Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

NHỚ VÀI CHUYỆN NHÂN ÔNG NGUYỄN XUÂN PHÚC “THÔI CHỨC”

 NHỚ VÀI CHUYỆN NHÂN ÔNG NGUYỄN XUÂN PHÚC “THÔI CHỨC”

Cái điều không chỉ làm cho bọn chống chế độ chê bai, diễu cợt mà còn khiến những người yêu chế độ nhất cũng phải nản chí, đó là việc những người tài đức không xứng đáng nhưng lại được bầu làm lãnh đạo. Đến đâu, thuộc lĩnh vực nào, họ cũng phát biểu chỉ đạo, vì vậy mà đã để xảy ra những chuyện rất buồn cười; đặc biệt có những sai phạm rõ ràng mà dư luận phản ánh, kể cả gởi đơn từ, nắm trọng trách trong tay nhưng họ không giải quyết, khiến dư luận rất bức xúc, lòng dân không yên.
***
Năm 2016, khi mới lên làm Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo dừng ngay việc hình sự hóa vụ quán cà phê Xin Chào, một việc rất được lòng dư luận. Tôi cũng mừng, vì một thủ tướng mà quan tâm tới người dân như vậy thì rất có thể sẽ mang lại mùa xuân hạnh phúc đến cho đất nước như cái tên của ông. Nhưng rồi những ấn tượng tốt đẹp ban đầu ấy cứ dần phai mờ mà thay vào đó là những chuyện không hay.
Có kỳ, một bài báo đã đưa tin: “Nói trước đông đảo nhà trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong một buổi Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý,… tạo nên ‘Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ’ (Thơ Lê Anh Xuân), tô thắm hình tượng ‘Bộ đội Cụ Hồ’, ‘anh giải phóng quân’”. Thế nhưng, buồn cười ở chỗ sự thật chỉ có 3 người đã hy sinh tại chiến trường thôi là: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968) và Dương Thị Xuân Quý (1941-1969). Còn lại 5 người rất lâu sau giải phóng mới mất là: Anh Đức (Bùi Đức Ái, 1935-2014), Nguyễn Sáng (Nguyễn Quang Sáng, 1932-2014), Phan Tứ (Lê Khâm, 1930-1995), Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng, 1921-2001). Còn Nguyễn Trung Thành là ông Nguyên Ngọc thì hiện vẫn còn đang sống.
***
Đầu năm ngoái, cả báo, đài lớn nhất từng đưa tin: “Sáng 9/1, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất. Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc…”
Tại buổi đó, với những người hiểu biết sẽ thấy ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ như một diễn viên mà không có tầm tri thức để mà nhận ra sự sai trái độc hại của đạo diễn Nguyễn Quang Thiều.
Nguyễn Quang Thiều nói: “Trong diễn từ của nhà văn Toni Morrison - nhà văn Mỹ đoạt Nobel năm 1993, bà kể về một nhà tiên tri … Một hôm có những đứa trẻ đứng trước bà, chúng nhìn bà với ánh mắt đầy thách thức và đe doạ rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già có khả năng nhìn thấy tương lai, vậy bà hãy nói cho chúng ta biết, con chim chúng ta đang cầm trong tay, chết hay đang sống". Bà tiên tri rùng mình trước câu hỏi của những đứa trẻ … Bà đau đớn vô cùng bởi biết rõ rằng, nếu bà nói con chim còn sống, những đứa trẻ ngay lập tức sẽ giết chết con chim trong tay chúng để minh chứng bà đã sai. Nhưng điều hãi hùng hơn, là chúng minh chứng quyền được độc ác của chúng. Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của những đứa trẻ, cũng giống như số phận thế gian chúng ta đang sống phụ thuộc vào lòng yêu thương con người và sự chia sẻ của nhân loại. Những đứa trẻ xuất hiện trước mắt bà tiên tri là sự xuất hiện của cái ác đang đe doạ tinh thần của nhân loại".
Tôi (Đông La) đã viết, “Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi” đã xuất phát sai trái ngay từ cái nhìn của Nguyễn Quang Thiều, khi cho con cháu của chúng ta như những đứa trẻ độc ác. Do tư tưởng cuồng Mỹ, cuồng Nobel, cộng với trình độ chính trị tư tưởng yếu kém, sai trái, Nguyễn Quang Thiều đã lấy cái nhìn của Toni Morrison làm chuẩn mực. Ở lứa tuổi thiếu nhi, chắc chắn có những đứa trẻ hư, kể cả độc ác, nhưng chúng chỉ là số rất nhỏ, mà viết về trẻ em đúng nhất chính là Bác Hồ. Trong một bài thơ Bác đã viết: “Trẻ em như búp trên cành”. Bác nói: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”; “Đối với trẻ em phải dạy thế nào cho các cháu biết đoàn kết ham học, ham làm nhưng phải làm sao cho các cháu giữ được tính chất trẻ con. Phải làm sao cho các cháu có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm, đặt đâu ngồi đấy”.
Lời của Bác không chỉ chứa đựng tình thương yêu con trẻ bao la của một người ông nhân từ mà còn là một chiến lược giáo dục thiếu nhi rất đúng đắn của vị lãnh tụ thiên tài. Lẽ ra ông Chủ tịch Hội Nhà Văn VN phải dựa vào đó mà phát động sáng tác cho thiếu nhi VN chứ không phải vì mình cuồng Mỹ, cuồng Nobel, mà nhai lại cái nhìn độc ác về con trẻ của một bà nhà văn Mỹ.
Nhìn vào thực tế, nhìn sâu vào lịch sử, ta thấy Toni Morrison đã nói sai, vì những đứa trẻ hư, trẻ ác không thể và chưa bao giờ gây ra tai hoạ cho nhân loại, mà ta thấy nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, từng khổ đau, tang thương, và bị huỷ diệt chính là do nạn phân biệt chủng tộc, do Chủ nghĩa Thực dân Cũ và Mới, do Chủ nghĩa Phát xít, do tư tưởng chống “phe” XHCN trong Chiến tranh Lạnh, v.v…
Bên cạnh ý thức hệ, những cái nhìn về lịch sử, về giá trị văn chương giữa VN và Mỹ cùng các nước phương Tây còn khác nhau, thậm chí ngược nhau, nên trong một Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, ông Chủ tịch Hội Nhà Văn VN Nguyễn Quang Thiều lại lấy văn chương của một tác giả Mỹ làm chuẩn mực chứng tỏ hoàn toàn sai trái, một lần nữa lại ngang nhiên, lại trịnh trọng thực hiện sự phản bội văn học cách mạng, thực hiện sự cơ hội, đón gió trở cờ của mình.
Là người thần phục, mê cuồng tư tưởng Mỹ, văn chương Mỹ, mê cuồng Nobel, nên Thiều đã mù quáng, không nhận ra thực tế giải Nobel văn chương và Hoà bình thường trao cho các tác giả, tác phẩm, và những hoạt động chống lại chế độ XHCN ở đất nước họ, như ở Liên Xô, giải Nobel văn chương đã được trao cho: Solzhenitsyn, Pasternak, Brodsky; và giải Nobel Hoà bình đã được trao cho Sakharov, và đặc biệt, Gorbachov cũng được trao giải Nobel Hòa bình vì đã có “công” đập tan tành đất ước Liên Xô. Còn với Trung Quốc, Giải Nobel Văn chương cũng được trao cho Cao Hành Kiện, một nhà văn mà các tác phẩm đã bị cấm lưu hành ở Trung Quốc từ năm 1986!
Còn giải Nobel Hoà bình được trao cho một kẻ xâm lược là Kissinger (giống với Lê Đức Thọ) vì cho rằng ông ta mang lại hoà bình cho VN thì thực sự Uỷ ban giải Nobel đã có tội với nhân dân VN!
Vì vậy, Giải Nobel Hoà bình và Văn chương luôn có khuynh hướng chống lại những chế độ XHCN do ĐCS lãnh đạo ở các nước, trong đó có Việt Nam. Vậy mà ông Nguyễn Xuân Phúc trong buổi lễ đó đã bị Nguyễn Quang Thiều dẫn dắt, nên đã phát biểu là ông rất mong VN có Giải Nobel Văn chương. Tôi đã viết, chắc phải đợi Nguyễn Quang Thiều viết tác phẩm chống chế độ XHCN do ĐCS lãnh đạo ở VN quyết liệt hơn, rõ ràng hơn, có các nhân vật cụ thể hơn, như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chẳng hạn, thì chắc may ra NQT sẽ được giải Nobel!
***
Gần đây nhất, ông Nguyễn Xuân Phúc với tư cách chủ tịch nước đã ký truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho Nguyễn Huy Thiệp, người “phỉ nhổ vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc”, viết loại văn sai trái cả về lịch sử, đạo lý, luân lý, lẫn thẩm mỹ, và ký tặng Giải thưởng Nhà nước cho Nguyễn Đăng Điệp đạo văn. Đã có đơn từ đề nghị thu hồi giải của tôi và những người khác với đầy đủ chứng cớ và lý lẽ, nhưng đã không được giải quyết, khiến dư luận, đặc biệt là độc giả của tôi rất bức xúc. Đúng là trong thể chế chính trị VN, những người được giao quyền lực, nhưng có những vụ việc họ không làm tròn trách nhiệm mà không bị sao cả, như ông Nguyễn Xuân Phúc trong vụ trao giải thưởng này.
***
Nhớ lại vụ Tướng Nguyễn Ngọc Doanh viết kiến nghị đề nghị công nhận 164 liệt sĩ đã hy sinh trong trận Cần Lê (Tống Lê Chân), Tây Ninh, mà ông nhờ Nhà ngoại cảm Vũ Thị Hoà tìm được. Là người trong cuộc, ông hiểu rõ sự thật, nên ngày 9-11-2013, ông đã gởi kiến nghị tới Tổng Cục Chính trị, trong đó ông có viết: “Nếu không đúng là hài cốt liệt sĩ đề nghị Bộ Quốc phòng cho điều tra mở Tòa án Quân sự xử bắn tôi trước 164 liệt sĩ trên”! Ông cũng gởi tiếp kiến nghị tới ông Đại tướng, Bộ trưởng BQP Phùng Quang Thanh. Nhưng cuối cùng Bộ Quốc phòng vẫn không công nhận hài cốt liệt sĩ và đã cho “hoàn thổ”. Hôm đó Tướng Doanh đã nói với tôi: “Mình đã gọi điện cho ông Lê Nam Phong. Mình thì nói “chúng nó tàn nhẫn quá” không ngờ ông ấy nói: “Chúng nó độc ác quá!””
Bản thân tôi cũng viết mấy lá đơn gởi 3 ông: Phó TT Vũ Đức Đam, ĐT Phùng Quang Thanh, ĐT Trần Đại Quang, là những người có trọng trách về quy tập Hài cốt LS thất lạc và về sự vu khống các nhà ngoại cảm của Thu Uyên trên VTV1, nhưng tất cả đều vô hiệu. Là những người có trọng trách, họ tất phải tuân thủ chính sách đền ơn đáp nghĩa, phải công nhận các HCLS được tìm thấy, nhưng họ đã không, vì họ đã phủ nhận khả năng của các nhà ngoại cảm, mà tôi nghĩ, Trời Phật vì thương dân Việt quá nhiều khổ đau trong chiến tranh nên đã ban khả năng ngoại cảm cho một số người tìm HCLS thất lạc để làm dịu bớt nỗi đau đó. Tôi đã rất lo ngại cho 3 vị mà tôi gởi đơn đó, vì họ dám chống lại cả “Trời”; nhưng với Đời họ là những người có quyền, và đúng là có chuyện họ có quyền không làm tròn trọng trách mà chẳng bị pháp luật nào xử lý cả. Nhưng rồi thật kinh hãi, dường như Đời không xử thì Trời xử. Ông Phùng Quang Thanh có thời quyền thế nghiêng trời, chắc suất lên “tứ trụ”, nhưng rồi kết cục cả ông và con trai ông lại không ra gì; ông Trần Đại Quang tưởng lên tới nguyên thủ quốc gia thì còn sợ gì nữa, nhưng ông đang “khoẻ như voi” đột nhiên lại bệnh chết; chỉ còn ông Vũ Đức Đam tôi thấy lạ là không sao, nhưng đến những ngày hôm nay thì cũng đã “sao” rồi, dù có chút muộn hơn!
***
Với ông Nguyễn Xuân Phúc, có độc giả cứ chất vấn tôi sao ông không ra lệnh thu hồi các giải thưởng sai trái mà ông đã ký? Tôi những tưởng ông cũng có quyền làm sai mà không bị sao cả, không ngờ đến hôm nay thì ông cũng đã bị “sao”, tất nhiên không chỉ vì cái chuyện giải thưởng!
18-1-2023
ĐÔNG LA