VĂN NGHỆ CUỐI TUẦN
TRỞ LẠI MÁI TRƯỜNG SAU 30-4-1975
Một ngày 30-4 sắp lại đến, lại gợi cho tôi nhớ về biết bao kỷ niệm. Chiến tranh máu đổ, đầu rơi càng ác liệt bao nhiêu thì trong ngày chiến thắng niềm vui càng lớn lao bấy nhiêu. Vậy mà có những kẻ phản bội cho là “nỗi buồn”! Chỉ có hoà bình về, người ta mới lại có những ước mơ, những hoài bão, và chính tôi là một người trong số đó. Tôi đã kể lại những ngày trở lại trường đại học trong phần cuối cuốn sách “Những dấu vết không phai” mà anh Thái Thăng Long hồi làm biên tập ở NXB TRẺ đã giúp tôi xuất bản không mất tiền. Không ngờ cuốn sách được báo Tiếp thị điểm là bestseller; được lên HTV trả lời phỏng vấn cùng Nguyễn Nhật Ánh; biếu Nhà văn Nguyễn Khải ông bảo “đọc đi rồi lại phải đọc lại”; một lần anh Thái Thăng Long đưa cho tôi một cuốn băng bảo: “Một thư viện ở HN có tổ chức cho NXB Trẻ giao lưu với độc giả nhí, cuốn sách của mày được khen đấy”, tôi xem băng thì thấy một cô bé nói: “Tại sao người ta lại có thể viết ra được những chuyện hay như thế?”; v.v…
Hôm nay cuối tuần, lại giải trí văn chương, sắp đến 30-4, xin trích đăng vài đoạn trong cuốn sách và một bài thơ. Bạn facebook từng học cùng tôi sẽ không biết Liên, một nhân vật trong mẩu chuyện, là ai. Quả thật tôi có viết vài chi tiết về một cô bạn trong lớp nhưng vì là sáng tác phải hư cấu cho thành một đại diện, những hình ảnh lung linh của các nữ sinh viên SG sau ngày Giải phóng 30-4-1975.
24-4-2022
ĐÔNG LA
Kỳ thi vào đại học
Hòa bình về, trong niềm vui chiến thắng lớn lao, ở trong tôi có một phần không nhỏ ước mơ được trở lại trường đại học.
Dạo ấy tôi đã được chuyển lên ban tham mưu của một trung đoàn mới được thành lập. Đơn vị tôi đóng quân ở Biên Hoà, bên một trường cấp III, nên không một buổi chiều nào tôi không dán mắt vào cái không khí sôi nổi của những buổi tan trường, vào những tà áo trắng tinh khiết tuôn ra các ngõ phố.
Rồi tôi đã trải qua một kỳ thi vào đại học tại trường Phan Sào Nam, ngã bảy, SG. Tôi thi khối A Toán, Lý, Hoá, và môn Hóa quả thật đúng là môn sở trường của tôi. Khi thầy giám thị mới đọc lướt đề thi, tôi đã phấn chấn vô cùng. Làm bài, mới hết có nửa thời gian, tôi đã làm xong đề thi. Ngồi không biết làm gì, tôi đã xin phép ra ngoài rửa mặt mũi tay chân, rồi trở lại chỗ ngồi ung dung xem lại bài. Thấy lạ, người cán bộ coi thi, sau tôi biết là một sinh viên khoa Địa chất, đã đến kiểm tra ngăn bàn xem tôi có mang tài liệu vào coi cop không, và tất nhiên anh không thấy gì cả. Tôi đã nộp bài thi trước sự ngạc nhiên của cả các cán bộ coi thi lẫn các thí sinh trong phòng. Khi tôi ra về, anh sinh viên giám thị đã tiễn tôi ra cửa và nói:
- Tôi rất mong và tin là sẽ được gặp lại anh trong trường Đại học Khoa học của chúng tôi.
Và rồi điều đó đã trở thành sự thật. Về lại đơn vị, tự tính toán kết quả bài thi, tôi tin là mình sẽ đậu.
Sau kỳ thi, tôi đã được về phép gặp lại quê hương thân yêu của mình. Tôi đã mang theo về một niềm tự hào của một người đã vượt qua được những thử thách nghiêm ngặt, thử thách khốc liệt trong chiến tranh và thử thách về trí tuệ của kỳ thi vào đại học. Tôi đã được gặp lại cha, mẹ và anh, em. Ông nội tôi đã mất, nhưng tôi tin là mình đã làm hài lòng ông. Đêm đêm, tôi đã lần tìm từng gốc cây nhãn, gốc cây ổi… để gặp lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi đã giở lại những trang vở, mà bên cạnh những công thức toán học, có cả những bức vẽ xe tăng, máy bay và những ông tướng ngực đầy huân chương ngày nào…
Những năm dưới giảng đường
Năm đầu tiên của đời sinh viên, chúng tôi không học tại Sài Gòn mà học ở “làng đại học” trên Thủ Đức. Trước đó, mỗi lần đi xe trên xa lộ ngang qua khu đồi, không khi nào tôi không dõi mắt về phía những tòa nhà trắng lấp lóa ánh nắng. Cái không gian đầy vẻ biệt lập ấy luôn đánh thức trí tò mò của tôi. Không biết cuộc sống ở đó diễn ra như thế nào nhỉ?
Thế rồi, sau khi làm xong các thủ tục chuyển từ quân đội sang trường học, tôi đã được đến tận cái nơi mà tôi luôn coi là thiên đường ấy.
Ngày đầu, nhìn những triền đồi toàn sỏi trắng, sỏi đỏ và những tảng đá ong lỗ chỗ mà trên đó thường chỉ có lúp xúp những cụm sim, mua và những cây cỏ hoang dại, tôi cảm thấy vẻ hoang sơ ấy dường như lại tôn lên cái không khí vừa trang nghiêm vừa sôi nổi trẻ trung của sinh viên đại học. Chỉ ít năm sau đó, khuôn viên nhà trường và những vùng lân cận, từ bàn tay sinh viên, những hàng cây sum suê đã mọc lên. Tất cả những gì bề bộn của cuộc đời thường đã được màu xanh ở đây, không khí ở đây thanh lọc, chỉ để lại những gì thuộc về công việc học tập, công việc tìm đến những quy luật vô cùng phức tạp của tự nhiên, của cuộc sống con người.
Chúng tôi ở ký túc xá, còn học thì ở một căn phòng trên lầu bốn ở khu giảng đường. Tôi ngồi ở đầu dãy bàn gần cuối lớp, một bên là Liên – cô gái Sài Gòn - còn một bên là khung cửa sổ luôn mở ra trước mắt tôi khung cảnh mênh mông trù phú, xen lẫn màu xanh trùng điệp là những tòa nhà, những ống khói, tháp nước nhấp nhô của huyện lỵ Thủ Đức.
Giờ học đầu tiên của cuộc đời sinh viên của tôi là giờ Hóa Cấu tạo. Giảng viên là thầy Thọ, chủ nhiệm khoa, một người mập mạp, giản dị, giọng nói hơi khó nghe, và có nét chữ đặc biệt xấu. Thầy đã tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại trường đại học Tổng Hợp Kishinov, Liên Xô. Thầy nói với chúng tôi:
- Trước khi vào học, tôi xin nói với các em một số điều. Trường Tổng Hợp là một nơi đào tạo về các ngành khoa học cơ bản. Với khối lượng kiến thức khổng lồ của loài người, nếu ta cứ giảng dạy chi li, đi từ đầu đến cuối mọi vấn đề, thì thầy trò chúng ta có sống đến mấy đời cũng không làm nổi. Vì lẽ đó, cách giảng dạy, học tập ở đây chủ yếu là truyền cho mỗi người phương pháp suy luận, phương pháp nghiên cứu, để từ một khối lượng kiến thức có hạn, mỗi chúng ta có thể độc lập đi sâu, đi xa hơn trong khoa học… Ở các nước phát triển, trường Tổng Hợp quốc gia chính là bộ mặt khoa học của đất nước. Như trường Lômônôxôv của Liên Xô chẳng hạn. Nó chính là nơi đào tạo ra phần lớn các nhà bác học của cả đất nước Xô Viết. Trong đội ngũ giáo sư giảng dạy có nhiều nhà bác học lỗi lạc, có cả những người được giải thưởng Nôben.
Chúng tôi chú ý lắng nghe như uống từng lời của thầy. Sau đó thầy bắt đầu giảng bài. Thầy giảng về những nét chung của sự phát triển Thuyết Cấu tạo Nguyên tử. Từ mẫu nguyên tử của Tômson đến mẫu của Rutơfo của Bo, và sau cùng là sự xác định hình dạng nguyên tử theo lý thuyết cơ học lượng tử. Từ những giả thuyết ban đầu rất đơn giản, thô sơ, qua bao khó khăn, từng bước, từng bước, các nhà bác học vĩ đại đã dùng ánh sáng trí tuệ của mình, soi vào cõi sâu thẳm, cõi vô cùng tận của vật chất.
Sau ít ngày bỡ ngỡ, rạo rực của buổi ban đầu, tôi đã bước vào cuộc sống thực sự của một sinh viên. Cái vẻ thơ mộng đã được thay ngay bằng những sự vật lộn trước những trang sách, những bài toán. Cùng một lúc tôi phải làm quen với một loạt thuật ngữ mới: Entanpi, entropi, toán tử, hàm số sóng… Một giờ học ở đây, có khi dài đến hàng chương sách, mà toàn là những vấn đề hắc búa. Nhiều lần tôi đã thấy bất lực khi muốn tìm hiểu ngọn ngành một điều gì đấy.
Một điều thật oái oăm cho tôi: cô bạn Sài Gòn mới mười tám tuổi lại học rất giỏi. Dường như đối với Liên chuyện học hành chẳng có gì là khó khăn cả. Mà cũng không chỉ có Liên, tất cả bọn sinh viên SG đứa nào học cũng rất giỏi. Có những vấn đề thầy vừa nêu ra, tôi còn chưa hiểu một chút nào, chúng nó đã giơ tay nhao nhao, tranh luận với nhau và với cả thầy giáo nữa. Tôi đã tự hỏi: Phải chăng họ đều là những thiên tài, hay tại tôi, sau những năm quân ngũ gian khổ, hiểm nguy, sau những trận sốt rét đến rụng tóc, vàng da, cái thông minh sắc bén ngày nào đã cùn đi? Nhưng rồi dần dần tôi đã tìm ra được câu trả lời chính xác: chương trình phổ thông hệ mười hai năm trước ở MN đã giúp cho học sinh khi lên đại học tiếp thu kiến thức khoa học thuận lợi hơn nhiều so với chương trình hệ mười năm ở ngoài Bắc mà chúng tôi đã học.
Chả mấy chốc năm thứ nhất qua đi, và tôi cũng đã vượt qua được tất cả các kỳ thi, khi nhìn vào bảng điểm tổng kết, tôi lại ngạc nhiên về kết quả của chính mình.
Thế là từ đó tôi bắt đầu tự tin hơn. Tôi cũng biết, trong cái kết quả ấy có một phần không nhỏ sự giúp đỡ của Liên. Liên đã cho tôi mượn rất nhiều sách: sách giáo khoa, sách giải những bài tập mẫu, mà trong đó, Liên thường dùng bút chì mầu tô lên những định lý, những công thức quan trọng. Chính công việc học tập đã dần dần lấp kín cái khoảng cách về cuộc sống cũng như về kiến thức giữa một anh lính mà tóc còn khét mùi khói súng với một nữ sinh Sài Gòn còn hoàn toàn xa lạ với những gì là gian khổ của cuộc đời.
Thú thực, mỗi chiều tan lớp, nhìn Liên thanh thản cắp sách đi trên con đường sỏi đỏ có gió nhẹ thổi bay bay mái tóc xõa ngang vai và vạt áo trắng, lòng tôi đã trào lên niềm xao động. Tôi đã đặt bút viết những vần thơ đầu tiên, những câu chữ bóng bẩy đẹp đẽ, chất chứa những tâm sự của mình.
Rồi thoắt cái năm năm học cũng qua mau, chúng tôi phải làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp. Chúng tôi đã tổ chức một buổi liên hoan cuối khóa, có đầy đủ tiệc mặn, ngọt và múa hát đàng hoàng.
Ngồi nghe tốp ca nữ hát bài hát tự biên của một thằng bạn, tôi rất xúc động:
Như đàn chim tung cánh
Chúng ta bay đến những phương trời xa…
Đúng thực, rồi chúng tôi sẽ như một đàn chim bay đến khắp các phương trời của Tổ quốc. Liệu chúng tôi có vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống và trên con đường nghiên cứu khoa học đầy khó khăn mà chúng tôi đã lựa chọn hay không?
TP.HCM – 9 – 1986
HOÀNG HÔN YÊN TĨNH
1983, lần đầu tiên tác phẩm của tôi được in trên báo Văn nghệ TPHCM, chính là bài thơ tôi làm về năm học đại học đầu tiên tại Thủ Đức, vui mừng không sao kể xiết. Cảm thấy như có một cuộc đời mới của mình vừa được sinh ra.
Không phải hoàng hôn có giăng kín hạt mưa mù
Nhớp nháp con đường rừng hoang vu lầy lội
Không phải hoàng hôn bước hành quân gấp vội
Chưa đặt ba lô đã lo tìm củi nấu cơm
Ôi nhớ quá em ơi bao nhiêu hoàng hôn!
Những ngưỡng cửa của ngày vào đêm yên tĩnh
Những lúc ở bên anh những người lính
Cột đạn, cột ba lô, vác súng lên đường
Làm sao quên những hoàng hôn mù sương
Thăm thẳm rừng xanh nỗi nhớ nhà da diết
Chiến trường gần, chiến trường xa biền biệt
Vai áo trận sờn, ngồi khâu vá trong đêm
Nay trong làng đại học bên em
Yên tĩnh quá hương hoàng hôn dịu ngọt
Gió thổi bay tóc mai đụng má anh bất chợt
Anh bồi hồi ngắm em tạc trong đêm
Hôm nay trong không gian bình yên
Anh muốn kể về bao nhiêu đồng đội
Những người có tình yêu còn nhiều người chưa hiểu nổi
Về trong lòng đất âm thầm gửi cả lại hôm nay.
Làng Đại học Thủ Đức