Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

ĐÔI LỜI TÂM SỰ NHÂN VTV1 CHIẾU PHIM VỀ NHÀ THƠ ANH THƠ


ĐÔNG LA
ĐÔI LỜI TÂM SỰ NHÂN VTV1 CHIẾU PHIM VỀ NHÀ THƠ ANH THƠ


Hôm qua với tôi đúng là một ngày ngụp lặn trong những kỷ niệm văn chương. Buổi trưa dự một cuộc liên hoan như đã kể, chiều tối trên VTV1 lại chiếu chương trình “Người từ bến sông Thương”, một bộ phim tài liệu kể lại cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nhà thơ Anh Thơ, người thuộc phái nữ được Giải Hồ Chí Minh Văn chương đầu tiên. Người dẫn chuyện là Cẩm Thơ, con gái bà. Cô Anh Thơ đối với tôi là cả một trời kỷ niệm. Năm 1981 tôi ra trường làm ở Viện Công Nghiệp Dược, ngay năm sau đó, 1982, một anh bạn học tên là Trường đã dẫn tôi đến chơi nhà một đồng hương chính là Nhà thơ Anh Thơ. Gần như cô đã mở toang cánh cửa đẩy tôi vào con đường văn chương. Cô bằng tuổi mẹ tôi (sinh năm 1920), mối quan hệ giữa tôi và cô thân thiết như mẹ con trong suốt một khoảng thời gian rất dài, có lẽ phải gần 20 năm. Cái tên ĐÔNG LA cũng xuất phát từ việc cô bảo tôi phải nghĩ ra một cái bút danh, tôi bảo “Cháu muốn tên làng cháu được in lên báo” vì thế mà độc giả biết có một cái tên ĐÔNG LA.
Nhưng cả cuốn phim khá dài trình chiếu trên VTV1 không hề có bóng dáng cái “thằng” ĐÔNG LA nào cả. Tôi chợt liên tưởng đến chuyện cái nhóm đang chống Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng nó bươi móc đủ thứ để suy diễn, nhằm “xoá sổ” ông! Như chuyện trong hồi ký ĐT kể trước khi đi chỉ huy đánh Điện Biên Phủ, Bác Hồ hỏi Đại tướng còn băn khoăn gì, ĐT trả lời mặt trận xa xôi, nhiều chuyện cần cấp tốc xử lý mà không thể báo cáo Bác và TW được. Bác nói: “Tướng quân tại ngoại. Giao cho chú toàn quyền xử lý…”. Chúng cho chuyện này là quan trọng nên nhất định Bác Hồ phải viết ra, vậy mà chúng lục tìm tất cả các tài liệu không thấy có, chứng tỏ VNG đã bịa đặt để tranh đoạt hết công của đồng đội. Một vị lãnh tụ sáng lập cả một nước, hàng ngày Bác từng nói biết bao câu quan trọng, làm sao chắc nếu có, Bác phải viết ra câu nói với ĐT Võ Nguyên Giáp trên? Một chuyện không chắc mà họ dám tuỳ tiện suy diễn ra những chuyện động trời như vậy. Xúc phạm ĐT Võ Nguyên Giáp là xúc phạm một phần lịch sử VN, ngành tuyên giáo và ngành thông tin phải có trách nhiệm xem xét.
       Quay lại chuyện của tôi, nếu suy diễn đểu theo kiểu nhóm “chống Võ Nguyên Giáp”, cả bộ phim dài kể về sự nghiệp nhà thơ Anh Thơ mà không có bóng dáng tôi, chứng tỏ tất cả những gì tôi đã viết liên quan đến cô Anh Thơ là bịa hết!. Với ĐT Võ Nguyên Giáp chỉ là một khoảnh khắc, khó có bằng chứng, còn tôi với mối quan hệ trong khoảng thời gian khá dài tất phải có những hình ảnh, bút tích chứng minh, dù trong bộ phim không có tôi thì những chuyện tôi viết vẫn hoàn toàn là sự thật, một sự thật mà nếu bộ phim đưa vào thì cuộc đời và sự nghiệp của cô Anh Thơ chắc chắn sẽ đầy đủ và hay hơn. Độc chuyện cô phát hiện, khuyến khích, giúp một tiềm năng văn chương trẻ trở thành một nhà văn như tôi bây giờ cũng là một công trạng và việc làm rất có trách nhiệm và cao đẹp của một nhà văn đi trước.  
Gặp cô Anh Thơ, đầu tiên tôi làm thơ rồi viết văn, đến khi cuốn hồi ký “Từ bến Sông Thương” của cô bị bà bạn là Bùi Bội Tỉnh “đánh”, tôi đã viết bài bênh vực cô và đó cũng chính là bài phê bình đầu tiên của tôi. Cô đã khóc và quý tôi đến mức nếu tôi làm theo một ý của cô, cô sẽ cho tôi tất, từ nhà cửa, xe cộ, tủ lạnh, và tivi mầu 14 in, cái mà lần đầu xuất hiện rất quý. Tôi nói với cô là “Cháu không thích!” Thiên hạ thường bảo tôi “hâm” có lẽ vì những ứng xử kiểu như vậy.
Dù không nghe cô nhưng cô vì thấy tôi “có tài quá” như lời cô nói: “Cô đã gặp và góp ý cho nhiều thế hệ nhà thơ nhà văn, có người về sau còn nổi tiếng hơn cả cô như Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương,…, nhưng cô thấy chưa có ai thông minh như cháu!”; thậm chí có lần cô còn nói khiến tôi ngạc nhiên: “Nếu mày chịu khó sau này có khi mày còn giỏi hơn cả Chế Lan Viên đấy!” Cô đã làm mọi cách giúp tôi thành công trong văn chương. Cô viết thư giới thiệu tôi đến với vợ chồng văn chương lừng danh Chế Lan Viên-Vũ Thị Thường; Nhà Văn Nguyễn Khải; Nhà thơ Hoài Anh, v.v… Về cuối đời, cô lại nói nếu tôi làm một việc, cô sẽ cho tôi cả nhà ở Hà Nội, tôi sẽ thành con lo chuyện thờ cúng về sau. Tiếc là tôi không thể làm theo lời cô, cô đã giận, nên ngày cô mất tôi đã hoàn toàn không biết!
       Đến nay có lẽ chưa được như ý, chưa được đời đối xử công bằng nhưng tôi đã không phụ công cô Anh Thơ và Chú Chế Lan Viên, hai người đã hết lòng vì chuyện văn chương của tôi. Tôi đã 4 lần được giải thưởng, tặng thưởng của các trung tâm văn chương của đất nước. Cơ quan to nhất là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN trao giải thưởng tác phẩm lý luận phê bình; TC Văn nghệ Quân đội, ngày xưa như một pháo đài văn chương ghê gớm, hai năm liền, 1997, 1998, trao tôi tặng thưởng tác phẩm xuất sắc nhất hàng năm về thơ và lý luận phê bình; 1986, tôi được giải thơ trong cuộc thi của Hội Nhà Văn TPHCM, mà người đề nghị trao giải chính là Chế Lan Viên. HNV TPHCM là hội địa phương, nhưng là một trung tâm vì hồi trước có rất nhiều nhà văn hàng đầu VN sinh hoạt như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, v.v…
       Tôi không nổi tiếng kiểu thông thường như hay lên đài báo, mà trong giới văn chương, có lúc tôi không phải nổi tiếng mà là “khét tiếng”! Như hồi 1997-1998, tôi cùng anh trai đến TC Văn nghệ Quân đội, ông anh ngạc nhiên thấy toàn đại tá nhà văn xúm vào tôi, nhà văn Nam Hà ôm lấy tôi: “Đông La đây à!” Có lẽ tôi là nhà văn duy nhất được nhà nước “giành” in tác phẩm, chỉ đạo cho Hội Nhà Văn in tác phẩm của tôi, được một hội đồng của “trung ương” tổ chức buổi “gặp mặt nhà văn Đông La!”. Có lẽ tôi cũng là nhà văn duy nhất mà nửa năm trời báo Văn nghệ TPHCM đăng liên tục các bài chính luận của tôi.
       Như vậy, nếu một người như tôi có mặt trong bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của Nhà thơ Anh Thơ, chắc chắn bộ phim sẽ đầy đủ và hay hơn. Nhưng tôi biết thực tế sẽ không bao giờ có chuyện “viễn tưởng” đó. Vì không bao giờ ta có thể bắt người khác trung thực, bắt người khác và cả xã hội công bằng với mình được. Nhưng tôi hoàn toàn không có một chút lăn tăn nào cả, chỉ xúc động và viết đôi câu chia sẻ tâm tư về cả một khoảng thời gian vào đời trĩu nặng những kỷ niệm, sau khi xem một bộ phim về một nhân vật có liên quan mật thiết đến cuộc đời mình. Theo Đạo Phật, phúc phận ta nhận được đều do nghiệp. Nếu đương kiếp ta gieo nhiều gặt ít tất sẽ còn của để dành, ngược lại những người gặt nhiều gieo ít, ăn lạm, tất phải gánh nợ, như tài văn chương một mẩu nhưng lại được thổi thành vĩ đại thì kiếp sau sẽ chỉ đi ăn mày thôi!
1-3-2020
       ĐÔNG LA