắm gội tuổi thơ ta trong những giấc mơ sâu
 Nơi có đêm trăng mười sáu ta đã bất chợt được chiêm ngưỡng một vầng trăng khác cũng tròn mười sáu
Em tắm sông hay là em tắm trăng?
Những giọt trăng lung linh đậu trên mịn màng da thịt
Đêm mỏng manh không che được nữa rồi
Em chưa biết hay quên mình đã là mười sáu?
Để ta sững sờ sau bụi cây thưa
Để ta một đời tơ tưởng mộng mơ
Ôi cánh đồng quê! 
                 xxx
Ta nhớ xiết bao con đường ghồ ghề sau làng gồng lưng cõng những dấu chân nhọc nhằn cấy cày khuya sớm 
 Những số phận dầu dãi trong nắng lửa mùa hạ, trong gió bấc mùa đông   
Người thì nhẹ mà nỗi lo thì quá nặng
Đất như bị lột da vẫn không kịp cho những vụ chiêm mùa
Những vụ mùa xếp hàng chờ nhau đến lượt
Không ủ ấm được bao cuộc đời bao số phận mong manh
Khi những đám mây như bị phơi khô trong mùa hạn hán
Mặt đất cũng bị nghiêng cho mùa nước lụt tràn đê... 
                  xxx
Ôi quê hương!
Đã bao thế hệ sinh ra như chỉ để bất hạnh
Cả cuộc đời ông lang bạt kỳ hồ vẫn không ra khỏi những cuộc chiến triền miên
Cuộc đời cha cũng nằm gọn trong dai dẳng nỗi nghèo đói
Tuổi thơ con lăn lóc trong lam lũ nhọc nhằn
Những con chữ cũng bị đói lây trong giờ lên lớp
Ngón chân tím bầm suốt mấy mùa đông 
Ôi, nếu cuộc đời có số phận  thì số phận của mỗi người chính là số phận của đất nước
Dường như ta đã trải qua cả mấy cuộc đời
Đã từ bỏ được điều lặp lại nghiệt ngã
Đôi chân lấm bùn rong ruổi khắp đó đây
Những cung điện nguy nga đền đài hùng vĩ
Những hành lang dát vàng, căn phòng dát vàng...
Nhưng sao vẫn cháy lòng đêm đêm nỗi nhớ
Nỗi nhớ về một vùng đất rách nát và ẩm mốc
Cánh đồng quê! 
       xxx
Sao là cánh? Sao là đồng? Sao lại Chùa Mô, Đằng Miều, Con Cóc?
Những cái tên lạ lùng đã khắc dấu hồn ta
Nhớ vệt bùn hôm nao em làm ta lấm áo
Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê
Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ...

Ôi quê hương!
Ta yêu người xiết bao vẫn phải rời bỏ quê hương
Ta không thể mang theo con đường, dòng sông, gốc đa da trâu mài nhẵn thín
Ta cũng không thể mang theo đêm trăng âm vang tiếng cá quẫy
Nhưng ta vẫn tìm được cho riêng mình một cánh đồng quê 

Ta đặt cánh đồng trong mơ, trong sách vở, trong suy tư
Giống như mẹ năm nao con trồng cây lúa
Nhưng con không bón phân gio mà bón những mảnh tri thức
Chúng không lớn lên trong nắng mưa mà lớn lên trong ý nghĩ của con  

Những cây trái không trổ bông chỉ những suy nghĩ trổ bông
Đã kết tụ và theo về khắp chốn
Trên những nhịp cầu mênh mông chữ nghĩa
Từ một cánh đồng con đã đến được mọi cánh đồng
                                                             

Ôi, có nơi đâu kỳ lạ như những cánh đồng Việt Nam
Tưởng như nước không phải là nước mà mồ hôi
                                                               bao đời đọng lại
Đất không phải là đất mà thịt xương bao đời tạo thành
Mỗi ngọn cỏ gốc cây cũng rưng rưng huyền thoại
Nơi có những bà mẹ nghèo nàn nón lá áo tơi
Những bà mẹ tảo tần không một chữ cắn đôi
Lại sinh ra bác học, kỹ sư, nhà thơ, nghệ sĩ
Vóc hình mỏi mòn lại sinh những anh hùng tướng lĩnh
Bao trẻ trâu bết bùn đã đến bục vinh quang! 
     xxx
Ôi những bà mẹ anh hùng sớm tối lúa khoai!
Nhưng hạt giống của mẹ không chỉ mọc lúa khoai
                                               mà nảy lên cả tùng, cả bách
Những tuổi tên đã làm rạng danh đất nước
Đất nước của những cánh đồng quê! 
    Tp.HCM 12-1998  
(Báo Văn nghệ số 4, 23-1-1999)