Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

LẠI TÂM SỰ CUỘC ĐỜI NHÂN NỮ GS KARIKO ĐOẠT GIẢI NOBEL

 LẠI TÂM SỰ CUỘC ĐỜI NHÂN NỮ GS KARIKO ĐOẠT GIẢI NOBEL

Cộng đồng mạng lại sôi sục chuyện giáo dục liên quan đến lịch sử. Tất cả đều do công tác cán bộ, người thực hiện thì yếu kém, cấp trên quản lý thì không tròn chức trách. Không tròn chức trách để sai trái diễn ra mất ổn định xã hội tội có thể còn nặng hơn tham ô tham nhũng nhưng rất nhiều chuyện chẳng bị sao cả.
Vừa rồi, tôi có viết về chuyện nữ GS Karikó đoạt Giải Nobel Y Sinh 2023, bạn Hà Trung Tuyển bình luận ý “Trong giới báo chí , văn học … ngoài anh ra , không ai viết được”, quả đúng thật, cỡ Thiều, Khoa tối ngày huyên thuyên có cho đi học 1000 năm cũng không viết được. BS Phạm Văn Tuấn viết: “Cám ơn anh vì thông tin rất bổ ích mà ngay cả người trong ngành như em còn mù mờ chuyện này” tôi cũng thấy là lẽ thường, bởi một BS chuyên khoa, như mổ tim chẳng hạn, chỉ cần biết mổ tim giỏi thôi cũng đã là phúc cho thiên hạ rồi. Riêng các nhà nghiên cứu, các GS dạy ở trường thì cần phải biết tri thức càng nhiều càng tốt.
Còn tôi, đúng là tôi không đi học một giây nào nhưng vẫn viết được dễ dàng bài vừa rồi, bởi tôi cũng từng là một nhà nghiên cứu với biết bao kỷ niệm buồn vui.
Nghĩ vừa buồn vừa buồn cười cho cái số phận hẩm hiu của tôi khi tự so sánh mình với nữ GS Karikó. Tôi bằng tuổi bà, cũng từng là Nhà Nghiên cứu Hoá Dược thì nay bà đoạt Giải Nobel Y Sinh còn tôi lại thành “Nhà Văn Đông La’! Với những người hiểu biết, đồng cảm, và trân trọng thì chữ nghĩa của Đông La có thể là vô giá, không giá nào mua được; ngược lại thì nó cũng vô giá nhưng là vô giá trị. Có điều, nếu công tác cán bộ của thể chế VN được thực hiện đúng theo tuyên truyền là trọng nhân tài, và thực hiện theo đúng hiến pháp, pháp luật thì Nhà Nghiên cứu Hoá Dược Nguyễn Văn Hùng rất có thể dù không đoạt giải Nobel nhưng chắc chắn sẽ để lại “những gì đó cho đời” như mơ ước thời bé. Bởi tôi cũng có một khoảng thời gian từng trực tiếp mặc áo blu trắng làm công việc nghiên cứu khoa học ở phòng thí nghiệm, trong đó một lần từng làm chủ nhiệm một đề tài rất có giá trị cả về khoa học lẫn thực tế: Chiết xuất hoạt chất chống ung thư Vinblastine trong dược liệu là cây dừa cạn, và lần thứ hai làm chủ nhiệm đề tài giải quyết chuyện cháy nổ khi sản xuất chế phẩm bảo quản kho tàng nông sản Phostoxin dạng viên nén từ hoạt chất Phosphur Nhôm (AlP). Đây là một công trình mà cả ngành Nông dược VN có cả các viện nghiên cứu và trường đại học liên quan cũng không làm được trong suốt hơn 20 năm, còn gây ra chết người và bị thương.
***
Sau 30-4-1975, từ quân ngũ tôi thi và vào học Khoa Hoá Đại học Tổng hợp TPHCM. Khi học, vì gián đoạn 4 năm, lại học với nhiều học sinh miền Nam học phổ thông hơn 2 năm, 12 năm, lại máu nghệ sĩ không chăm ngoan, nên tôi không thuộc nhóm sinh viên ưu tú nhất. Tuy vậy, tôi cũng đủ điểm trung bình (7 trở lên) để được chọn vào lớp đào tạo cán bộ nghiên cứu và giảng dạy đại học, năm cuối phải làm luận văn tốt nghiệp. Nếu tôi có giỏi và thông minh thì chỉ là “ngầm” thôi, chỉ bạn thân và chú ý lắm mới thấy. Như ông Bá, quê Hưng Yên, ở cùng phòng ký túc xá, hay bảo tôi: “Mày thông minh thế sao không chịu khó học cho mấy đứa Sài Gòn biết mặt!” May là có một cô giáo cũng nhận ra điều đó ở tôi, PGS TS Nguyễn Thị Xuân Mai, vì cô là người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho tôi. Bảo vệ luận văn xong, tôi xin và được phân công ngay về dạy ở một trường đại học, nhưng rồi cô Mai chắc thấy tôi thông minh nên đã giới thiệu với bạn cô. Cô bảo tôi: “Có cái Viện Công nghiệp Dược bên Bộ Y tế mới được thành lập đang tuyển người, cô đã giới thiệu em với bạn cô từng cùng làm TS bên Đức là cô Vũ Thị Dau ở bên đó đó. Em đi gặp cổ đi”. Được làm nghiên cứu thuốc cứu người thì quá hay rồi, nên tôi đã bỏ dạy trường ĐH, đi gặp ngay TS Dau. Bà gần 50, hơn lứa chúng tôi khoảng 20 tuổi, người hơi mập nhưng mặt có nét đẹp như Tây. Tôi gọi bà là cô (hàm nghĩa cô giáo). Bà bảo tôi giới thiệu thêm những đứa bạn giỏi nhất lớp, kết quả cả tôi giới thiệu, cả tự đến xin, lớp tôi có đến 7 đứa cùng về Viện Công nghiệp Dược, thành lập nên phòng Tổng hợp Hoá Hữu cơ, cùng với một phòng nghiên cứu khác cũng được thành lập là Phòng Vi sinh.
***
Lúc đầu về Viện thật vui, nhưng rồi ở Viện đã diễn ra cuộc đấu giữa những cán bộ, vốn là lãnh đạo cơ sở bào chế cũ đang như vua một cõi nên không muốn chuyển thành Viện nghiên cứu, với bác Đoàn Hữu Sử là Viện trưởng. Cuối cùng, bác Sử bị thua, phải về hưu giữa chừng, còn cái Viện một thời gian sau thì cũng vỡ tan tành. Tôi đã viết mấy truyện ngắn về chuyện đó và cũng chính là những tác phẩm văn chương đầu tay của tôi.
Dù như vậy, nhưng 9 năm ở viện chúng tôi cũng đã làm được những đề tài, riêng tôi thì cơ duyên đưa đẩy, cái đề tài rất có ý nghĩa cả về khoa học lẫn ứng dụng nói trên là Chiết xuất hoạt chất chống ung thư Vinblastine từ dược liệu là cây dừa cạn thì lại rơi vào tay tôi làm chủ nhiệm đề tài. Vì vậy mà hôm nay tôi mới có cái để mà khoe khoang. Lúc đó, những đứa có khả năng làm đề tài lại đi LX thực tập hết, tôi cũng có trong danh sách nhưng vì viết truyện nói xấu viện nên đã bị loại. Lúc đầu được giao đề tài, tôi làm cao, không nhận, phải để họ năn nỉ một hồi tôi mới nhận. Đề tài có vẻ rất khó, tỷ lệ hoạt chất trong dược liệu là 1 phần vạn, tức 10 tấn dược liệu (như trà) mới lấy ra được 1 kg, nó lại có trong hỗn hợp rất nhiều chất khác, làm sao làm được đây? Nhưng may là có tài liệu đầy đủ, thực tế khi làm tôi thấy nó chỉ cầu kỳ, tỉ mỉ thôi, chứ không phải là quá khó. Tôi đã chỉ huy một nhóm có mấy dược sĩ và 1 kỹ sư Bách khoa, tiến hành một quy trình: Chiết hoạt chất bằng bằng cồn, phải cô đặc dịch chiết ở áp suất thấp tại thiết bị chưng cất ống thuỷ tinh Simax hình chữ U to như cột đình. Giai đoạn khó nhất là tách hoạt chất phải dùng hệ thống sắc ký cột, rồi kiểm tra hoạt chất bằng sắc ký bản mỏng dưới ánh sáng có bước sóng phù hợp. Chúng tôi đã thành công ở quy mô phòng thí nghiệm, làm ra được mấy gam hoạt chất mà hồi ấy nghe đồn giá hàng triệu “đô” 1 kí. Tôi đã vênh vang trình bầy kết quả trước toàn bộ cán bộ khoa học của viện, rồi đi phép về Bắc, trở lại cơ quan với tâm trạng lâng lâng chuẩn bị tiến hành công việc ở quy mô lớn hơn, thì không ngờ ông Triệu, bí thư chi bộ, cũng là một cựu chiến binh, nói với tôi:
-Hùng xem có chỗ nào chuyển đi, chứ bà Đào mới lên viện trưởng sẽ không cho Hùng tiếp tục làm đề tài đâu.
Tôi choáng váng. Bà Đào chính là Đoàn Hồng Đào, em ruột bà Đoàn Thuý Ba hồi đó là thứ trưởng Bộ Y tế, có tin hồi trong rừng có người mai mối cho ông Võ Văn Kiệt. Con mụ Đào từng là học sinh Miền Nam được ra Bắc học, rồi đi Đức làm PTS, vậy mà nó lại rất cục bộ Nam-Bắc. Hồi bé, tôi thấy cái danh Học sinh miền Nam cậy “quê hương đổ máu” quậy vang đến tận quê tôi. Con mụ Đào không chỉ ghét tôi “Bắc kỳ” mà còn vì chuyện tôi viết văn chống băng nhóm chúng nó hại bác Sử Viện trưởng. Y thế viện trưởng, thêm có chị là thứ trưởng, nó đã chơi tôi vỗ mặt, cướp công tôi một cách trắng trợn. Nó bảo là tôi gây mất đoàn kết, không hoà đồng với anh em, nên phải thay thế. Tôi vốn bướng, không chịu khuất phục trước bất kỳ ai nên không có chuyện năn nỉ, nhưng cái công việc nghiên cứu đã trở thành như máu thịt tôi, hơi thở tôi, nên nó đột ngột bị dứt khỏi tay đã khiến tôi phải bật khóc. Tôi không nói câu nào, ra khỏi phòng bà viện trưởng, một đi không trở lại, không khi nào gặp lại nhau nữa. Chỉ nghe tin sau đó ít lâu, như một sự quả báo, mụ ta đã bị tai nạn hình như gãy xương quai xanh!
Sau đó tôi rời Viện mà một thời gian sau nó cũng tan tành luôn, còn đời tôi thì có một khúc quanh, tôi sang Leningrat, LX, mục đích theo nghĩa đen đúng là đi buôn một chuyến. Nhiều người phải đút lót mới được, còn tôi thì được chọn đàng hoàng sau một kỳ thi tiếng Nga. Giờ ngẫm lại thấy số tôi đúng là số sang, giai đoạn đáy cuộc đời đó thực ra lại như một chuyến du lịch, đã không mất tiền còn được lương, được anh bạn Kế (nhà ở Nha Trang, đã chết vì ung thư) như thổ công, đã dẫn tôi đi tham quan hết các danh lam thắng cảnh ở Leningrat, một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Nhưng rồi không chịu được cảnh nhộn nhạo, đã xuất hiện đây đó tình trạng maphia hoá. Kế dẫn tôi đến thăm một anh bạn nghiên cứu sinh PTS nhưng thấy toàn bàn chuyện “đánh quả”, ít lâu sau, Kế bảo: “Bị Maphia bóp cổ chết rồi!” Vậy là sau 7 tháng, tôi và Kế đã bỏ về, cũng may hơn một năm sau thì LX đã tan vỡ.


***
Về nước, tôi đến nhà anh Thái Thăng Long chơi, tình cờ gặp chị Lộc, con ông bác anh, làm Trưởng phòng Tổ chức Công ty Thuốc Sát trùng VN, anh Long giới thiệu tôi một câu, vậy là tôi đã về làm tại Trung tâm Nghiên cứu của Công ty. Chính ở đây tôi đã dược giao làm chủ nhiệm đề tài, tiếp tục giải quyết cái việc sản xuất chế phẩm dạng viên nén bảo quản kho tàng Phostoxin từ hoạt chất là Photphur Nhôm. Photphur Nhôm hút ẩm sinh ra khí Phốt phin cực độc diệt được sâu mọt, bảo quản được nông sản trong kho tàng, nhưng khi sản xuất thuốc, khí Phốt phin có tính khử mạnh, sinh ra đủ nồng độ là sẽ tự cháy nổ ghê gớm trong không khí. Công việc kéo dài đã trên 20 năm nhưng vẫn chưa xong, đã có hai công nhân bị chết, ông TGĐ bị cụt một ngón tay, Ông Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ở chỗ tôi thì một lần bị bỏng 1 cánh tay. Cơ quan đã cử một đoàn sang cả Đức tham quan, họ cho biết công thức có chứa Carbamat Amon, một chất hút ẩm sinh CO2 và NH3 chống cháy, thế nhưng khi sản xuất, sản phẩm vẫn cứ cháy nổ. Có lẽ do VN ta ở xứ nhiệt đới, độ ẩm cao, khó có thể sản xuất chế phẩm đó.


Công việc triển trai trên Dĩ An, Bình Dương, ở một xí nghiệp thuộc công ty. Ngày đầu tôi và phụ tá là ông Công, trung cấp KT, tổng hợp một mẻ Photphur Nhôm (AlP) từ bột Phốt pho đỏ và bột nhôm, xong cho vào thùng phuy đậy nắp lại. Ai ngờ sáng sau tới, nó nổ bay cả mái tôn xưởng sản xuất. Tôi nghĩ, chuyện này không đùa được rồi, coi chừng chết nhăn răng còn nghiên cứu nghiên kiếc cái nỗi gì.
Xem chừng tôi đúng là thông minh thật, tôi đã đưa ngay ra được biện pháp giải quyết vấn đề. Tôi thấy thành phần viên thuốc có chất kết dính là parafin. Người ta thường phải nấu chảy nó để phun thành bột rồi trộn vào hoạt chất để dập thành viên. Tôi thấy mất công quá. Tôi nghĩ, sao mình không rang nóng hoạt chất lên rồi quẳng luôn những tảng parafin vào rồi ngoáy, nó sẽ tan và rất nhanh được trộn đều với hoạt chất, hơn nữa làm vậy, parafin sẽ bao bọc hoạt chất, tạm thời sẽ bảo quản được, vì nó ngăn được sự hút ẩm, không gây cháy nổ nguy hiểm. Nghĩa là theo lý thuyết, dùng biện pháp hoá học sử dụng Carbamat amon không được thì tôi dùng biện pháp vật lý. Tôi bảo ông Công:
-Ông rang Photphur Nhôm lên cho tôi!
-Nó nổ chết mất tiêu thì sao!
-Nó nổ tôi chịu trách nhiệm.
-Mình chết rồi Hùng chịu trách nhiệm thì được cái gì?
Tôi cáu, văng tục:
-Ông đúng là đéo biết gì, cái này hút ẩm nó mới nổ, rang nóng nó không nổ đâu. Để tôi làm mẫu cho ông coi.
Tôi đã rang nóng một mẻ Photphur Nhôm trông như tàn thuốc lá rồi quẳng những tảng parafin vào, ngoáy đều như nấu cám lợn. Hoạt chất lồng bồng liền xẹp ngay xuống, vô tình mà chuyện này đã giúp tôi dập được viên thuốc tuôn như suối chảy mà không bị dính chày. Ngoài chuyện cháy nổ, những người đi trước cũng chưa giải quyết được chuyện dính chày, nó còn từng làm ông TGĐ loay hoay thế nào đó cụt một ngón tay!
Từ cách “nấu cám lợn” không giống ai đó, chính nó là mấu chốt để từ đó tôi tiếp tục đưa ra các biện pháp khác, giúp tôi sau ba năm đã xây dựng hoàn chỉnh một dây chuyền sản suất thành công sản phẩm Phostoxin. Khi biết có Hội nghị Quốc tế về sau thu hoạch tổ chức ở Khách sạn Tân Sơn Nhất, ông Ban giám đốc Trung tâm đã mang sản phẩm đến tận nơi để giới thiệu. Hội nghị đã tổ chức một cuộc khảo nghiệm so sánh sản phẩm của tôi với sản phẩm của Đức ở kho gạo Bình Tây và đánh gía tương đương nhau. Một ông ở Pháp còn có thư xin tiêu thụ ở Pháp. Ông giám đốc còn bảo tôi mang đề tài đi thi ở Cuộc thi Sáng tạo KHKT TPHCM. Tôi phải trình bầy trước Hội đồng Giám khảo gồm 12 ông GS, PGS mà Trưởng Ban là ông Bùi Ngọc Thọ, chính là thầy Trưởng khoa Hoá hồi tôi đi học, người đã dạy tôi tiết học đầu tiên. Có lẽ thầy hơi ngạc nhiên bởi người dự thi không phải trong số học trò chăm ngoan của thầy mà lại là tôi. GS Nguyễn Công Hào, ở Phân viện Khoa học VN tại TPHCM, nghe tôi trình bầy xong, ôm tôi nói: “Nếu tôi có quyền, tôi sẽ trao anh cái bằng TS ngay lập tức, không cần xét duyệt cái gì cả”. Kết quả, công trình của tôi được chọn đứng đầu cuộc thi đó. Thế là tôi được lên báo, lên tivi, và tôi cũng đã viết truyện ngắn Bài Toán đăng trên Báo Văn nghệ (HNVVN), được mục Bạn đọc cho là “hay nhất”, sau được ĐD Đỗ Chí Hướng dựa vào dựng thành phim Hoa Trạng Nguyên. Một lần cùng Nguyễn Hữu Sơn đến gặp lão Nhà Văn Xuân Thiều, không ngờ ông nói: “Lần đầu đọc văn Đông La, thấy truyện Bài toán viết chắc tay quá!”
***
Sau đó, tôi đã trở thành mục tiêu “săn đầu người”. Một bà TS Sinh học, ở Phân viện Khoa học VN, làm chân trong, chân ngoài, có xưởng sản xuất đã tìm gặp tôi. Rồi chính từ cơ duyên đó mà tôi đã bỏ công chức ra làm tư, từ bỏ guồng máy của một chế độ có nhiều lý tưởng tốt đẹp nhưng con người thực hiện thì còn nhiều tính xấu của xã hội tiểu nông, phong kiến rơi rớt lại, và có lẽ sẽ còn rất lâu con người VN mới gột rửa sạch hết được.
Tôi là một nạn nhân của những điều xấu xa đó, nhưng tôi lại không chống mà luôn viết bảo vệ chế độ. Vì thấy, một người có lương tri cần chống những điều còn yếu kém, xấu xa của những cá nhân, tổ chức thuộc chế độ chứ không phải chống chính chế độ, chống lịch sử cách mạng, chống Hiến pháp như bọn dân chủ cuội; vì cơ hội, vì tiền, chúng đã đón gió, trở cờ, phản trắc . Cần phải phấn đấu thay đổi phẩm chất con người VN chứ không phải chế độ, bởi với những con người dốt nát, xấu xa thì không thể thay một chế độ nào mà có thể giúp được VN tiến lên Thiên đường!

11-10-2023
ĐÔNG LA