Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

XEM LẠI NHỮNG NÉT QUAN HỆ GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC KHI BIỂN ĐÔNG LẠI DẬY SÓNG


ĐÔNG LA
XEM LẠI NHỮNG NÉT QUAN HỆ GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC KHI BIỂN ĐÔNG LẠI DẬY SÓNG

Không ai muốn một tấc đất mà hàng ngàn năm Tổ Tiên ông cha ta đã đổ máu gìn giữ được, nhưng sức ta có hạn, không phải mọi thứ trong quá khứ đều đã được như ý. Năm 1956 khi Pháp bị ta đánh đuổi khỏi Việt Nam, trong bối cảnh ta chưa đủ khả năng để quản lý các vùng biển đảo, Trung Quốc đã chiếm cụm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến 1974, Việt Nam còn bị chia cắt, được sự thỏa hiệp của Mỹ, Trung Quốc đã đánh chiếm nốt toàn bộ cụm đảo phía Tây của Hoàng Sa mà phía Việt Nam Cộng hoà “quản lý”. Đối với Trường Sa, chúng ta là nước đầu tiên làm chủ cả một vùng biển đảo rộng lớn, nhưng với lực lượng hải quân nhỏ bé, chúng ta chỉ cai quản được ở một số đảo. Không chỉ Trung Quốc, năm 1971, Philippines đã lấn chiếm 5 đảo phía Đông Trường Sa, đến 1973, họ lấn tiếp hai đảo ở phía Bắc. Với Malaysia, cho đến năm 1979, họ đã chiếm 7 đảo phía Nam Trường Sa. Đặc biệt năm 1988, nhân cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, Trung Quốc đã đánh chiếm 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa. Như vậy hậu hoạ của các cuộc xung khắc để lại thật tai hại, nhất là với nước lớn sát vách như TQ, họ dễ dàng xâm lấn đất của ta, rồi dù có bình thường hóa trở lại, đòi những gì ta đã mất là rất khó, nhất là vùng hải đảo xa xôi, họ hoàn toàn có thể bịa ra căn cứ pháp lý chủ quyền.
***
Như vậy chúng ta để mất một phần biển đảo trước hết do sức của chúng ta và do bối cảnh cụ thể ở từng thời kỳ. Pôn pốt từng gây chiến cuối năm 1978, chỉ cần một tháng, đầu năm 1979, quân ta đã quét sạch bọn Khơ me Đỏ. Nhưng Trung Quốc lại không nhỏ như Cămpuchia, ngược lại, ta chỉ ngang với một tỉnh của họ thôi, nên không thể dùng một trận mà đòi lại được biển đảo. Còn giả sử ta có phép mầu tiến hành kháng chiến trường kỳ thắng được Trung Quốc thì đất nước cũng nát tan. Dọn nhà tránh hàng xóm đã khó còn dọn nước để tránh láng giềng là hoàn toàn không thể. Làm một trận đòi lại của đã mất cũng không được. Vậy chỉ có cách “sống chung với lũ” mà thôi.
Vấn đề biển đảo chỉ có thể dùng chiến lược ngoại giao mềm dẻo nhưng cương quyết để đối phó với TQ.
Với Trung Quốc, dù luôn hô khẩu hiệu hữu nghị, nhưng thực chất các nhà lãnh đạo của chúng ta chưa bao giờ tin Trung Quốc giúp ta một cách vô tư. Chính TBT Lê Duẩn là người rất sớm nhận ra chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và thể hiện bản lĩnh của VN trước họ. Theo ông Trần Quỳnh, Mao Trạch Đông từng hỏi ông Lê Duẩn: "Có phải Việt Nam đã đánh thắng quân Nguyên và quân Thanh không?" Lê Duẩn đáp: "Vâng, còn đánh thắng cả quân Minh nữa". Quân Nguyên là người Mông Cổ, quân Thanh người Mãn Châu, còn quân Minh chính là người Hán. Nói vậy ông Lê Duẩn tỏ ý Việt Nam không sợ TQ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc cũng không muốn ta thống nhất đất nước, luôn khuyên ta “kháng chiến trường kỳ”. Sau cuộc chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã ngại Trung Quốc khi can thiệp vào VN, nhưng khi Mao Trạch Đông nói: “Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi” đã làm yên tâm Mỹ, để rồi 1964 gây ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, chính thức tham chiến trực tiếp tại VN. Năm 1972, khi ta còn đang chống Mỹ, Trung Quốc đã  đón Nixon. Khi Chu Ấn Lai sang Hà Nội, ông Lê Duẩn nói: "Các anh mời Nixon sang thăm Trung Quốc chẳng khác nào các anh đâm một nhát dao vào lưng chúng tôi… Nhưng giải quyết vấn đề Việt Nam như thế nào là do chúng tôi tự quyết định lấy. Còn vấn đề có viện trợ hay không cái đó tùy các anh. Các anh viện trợ, chúng tôi sẽ thắng Mỹ. Các anh không viện trợ chúng tôi phải hy sinh nhiều hơn nhưng cũng sẽ thắng Mỹ". Sau Hiệp định Paris 1973, Trung Quốc vẫn muốn duy trì việc Việt Nam bị chia cắt. Ngay từ 1973 đã xảy ra những va chạm ở biên giới Việt – Trung và năm 1974, Trung Quốc đã chiếm nốt phần còn lại ở quần đảo Hoàng Sa. Ít người hiểu rằng kế hoạch tổng tấn công giải phóng miền Nam, chúng ta không chỉ giữ bí mật tuyệt đối với Mỹ, VNCH mà cả đối với Liên Xô và Trung Quốc.
Với cuộc chiến Biên giới 1979, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chính là chúng ta đã từ chối vào liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc, ngược lại ta lại ký với Liên Xô Hiệp ước: “Việt Nam và Liên Xô sẽ “tham vấn nhau ngay lập tức” nếu một trong hai nước “bị tấn công hoặc đe dọa tấn công … nhằm loại bỏ mối đe dọa đó”. Đại hội lần IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xác định Trung Quốc là “kẻ thù nguy hiểm và gần cận nhất”. Từng viện trợ cho Việt Nam trên 20 tỷ đô la, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, họ đã cho chúng ta là kẻ "vô ơn"! Từ đó, họ đã cắt viện trợ và xúi Khmer Đỏ xâm lược VN. Năm 1979, quân Trung Quốc trực tiếp tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Một lần nữa chúng ta lại đánh trả và đã chiến thắng, nhưng cuộc chiến cũng đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của khi đất nước chúng ta vẫn đang phải chịu hậu quả tàn khốc của chiến tranh lớn trước đó: tay trắng, nền sản xuất tiểu nông, khoa học công nghệ lạc hậu, nguyên vật liệu, quy trình sản xuất không có; Mỹ và phương Tây cấm vận, lại thêm chiến tranh hai đầu biên giới như vậy, còn phải tiếp tục đối đầu với Trung Quốc và ta cũng mất luôn chỗ dựa khi Liên Xô và cả hệ thống XHCN tan vỡ, cả hai miền đột ngột mất nguồn viện trợ lớn; dẫn đến nền kinh tế với siêu lạm phát kéo dài từ năm 1985 đến 1988 từ 500% đến 800%! Nước ta thực sự đứng trước bờ vực của sụp đổ và hỗn loạn. Chính vì vậy chúng ta buộc phải bình thường hóa quan hệ với TQ với đột phá khẩu chính là Hội nghị Thành Đô, để rồi sau hơn một năm, 1991, quan hệ Trung-Việt dần trở lại bình thường. Rồi sau đó ta cũng bình thường hoá quan hệ với Mỹ và v.v…
Như vậy, để đi tới thắng lợi cuối cùng trong hai cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, rồi việc bảo vệ thành quả cách mạng, giữ ổn định xã hội, xây dựng đất nước được như hôm nay, các thế hệ lãnh đạo của VN đã rất khôn khéo hóa giải biết bao những mâu thuẫn, đã vượt qua biết bao những hiểm nguy.
***
Tham vọng bành trướng bá quyền vốn không chỉ là “đặc sản” của riêng người Tàu mà là bản tính chung của cái giống người. Kẻ có sức mạnh dễ sinh tham lam. Nhưng sau bao cuộc chiến đẫm máu đã dẫn tới xu hướng của thời đại: đối thoại thay cho đối đầu, nước ta cũng đã thực hiện thành công chính sách ngoại giao đa phương. Nhưng chiến lược ngoại giao phải phụ thuộc vào thế và lực của ta, không phải muốn sao cũng được. Sai lầm trong đối ngoại là sẽ dẫn tới thảm họa, bất kể nước nào.
Trong chiến lược ngoại giao đa phương đó ta phải vì lợi ích đại cục bỏ qua những tiểu tiết khác biệt, những thiệt hại nhỏ, y như chấp nhận tác dụng phụ khi dùng kháng sinh trong Y khoa vậy. Mỹ, Anh, Pháp, Đức, v.v… họ quan hệ chính thức với Nhà nước VN nhưng họ vẫn khuyến khích, ủng hộ, cưu mang những kẻ bất hảo, phản trắc chống lại thể chế VN, nhưng không vì thế ta cắt quan hệ ngoại giao với họ. Trung Quốc cũng “kết nghĩa anh em” với VN nhưng vẫn tiến hành những hành động xâm hại VN. Nhưng để VN phát triển như hôm nay, quan hệ kinh tế với Trung Quốc lại đóng góp một phần rất lớn. Vì vậy cần hiểu rõ tham vọng của Trung Quốc để đưa ra những phương án ngăn chặn, phòng thủ, tránh những thiệt hại, trong đó việc nâng cao tiềm lực quốc phòng là quan trọng nhất. Nhưng có vẻ như nghịch lý ở chỗ tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với TQ lại đóng góp phần quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực quốc phòng đó chứ không phải là thái độ chống Tầu, thùng rỗng kêu to, gào thét trên trang mạng cũng như trên đường phố. Cũng như thời chống Pháp Kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã dùng tri thức học được ở Pháp chế tạo vũ khí góp phần quan trọng đánh thắng quân Pháp!
Giả sử Trời thương cho ta phép tiên để thắng thì đất nước cũng sẽ nát tan. Ngay chuyện chỉ cắt đứt quan hệ làm ăn thôi thì nền kinh tế VN đã thiệt hại nghiệm trọng. Theo số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2017, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Viêt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 73,3 tỷ USD và chiếm tỷ trọng hơn 20% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Và khi ở tình trạng đối đầu, độc chuyện dàn quân để phòng thủ biên giới hải đảo cũng tốn công, tốn của không kể xiết. Khi tối ngày đất nước lo phòng thủ thì cuộc sống người dân sẽ ra sao? Lúc đó VN sẽ ở vị trí nào ở biểu đồ phát triển? Vậy trước thực trạng quan hệ giữa ta và TQ hiện tại, VN cần hành xử sao đó để phát huy cái tốt, đưa ra biện pháp để hạn chế cái xấu, chứ không phải là thái độ điên cuồng chống TQ!
Vấn đề biển đảo vẫn còn nguyên đó. Ta tốt nhất vẫn là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Cuộc đấu tranh ngoại giao phải luôn kiên trì, không ngừng nghỉ, phải kiên quyết hỗ trợ và bảo vệ cho ngư dân bám biển. Còn không, “im lặng nghĩa là đồng ý”, nước ta sẽ vĩnh viễn mất biển! Nhưng cũng phải thực tế, làm sao hai bên cùng có lợi. Lực ta có hạn mà lại đòi mọi cái theo ý mình sẽ là ảo tưởng. Cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là luật pháp quốc tế. Thế giới sẽ ủng hộ ta không chỉ vì ta mà còn vì lợi ích của chính họ. Không ai muốn Trung Quốc bành trướng thành siêu cường, rồi có thể tùy tiện áp đặt mọi sở thích cũng như tham vọng của họ lên toàn thế giới.
Trong làm ăn, trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, hai bên cùng có lợi, nhưng ta phải luôn cảnh giác, tránh cái tâm lý cả nể, xuề xòa, đại khái của dân Việt ta. Dư luận từng e ngại chuyện nhà nước giao cho các doanh nghiệp TQ rừng đầu nguồn, các vị trí hiểm yếu về an ninh quốc phòng; mua công nghệ lạc hậu của TQ; chuyện nhận nhiều công nhân TQ để họ “gieo” giống; rồi những chiêu thức lạ mang nét “thâm” của người Tầu như mua sầu riêng non, lá mãng cầu, mua đỉa, móng trâu, v.v…
***
Về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra. Những người dân do nhận thức hạn chế thể hiện thái độ một cách cảm tính có thể thông cảm được. Nhưng chuyện ngoại giao giữa các nước không thể dựa vào tính sĩ diện hão cá nhân, anh hùng rơm, vĩ cuồng, ảo tưởng, đánh giặc miệng. Với những người trí thức, có cái nhìn sâu, bao quát, tất phải hiểu bài toán quan hệ với TQ là rất phức tạp. Lẽ ra cần phải giải thích cho quần chúng hiểu nhưng một số người cũng mang danh trí thức lại làm ngược lại, lại lợi dụng mọi chuyện để thể hiện sự chống đối vì những toan tính cá nhân, lợi dụng tâm lý ghét Tầu kích động dân chúng biểu tình, diễn tuồng trên phố như hề. Họ đúng là loại trí thức “chấy rận” như cộng đồng mạng đã gọi và thật đáng khinh bỉ!
TPHCM
21-8-2019
ĐÔNG LA