LẠI TÂM SỰ CUỐI TUẦN: SỨ MỆNH VĂN CHƯƠNG?
Trước những vấn đề, những chuyện, những cá nhân, khi tôi viết ra, có những độc giả vào bình luận đã thể hiện thái độ bức xúc của mình. Đôi lần tôi đã góp ý: “Đề nghị các bạn bình tĩnh, góp ý đúng mực, cụ thể, có lý lẽ, tránh cực đoan, miệt thị, chửi bới. Tôi không muốn người ta thấy trang của tôi là trang chửi bới, tệ hơn nữa phạm luật là có thể bị kiện đấy”. Tôi thỉnh thoảng phải nhắn tin, phải xoá những comment. Ngay bản thân tôi thỉnh thoảng cũng phải sửa, vì đôi lúc khi viết cũng không giữ được bình tĩnh trước những kẻ lưu manh, như gọi Huy Đức là “thằng vẩu” chẳng hạn.
***
Quay lại cái chuyện viết lách dễ dàng thủa ban đầu của tôi, cái gì cũng “làm một phát là được ngay”. Có lẽ số tôi là thế, bởi tính tôi không kiên trì, nếu thấy mình bất tài là bỏ ngay.
Sau khi gặp cô Anh Thơ, những bài thơ đầu tiên tôi làm chính là chùm thơ mà Chế Lan Viên đã đề nghị trao giải cho tôi trong cuộc thi của Hội Nhà Văn TPHCM. Truyện ngắn đầu tiên như đã kể, vừa đăng xong đã được cả Đài TNVN, Đài TPHCM đọc ngay, đến nhà CLV nhờ cô Vũ Thị Thường đọc, cô bảo “nghiên cứu ở Viện Dược là tốt quá rồi, văn veo làm gì” nhưng đọc xong cô lại bảo: “Viết được đấy”. Sau đó, khi đã quen thân, cô còn tặng tôi cuốn “Sổ tay truyện ngắn”, sách dạy viết văn, nghĩa là cô đã thay đổi thái độ, cũng khuyến khích tôi viết văn.
Còn lĩnh vực phê bình thì cũng phải mất chút thời gian mài bút. Rồi thời thế tạo anh hùng. Đỗ Minh Tuấn đã xuất bản cuốn “Ngày văn học lên ngôi” như đi vào chỗ không người với những thuật ngữ của cả khoa học lẫn triết học, như “Nguyên lý Bất định”, “Quyết định luận”, “Vô định luận”, v.v… làm hoa mắt nhiều người, đến các nhà văn chiến sĩ hàng đầu như Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, v.v… cũng mù tịt. Họ bực là Đỗ Minh Tuấn lại cho văn học kháng chiến chỉ là “một thứ dây dẫn”, một loại “văn học công cụ”, không phải văn chương đích thực, nhưng họ lại không cãi được. Thế là tôi đã ra tay, không phải nhà văn chiến sĩ mà là cựu chiến sĩ cầm bút. Tôi đã viết một bài “đánh” cuốn “Ngày văn học lên ngôi” của Đỗ Minh Tuấn, cho ĐMT chỉ làm dáng tri thức, không biết gì, nên có những quan điểm sai trái về văn học kháng chiến. Tôi đã gởi cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cũng là lần đầu tiên, chưa quen biết ai. Tạp chí thấy bài của tôi đúng như người sắp chết đuối vớ được cọc, đã đăng ngay, và cuối năm 1997 còn chọn bài của tôi trao tặng thưởng hàng năm luôn. Sau đó, nhân một dịp về quê, tôi và ông anh lên HN, trước khi bay về TPHCM, tôi và ông anh đã đến Tạp chí VNQĐ. Ông anh tôi ngạc nhiên, không biết thằng em mình làm gì, gần chục ông đại tá nhà văn, nhà thơ đã xúm lại đón tôi. Nhà Văn Nam Hà, tác giả bài thơ nổi tiếng “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”, đã ôm chầm lấy tôi: “Đông La đây à?!!!”; Nhà thơ Anh Ngọc: “Đang ăn, đọc bài của ông hay quá, rơi cả đũa!”
Thừa thắng xông lên, khi được Tạp chí VNQĐ mời dự lễ phát động Cuộc thi Văn Thơ chào đón Giao thừa Thiên niên kỷ kéo dài 2 năm, tôi đã viết bài thơ dài “Tổ quốc-nửa bàn chân dính bùn và máu”, khi được đăng rất nhiều người thích, Nhà thơ Vương Trọng biên tập, khi vào TPHCM đã alo gặp tôi. Cuối năm 1998, bài thơ của tôi được xếp đầu nửa chặng thi hơn 4000 bài và nó cũng được chọn trao tặng thưởng hàng năm. Vậy là 2 năm liền, hai lần đầu tiên gởi bài về lý luận phê bình và về thơ cho Tạp chí VNQĐ, tôi đều được tặng thưởng hàng năm, một chuyện không hề dễ.
***
Vậy là cả thơ, văn và lý luận phê bình tôi đều “làm một phát được ngay”. Với Đạo Phật thì không gì xảy ra mà vô duyên cả, tại sao tôi, đến một thời điểm, như biến thành người khác, có những khả năng mà với người thường có đi học 1000 năm cũng không được. Vì vậy tôi nghĩ, chắc số mình nó thế, nói một cách trang trọng thì tôi đúng là có sứ mệnh cầm bút. Mà đã là sứ mệnh thì phải thực hiện, không làm không được.
Nhưng với nhiều nhà văn, văn chương là nghề kiếm sống, còn tôi thì không, mà “lao tâm khổ tứ” thì không phải chuyện dễ, anh em, bạn thân có khi lại đế vào: “Viết làm đ. gì?”, nên nhiều khi tôi muốn “quẳng mẹ cái sứ mệnh đi” để kiếm sống, xây nhà dựng cửa, nuôi con ăn học. Nhưng đúng là không thể. Cứ lơ là một thời gian là lại có người này, người nọ, cứ như thiên sứ hiện hình nhắc tôi nhớ tới sứ mệnh. Đại tá Nhà Lý luận Phê bình Hồng Diệu: “Chú mày viết được cả văn, thơ, phê bình là hiếm lắm đấy! Bỏ là phí lắm đấy”. Nhà Lý luận Phê bình Nguyễn Văn Lưu (facebooker Giang Chu) khi làm Giám đốc NXB Văn học một lần gọi điện thoại: “Đông La tập trung bài thành quyển sách đi, anh sẽ in cho, không có là phí lắm đấy”, đó chính là nguyên do cuốn “Biên độ của trí tưởng tượng” của tôi ra đời. Còn ông “cựu bạn thân” Nguyễn Quang Thiều một lần bay vào TPHCM gặp tôi nói: “Ông là người chồng, người cha tốt, nhưng ông mà bỏ viết thì ông có tội với chính ông đó. Bây giờ ông tập trung bài vở đi tôi sẽ bỏ tiền in cho ông một cuốn”. Tôi không tham tiền của Thiều, nhưng hồi đấy thân nhau, thấy bạn có nhiều tiền tôi rất mừng cho bạn, nên dễ dàng nhận lời. Sau đó tôi được biết, Thiều nói không vô tình mà là “khích tướng” và có một cái giá mà tôi phải trả. Nhưng thú vị là chính câu nói đó của Thiều là nguyên nhân để cuốn “Bóng tối của ánh sáng” của tôi ra đời. Nhưng may là do nó “hay quá” nên được chuyển lên “Trên”, và một vị có trọng trách đã nói trực tiếp với tôi: “Bây giờ chuyện in sách của anh là chuyện của nhà nước, không có Thiều thiếc gì nữa”. Nếu không, hồi ấy mà tôi “ăn tiền” của Thiều thì hôm nay đúng là há miệng mắc quai.
***
Một điều nữa làm tôi không bỏ được chuyện viết lách là suốt 30 năm nay, tôi luôn được người này, người kia, cả cơ quan chức năng, báo chí hay “đề nghị”, “xin ý kiến”, “nhờ” tôi viết về chuyện này chuyện nọ. Với sự chống phá của những nhân vật dựa vào những tri thức cao sâu, phức tạp, tôi còn được đề nghị lên tiếng để định hướng dư luận. Tôi rất hiểu trong thời của internet cái sức mạnh và giá trị của sự nổi tiếng, nhưng muốn nổi tiếng phải tiếp cận được với đám đông. Vì vậy tôi đề nghị có sự chỉ đạo để bài của tôi phải được đăng ở báo bình dân như Vietnamnet, VnExpress, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, v.v… để nhiều người đọc. Tôi nghĩ, chỉ cần đăng liên tục dăm bài của tôi thôi là sẽ chấn động dư luận, bọn dân chủ giả cầy sẽ chạy mất dép. Nhưng tôi lại được đề nghị lên tiếng trên trang cá nhân để ý kiến của tôi hoàn toàn độc lập, khách quan, dân chủ, không phải dạng viết theo định hướng. Tôi thấy cũng có lý, nghe theo, nhưng cũng tiếc.
18-11-2023
ĐÔNG LA