Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

GIẢI LAO CUỐI TUẦN


ĐÔNG LA
GIẢI LAO CUỐI TUẦN


Tôi đã viết bằng tiếng Anh xong cuốn sách mới và sửa xong, gần như viết mới cuốn cũ, về cơ sở khoa học cũng như những bằng chứng trong thực tế của việc sử dụng thực phẩm phòng chống ung thư. Thú vị ở chỗ khởi nguồn việc sử dụng thực phẩm trong bữa ăn để phòng chống ung thư xuất phát từ phương Đông nhưng hai cuốn sách của tôi lại giải thích cũng như dẫn chứng toàn bằng lý thuyết và những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của khoa học hiện đại xuất phát từ phương Tây. Để khoe, để “nổ” cho sướng mồm thì dễ, còn viết để đạt yêu cầu đăng bán trên Amazon thì đúng là mửa mật. Nhờ bạn Chương có kinh nghiệm chỉ cách sử dụng công cụ kiểm tra ngữ pháp, đạo văn, rồi đến chuyện trình bầy, vẽ bìa sách, v.v… tôi muốn tự mình làm hết nên mất khá nhiều thời gian. Hy vọng những cuốn sau quen rồi thì sẽ nhanh hơn.
Bây giờ là chiều thứ 7, buồn buồn muốn nói chuyện thơ thẩn một chút.
Đầu tiên, đang làm việc ở một viện nghiên cứu về Dược, gặp nhà thơ Anh Thơ rồi làm thơ, điều tôi quan tâm nhất là câu hỏi: Thế nào là thơ hay? Với độc giả thì dễ trả lời, người ta đọc thấy thích thì là thơ hay. Còn tôi, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó tôi đã trở thành luôn một hội viện của Hội Nhà Văn VN với tư cách là nhà phê bình, còn được tặng thưởng, giải thưởng về lý luận phê bình. Nhưng rồi đến hôm nay tôi lại thấy, thế nào là thơ hay có khi đến chính nhà thơ, nhà phê bình cũng không trả lời rành mạch được, vì nếu biết rõ, họ đã không làm thơ dở, tán tụng thơ sai.
Tôi nhớ câu duy nhất mà nhà thơ Anh Thơ dạy tôi hồi mới gặp có ý là “Cháu làm thơ không được giống ai”; rồi khi quen thân với nhà thơ Chế Lan Viên, tự nhiên tôi rất ấn tượng với việc ông diễn tả những ý tưởng bằng ngôn ngữ hình ảnh, và như vậy tất sẽ độc đáo, tất sẽ không giống ai như cô Anh Thơ nói với tôi. Điều này thì đến bây giờ tôi nghiệm ra chứ hồi đầu đọc 4 câu dưới đây của Chế Lan Viên tôi đã thích một cách hoàn toàn bản năng, hoàn toàn tự nhiên:

Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
Một đắp cho mình ở phía không em

Một tấm chăn mà có thể chia ra đắp được cho mình, đắp được cho “em” tận “vùng sóng bể” thì đúng là độc đáo, đúng là phải tài năng cỡ “cụ Chế” mới làm được thật. Bây giờ tôi hoàn hoàn có thể sửa 4 câu trên bằng cách diễn tả của người thường lẫn cách viết của những nhà thơ ở tầm… thường:

Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Gió Bấc về chắc nơi em lạnh lắm
Ở bên anh đủ nệm êm, chăn ấm
Vẫn lạnh lùng vì thiếu bóng em

Còn tôi, để viết “không giống ai”, trong các bài thơ của tôi không chủ ý mà tự nhiên cũng có rất nhiều hình ảnh chẳng giống ai, có nhiều người chú ý. Ví dụ như 4 câu tôi muốn diễn tả cái khoảng cách của tình cảm trai gái thuở mới “tán” nhau như thế này:

Em núp phía sau lưng mùa xuân
Cười khúc khích
Anh đứng chôn chân bất lực
Trước mặt vô cùng biển lạnh mùa đông.

28-12-2019
ĐÔNG LA