Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

VÀI Ý VỀ BÀI THƠ BẮT NẠT ĐƯỢC ĐƯA VÀO SGK

 VÀI Ý VỀ BÀI THƠ BẮT NẠT ĐƯỢC ĐƯA VÀO SGK

Một độc giả là Võ Hạnh nhắn tin cho tôi: “Đề nghị anh Hùng viết một bài bình luận về bài thơ trong SGK lớp 6 này”, tức bài Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Tôi có cái sai là, chỉ quan tâm nhiều những sai trái, bất tài về văn, thơ của những người cỡ hàng ông bà chú bác Nguyễn Thế Hoàng Linh như Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm, Dương Thu Hương, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, v.v… Thơ, văn “chúng nó” còn không ra gì thì cỡ như Nguyễn Thế Hoàng Linh có cần phải mất thì giờ không? Nhưng bài Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh bị dư luận “chửi” quá trời lại được đưa vào sách giáo khoa, rồi hàng các cháu của gia đình tôi cũng bị buộc phải học thì không phải là chuyện nhỏ nữa rồi, và không thể không quan tâm.
***

Trên https://thanhnien.vn/ 14-10-2023 có thông tin tôi thấy khá chính xác:
“Theo ý kiến của một số giáo viên tham gia tập huấn SGK ngữ văn lớp 6 của chương trình giáo dục phổ thông mới, thì bài thơ Bắt nạt (tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, Ngữ văn 6, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) là “bài thơ rất ít chất thơ”, nên “chưa thỏa mãn với tiêu chí của một văn bản văn học”.
Tương tự, mới đây, trong bài viết Băn khoăn về một ngữ liệu dạy học trong chương trình Ngữ văn 6 trên trang vanchuongphuongnam.vn của Hội Nhà văn TP.HCM, tác giả Nguyễn Duy Xuân có nhận xét: “Với bài thơ Bắt nạt, thật khó để giáo viên chỉ ra được“nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ” để từ đó “giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, văn học”.
Trên https://2sao.vn/tac-gia-bai-tho-bat-nat-trai-long-khi-bi..., Nguyễn Thế Hoàng Linh nói:
“Thật ra những thông tin, nhận định nhiều người nêu lại như "bài thơ không vần", "vần trúc trắc", "vần gượng ép", "vần khác biệt"… không phản ánh vấn đề về vần điệu bài thơ.
Những ý kiến đó phản ánh một thực trạng đang phổ biến là nhiều người vì thiếu những hiểu biết rất cơ bản hoặc dễ bị thao túng tâm lý nên dễ dàng lan truyền thông tin sai sự thật và hùa nhau kết tội, tấn công bằng điều đó.
Chính thực trạng này tạo ra một chuỗi lan truyền những kết tội sai rất ngô nghê và vô lý khác về bài thơ rồi điều đó trở thành định kiến trong đầu nhiều người khiến họ khó lắng nghe điều đúng”.
Trên trang facebook của mình, Nguyễn Thế Hoàng Linh được tự do thể hiện thái độ thì đã rất láo thế này: “Đám đông dốt nát và đầy thủ đoạn hại người thật ảo tưởng khi nghĩ mình có thể thao túng người VN tinh tế với tiếng Việt hiểu sai về bài “Bắt nạt”…”


Vậy hôm nay với tư cách là một nhà lý luận phê bình, kể cả cũng là một người sáng tác, tôi sẽ bình vài ý về bài thơ Bắt nạt.
***
Trước hết, với Tổng chủ biên SGK là Nguyễn Minh Thuyết, Tổng thẩm định là Trần Đình Sử thì để lọt bài thơ dở Bắt nạt vào SGK chỉ là một trong những dẫn chứng nhỏ chứng tỏ những người soạn sách GK dốt nát và những người thẩm định cũng dốt nát không kém.
Trước hết, trong chuyện sáng tác, sáng tác nghĩa là sáng tạo, những người có tài thường không viết những điều hiển nhiên, viết những câu nói thông thường, ví dụ như “là con phải biết yêu cha mẹ”, một điều tất nhiên ai cũng biết thì viết ra làm gì? Muốn viết về tình yêu cha mẹ thì nhà sáng tác phải thể hiện bằng một sự độc đáo nào đó. Vì vậy, ngay trong khổ thơ đầu, câu đầu tiên của bài “Bắt nạt”: “Bắt nạt là xấu lắm” đã thể hiện sự bất tài về thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Tôi sẽ lấy chính cách làm thơ của tôi để chứng minh để bạn đọc rõ ý này hơn, như hồi tôi ở Leningrat, nếu tôi giống Nguyễn Thế Hoàng Linh sẽ viết “Anh đang ở rất xa nên rất nhớ em”, đúng là “chó cũng biết” thì viết làm gì? Vậy phải thể hiện nỗi nhớ bằng cách riêng, chưa ai viết thì mới là sáng tác, mới là độc đáo, mới là thơ hay, tôi đã viết: “Anh xa em gần nửa vòng Trái Đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa cầu”. Quả thật “nỗi nhớ cong” thì trước tôi đúng là chưa ai viết. Đòi hỏi sự độc đáo là với nhà thơ tài năng, Nguyễn Thế Hoàng Linh làm thơ thường chưa xong, đòi hỏi sự độc đáo thì hơi quá đáng.
Với câu cuối của khổ thơ đầu cũng chứng tỏ Nguyễn Thế Hoàng Linh còn rất dốt về ngôn ngữ thường nói chi đến sự độc đáo: “Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt NẠT”. Chữ “cần” thường sử dụng đối với những cái có ích nhưng khi không cần thiết nữa thì không dùng, như “Con hết sốt rồi, không cần uống Acemon nữa”. Bắt nạt là hành động ác, không khi nào, không chuyện gì cần cả, nên sử dụng chữ cần trong câu trên là sai. Cái điều “Bất cứ ai trên ĐỜI/ Đều không cần bắt NẠT” cũng là cái điều hiển nhiên, ai cũng biết viết ra làm gì?
***
Câu “Thử kẻ yếu làm gì”. Chữ kẻ thường dùng chỉ loại người xấu, tác giả sử dụng từ “kẻ” chỉ những học sinh yếu đuối cũng đã tự thể hiện tính trịch thượng, chứng tỏ chính mình cũng là kẻ bắt nạt trong suy nghĩ.
Câu “Đừng bắt nạt nước khác” cũng thể hiện nhận thức chính trị ngô nghê của tác giả, bởi Chủ nghĩa Thực dân, Chủ Nghĩa Đế quốc, Chủ nghĩa Bá quyền của các nước mạnh đối với các nước yếu đã và đang xảy ra trên thế giới, mà chính VN ta cũng từng là nạn nhân, hoàn toàn không đơn giản và không thể so sánh giống như chuyện bắt nạt nhau của trẻ con. Cũng tuỳ tiện như thế, Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng lảm nhảm liên tưởng chuyện bắt nạt trong học đường của học sinh với đủ chuyện như “bắt nạt cây”, “bắt nạt mèo, chó”, v.v…
***
Khi được hỏi: “Không ít ý kiến bày tỏ sự khó hiểu khi tác giả dùng hình ảnh gượng ép giữa "bắt nạt" với "ăn mù tạt"… Nguyễn Thế Hoàng Linh trả lời: “Tôi từng nghe ý kiến bình luận rằng đưa "mù tạt" vào để ghép vần là do… bí vần. Tôi khẳng định, nếu hiểu trình độ và sự chỉn chu trong thơ ca của tôi sẽ không phỏng đoán bừa bãi như vậy.
Tại sao lại là "mù tạt"? Vì khi tìm một hình ảnh thể hiện ý thử thách có độ khó mà trẻ con, vui nhộn, tôi đã nghĩ đến mù tạt”.
Bắt nạt là hành động thể hiện tính ác của con trẻ, là một điều nghiêm trọng trong môi trường giáo dục, vì vậy khi sử dụng tính vui nhộn để phê phán, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã thể hiện tính nhăng cuội của cả bài thơ lẫn tư duy thơ của tác giả này. Bắt nạt là sự thể hiện tính ác của bạo lực, của sức mạnh cơ bắp, vậy để đối lại phù hợp nhất thì cần sử dụng những môn thể dục thể thao trong nhà trường, hoặc cũng có thể sử dụng sức mạnh của trí thông minh trong học tập, chứ không phải là chuyện ăn mù tạt, một thứ văn hoá ẩm thực ngoại lai, cũng như bài thơ đưa văn hoá ngoại lai hiphop vào, tuy không xấu xa gì, nhưng không có tính giáo dục nhân cách, phát triển nhân cách Việt của con trẻ.
***
Về vần điệu, thơ hiện đại đã cởi bỏ được cái khuôn mẫu niêm luật chật chội để có thể giải phóng được sự sáng tạo về ngôn ngữ, về cấu tứ phong phú hơn. Làm bài thơ không vần mà độc giả lại thấy hay hơn thì chính là một tài năng đích thực. Như Chế Lan Viên ngay trong bài thơ bất hủ viết về Bác Hồ cũng có nhiều câu khô ng vần. Ngay những câu mở đầu: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất…”, chữ “khuất” không vần với chữ “Bác”.
Trong bài “Bắt nạt”, Nguyễn Thế Hoàng Linh cố ép vần khiên cưỡng nhưng lại không thành thơ mà thành bài văn vần thô thiển, lổn nhà lổn nhổn. Đoạn kết bài thơ: “Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi/ Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi!”. Để ép với vần “ồi”, Nguyễn Thế Hoàng Linh phải dùng chữ “hôi”. Thực tế, bắt nạt là tính ác, là hành động bạo lực học đường, chứ nó không có mùi nên không thể hôi được. Đến loài chó siêu nhất cũng không thể đánh hơi được bắt nạt có mùi hôi, không biết có phải vì vậy mà có người tên là Lê Thị Huệ trên trang của công ty “Văn hoá” Nhã Nam đã viết về Nguyễn Thế Hoàng Linh như thế này chăng:
“Dấu hiệu thiên tài trong thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh là những điểm cực sáng mà tất cả như vọt sáng cùng một lúc vào thời gian mà người thanh niên chỉ vừa mới thò thập ở ngưỡng cửa hai mươi”.
***
Một bài thơ hay là phải có sự sáng tạo về ý, tứ và ngôn ngữ, với thơ thiếu nhi đưa vào SGK thì phải bồi dưỡng được tình cảm, nhân cách của học sinh, và truyền thụ, nâng cao được khả năng thẩm mỹ đối với sự tinh tế của ngôn ngữ thơ ca. Tôi có thể dám lấy một bài thơ thiếu nhi của tôi làm ví dụ để không bị cho là nói suông:

CHÁU HIỂU RỒI BÀ ƠI

Cháu sinh ở thành phố
Đâu biết cánh đồng làng
Một đời bà cặm cụi
Bàn chân nứt dọc ngang
Thân cháu như nụ hoa
Gót hồng mầu sen thắm
Sao chân bà cáu vàng?
Móng nhét đầy bùn sẫm!
Cháu hiểu rồi bà ơi
Đời bà nhiều vất vả
Nuôi ba con nên người
Bà hy sinh tất cả
Bà là gốc cổ thụ
Ba cháu vươn tán dầy
Trong nắng vàng, trời thắm
Chồi cháu biếc trên cây!
(9-1986)

14-10-2023
ĐÔNG LA