Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH VỀ NỮ GS KARIKO NGHIÊN CỨU VACCINE mRNA NGỪA COVID-19 ĐOẠT GIẢI NOBEL Y SINH 2023

 CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH VỀ NỮ GS KARIKO NGHIÊN CỨU VACCINE mRNA NGỪA COVID-19 ĐOẠT GIẢI NOBEL Y SINH 2023



Hai tuần qua tôi không viết một chữ nào, cũng có mấy người nhắn tin hỏi về chuyện này, chuyện nọ, tôi không trả lời, do tôi bị đau mắt đỏ khá khó chịu, và cũng nản khi thấy cái thực trạng về chính trị, tư tưởng, giáo dục, lịch sử, văn chương, văn hoá xã hội đang diễn ra như một trận đấu không trọng tài, dẫn đến có nhiều chuyện trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh.
Nay lại cuối tuần, buồn buồn, mắt cũng đã khỏi, chán nhiều thứ thì viết mấy chữ về chuyện nữ GS Karikó đoạt GIẢI NOBEL Y SINH 2023 để giải trí khoa học vậy.
Thật thú vị, tôi một lần đã tới Philadelphia, nơi GS Karikó từng sinh sống, vượt qua nghịch cảnh để nghiên cứu đi tới thành công. Lần đó tôi cùng vợ con đến đó để thăm bà “sui”. Xin đăng vài tấm hình kỷ niệm cùng bài viết này.
7-10-2023
ĐÔNG LA
12h ngày 2/10 (giờ Stockholm), đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố nữ GS Katalin Kariko, người Mỹ gốc Hungary, và GS Drew Weissman (Mỹ) đoạt giải Nobel Y Sinh 2023. Phát minh của họ, về khả năng ứng dụng mRNA chế tạo thuốc chống các bệnh nan y được công bố năm 2005, là cơ sở khoa học cho sự ra đời của vaccine Pfizer và Moderna ngừa Covid-19.
***
Để hiểu chính xác bản chất khoa học của sự kiện trên có lẽ là rất khó đối với rất nhiều người. Ngay trong ngành Y tế VN, khi giới thiệu về cơ chế tác dụng của loại vaccine thế hệ mới mRNA, trang tin của CDC Việt Nam (https://vietnamese.cdc.gov/) cũng đã không chính xác khi dịch “spike protein” là "protein tăng đột biến". Spike protein là các protein tạo những cái “gai” trên vỏ virus, trông như “vương miện”, nên dịch spike protein là “protein gai” thì chính xác hơn. Vắc-xin COVID-19 mRNA vào tế bào người sẽ mang thông tin cho tế bào tổng hợp ra những “protein gai” của chính virus. Những protein này vô hại nhưng lại giúp được hệ miễn dịch của con người sinh ra kháng thể tiêu diệt được virus.
Nếu dịch theo Google, “spike protein” đúng là "protein tăng đột biến". Nhưng đột biến sinh học là những biến đổi bất thường trong các gen thuộc DNA, còn “spike protein” chẳng liên quan gì đến đột biến cả, nó chỉ là tên mà các nhà khoa học gọi cái phần protein nhô lên ở vỏ virus như cái gai: spike (S) protein, tức protein gai, cũng giống như họ gọi các bộ phận khác của virus là: Membran (M) protein (protein màng), Envelope (E) protein (protein vỏ).
***
Khi công trình nghiên cứu của nữ GS Katalin Kariko về mRNA được áp dụng chế tạo thành công vaccine chống Covid-19, truyền thông mới thi nhau tìm hiểu về cuộc đời bà. Không ngờ, một bác học thiên tài vậy mà khi vào đời và đi đến thành công bà cũng bị coi thường, phủ nhận và khốn khổ khốn nạn. Câu chuyện của cuộc đời bà đúng như một chuyện cổ tích.
Từ năm 1961 thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những phân tử mRNA. RNA là Acid ribonucleic, là một đại phân tử được tạo thành từ một chuỗi nucleotide, là một trong các đại phân tử cơ sở cho mọi sự sống. mRNA (Messenger RNA) là RNA Thông tin, là bản sao sự mã hoá của các gen từ DNA trong nhân tế bào và đến các ribosome để tạo ra tất cả các protein duy trì sự sống. RNA thông tin (mRNA) truyền đạt các thông tin di truyền sử dụng các base nitric guanine, uracil, adenine, và cytosine (ký hiệu tương ứng bằng các chữ cái G, U, A, và C) cho phép tổng hợp các protein chuyên biệt.
Đến thập niên 1970, các nhà khoa học đã bắt đầu tự hỏi liệu họ có thể khai thác khả năng của mRNA để biến chính cơ thể con người thành nhà máy sản xuất các loại thuốc hay không.
Karikó lần đầu biết đến chuyện này và bị hấp dẫn khi là sinh viên đại học năm 1976 ở quê hương Hungary của cô. Cô đã học thành tiến sĩ, nghiên cứu cách sử dụng mRNA. Lúc đó, ở bên kia Đại Tây Dương, sự nghiên cứu mRNA đang diễn ra náo nhiệt, Karikó quyết định rời Hungary, đến Mỹ. Năm 1985, cô xin vào làm tại Đại học Temple, chuyển đến Philadelphia cùng với chồng, cô con gái hai tuổi. Giấc mơ Mỹ đã trở nên chua chát, bốn năm sau, cô buộc phải rời Đại học Temple để đến University of Pennsylvania (UPenn) gần đó. Tại đây, cô bắt đầu nghiên cứu về mRNA. Nhưng, giữa những năm 1990, các nhà khoa học nhận thấy khi tiêm mRNA vào động vật, nó gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng khiến chúng chết ngay lập tức. Karikó vẫn quyết tâm giải quyết vấn đề nghiêm trọng này trong khi nhiều nhà khoa học khác đang quay lưng, và các ông chủ của cô tại UPenn đưa ra tối hậu thư, nếu cô muốn tiếp tục làm việc với mRNA, cô sẽ mất vị trí giảng viên danh giá và phải bị giảm nhiều lương. Đúng lúc đó Karikó lại được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, phải đối mặt với hai cuộc phẫu thuật, và người chồng thì bị mắc kẹt ở Hungary vì thị thực. Trong khi trải qua ca phẫu thuật, Karikó đã quyết định ở lại, chấp nhận nỗi nhục bị giáng chức để tiếp tục nghiên cứu mRNA. Sau đó, bà đã gặp Drew Weissman, một nhà miễn dịch học uy tín, mới chuyển đến Upenn. Khi hai người như đang giành chiếc máy photocopy để in tài liệu, và trong lúc chờ đợi họ đã làm quen với nhau. Cuộc gặp như một định mệnh đã làm thay đổi sự nghiệp của cô.
Karikó và Weissman đã nhận ra rằng cần phải xác định nucleoside nào trong cấu trúc của mRNA kích thích hệ thống miễn dịch và cần phải thay thế sao cho phù hợp. Vào đầu những năm 2000, Karikó đã tìm thấy chính Uridine là thủ phạm. Năm 2005, Karikó và Weissman đã công bố một nghiên cứu về một dạng mRNA được biến đổi đặc biệt, đã thay thế Uridine trong cấu trúc bằng một chất tương tự không tạo ra phản ứng miễn dịch, và họ đã thành công. Khi họ tiêm mRNA biến đổi này cho chuột, chúng đã sống. Đây chính là cơ sở khoa học để sau đó có thể sử dụng mRNA chế tạo được các loại vaccine.
Và rồi, đúng là thời thế tạo anh hùng, vào năm 2020, để chống đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới cần gấp vắc xin ở quy mô chưa từng có, phương pháp chế vắc xin từ mRNA có lợi thế so với các phương pháp truyền thống tốn thời gian hơn khi sử dụng dạng vi rút chết hoặc bất hoạt để tạo vaccine.
Công ty BioNTech, mà Karikó là cố vấn khoa học đồng thời là Phó chủ tịch, đã hợp tác với Pfizer chế ra vaccine mRNA Covid-19 hoạt động với hiệu quả hơn 95%. Cùng với BioNTech, Công ty Moderna đã cung cấp hàng tỷ liều vaccine mRNA trên toàn cầu vào cuối năm 2021.
***
Sau rất nhiều nghịch cảnh, vượt qua cái dốt, cái xấu của quan hệ giữa người với người ngay trong môi trường nghiên cứu khoa học, từ linh cảm của một nhà nghiên cứu thiên tài, Karikó đã kiên trì thực hiện công trình nghiên cứu về mRNA của mình, đã góp phần quan trọng ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19, cứu nhân loại, và nay bà hoàn toàn xứng đáng cùng người cộng sự định mệnh Weissman được vinh danh bằng Giải Nobel. Một câu chuyện cổ tích ngay trong thời hiện đại này.
7-10-2023
ĐÔNG LA