Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

VỀ SỰ SO GĂNG CỦA TRẦN ĐÌNH SỬ VÀ HỒ NGỌC ĐẠI


ĐÔNG LA
VỀ SỰ SO GĂNG CỦA TRẦN ĐÌNH SỬ VÀ HỒ NGỌC ĐẠI

Trong buổi đối thoại giữa nhóm tác giả bộ sách Công nghệ Giáo dục (CGD) và Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì. Tham gia buổi đối thoại còn có Chủ tịch các hội đồng thẩm định bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1, đại diện các cơ quan chức năng và báo chí. Buổi đối thoại thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. GS Trần Đình Sử nói:
 “Anh Đại là nhà toán học, nhà tâm lý học chứ không phải là nhà nghiên cứu về Văn học. Do đó, anh không hiểu môn Văn và môn Tiếng Việt. Môn Tiếng Việt không phải là một môn khoa học. Nó là một môn Ngữ văn trong nhà trường. Mục tiêu của nó là dạy cho các em không những đọc được chữ mà còn phải đọc hiểu cả một bài văn, làm được các bài văn bằng tiếng Việt”.
“Ý nghĩa về Tiếng Việt 1 của anh dạy ngữ âm, dạy từ,… là sai bét. Không một nhà khoa học nào chấp nhận được cách dạy như thế. Anh không hiểu gì về tiếng Việt”. “Tư duy của anh Đại là tư duy tự do” - GSSử nói. “Nhưng SGK đưa ra ngoài xã hội thì là sản phẩm của xã hội, phải được thẩm định bằng những cơ quan của xã hội. Việc anh không viết sách theo chương trình mới 2018, chúng tôi nhận ra ngay. Anh tuyên bố “Đã làm 40 năm rồi nên không sửa”, nhưng đến thời điểm này không phù hợp nữa và không đáp ứng được chương trình mới. Muốn đạt, anh phải sửa lại theo như yêu cầu chương trình".
Về những ý này GS Trần Đình Sử hoàn toàn trùng với ý của tôi về ông Hồ Ngọc Đại.
GS Trần Đình Sử đã có nhiều kỷ niệm với tôi. Hồi tôi còn trẻ, mới viết phê bình, chính ông đã nói với hai người bạn tôi hồi ấy là Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Hữu Sơn, ông đánh giá cao khả năng viết phê bình của tôi. Sau đó tôi và ông còn có thư từ qua lại, gặp nhau trực tiếp, ông luôn coi trọng khả năng viết phê bình của tôi.
Nhân chuyện vừa xảy ra, xin đăng lại hai bài về Hồ Ngọc Đại như biểu thị sự đồng tình của tôi với GS Trần Đình Sử.
3-1-2020
ĐÔNG LA

VỀ CÁI “CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC”
CỦA ÔNG HỒ NGỌC ĐẠI

Dư luận đang ồn ào về những thay đổi cách đánh vần rất “lạ” theo Chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của ông GS Hồ Ngọc Đại, trong đó “ấn tượng” nhất là việc đọc 3 chữ c, k, q đều là “cờ” để đánh vần. Người ta chia sẻ một video cô giáo lớp 1 hướng dẫn đánh vần theo ông Đại, chữ “qua” đọc là “cờ - oa - qua”.
“Ua” (giống trong tiếng “cua”) của chữ “qua” ở trên không thể đọc là “oa” (giống trong tiếng “hoa”) như vậy. Nếu đọc “q” là “cờ” thì chữ “qua” sẽ là “q” (cờ) “ua” thành “cua”; còn nếu “qu” là “cờ” thì “qu” (cờ) “a” lại thành “ca”.  Vì vậy chỉ có đọc “qu” là “quờ” như cũ thì “qu” (quờ) “a” mới thành “qua” mà thôi! Khi nói “cờ ua” học sinh sẽ dễ dàng viết là “cua” và “quờ a” sẽ dễ dàng viết là “qua”. Trong bảng chữ cái và cách phát âm, ông Đại đã bỏ đi âm “oa”, vậy âm “hoa” ông viết làm sao? Còn đọc như trên cho “ua” thành “oa”, vậy âm “cua” viết làm sao?
Trong một cuộc phỏng vấn, để biện hộ cho cách đọc chung “k” và “c” là “cờ”, ông Đại nói “phải đọc “cờ e ke” chứ sao lại “ka e ke”? Ông Đại không hiểu một đặc tính của ngôn ngữ là tính áp đặt, tính võ đoán của thói quen, của truyền thống, dần được hình thành từ mấy trăm năm; đọc “ka e ke” là “ka e ke” thôi, cũng như quy ước “k” ghép với “h” sẽ đọc là “khờ”, “n” ghép với “h” thành “nhờ”, v.v… vậy. Không thể hỏi tại sao như thế? Cũng như tiếng Anh không thể hỏi tại sao lại viết một đằng đọc một nẻo, cùng một chữ cái nhưng nhiều chỗ đọc khác nhau. Có những chữ viết khác, nghĩa khác nhưng đọc như nhau như “weight” (trọng lượng) và “wait” (đợi); “Sun” (mặt trời) và “son” (con trai). Có những chữ viết và đọc như nhau nhưng nghĩa khác nhau như “light” vừa là “nhẹ” vừa là “ánh sáng”.
Sự quy định đọc chữ “k” là “ka” xuất phát từ cách dùng ngôn ngữ rất phong phú trong thực tế chứ không phải là vô cớ, vô lý. Chỉ đọc “k” là “ka” mới phân biệt được với chữ c “cờ”, để khi đọc “ka y ky sắc ký” người ta dễ dàng viết thành chữ “ký” có ý nghĩa (như “ký kết”, “ký tên”) chứ không lẫn sang chữ “cý” vô nghĩa; cũng như đọc “ka inh kinh” sẽ viết được chữ “kinh” có nghĩa (“kinh sợ”, “kinh doanh”) chứ không phải chữ “cinh”; hoặc viết chữ “kiệt” (“keo kiệt”, “hào kiệt”) chứ không phải chữ “ciệt”.
Trong bảng chữ cái, ông Đại cũng bỏ đi chữ “ă” (âm “á”), vậy âm “khăn” (“khăn tay”, “khó khăn”) viết làm sao?  Ông cũng bỏ chữ â (âm “ớ”), vậy âm “chân” viết làm sao?
***
Dư luận từng nổi giận với việc ông Bùi Hiền đưa ra công trình quái thai cải tiến chữ viết không chỉ phản khoa học, phản thực tế mà còn nếu thực hiện sẽ huỷ diệt nhiều thứ tối quan trọng. Cả dân tộc sẽ thành mù chữ phải học lại; toàn bộ các tài liệu từ hiến pháp, luật pháp, v.v…; các tác phẩm văn học nghệ thuật; v.v… sẽ thành vô nghĩa nếu không chuyển đổi.
Đồng hành với  Bùi Hiền, hôm nay dư luận lại biết có Hồ Ngọc Đại cũng đã kỳ công đưa ra cái “công nghệ” trên.  Riêng chuyện đọc 3 chữ c, k, q là “cờ” ông Đại đã sai hoàn toàn như đã phân tích.
Vậy mà tít mù từ năm 1978, ông đã sáng lập ra một Trung tâm, nghĩa là đã mất 40 năm, để đưa ra cái “công nghệ” có nhiều sai sót đó. Kỳ lạ ở chỗ  trong năm 2013, Bộ GD&ĐT đã có quyết định cho phép cuốn Tiếng Việt 1 của ông được áp dụng đại trà.
Đất nước ta không phát triển nhanh được vì có quá nhiều người có danh tiếng, có địa vị quan trọng nhưng thực chất khả năng lại quá kém. Việc khả năng họ kém không nguy hiểm mà nguy hiểm ở chỗ họ lại quá ảo tưởng về mình, không chỉ đưa ra những sáng kiến nhố nhăng mà còn đi “đấu tranh” đòi thay đổi tùm lum, gây bất ổn xã hội rất nhiều!
Hồ Ngọc Đại là con rể cố TBT Lê Duẩn, nhưng ông cũng có mặt trong danh sách những người đã ký trong "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992", nghĩa là cũng muốn thay đổi cái chế độ mà nhờ nó ông ta thành giáo sư; năm 2009 ông cũng nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh của đám nhân sĩ Nguyên Ngọc, Chu Hảo!
Los Angeles
3-9-2018

ĐÔNG LA
HỒ NGỌC ĐẠI- NHÀ NGHIÊN CỨU
TÂM HUYẾT HAY KẺ PHÁ HOẠI?

Theo tin các báo:
“Bộ GD-ĐT cho biết, Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.
Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1- CNGD. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GD-ĐT). …
Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện…
Theo Bộ GD-ĐT, Tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số”.
***
Ta hãy xem vài ví dụ về cái “công nghệ” đánh vần của ông Đại.
Trước hết chúng ta cần phải hiểu “đánh vần” xuất phát từ việc các cháu lớp vỡ lòng chưa biết chữ nên các bậc tiền nhân mới phát minh ra cách đánh vần phù hợp để dạy các cháu học chữ.  Đó là việc phải đọc từng chữ cái để ghép thành một “vần” (một âm tiết), như chữ “uynh” phải đánh vần là u-y-nhờ “uynh”. Tất cả đã thành tri thức giáo dục ổn định, như thế hệ tôi học vỡ lòng từ đầu những năm 1960 hoàn toàn dễ dàng tiếp thu. Vậy mà ông Đại lại đưa ra cái "công nghệ đánh vần", biến đánh vần u-y-nhờ "uynh" thành u-ynh "uynh", nghĩa là không phải đánh vần, mà là ghép chữ “u” với chữ “ynh”.
 Đặc biệt chữ “iên” ông Đại đánh vần là i-a-nờ  “iên”. Ở đây ông ta đã tự ý đọc chữ “ê” thành âm “a”, rồi khiên cưỡng cố lái âm “an” thành “ên” để ghép với “i” ở trước thành âm “iên”. Với tất cả các chữ “ê” trong các “yên”, “iết”, “iếc”, “yêm”, v.v… cũng như vậy. Tương tự, ông Đại cũng đọc chữ “ô”, chữ “ơ” thành âm “a”.
Ông Đại cần phải hiểu cách đọc chữ cái là quy ước, như chữ “ê” phải đọc là “ê” chứ không thể đọc là “a”, tất cả đã được dần hoàn chỉnh từ bao đời, đã trở thành thói quen, thành tập tục, thành tri thức và văn hoá. Rồi một chữ nghĩa như thế phải là như thế, không ai có thể hiểu nghĩa khác được. Như viết “ông GS Đại” là chỉ “ông GS Đại”, không thể hiểu thành một “tên đạo tặc”, “tên phá hoại" được.
 Nhưng với việc ông Đại tự ý đọc chữ “ê”, chữ “ô”, chữ “ơ” thành âm “a” thì đúng là có thể coi ông là một kẻ phá hoại những gì đã thuộc về tri thức ổn định của tiếng Việt.
Vậy mà Bộ Giáo dục từ bao đời, bao nhiêu cục, vụ, viện; bao nhiêu GSTS, v.v… ngốn biết bao tiền thuế của dân, đã không nhìn ra những sai lầm hiển nhiên của ông Đại, ngược lại lại kết luận là “đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1”! Thật ngao ngán thay cho nền giáo dục VN!
Los Angeles
8-92018
ĐÔNG LA