ĐÔNG LA
MY LITTLE TEACHER
(truyện
ngắn)
Viết
văn cũng có nét giống người nấu bếp ở chỗ nếu có nhiều nguyên vật liệu người ta
dù dở vẫn có thể nấu được bữa ngon, như có gà ta thì chỉ cần luộc lên là xong.
Để viết truyện ngắn “Ân nhân”, tôi đã phải tham gia một cuộc chiến khốc liệt và
vĩ đại nhất, phải trực tiếp ở chiến hào máu lửa; để viết truyện “Một cái chết”,
tôi cũng đã làm chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khoa học, chiết xuất một hoạt
chất chống ung thư từ dược liệu là cây dừa cạn. Cái khó nhất của nhà văn là
không có gì, tức không có chuyện gì mà vẫn viết được thành truyện, một tác phẩm
văn chương, lại còn cuốn hút, hay và có ý nghĩa sâu xa nữa thì người viết đích
thị là một nhà văn tài năng. Với tôi tôi cũng đã viết mấy truyện thuộc loại
“không có gì”, có khi xuất phát chỉ từ một câu nói thôi. Truyện ngắn “My little
teacher” là loại truyện như vậy, chỉ từ một câu nói của một cô bạn bác sĩ học
chung một lớp tiếng Anh, tôi đã hư cấu, phân thân ra thành hai nhân vật để viết
thành truyện. Với độc giả thì cũng có nhiều loại. Đa phần người ta đọc “chuyện”
để biết tác giả viết chuyện gì; những người có tâm hồn văn chương thì đọc thêm
“văn”, cảm thụ được những câu văn hay, độc đáo, sáng tạo của tác giả; cao nhất
là những độc giả có “nghề”, họ không chỉ đọc “chuyện”, đọc “văn” mà còn đọc ra
được những tầng lớp ý tứ sâu xa mà tác giả cài đặt phía sau những câu chữ. Loại
truyện “không có chuyện” rất cần loại độc giả “có nghề” này. Trần Nhã Thuỵ, một Hội viên Hội Nhà Văn VN, đương kim
trong ban lãnh đạo Hội Nhà Văn TPHCM, năm 1988, khi tôi viết truyện “My little
teacher” còn là sinh viên, đã viết về nó trên báo VNTPHCM: “Tôi thấy truyện dễ thương nhất là truyện My
little teacher. Nó cũng rất lạ lùng. Anh đã mô tả một tình yêu diễn tiến trong
mơ. Văn chương thật mềm mại: “Tôi ngả mình xuống mặt cỏ rồi gối đầu vào lòng
em, cái gối êm hơn bất kỳ loại gối nào có trên cõi đời này. Tôi chợt hiểu, đó
chính là hạnh phúc lớn lao nhất mà cuộc đời của mỗi con người có thể đạt được”.
Nhưng truyện cũng chất chứa những ý tứ sâu xa: “Hoạt động bất kham của trái tim
đã khiến con người ta theo đuổi biết bao điều phù du, nhưng nó lại chính là một
phần tất yếu của cuộc sống”.
Dưới đây là truyện ngắn “My little teacher” của tôi.
15-7-2019
ĐÔNG
LA
My little teacher
Khi gần ba mươi tuổi, ở cái tuổi đã rất “máu” lấy
vợ, tôi được cơ quan cho đi bồi dưỡng tiếng Anh một năm tại trường Quản lý
cán bộ Y tế của bộ, ở một lớp hầu hết là dược sĩ, bác sĩ. Và thế là tôi đã được
gặp em. Rồi có một tình yêu, không, một giấc mơ thì đúng hơn. Nói như cánh
đàn ông là chưa được xơ múi gì. Nhưng không phải nó không để
lại trong lòng người ta một chút những bâng khuâng
Em cũng là một bác sĩ và rất đẹp,
trên cánh mũi có một nốt ruồi nhỏ làm khuôn mặt em có nét như một thiếu nữ Ấn,
lông mày đậm, mi dài và cong, mắt to thẫm đen.
Ngày khai giảng tôi đến muộn. Phải đi
đóng tiền ở phòng tài vụ nhưng tôi không biết nó ở đâu. Tôi đã đến hội trường
và hỏi em. Tôi không hiểu vì em ngồi gần cửa ra vào hay tại em là một cô gái
xinh đẹp nổi bật lên giữa đám đông ồn ào. Em đã dẫn tôi đi. Tôi ngạc nhiên, một
cô gái xinh đẹp, xa lạ lại có thể tế nhị với mình đến vậy ư? Trái tim nhậy cảm
của tôi, như một phím đàn căng dây, đã rung lên những xao động đầu tiên về
người con gái ấy. Hôm ấy em mặc chiếc áo sơ mi màu vàng rực, phía trước ngực,
từ phía vai xuống tới vạt áo có may ba nếp gấp nhỏ. Mái tóc với những sợi to
có ánh hung đổ xuống vai những búp xoăn. Vóc dáng em hơi thanh mảnh nhưng vẫn
toát lên vẻ khỏe mạnh, tròn đầy, tràn trề sức sống. Tôi lặng im đi theo em, dọc
theo hành lang khu nhà cổ lỗ được xây cất từ hồi Pháp. Trần nhà đôi chỗ đã chốc
lở, các viên gạch lát lối đi đã bị vô vàn những dấu chân mài mòn, chũng xuống
như những lòng chảo nho nhỏ. Vừa đi tôi vừa thầm nhủ, đây chính là cơ hội
ngàn năm có một đối với trái tim lạnh giá, đang cần được sưởi ấm của tôi. Kể
ra thì cũng điên thật khi mới gặp một cô gái có mấy phút mà
đã có mưu đồ rồi. Trong quan hệ nam nữ, cái tác động đầu
tiên đối với một người con trai chính là sắc đẹp, chính là sự quyến rũ, nếu
có một ai đó nói là do cái nết, do cái này, cái nọ thì đều bịa cả.
Tôi nhớ có lần, một cô bạn cùng nhóm
học ở đại học đã hỏi:
- Có phải đàn ông các anh, khi gặp một
cô gái đẹp và dễ thương là đều muốn đánh chiếm con nhà người
ta ngay, dù chưa quen biết gì, đúng không?
- Có lẽ đúng như thế. Nhưng chính ông
Trời đã tạo ra như vậy. Nếu trước một cô gái đẹp, người con trai không thấy gì;
nam nữ yêu nhau không thú vị mà lại chỉ khô khan, cực nhọc như ôn thi đại học
thì có lẽ loài người đã bị diệt vong từ lâu rồi. Thế phía con gái thì sao?
- Không phải con gái không thích con
trai đẹp. Nhưng lấy một ông chồng mà chỉ đẹp không thôi thì chết cha. Bọn em
cần những phẩm chất khác của đàn ông hơn. Mà những điều này muốn nhận biết phải
có thời gian.
Tôi hiểu. Với phái nữ họ luôn cần thời
gian, họ luôn cẩn thận hơn, cái gì đến với họ cũng chậm hơn. Người con trai
qua tình cảm để đạt được sự đam mê, sự thỏa mãn; ngược lại, người con gái qua
sự dâng hiến để đạt được tình cảm. Đó chính là sự khác biệt đã tạo ra vô vàn
những điều kỳ diệu cũng như những xung khắc trong sự ghép đôi của giống Người.
Chuyện vợ con nhiều khi cũng làm tôi
điên đầu. Gia đình thì thúc giục hoài. Ông bà già trên sáu mươi nên cũng sốt
ruột. Nhưng tôi lại rất bí. Người mình thích thì lại coi mình không ra gì,
người coi mình ra gì thì mình lại không thích. Trò đời thật rắc rối. Mà không
thể lấy đại đi được. Bạn bè cũng kỳ, trừ trường hợp đặc biệt, còn nói chung
thì thằng này chê vợ thằng kia, thằng kia chê vợ thằng nọ… cứ thế! Lấy một cô
vợ không ra gì cũng khó sống với chúng nó. Mà bản thân tôi thì lại nhát và
hoàn toàn không có năng khiếu trong cái vụ tán gái. Có một điều quan trọng nhất
trong vụ này, đó là sự trơ mặt, lì đòn thì tôi lại không có.
Người ta mới nói xa xôi hàng chục km đã tự ái rồi, hỏi làm sao được việc? Mà
bọn con gái thì lại chúa hay thử thách. Thế là đành để cho số trời
xếp đặt vậy.
Và rồi, tôi đã gặp em. Tôi đã bị dính
đòn ngay như bị một tiếng sét của tình yêu. Rất may là
em đã cởi mở, hòa nhã, nếu không, chỉ một chút lạnh lùng thôi, một chút kênh
kiệu thôi, với tôi là xong ngay. Bởi trong lĩnh vực tình cảm, tôi không biết cố
gắng, không biết nhẫn nại bao giờ. Tôi hiểu mình cũng
thuộc loại có duyên ngầm, cô nào mà chịu bắt đèn, tôi
cũng có thể làm nên chuyện. Cũng đã có một vài cô đã phải đau khổ vì tôi. Có
một cô lúc đầu coi tôi không đáng một xu, nhưng sau lại thấy
là “nhất trên đời”. Đến lúc ấy thì tôi lại thấy cô
như cô thấy tôi lúc đầu. Thế là tôi phải tìm cách rút lui. Vậy nên tôi mới biết,
chạy trốn một cô gái yêu mình còn khó khăn hơn nhiều khi đến với một cô gái
xa lạ. Tất nhiên, với một thần tượng, khi người ta đã lấy hết cả hồn vía của
mình thì phải khó khăn hơn. Trong khi đó, giữa đám đông tôi lại thưởng thể hiện
mình rất tồi. Tôi sống khép kín, luôn chìm trong những suy tư hỗn độn và hoàn
toàn không có khiếu trò chuyện bông phèng. Một điều tưởng vô bổ, nhưng nhiều
khi lại rất có giá trị trong giao tiếp xã hội, có khi lại khơi nguồn cho những
thành công trong cuộc đời. Tôi ao ước có một dịp nào đấy, không sống sượng,
tôi sẽ thể hiện được mình trước em. Biết đâu, tôi sẽ làm gợn được những cơn
sóng nhỏ trên cái mặt biển bình lặng của sự vô tư kia.
Sau đó chúng tôi vào học. Rất may tôi
và em được xếp cùng một tổ, cùng ngồi ở dãy bàn cuối nhưng lại ở tít tận hai
góc của lớp học. Vì đã học nhiều nên em rất giỏi. Em nói tiếng Anh nhanh như
gió. Còn tôi, tuy cũng đã học vài trăm tiết theo lối nhảy cóc để dịch chuyên
môn, nhưng lúc này đến câu thông dụng, dễ biết nhất “I love you” mà
cũng quên mất. Mỗi lần nghe em đối thoại lưu loát với thầy cô, tôi phục lắm.
Em luôn là nhân vật số một, là trung tâm của lớp học. Tính em lại
vui vẻ nên rất nhiều học viên đến hỏi bài. Các chàng trai luôn vây quanh em
trò chuyện vui đùa. Tôi không nhập hội, nên trong cái xó tối om, đầy muỗi,
tôi luôn bị chìm vào lãng quên của lớp học. Liệu có còn một chút dấu vết nào
về cuộc gặp mặt đầu tiên giữa chúng tôi trong ký ức em không?
Có lúc tôi tự kiểm và thấy mình lẩn
thẩn thực. Tự dưng lại đi mơ mộng quá đáng về một cô gái chẳng thèm để ý gì đến
mình. Chưa hết, tôi lại còn nằm mơ nữa chứ! Như bản chất của nó, giấc mơ
không đầu không cuối, rất lộn xộn, không gian, thời gian, chuyện hư, chuyện
thực bị xáo trộn lung tung cả.
Có một chiều vàng rực, tận nơi làng
quê xa xôi của mình, tôi đã gặp em. Em đã hiện ra trước tôi bất ngờ như một nữ
thần, giữa một khung cảnh mát lành, yên tĩnh và tuyệt đẹp. Tôi đã vô cùng ngạc
nhiên:
- Ô! Sao Lưu Yên lại ở đây?
- Thì quê Yên ở đây mà.
- Thế ra Lưu Yên cùng quê với tôi đấy.
Nhưng sao từ trước đến nay tôi lại không biết? Thế Yên con nhà ai nào?
- Em con ông Thủy.
Tôi càng ngạc nhiên hơn. Vì trong đầu
tôi, ngay cả trong mơ, cũng biết nhà ông già đầu ngõ chẳng bao giờ có cô Lưu
Yên nào cả. Tôi nói:
- Thế mà tôi chưa bao giờ biết. Yên
biết không? Ngày xưa Yên có ông anh tên là Bão đấy. Hồi nhỏ chúng tôi chơi rất
thân với nhau, rất hay vật nhau, nó khoẻ lắm, tôi toàn bị thua. Nhưng bây giờ
Bão chết rồi, nó đi bộ đội.
Em cũng ngạc nhiên nhiều:
- Em cũng chẳng biết mình có ông anh
tên là Bão bao giờ…
Đến sáng tỉnh dậy tôi có tâm trạng thật
lạ lùng. Ngồi trong lớp tôi cảm thấy em gần gũi hơn, như là chúng tôi đã có
những chuyện bí mật, những chuyện riêng với nhau. Em như là đồng hương của
tôi trong cuộc đời thực chứ không phải chỉ ở trong mơ. Nếu biết, chắc em sẽ
buồn cười lắm. Nhưng em vẫn đó, bình thản và ở mãi tít tận góc bên kia của lớp
học. Tôi bắt đầu nghi ngờ cái thuyết Trường sinh học mà vào đầu thập kỷ 70 của
thế kỷ này, một hội nghị của cả thế giới đã phải họp bàn về nó. Nếu có, tại
sao tôi nghĩ nhiều về em thế mà em vẫn hoàn toàn không nhận được một tín hiệu
nào cả?
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã học được
mấy tuần. Bài vở có bề bộn hơn. Mọi người vùi đầu vào những quy tắc ngữ pháp
mới, những thành ngữ kỳ lạ. Tôi ao ước được như mọi người. Người ta có đầu óc
đơn giản hơn sẽ sống thoải mái hơn. Còn tôi, thật phức tạp, vẫn không nguôi
nghĩ về em. Và lần thứ hai tôi lại nằm mơ.
Lần này, tôi thấy mình cùng em đi dạo
trong một công viên tuyệt đẹp. Ở đấy có những cành liễu buông la đà trên mặt
hồ lóng lánh ánh bạc. Các nam thanh nữ tú trên những chiếc thuyền nhỏ bơi lững
lờ… Chúng tôi mua một bịch đậu phộng da cá, vừa nhí nhách ăn vừa trò chuyện.
Sau đó tôi lại thấy chúng tôi ở trong một biệt thự rất sang trọng, rất nhiều
phòng, có bày đầy những đồ gỗ cổ, cái đen mun, cái nâu sậm, cái đỏ cánh dán.
Phía trước ngôi nhà là một triền đồi mênh mông mọc đầy dương sỉ và lúp xúp những
khóm sim mua. Dường như đó là căn nhà mơ ước của chính chúng tôi…
Nửa đêm tỉnh dậy, tôi bật cười. Thì
ra trong mơ, quan hệ cũng tiến triển nhiều lắm.
Khi khoá học được một tháng, trường
chúng tôi lại sáp nhập với viện Vệ sinh. Thế là tôi phải đi học xa gấp ba lần
và phải vượt qua cây cầu chữ Y dài dặc và rất dốc. Nhưng có cái may, do sự
xáo trộn ngẫu nhiên, tôi đã được ngồi bên em, kẻ bàn trên, người
bàn dưới. Thế là cái khoảng cách đầu bàn cuối bàn xa đằng đẵng không còn nữa.
Nhưng dù em có chuyển tới đâu thì luôn vây quanh em vẫn có biết bao người.
Tôi không muốn trò chuyện như mọi người với em, vì không muốn em đối với tôi
như đối với mọi người. Tôi nghĩ kế, làm sao có thể sử dụng có hiệu quả nhất
cái thuận lợi “Thứ nhất cự ly” này.
Tôi chợt nhớ đến thằng bạn là kỹ sư,
nó có tài làm thơ. Một lần, nó chỉ cần làm một bài thơ thôi mà lấy được vợ
đàng hoàng. Thánh thật! Chiều ấy tôi đến ngay khu tập thể nó ở để cầu cứu.
Không ngờ bị nó đốp vào mặt:
- Thơ với thẩn con mẹ gì. Bọn con gái
bây giờ phải có cup ciếc, phải tiền nhiều vào, làm sao làm mắt
chúng nó loá lên chúng nó mới xúc động được. Thơ với thẩn chúng nó không thấy
gì đâu. Mày đúng là hâm!
Tôi ngạc nhiên. Một thằng hâm tỉ độ,
điên khùng, mà lại nói mình hâm thế là nghĩa làm sao? Tôi cũng thấy một điều
lạ. Tại sao người ta lại không lấy trí thông minh, tài năng, đức độ, lòng hào
hiệp… để đánh giá một con người, mà lại lấy tài sản, lấy cái đồ vất đi ở bãi
rác của xứ người làm tiêu chuẩn? Nước mình kể cũng có nhiều cái lạ. Tôi hỏi:
- Mày nói vậy chứ, thế mày làm thơ
thì sao?
- Tao khác. Tao làm thơ vì giời đầy
tao. Mà tao làm không phải cho một ai đọc mà tao làm cho thời gian, mày hiểu
không? Thôi bây giờ tao sẽ giúp mày, mày không chai mặt, làm một bài thơ đem
tặng theo kiểu tán gái cổ điển cũng tiện hơn. Bọn này dân trí thức thì cũng hợp.
Bây giờ mình sẽ làm một bài với cái tứ là, với mày tiếng Anh chỉ là cái cớ,
không là gì cả, nhưng lúc nào mày cũng muốn hỏi bài con bé đó, coi nó như là
một cô giáo nhỏ. Nghĩa là mày có tình ý đó, biết chưa? Thơ tán gái là như thế
đấy. Nhưng đừng làm hay quá. Vì có lần tao làm trêu một con bé, làm hay quá,
nó bảo xem xong bị sút cả mấy ký.
Cuối cùng chúng tôi làm xong một bài
thơ, nhưng tôi vẫn ngờ chưa phải là thơ vì chẳng có vần vèo gì cả. Nhưng nó lại
bảo thơ không vần mới hiện đại.
MY LITTLE TEACHER
You are a little teacher
I am a big student
I always wish to ask you
What does this word mean?
How is that word spell
…………………
Công nhận đọc xong, tôi cũng thấy hay
hay. Nhưng còn một câu: “Đối với tôi tiếng Anh không là gì cả” cả tôi và nó
chưa biết. Chắc phải hỏi cô bé thôi. Ngẫm nghĩ một lát, nó lại viết thêm một
câu xuống dưới bài thơ làm tôi giật mình:
I want to compose a poem to you. I am
going to write a story which has this poem. You will be a protagonist in it.
Does that disturb you?
( Tôi muốn làm một bài thơ tặng em. Rồi
tôi sẽ viết một truyện ngắn có bài thơ này. Em sẽ là một nhân vật trong đó.
Liệu điều đó có làm phiền đến em không?)
Viết xong nó nói:
- Viết thêm câu này chắc ăn hơn, cũng
dễ đưa hơn.
- Nhưng như thế này mày giết tao còn
gì. Làm sao mà lại có truyện ngắn truyện ngiếc gì ở đây. Tao làm sao mà viết
được.
- Mày cứ yên tâm. Nếu con bé đọc xong
bài thơ mà có tác dụng tao sẽ viết cho mày một truyện ngắn. Cũng tiện, vì tao
cũng phải viết để đăng báo. Nhưng mày đừng quan trọng hoá vấn đề. Tâm lý bọn
con gái mày biết không, mình mà quan tâm quá tới chúng nó là chúng nó sẽ làm
mình làm mẩy ngay. Còn mình cứ lờ đi thì có khi lại ăn tiền.
Hôm sau đi học, tôi bị tai nạn. Đi
qua một ngã ba, một thằng nhóc tông vào bánh sau làm nó cong queo. Cũng có thể
một phần do tôi đang mơ mộng. Lúc ấy, tôi thấy em phóng vút qua, em đi chiếc Yamaha nữ,
tức là sang hơn tôi rất nhiều. Mái tóc bay phấp phới, lưng thẳng, eo lưng thắt
lại. Thằng bé phân trần, nói lắp kinh khủng. Tôi cáu:
- Thôi ông cút đi cho rồi đi!
Sửa xong, còn có thể học 3 tiết,
nhưng tôi chán, bỏ cả buổi học.
Sáng sau mọi người xôn xao. Thì ra mọi
người cũng có quan tâm tới mình đấy chứ. Buổi học ấy em đến muộn. Vừa vào chỗ
em hỏi ngay:
- Thế nào ông tướng, hôm qua bị sao vậy?
Tôi kể qua loa. Em tiếp:
- Mọi người nói, anh cứ để đầu óc tận
đâu đâu nên mới như vậy.
Tôi định chối lại thôi, liền mạnh dạn:
- Cũng có thể như vậy. Tôi… tôi đang
nghĩ để làm một bài thơ bằng tiếng Anh. Khi nào làm xong tôi sẽ đưa cho Yên
coi. Đối với tôi tiếng Anh không là gì cả viết làm sao?
- English is nothing for me.
- Đối với tôi đứng trước mà.
- Mặc kệ anh chớ, anh xếp như thế nào
là tuỳ anh. Nhưng thôi “nhà thơ” ơi, hãy cất tâm hồn mình
vào ngăn kéo đi, kẻo cô hỏi bài lại không trả lời được đó.
Đang phấn khởi, em nói vậy làm tôi hết
cả hứng. Mãi đến chiều, ở nhà không biết làm gì tôi chép lại bài thơ. “Anh
hãy cất tâm hồn mình vào ngăn kéo đi”. Tôi buồn bã nhớ lại câu nói của
em. Tôi cảm thấy nó như một thác nước lạnh buốt giội xuống ngọn lửa đang bùng
lên trong tôi…
Đêm ấy tôi trằn trọc, mãi khuya mới
chìm vào một giấc ngủ mê mệt.
Một lần nữa tôi lại nằm mơ. Lần này
thì tôi gặp em ở quê. Cũng lại một buổi chiều nắng dịu, cả không gian như được
quét bằng một lớp verni trong suốt màu mỡ gà, tay trong tay, chúng tôi đi dạo
trên những con đường nhỏ sau làng. Thật kỳ lạ, trước mặt chúng tôi chợt hiện
ra một cánh rừng mênh mông, có mọc đầy những cây cổ thụ sum suê, cao tít.
Chúng tôi thanh thản đi trên mặt đất râm mát, được phủ dầy một thảm cỏ mật sạch
bong, không vương một hạt bụi. Đến một khoảnh đất bằng phẳng, thoáng đãng. Em
kéo tôi ngồi xuống. Tôi ngả mình xuống mặt cỏ rồi gối đầu vào lòng em, cái gối
êm hơn bất kỳ loại gối nào có trên đời này. Tôi chợt hiểu đó là hạnh phúc lớn
lao nhất mà cuộc đời của mỗi con người có thể đạt được. Tôi ngợp đi trong ánh
mắt mênh mông của em, ngây ngất trong cái hương vị của tình yêu được pha trộn
một cách thần diệu với hương vị của đất trời, với tiếng nhạc thánh thót, réo
rắt của thiên nhiên nguyên thuỷ. Bất chợt tôi nhổm dậy, quàng hai tay qua cổ
em, và chỉ còn một chút xíu nữa thôi, tôi sẽ được biết thế nào là nụ hôn đầu
tiên… bỗng:
- Xoảng! Xoảng! Xoảng!
Có một chùm tiếng gì đó rất lớn ở góc
phòng đã làm tôi bừng tỉnh. Thì ra có một con mèo nhảy bắt chuột đã làm đổ chồng
xoong nồi. Lòng đầy tiếc nuối và căm giận, tôi cầm chiếc chổi quật mạnh vào kẻ
phá rối tệ hại.
Mới ba giờ sáng, nhưng tôi không tài
nào ngủ lại được nữa. Nằm nhớ lại mọi chuyện, tôi tự giận mình vì thấy quá
hèn yếu. Gặp nhau đã mấy tuần mà chưa dám nói gì. Tôi hạ quyết tâm. Nhất định
ngày mai sẽ đưa cho em bài thơ, sẽ tuyên chiến với em. Nếu
không được thì cũng có làm sao! Có làm mất mát của ai cái gì đâu mà sợ!
Sáng dậy, tôi sốt sắng đi học hơn bao
giờ hết. Nhưng không hiểu sao đã đến giờ học mà em vẫn chưa tới. Tôi linh cảm
thấy một sự đổ vỡ tệ hại. Ngồi chép những thuật ngữ Y học (medical term)
khô xác, tôi ngán ngẩm vô cùng. Giờ ra chơi tôi ra ban-công hướng xuống phía
cổng và thấy em. Em đi muộn nên ngồi đợi, hết tiết mới vào. Hôm nay em mặc áo
pull quần jean, đầu đội chiếc mũ nhỏ như mũ trẻ con trông rất nghịch ngợm.
Phía sau có một luồng sáng lấm tấm như bụi vàng được lọc qua một tán cây lớn.
Niềm hy vọng lại trào lên trong tôi. Trái tim yếu đuối của tôi giội thình thịch
không ngơi trong lồng ngực chật hẹp. Khi em vừa vào chỗ ngồi cô bạn bác sĩ ngồi
cạnh hỏi:
- Sao bồ, hôm nay có chuyện chi mà đi
muộn vậy?
- Thằng con tớ đêm qua viêm phế quản
sốt cao quá. Nó hành mình không ngủ được. Cho uống thuốc đỡ rồi.
Tôi không còn tin ở đôi tai mình nữa.
Thật chua chát! Nếu tôi ngồi gần em từ đầu khoá học có lẽ không đến nỗi bẽ
bàng thế này; nếu tôi cởi mở, chan hoà với mọi người, có lẽ cũng không đến nỗi
mù tịt thế này. Rõ khỉ! Rất may là tôi chưa nói gì. Tôi chán đến nỗi không
thiết học tiếp buổi học ấy nữa. Tôi đột ngột đứng dậy ra về. Em ngạc nhiên hỏi
tôi:
- Nhà thơ hôm nay
sao lại về sớm vậy? Bài thơ tiếng Anh làm xong chưa cho Yên xem thử đi!
Tôi không làm sao mà trả lời được. Dường
như lần đầu tiên tôi được nghe em nói dịu dàng như thế. Tôi ậm ừ cho qua chuyện
rồi ra về. Tôi đạp xe ra đến cầu chữ Y thì dừng lại. Tựa vào lan can tôi nhìn
vô định xuống lòng sông. Tôi chợt nhớ đến thằng bạn nhà thơ kia. Tuy nó thơ
thẩn như vậy nhưng tính nó rất cụ thể, làm việc gì cũng rất chính xác, rất
khoa học. Còn tôi, đúng là đồ vô tích sự.
Tôi chợt hiểu, hoạt động bất kham của
trái tim đã khiến con người ta theo đuổi biết bao điều phù du, nhưng nó lại
chính là một phần tất yếu của cuộc sống.
1988
|