Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

VỀ Ý KIẾN CHIỀU “VONG” CỦA LÝ THUYẾT DÂY CỦA MỘT VIỆN SĨ


ĐÔNG LA

VỀ Ý KIẾN CHIỀU “VONG” 
CỦA LÝ THUYẾT DÂY
CỦA MỘT VIỆN SĨ

Một người bạn tâm đắc bài viết của ông Nguyễn Xuân Xanh về Lý thuyết Dây và đã gởi cho tôi. Tôi xem rồi trả lời: “Bài của ô Nguyễn Xuân Xanh với tôi là không hay, lan man và hơi "hươu vượn". Ông ấy chưa nói được điều quan trọng nhất là tại sao các nhà phát minh cho rằng phần tử nhỏ nhất của vật chất là dây chứ không phải hạt.  Ông ấy viết: "dây được làm bằng không gì cả" là sai, làm những người không hiểu vật lý hiểu lầm”.
Lý Thuyết Dây là lý thuyết khoa học cao nhất muốn nhận thức trọn vẹn về tự nhiên, có nhiều hứa hẹn nhưng không biết bao giờ và có thể hoàn thành được không? Tôi đã viết đôi nét về Lý thuyết Dây, xuất phát từ một cuộc tranh cãi về ngoại cảm, nay sửa cho gọn và đăng lại.
5-2-2020
ĐÔNG LA

Theo một nhà báo, GSVS Đào Vọng Đức nói:

Thuyết đại thống nhất sẽ là học thuyết của mọi thứ. Một phương hướng hiện nay được xem là có nhiều triển vọng để xây dựng thuyết Đại thống nhất là Lý thuyết Dây… Trong lý thuyết Dây, nhất thiết phải có các trường "Vong" (ghost) giữ vai trò chủ chốt trong các cấu trúc, chỉ đạo chi phối tương tác nhưng lại không xuất hiện một cách tường minh.

Lý thuyết Đại thống nhất lượng tử trong không - thời gian 11 chiều sẽ bao gồm cả 4 loại tương tác trong vũ trụ. Vậy thì ngoài không gian 4 chiều như chúng ta vẫn hiểu thì còn không gian nào nữa? Về lý thuyết, vật thể vi mô… chuyển động không theo bất cứ một quỹ đạo xác định nào, có nghĩa là chúng có thể chuyển từ vị trí này sang vị trí khác theo vô số con đường cùng một lúc. Cũng như vậy, vật thể vi mô có thể cùng một lúc có mặt tại vô số vị trí khác nhau, cùng một lúc ở vô số trạng thái khác nhau. Thế giới huyền bí mà các nhà ngoại cảm tiếp cận được chính là thế giới vi mô này”.

Tôi học hóa, nghiên cứu hóa học chứ không nghiên cứu vật lý, nhưng tôi có thể khẳng định GSVS Đào Vọng Đức nói chưa chuẩn cả về Lý thuyết Dây lẫn tâm linh. Nhưng cái sai của ông là cái sai về nhận thức trước một vấn đề quá khó.

Xin viết lại đôi chút cho rõ hơn vấn đề vật lý mà GS Đào Vọng Đức nói.

Vật lý hiện đại có hai cột trụ là thuyết Tương đối rộng nghiên cứu cái cực vĩ và Cơ học lượng tử nghiên cứu cái cực vi, cả hai đều đúng trong thế giới của mình. Nhưng theo nhà vật lý Brian Greene, một trong các nhà bác học hiện đang nghiên cứu Lý thuyết Dây, một thuyết Đại thống nhất, trong cuốn “Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ”, đã viết:

“Tuy nhiên, trong những điều kiện cực đoan, khi mà các vật có khối lượng cực lớn nhưng lại có kích thước cực nhỏ, chẳng hạn như ở gần tâm của các lỗ đen hay toàn bộ Vũ trụ ở thời điểm Big Bang, thì để hiểu được, chúng ta cần phải dùng cả thuyết tương đối rộng lẫn cơ học lượng tử. Nhưng cũng giống như khi trộn thuốc súng với lửa, khi chúng ta thử tổ hợp cơ học lượng tử với thuyết tương đối rộng, thì sự kết hợp đó mang lại những tai biến ghê gớm. Khi những phương trình của hai lý thuyết đó được kết hợp với nhau, thì nhiều bài toán vật lý được đặt rất nghiêm chỉnh lại cho những đáp số vô nghĩa. Sự vô nghĩa này thường có dạng là một tiên đoán nói rằng xác suất (tính theo cơ học lượng tử) của một quá trình nào đó không phải là 20% hay 73% hay 91% mà lại là vô hạn. Làm thế nào mà xác suất lại có thể lớn hơn 1, chứ chưa nói tới chuyện bằng vô cùng? Chúng ta buộc phải đi tới kết luận rằng có một điều gì đó đã sai một cách nghiêm trọng”. 


  Ông cho biết, theo lý thuyết dây, trong tận cùng cấu tạo vật chất, "có những cái nhảy nhót trong các sợi năng lượng như sợi dây dao động của cây đàn cello, tạo ra các phần tử khác nhau, tạo nên thế giới vật chất".
Nhưng vào những ngày đầu của lý thuyết dây, các nhà vật lý phát hiện ra rằng một số tính toán cho xác suất âm, nghĩa là cũng không chấp nhận được. Với một quyết tâm sắt đá, các nhà vật lý tìm kiếm và đã tìm thấy nguyên nhân. Trong một vũ trụ có ba chiều không gian (có quảng tính), một dây có thể dao động theo ba hướng độc lập nhau, nhưng chúng không chỉ dao động theo các chiều lớn có quảng tính rộng mà còn có thể dao động theo các chiều nhỏ bị cuộn lại (như tiết diện một sợi tóc). Những tính toán chứng tỏ rằng, nếu các dây có thể dao động theo chín hướng không gian độc lập, thì tất cả các xác suất âm sẽ bị triệt tiêu hết. Và như vậy, để cho lý thuyết dây trở nên có ý nghĩa, vũ trụ cần phải có 10 chiều không gian và một chiều thời gian. Như vậy có 7 chiều phụ cuộn lại vô cùng nhỏ mà mắt thường không thấy. Chúng là các dạng hình học đan xen dầy đặc, gấp lại và uốn vào nhau theo những cấu trúc như mô phỏng Clabi-Yau:
Có điều thú vị là các chiều phụ lại có triển vọng có thể giải thích được trị số khoảng 20 hằng số vật lý mô tả vũ trụ đã hiển nhiên được công nhận trước nay, như khối lượng phân tử, electron, quack…, mà nếu sai khác một ly vũ trụ không tồn tại. Giống như các nốt nhạc của cây kèn Pháp tùy theo kiểu cuốn của cây kèn, hình học của kiểu dây dao động cũng sẽ tạo ra các giá trị vật lý trên.

Như vậy chiều phụ của lý thuyết dây cuộn lại vô cùng nhỏ, không phải là “trường vong” như ý của GS Đào Vọng Đức.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy được ánh sáng mặt trời ngay trong không gian thường dù chúng là những chùm photon, sản phẩm của những quá trình vi mô trong phản ứng hạt nhân của mặt trời, chứ không có mắt ai có thể nhìn thấy thế giới vi mô mà đến các kính hiển vi siêu hiện đại cũng chưa thấy được. Vì vậy, GS Đào Vọng Đức nói: “Thế giới huyền bí mà các nhà ngoại cảm tiếp cận được chính là thế giới vi mô này” thì thật khó mà có lý.

Còn theo một số tài liệu, linh hồn khởi thủy là những điểm linh quang được “chiết ra” từ Đại Linh Quang (thái cực), đã xuống cõi trần là trái đất đầu thai, rồi bị luân hồi theo nghiệp như kinh Phật dạy. Vậy linh hồn là một sinh thể năng lượng, nhưng có bước sóng ngoài vùng mắt trần nhìn thấy; chỉ những người tu luyện đắc đạo, đạt lục thông, hoặc người được khai mở do biến cố nào đó, mới thấy được. Nhưng họ thấy ở ngay không gian của chúng ta như người thường nhìn thấy ánh sáng mặt trời chứ không phải ở những chiều phụ cuộn lại vô cùng nhỏ của Lý thuyết Dây.

1-2-2019

ĐÔNG LA