Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

NHỮNG ẤN TƯỢNG VỀ THƠ THÁI THĂNG LONG

 ĐÔNG LA

NHỮNG ẤN TƯỢNG VỀ
THƠ THÁI THĂNG LONG


    Cách đây 20 năm, tôi có viết một bài về thơ của Nhà thơ Thái Thăng Long sau 20 năm gặp anh, in trong cuốn “Biên độ của trí tưởng tượng” (NXB Văn học). Đọc lại bài viết, thấy 20 năm trước tôi đã viết về tình bạn của Thái Thăng Long với Phú Quang như cách đây ít ngày tôi vừa viết. Anh Thái Thăng Long vừa mới đi dự đám tang anh Phú Quang ngoài Hà Nội về, có gọi cho tôi.
    Hôm nay xin đăng lại bài viết 20 năm về trước, giữ nguyên đến 99%, cũng như tình cảm của tôi dù có chuyện gì thì với gia đình anh cũng giữ nguyên y như vậy.

15-12-2021
ĐÔNG LA

Năm 1981, học xong, tôi được về làm việc tại một viện nghiên cứu và được phân một mẩu phòng 14 m2 như cái bao diêm ở khu tập thể của viện. Trong khu tập thể ấy tôi thấy có một người đàn ông hơn tôi dăm tuổi, dáng thư sinh, trắng trẻo, đặc biệt có cái thần thái là lạ. Sau đó thì tôi hiểu được ngay, bởi anh là một nhà thơ, là Thái Thăng Long.
Thoắt cái đã hai mươi năm trôi qua, Thái Thăng Long làm công việc biên tập, anh vẫn đều đều cho ra những tập thơ, còn tôi không ngờ rằng mình cũng lại làm thơ và đã chấp nhận một cuộc sống tự do, ba chìm bảy nổi. Và để không bị cuộc đời đè bẹp, tôi đã được anh giúp cho những việc quan trọng, vì vậy, giữa tôi và anh có một tình cảm, không chỉ bạn văn chương mà là tình cảm gia đình.
Với Thái Thăng Long, bài thơ “Chiều Phủ Tây hồ” là bài quan trọng, nó có những câu thật đẹp:
        Hồn ta lọc trong vàng nắng
Gió Tây hồ thổi suốt mái rêu phong
Bài thơ giờ đây đã thành nổi tiếng, bởi nó đã được nhạc sĩ tài danh Phú Quang, bạn anh, phổ nhạc. Sự kết duyên giữa âm nhạc và thi ca đã tạo ra được những hiệu quả thật lớn lao. Chính âm nhạc đã chắp thêm đôi cánh cho thơ ca đến nhanh hơn và rộng hơn với mọi người.
Đến nay chỉ riêng thơ, Thái Thăng Long đã cho in ra 7 tập, có những tập rất dầy dặn. Anh làm từ hồi chiến tranh, nhưng có cái lạ, thơ anh có nét riêng không giống với những người xuất hiện cùng thời, có phải vì thế thơ anh đã không được chú ý bằng thơ họ chăng?
Nét chung nhất của thơ Thái Thăng Long đó là lối viết ấn tượng nhòe mờ. Đó là lối viết không chú ý lắm đến sự liền mạch của ý tứ, câu chữ cũng không rõ nghĩa, chỉ mang tính khơi gợi. Ai đó muốn tìm được những gì rành mạch nơi thơ Thái Thăng Long sẽ khó. Thơ anh phải đọc trong những lúc bình tâm, thanh thản, lúc ấy những bài thơ như những bức tranh vẽ những khoảnh khắc của ánh sáng, của cỏ cây, của tâm trạng, của tình yêu, của những nỗi ước muốn và những nỗi suy tư. Tất cả nhạt nhòa nhưng lấp lánh sáng.
Tập thơ đầu: “Đánh thức những tiềm năng”, anh chưa thể hiện được nhiều nét riêng của mình, nhưng cũng có những câu khắc họa rất sống động về những người đồng đội của anh, những người lính đặc công:
Đêm tiền nhập chọn vắng trăng sao
Trời mù sẫm đen như mực
Đêm tiền nhập thắt lưng đầy thủ pháo
Chân đất mình trần hoà vào đất, vào đêm
Tập thứ hai, Ám ảnh, anh đã bắt đầu có nét riêng. Những câu thơ anh đã không tuân theo logic đời thường mà theo logic của cảm xúc:
Thế là muộn
Em chẳng còn đợi nữa
Chim sẻ rừng trốn về núi bên kia
Vầng trăng sáng
Thành vầng trăng ám ảnh
Đêm hoang sơ cô độc ngày hè
Anh cũng có những câu thơ rất đẹp:
Biển đa sầu ướt vầng trăng lên
Thuyền xa bến
Lòng người không xa bến
Anh cũng có những câu thơ có độ khái quát cao và hàm súc:
Ngôi nhà đẹp cô đơn trong vườn rộng
Em cô đơn trong sắc đẹp mê hồn
Quyền lực cô đơn giữa bốn bề tham vọng
Núi cao cô đơn giữa thác lũ mưa tuôn
Từng là một người lính nên trong hòa bình, những nỗi ám ảnh về cuộc chiến khốc liệt luôn hằn sâu trong ký ức anh:

Cả đời ta ám ảnh bởi những cánh rừng
Ấy là những cánh rừng bom rơi và chết chóc
Cả đời ta ám ảnh bởi bạn mình
Ấy là bạn ta đã hy sinh
Dù gốc Hà Nội, sống ở Sài Gòn, nhưng Thái Thăng Long vẫn có một miền quê ở đâu đó mà tuổi thơ đã gắn bó:
Làng vẫn nghèo mẹ ta vẫn xanh xao
Vó tôm tép vật vờ nơi mương máng

Rồi:

Tuổi thơ ta mũi thò lò bắt dế đuổi trâu
Ta mơ màng làng của ta thật giầu
Đường xe chạy rải toàn sỏi đỏ
Điện thắp sáng không tối mù trước ngõ…
Ta mơ làng giầu như những giấc mơ
Tập thơ Chiều phủ Tây Hồ, tập thơ rất đậm chất nhòe mờ của thơ anh. Có 1ẽ bởi tập này anh chủ yếu viết về tình yêu, về những kỷ niệm. Mà đặc trưng của tình yêu, của kỷ niệm chính là tính mơ mộng, tính lãng mạn, tính thần tiên. Anh Hoài Anh khi viết xong bài giới thiệu tập thơ nói với tôi: “Thái Thăng Long nó viết câu này cũng thi sĩ lắm:
Sóng vỗ mãi con thuyền câu lộng gió
Mưa chiều nay như thể không mưa.
Quả thật, đã mưa lại còn như thể không mưa, chỉ có cái nhìn của thi sĩ mới như vậy thôi.
Những câu sau đây của anh cũng rất ngộ:
Em cộng tình yêu
Chỉ giành cho nhau trọn vẹn nửa mùa
Nước mắt dồn vào
Chưa bằng một chén nước mưa
Tính nhoè trong thơ anh thể hiện rõ nhất trong những câu sau:

Ta đếm mùa hạ từ những nụ hôn
Ta đếm tuần trăng bằng chiều bay của lá
Ta đếm giấc mơ như mùa chín quả
Ta đếm sự ra đi bởi những xác ve sầu
Tất cả những ngôn ngữ chỉ là những mảnh ý thức, những dấu vết ấn tượng bảng lảng trong ký ức, gợi nên một nỗi bâng khuâng, một nỗi buồn man mác về những kỷ niệm.
Vào tuổi năm mươi, năm 2000 này, Thái Thăng Long lại cho chào đời một tập thơ rất dầy dặn khác, tập Thời gian huyền thoại. Tập này, anh viết nhiều thơ về gia đình và thơ tặng bạn bè. Như cũng có tuổi theo người, thơ anh trong tập này cũng giàu tâm trạng hơn.
Anh viết về người mẹ mới mất, mà giờ anh chỉ có thể gặp được trong mơ, trong thơ thôi:
Rét giá này
Anh nhận những giấc mơ thấy mẹ
Anh tâm sự với người vợ vẫn ngày ngày tần tảo vì gia đình, vì anh, vì thơ anh:
Nhịp chày như nhịp tim mình thảng thốt
Anh tâm sự với con mà như nói với chính mình:
Con bước sang
Vầng chói chang ngày mới…
Những đám mây mùa thu đã níu chặt cha rồi
Bao bài thơ từ non ngàn xa lắm.
Còn đây là một nỗi ao ước chất chứa bao tâm trạng:
Vơi đi điều gian dối
Vơi đi sự dửng dưng
Thời gian huyền thoại trong thơ anh chính là thời gian của sự chiêm nghiệm suy tư:
Phía sau con người điều không dễ thấy
Phía sau những hào hoa bóng nhoáng
Phía sau phía sau những mặt nạ vô hình
Cuộc đời xoay
Có trăm nghìn mặt nạ.
Theo thời gian ấy, tiếng chuông chùa như cũng khác đi:
Rưng rưng tiếng chuông chùa xa lắc.
Và, trong dòng chảy cuộn xiết của cuộc đời, hành trình của thi ca vẫn thầm lặng chảy miên man, trong đó “Con thuyền mỏng manh lạ thường” của anh cũng mãi rong ruổi, với một hành trình vô cùng tận , không bao giờ ngừng nghỉ, ở giữa:
Hư và thực
Bến chờ bến tới
TPHCM 3-2000
ĐÔNG LA