Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

NHỚ VỀ MỘT THỜI ĐẦY SÔI ĐỘNG


ĐÔNG LA
NHỚ VỀ MỘT THỜI ĐẦY SÔI ĐỘNG

Tôi hay mời những người bạn ở ngoài TPHCM đến chơi với tôi “chén” ở quán “Cháo vịt Thanh Đa”; con cái ở xa về hoặc chủ nhật nhà chỉ có hai vợ chồng ngại nấu cơm, thỉnh thoảng tôi cũng dẫn tới “Cháo vịt Thanh Đa”; vì nó là nơi “ăn được” và đặc biệt nó đã ghi dấu những khoảnh khắc nhớ đời của tôi. Chính cái đề tài mà tôi được giao giải quyết, tôi kể trong truyện “Bài Toán”, đã diễn ra tại một xí nghiệp của công ty đóng ở Dĩ An, Bình Dương. Hồi ấy tôi và ông Công (người phụ giúp tôi) đi làm ở Dĩ An hay ghé vào quán “Cháo vịt Thanh Đa” khi nó mới chỉ là một cái quán lá. Bây giờ nó đã như một xí nghiệp sản xuất cháo lừng danh.
            Trong truyện “Bài Toán”, vì là văn chương nên tôi chủ tâm viết về số phận con người và những vấn đề của xã hội là chính chứ không thể viết sâu về chuyên môn phức tạp và khô khan được. Nhưng trong thực tế, hiểu và giải quyết được những vấn đề trục trặc của công việc mới là quan trọng. Công việc chỉ là việc trộn bột nhôm với bột phốt pho đỏ cho vào “lò” phản ứng (lò đúng theo nghĩa đen, được xây bằng gạch chịu lửa), mồi lửa cho phản ứng tạo AlP (Phốt phua Nhôm) xảy ra. Phản ứng dữ dội cháy sáng như lửa que hàn. Để AlP nguội, trộn phụ gia, dập thành viên thuốc là xong. Viên thuốc khi sử dụng sẽ hút ẩm sinh ra khí Phốt-phin (PH3) cực độc diệt sâu mọt để bảo quản kho tàng. Cơ quan thành lập cả một ekip, đủ kỹ sư bách khoa, kỹ sư hoá, nhưng tôi chỉ giữ lại ông Công, một cán bộ trung cấp biết việc, và khoảng 20 chục công nhân. Làm ra mẻ AlP đầu tiên, ông Công cho vào một thùng phuy, đập nắp lại, để hôm sau làm tiếp. Ai ngờ sáng sau chúng tôi đến nó nổ tung cả mái tôn xưởng sản xuất. Tôi thầm nghĩ, “Không đùa với lửa được, coi chừng mất mạng!” AlP là chất không bền, hút ẩm trong không khí sinh ra khí Phốt-phin (PH3). PH3 là chất khử cực mạnh, gặp o xy trong không khí là cháy nổ. Người ta sang cả Đức học tập kinh nghiệm cũng không làm được. Trong công thức của viên thuốc, ở Đức người ta cho vào chất Các ba mát A môn, chất hút ẩm sinh ra CO2 và NH3 là hai chất chống cháy, nhưng ở ta cho Các ba mát A môn vào y như vậy nó vẫn cháy nổ. Đơn giản là vì khí hậu ở ta nóng ẩm hơn ở Đức, và như vậy, theo lý thuyết đúng là ở ta không thể làm được. Đó là lý do đã hơn 20 năm, có người chết, người bị thương, nhưng vẫn chưa có ai làm được việc đó.
            Công việc đến tay tôi, tôi nhanh chóng hiểu bản chất vấn đề, chính vì hiểu sâu sắc nên tôi đã đưa ra cách giải quyết đơn giản đến ngạc nhiên. Những người không làm được nhưng sĩ diện bĩu môi: “Làm thế thì có gì đâu?!” Không dám so tầm vóc với Einstein nhưng chuyện của tôi có nét giống với chuyện của Einstein. Khi ông đưa ra Thuyết Tương đối hẹp cũng có nhiều người nói “Có gì đâu?” Vì thực tế, trước Einstein  người ta đã tính toán và làm thực nghiệm hết cả, chỉ có điều người ta không thể lý giải được sự mâu thuẫn của những kết quả đó với những tri thức hiện có. Einstein đã dám công nhận những kết quả phi lý đó và lý giải bằng cách thay đổi những tri thức hiện có. Và rồi thực tế đã kiểm chứng và công nhận Eintein đúng. Với Thuyết Tương đối hẹp, Einstein không làm gì trước mà vẫn vĩ đại là vì thế.
            Còn cái việc của tôi tôi thấy không thể giải quyết được bằng lý thuyết hoá học mà phải bằng lý học. Trong công thức viên thuốc có chất parafin (nến) là chất kết dính, người ta thường nấu chảy, phun cho ngưng thành bột, trộn vào hoạt chất để dập viên. Tôi bảo ông Công hơn tôi gần chục tuổi:
            -Ông Công ơi, ông rang AlP lên cho tôi!
            Ông Công sợ:
            -Rang nó nổ thì sao?
            -Ông cứ rang đi, nổ tôi chịu!
            -Tôi chết rồi, Hùng chịu thì được gì!
            Tôi phì cười, đã biết công việc 20 năm nhưng ông này vẫn chưa hiểu, AlP nó hút ẩm sinh ra PH3 gây nổ chứ rang nóng nó không nổ như thuốc nổ. Tự tay tôi đã rang AlP lên rồi quẳng những tảng parafin vào ngoáy như nấu cám heo. Ông Công bảo:
            -Hùng làm thế viên thuốc không còn hút ẩm được sao mà sử dụng?
            -Trước mắt mình cứ “giam” nó lại cái đã, nếu không nó nổ, tôi với ông chết mất tiêu rồi còn đâu mà nghiên với cứu!
            Tuy nói vậy nhưng trong đầu tôi đã hình dung, parafin bao những hạt thuốc lại như những quả bong bóng nhỏ, khi dập viên chúng sẽ “bẹt” ra và vẫn có thể hút ẩm và viên thuốc sẽ có công dụng như thường. Thực tế đã diễn ra đúng như tính toán của tôi.
            Đó là tư tưởng chủ đạo để tôi giải quyết vấn đề dù rằng để có sản phẩm sau cùng tôi còn phải “chế” ra nhiều cách thức buồn cười khác nữa và phải kéo dài đến 3 năm mới hoàn thiện được một dây chuyền sản xuất.
            Khi cơ quan mang đề tài đi thi sáng tạo KHKT, tôi phải trình bầy trước một hội đồng giám khảo hơn 10 ông GS và PGS mà ông chủ tịch chính là Bùi Ngọc Thọ. Hồi tôi đi học, ông chính là trưởng Khoa Hoá, cũng chính ông đã dạy buổi học đầu tiên ở trường đại học của tôi. Tôi nhớ ông nói, trường Tổng Hợp không dạy nghề cụ thể như trường Bách khoa, chỉ dạy lý thuyết, mà lý thuyết thì rất cao, sâu và rộng lớn, nếu ai tiếp thu được thì sẽ có công cụ sắc bén để có thể khám phá nhiều lĩnh vực tri thức khác”. Hồi tôi vào đại học, bị gián đoạn do đi bộ đội 5 năm, học chương trình ngoài Bắc có 10 năm lại học cùng bọn học sinh Sài Gòn học chương trình 12 năm rất cao ngày xưa, nhiều cái mình chưa biết thì chúng nó đã thuộc lòng cả; bọn bộ đội như tôi thì được luyện thi và học hơn tôi 1 năm, còn tôi thì tự luyện thi, đậu thì đi thẳng từ rẫy trồng ngô của đơn vị đến giảng đường. Tôi lại có máu nghệ sĩ, học kiểu tài tử chứ không “chăm ngoan”. Vì vậy hồi đi học tôi chỉ học “khá” bình thường chứ không phải xuất chúng. Vào đời hoàn toàn khác, đi học được điểm kém vì không thuộc bài thì vào đời ta vẫn có thể được điểm cao vì tha hồ “quay cop” tài liệu. Có những vấn đề cuộc sống đặt ra không sách nào có cả thì nhiều học sinh dù “học giỏi, chăm ngoan” cũng chưa chắc giải quyết được mà để giải quyết cần phải có sự sáng tạo. Cái việc của tôi có lẽ đúng như vậy. Và rồi xem chừng dù hồi đi học tôi không phải là “trò giỏi chăm ngoan” nhưng vào đời tôi lại là số rất ít học sinh làm được đúng như lời thầy trưởng khoa đã tâm sự trong giờ học đầu tiên. Trình bầy đề tài dự thi xong, ông GS Nguyễn Công Hào ở Viện Hoá, Viện KHVN, ôm lấy tôi bảo : “Nếu tôi có quyền sẽ trao ngay cho anh cái bằng TS mà không cần bất cứ thủ tục nào cả!” Cuối cùng cái đề tài của tôi đó đã được trao giải cao nhất của cuộc thi, và tôi còn được lên cả tivi, lên báo, cái điều thực ra tôi không màng tới thì lại được. Dường như cái gì số phận đã định thì không thể khác được. Còn cái việc tôi máu đi thi văn chương, tác phẩm nhiều người khen rối rít, giải thưởng nằm nửa trong túi rồi, tưởng chắc chắn được giải thì cuối cùng lại không, dù sau mấy chục năm đăng lại tác phẩm đó, rất nhiều độc giả vẫn xuýt xoa!

2-1-2020
ĐÔNG LA