LẠI TÂM SỰ CUỐI TUẦN: ĐI TÌM SỰ THẬT
Năm 1989, khi Chế Lan Viên mất, công việc của tôi ở cơ quan cũng trục trặc, tôi tính bỏ viết luôn. Bởi nghề văn viết phải đi kèm với lách, hay dở văn chương cũng lại rất mơ hồ, không thể cân đong đo đếm được, dù mình có tài thật cũng chưa chắc thành công, không có người đỡ đầu cỡ CLV thì viết chỉ công toi thôi. Năm 1994, tôi lại nghỉ luôn công chức, tự do kiếm sống, nên đã không còn chút tơ tưởng nào về sự phấn đấu, ganh đua. Vậy mà đúng là cái số, tôi đã quay lại với trường văn, trận bút rất sôi nổi, với những mối quan hệ khó quên.
***
Tính tôi vốn thích quan tâm đến những chuyện cao siêu. Như trong khoa học gần đây có máy tính lượng tử và vắc-xin mRNA. Một cái người ta sử dụng tính chất kỳ lạ của hạt vi mô, giới hạn tận cùng của cấu tạo vật chất, làm linh kiện máy tính; một cái sử dụng hoạt động ở giới hạn tận cùng của cơ thể người, trong tế bào. Khoa học thật kỳ lạ, hạt vi mô có tính vướng víu lượng tử, mà Einstein “đến chết cũng không tin”; còn các bào quan không có não nhưng chúng lại hoạt động không ngừng nghỉ như những công nhân chăm chỉ, vậy mà kỳ lạ của tâm linh còn vượt qua cả những kỳ lạ của khoa học. Tâm linh có lừa đảo, có lợi dụng, nhưng vẫn có thật, nằm ngoài tầm với của khoa học. Sự kỳ lạ của khoa học có thể giải thích được, có thể kiểm chứng, còn biến thành công nghệ cao siêu , nhưng tâm linh thì không.
Với những mối quan tâm như vậy, nên tất cả những vụ việc ồn ào như Đồng Tâm, ngày 30-4, Hồ Duy Hải, v.v… tôi vốn đều không quan tâm, vì nghĩ với khả năng nhận thức thông thường là có thể hiểu, mình quan tâm làm gì? Nhưng rồi khi chúng ồn ào quá, tôi mới “liếc mắt” xem sao thì quá ngạc nhiên, sao lại có quá nhiều sự điêu toa, phét lác, kể cả lưu manh, phản động, để rồi sự thật trong các vụ việc đều bị biến mất tiêu.
***
Về ngày 30-4-1975, Trần Đăng Khoa đã châm ngòi nổ khi cho rằng Phạm Xuân Thệ là Lý Thông cướp công Thạch Sanh Bùi Tùng. Ông Bùi Tùng cũng viết và nói rằng mình là cấp cao nhất nên đã chỉ huy mọi chuyện sáng ngày 30-4, nhưng xem ảnh chụp và video thì chỉ thấy nhóm anh Phạm Xuân Thệ bắt Nội các DVM, và còn có đoạn video chính miệng ông Bùi Tùng nói lúc đó không biết Phạm Xuân Thệ, vậy ông chỉ huy ai? Chỉ huy cái gì?
Vừa rồi, mấy người cứ nhắn tin cho tôi chuyện ông Bùi Tùng được truy tặng danh hiệu anh hùng muốn xem ý tôi thế nào. Nhưng tôi không ý kiến, vì khi xét, có thể người ta xét toàn diện, cả quá trình cống hiến của ông ấy.
***
Về ngày 30-4, tôi đã phải đọc, xem, nghe hàng ngàn trang tài liệu, may là tôi đọc rất nhanh, phải lướt, nhưng những chỗ quan trọng thì phải xem đi xem lại. Tôi thấy thú vị nhất là lời anh Bùi Quang Thận nói ba mặt một lời trong cuộc toạ đàm ở Dinh Thống nhất. Lời anh Thận đã chỉ ra nhiều cái sai được thông tin lặp đi lặp lại, nghiễm nhiên trở thành sự thật lịch sử.
Về hành trình xe tăng 843 của anh Bùi Quang Thận, cả Nguyễn Khắc Nguyệt lẫn một số báo cho xe anh qua cầu Thị Nghè, đi thẳng qua mấy ngã 4, đến Pasteur thì rẽ trái, đến đường Thống Nhất thì thấy Dinh Độc Lập mầu trắng hiện lên thấp thoáng như phía sau rừng cây. Thực tế, nếu xe đến được ngã tư Pasteur - Thống Nhất (Nay là Pasteur-Lê Duẩn) thì Dinh Độc Lập đã sừng sững trước mặt rồi. Theo lời của anh Bùi Quang Thận, xe anh đến một ngã tư rẽ trái đến đầu một đường lớn thấy có cái cổng đề Sở thú, gặp một phụ nữ chỉ đường thì Dinh ĐL đã ở phía trước mặt, màu trắng, hiện lên xa xa như sau rừng cây. Thì ra, qua cầu Thị Nghè, xe anh đã rẽ ngã 4 đầu tiên, đến đầu đường Thống nhất (Nay là Lê Duẩn) có cổng Sở thú (Thảo cầm viên), vì thế mới thấy Dinh ĐL ở cuối đường xa xa như sau rừng cây.
***
Chuyện Nguyễn Đăng Toàn, trưởng xe 390, kể mình vào dinh, gặp Tướng Nguyễn Hữu Hạnh dẫn đi bắt DVM, đã “dồn Nội các DVM”, rồi thấy Phạm Xuân Thệ đến “báo cáo Tổng thống”. Nhưng anh Bùi Quang Thận kể, sau khi xe của Nguyễn Đăng Toàn và của anh vào trước Dinh ĐL: “Lẽ ra đồng chí phải vào yểm trợ tôi chứ, đằng này đồng chí lại nằm trong xe kín mít”. Đặc biệt, có mấy tấm ảnh làm chứng, chụp Tướng Nguyễn Hữu Hạnh dẫn nhóm anh Phạm Xuân Thệ đi bắt Nội các DVM, chứng tỏ ông Nguyễn Hữu Hạnh không thể phân thây làm hai để mà dẫn Nguyễn Đăng Toàn đến gặp DVM trước được, tức Nguyễn Đăng Toàn đã nói sai.
***
“Thần đồng” Trần Đăng Khoa từng đi gặp trực tiếp Bùi Quang Thận, nghe anh kể, rồi viết báo rằng, anh chiến sĩ Bùi Quang Thận chạy lên bậc tam cấp Dinh ĐL, vì nhà quê, không biết cái văn minh của tư bản, đã húc đầu vào tường kính trong suốt, ngã lăn quay. Sự thật, anh Thận kể mình vào Dinh, chạy lên tầng trên, rồi chủ động húc đầu vào vách tường kính để “đánh động”, để DVM ra, bắt ông ta dẫn anh đi treo cờ. Như vậy TĐK kỳ công gặp tận mặt Bùi Quang Thận mà viết một chuyện cũng sai, thử hỏi làm sao có thể “đấu tranh” cho sự thật lịch sử.
***
Đặc biệt, suốt mấy chục năm, báo chí, truyền hình, sách sử đều mặc nhiên tin tưởng và nghe theo lời Nguyễn Hữu Thái kể là mình đã dẫn anh Bùi Quang Thận lên nóc dinh treo cờ, để rồi ba người Bắc-Trung-Nam: Bùi Quang Thận-Nguyễn Hữu Thái-Huỳnh Văn Tòng “chứng kiến giây phút thiêng liêng: đất nước đã hoà bình, thống nhất”. Sự thật, anh Thận kể, người dẫn mình lên nóc dinh treo cờ chính là Lý Quí Chung (sau là Nhà báo Chánh Trinh), trùng khớp với lời kể của chính Lý Quý Chung, và có lần hai người còn gặp lại nhau kể chuyện treo cờ cho một hãng truyền thông.
***
Với vụ Hồ Duy Hải, vì có liên quan đến những phát biểu của Lưu Bình Nhưỡng mới bị bắt, tôi đã coi lại sơ sơ cũng đến khoảng 500 trang tài liệu. Có nhiều chuyện tranh luận để tìm ra sự thật cũng rất hay, tôi đã viết đôi điều nhưng rồi lại xoá đi. Không phải do tôi viết sai mà vì tôi không muốn bàn đến những chuyện dẫn đến chuyện chết người. Đó là việc của cơ quan chức năng. Nhưng nói chung có nhiều lời nói, bài viết do dốt hoặc cố tình dốt đã làm rất nhiều người hiểu sai về vụ án.
25-11-2023
ĐÔNG LA