Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

TRANG THƠ CHIẾN TRANH CỦA ĐÔNG LA

 TRANG THƠ CHIẾN TRANH CỦA ĐÔNG LA


Hôm qua tôi nhận được một email:
Kính gửi Nhà phê bình Đông La, Nov 11, 2022, 12:04 AM (1 day ago).
Tôi xin gửi tới Ông link bài viết về tác giả Nguyễn Đăng Điệp, hiện là Viện trưởng Viện Văn học, đạo văn tràn lan của nhiều tác giả, công trình.
Dự kiến ngày 24/11/2022 này, Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình của tác giả Nguyễn Đăng Điệp, gồm 4 cuốn… Trong đó, đến nay đã phát hiện có … đạo văn nghiêm trọng.
Tôi xin gửi link các bài báo… Tôi tha thiết mong mỏi Ông thẩm định, xem xét các chứng cứ trong các bài một cách khách quan và có thể chia sẻ, có Thư ngỏ hay văn bản chính thức kiến nghị được gửi đến các lãnh đạo Nhà nước để giải thưởng về khoa học và công nghệ cao quý không còn những trường hợp yếu kém, sai phạm thế này…”
Tôi đã viết khá nhiều về Nguyễn Đăng Điệp. Khi Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch HNV VN, để đồng bộ với việc chọn Chủ tịch Hội đồng Thơ là Inrasara, người sáng tác và ủng hộ sáng tác loại thơ núp bóng tinh thần Hậu Hiện đại để chống phá, lật đổ thể chế, thì Thiều cũng chọn Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình là Nguyễn Đăng Điệp, người từng là giám khảo cho Luận văn của Nhã Thuyên điểm 10, một luận văn ca ngợi tinh thần chống phá, lật đổ chế độ của Nhóm Mở Miệng.
Nguyễn Đăng Điệp, đương kim Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, một người không chấm nổi một cái luận văn, sao làm tròn được cái trọng trách Viện trưởng Viện Văn Học? Vì vậy, Nguyễn Đăng Điệp chỉ bu theo dàn đồng ca của những Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Thiều, Lại Nguyên Ân, v.v… nhai lại những tư tưởng đổi mới văn chương sai trái của Nguyên Ngọc đã nhả ra từ mấy chục năm về trước, ca ngợi Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, v.v... Là Viện trưởng Viện Văn học mà Nguyễn Đăng Điệp hoàn toàn không nhận ra những sai trái tày trời của văn Nguyễn Huy Thiệp, trong đó có những chuyện khiến cả Trần Độ lẫn Nguyên Ngọc bị mất chức.
Nguyễn Huy Thiệp là người từng “nôn mửa vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc”, không chỉ viết truyện phản lịch sử, phản đạo lý mà còn thất đức, bất nhân khi viết truyện cho việc BS phụ sản mang xác thai nhi về nấu cho chó, cho lợn ăn là “chẳng quan trọng gì”, và biện minh chuyện bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con buồi”; v.v…
Theo “tiêu chuẩn” trong lời của TBT Nguyễn Phú Trọng thì Nguyễn Đăng Điệp đúng là thuộc phần tử tham nhũng chính trị tư tưởng, tham nhũng danh tiếng!
Và cái Tổ chức Hội Nhà Văn VN hiện thời với Chủ tịch là Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội đồng Thơ là Inrasara, Chủ tịch Hội đồng LLPB là Nguyễn Đăng Điệp, thời gian qua còn có chuyện ồn ào là nữ thi sĩ Dạ Thảo Phương tố cáo kẻ cưỡng bức tình dục cô chính là Lương Ngọc An, hiện cũng là Ủy viên BCH Hội Nhà Văn VN, và từng là Phó TBT Báo Văn nghệ. Tôi đã đề nghị Hội Nhà Văn VN nên đổi tên thành Hội Ung nhọt Việt Nam cho đúng với sự thối tha, bẩn thỉu, độc hại và nguy hiểm của nó thì đúng hơn.
Tôi đã trả lời email là “sẽ có ý kiến”, còn hôm nay lại cuối tuần rồi, lại giải trí văn chương, đăng mấy bài thơ.
Tôi đã làm khá nhiều thơ, có vần, không vần, dài, ngắn đủ cả. Tôi thấy để hay thì làm thơ nào cũng khó. Thơ dài đòi hỏi thi sĩ từng trải, nhiều vốn sống, sức viết, còn thơ ngắn để hay xem chừng còn khó hơn, đòi hỏi tài hoa của thi sĩ cao hơn, bởi chỉ có 4 câu thôi, phải có bút lực cao cường sao đó mới có thể khiến độc giả chú ý, đồng cảm, và thấy hay.
Còn hôm nay, tôi muốn đăng lại mấy bài thơ viết về chiến tranh.
Chiến tranh là điều vô lý nhất nhưng đã, đang và sẽ còn xảy ra. Có điều lo ngại là chiến tranh không chỉ do Chủ nghĩa Thực dân và Đế quốc gây ra mà còn do sự suy thoái, biến đổi của một xã hội. Ở Ukraina sau đảo chính 2014 đã có khuynh hướng chống lịch sử Liên Xô, chống người Nga, xin vào NATO để chống cả nước Nga. Đó chính là nguyên nhân khiến TT Nga Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt để chống “phát xít” hoá ở Ukraina. Và rồi, Ukraina dù có “chiến thắng” thì đất nước đã nát tan, người chết không thể sống lại được.
Với Việt Nam, mừng là chiến lược ngoại giao của ta không sai lầm như Ukraina, nhưng lo là xã hội ta cũng có sự suy thoái, biến đổi, có khuynh hướng phản lịch sử, chống thể chế, phản trắc y như ở Liên Xô trước tan vỡ, và như ở Ukraina trước cuộc chiến hôm nay.
Chiến tranh là huỷ diệt, là máu đổ, là thịt nát, xương tan, là đau thương khôn nguôi, tôi đã viết những câu thơ về chiến tranh với tư cách là người trong cuộc.
12-11-2022
ĐÔNG LA
BIA MÒN
Nghĩa trang mẹ thường đến thăm con
Khắc trong tim hình dáng ấy mãi còn
Có phải thời gian trôi mòn bia đá?
Hay bia đá mòn bởi nước mắt mẹ tuôn?

LẠI VẪN CHIẾN TRANH

Đã hai mươi năm ta ra khỏi cuộc chiến tranh
Vẫn có đêm mơ bị bao vây, săn đuổi
Vẫn mơ thấy bạn bè thuở 19 tuổi
Máu chúng mày làm bỏng đất Miền Đông!
Nhưng sao chiến tranh vẫn nơi này, chiến tranh
vẫn nơi kia?
Đêm đêm trên màn hình vẫn ùng oàng đạn nổ
Đàn ông, đàn bà, cụ già, em nhỏ…
Mặt đất này máu nóng hổi vẫn loang!
Vẫn cứ như ngày nào vô lý thế chiến tranh!
Trái Đất nhỏ nhoi vẫn ngày ngày sinh ra kẻ ác
Đến bao giờ mới hết đi cơn khát?
Dù máu đổ ra đã triệu triệu con người!
Bỗng lại vang lên, vang lên bất ngờ
Căn phòng nhỏ lại ùng oàng đạn pháo
Chiến tranh ở đâu mà màn hình như ướt máu?
Tôi vội vàng cầm ngay giẻ đi lau!
10-1995
(Tập Đêm thiêng)

CHIẾN TRANH! SỰ VÔ LÝ
NÀO NHƯ THẾ?
Sau nhiều năm
Những người lính Mỹ trở lại Việt Nam
Đi tìm mộ những người mình giết
Tìm gặp những người vợ mất chồng
Mẹ mất con
Và sững sờ thấy những giọt nước mắt mãi tuôn chảy
Sau nhiều năm
Những người lính Mỹ trở lại Việt Nam
Còn bộ đội ưu tú của Việt Nam được chọn đi thăm Mỹ
Những kẻ thù ngày nào giờ gặp lại nhau hoan hỉ
Rồi nồng nhiệt ôm nhau
Và ân hận
Và tha thứ
Và hứa hẹn
Chắc cũng sẽ vậy thôi
Những Serbi, Bosnia
Những Russia, Chesnia
Những tôn giáo, những mầu da…
Còn bây giờ thì họ đang bận
Khạc lửa vào đầu nhau!
30-6-1995
(Tập Đêm thiêng)

ĐÊM ĐẮP MỒ BẠN TRONG RỪNG
Tưởng nhớ Khu, Thinh

Tưởng như đất không muốn nhận về lòng mình
Người lính trẻ chưa đầy 19 tuổi
Lưỡi cuốc chúng tôi bật trên đá sỏi
Đêm rừng sâu mưa rơi giọt ngậm ngùi
Những nhát cuốc làm đau nhói tim tôi
Đời trai trẻ chưa từng chôn người chết
Nay lại đi chôn thằng bạn thân thiết
Mưa ướt đất rừng, Khu ơi lạnh lắm không?
Chúng tao chôn mày đầu gối phương Nam
Trên mảnh đất súng mình vừa ran nổ
Còn mặt hướng về ngôi sao Bắc Đẩu
Quê hương chúng mình ở phía ấy Khu ơi!
Rừng Miền Đông 1974
Viết năm 1983

TUỔI THƠ

Tôi sinh ra khi đất trời vừa tạnh chiến tranh
Tưởng mỗi tế bào trên cơ thể đều mang vết thương của cha trên đất Điện Biên bỏng khét
Tưởng mỗi niềm vui, mỗi nỗi đau đều có dấu vết chờ trông ngày nào của mẹ
Tiếng khóc chào đời có sạm màu khói đạn bom?
Chở nặng kỷ niệm thơ ngây dòng sông nhỏ thân thương
Gốc đa già buông râu rễ lòng thòng trên mặt nước
Chiếc vó bè nhà ai đêm ngày mài miệt
Dưới trăng hè vẩy cá sáng lung linh
Nhớ những chiều đầy gió heo may cưỡi trâu giữa cánh đồng
Nhìn đàn chèo pheo đen tuyền về đậu kín rặng tre đầu ngõ
Hương cốm dâng khi mờ khi tỏ
Đàn vịt bầu lạch bạch góc bờ mương
Rồi tôi đến trường trong một sáng thiêng liêng
Kiến thức đầu tiên ông giáo trao cho là con số 1(*)
Có phải mày là khởi đầu của bao điều không hở con số 1?
Như chiếc gậy thần tôi vịn dọc đời đi
***
Cha còn nhớ không lần đầu tiên con được điểm 10 môn toán?
Như mố trụ đầu bắc những nhịp cầu vui
Con kiêu hãnh suốt một thời thơ bé
Trang vở xinh mở rộng những khoảng trời
Tâm hồn thơ ngây trải ra như khoảnh đất
Ông giáo già gieo vãi hạt sớm hôm
Tay nâng niu từng mầm chồi kiến thức
Như nâng niu từng hạt ngọc thiêng liêng
Như đứa trẻ mới tập đi lẫm chẫm trong khu rừng bí ẩn
Mỗi bài toán đơn sơ giống một cuộc ú tim
Cái ẩn số cứ chập chờn phía lùm cây trước mặt
Đốt đèn lên con lóng ngóng đi tìm
“Con sau này phải thành kỹ sư, bác sĩ
Cha sẽ cho học hết các lớp trên đời”
Ôi ước mơ của người nông dân chân tay vàng cáu
Con sẽ sống suốt đời trong mệnh lệnh ấy cha ơi!
***
Nhưng bỗng một chiều cả trời xanh vỡ vụn
Mái ngói đỏ tươi lả tả sân trường
Hàng phi lao mảnh bom thù chém gục
Sông quằn lên những cồn sóng đau thương!
Thương chiếc bảng đen mảnh bom găm rách nát
Khung trời vuông ngã gục dưới chân tường
Cái điểm 10 tròn xoe cũng bị thương trên trang vở
Khói đốt trường cay đến muôn phương!
Nhưng chiến tranh là gì con chưa thể hiểu?
Chỉ tiếc màu lá rêu phủ sạm màu áo trắng học trò
Chỉ khó chịu trên đầu chiếc mũ rơm nặng trịch
Tiếng kẻng liên hồi chặt khúc bài giảng thầy cô!
Con lại đến với ngôi trường sơ tán
Bốn bờ tường như bốn ụ đất lom khom
Cô vá lại cho con cái ước mơ rách nát
Vết nứt trên cây lại nảy những chồi non./.
Viết năm 1989 tại TPHCM