Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

VÀI Ý VỀ CUỘC PHỎNG VẤN TT NGA PUTIN CỦA NHÀ BÁO MỸ TUCKER CARLSON

 VÀI Ý VỀ CUỘC PHỎNG VẤN TT NGA PUTIN CỦA NHÀ BÁO MỸ TUCKER CARLSON



Ngày 6/2, Tổng thống Nga Putin đã trả lời cuộc phỏng vấn của Tucker Carlson, nhà báo Mỹ. Cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ 6 phút đã làm chấn động dư luận thế giới. Nội dung quan trọng nhất là nguyên nhân “Nga đánh Ukraina” thì đã được truyền thông viết và nói nhiều, không có gì mới, nhưng nghe trực tiếp TT Putin nói vẫn thấy thú vị.
Tôi cũng đã viết về Ukraina nhưng là do lo lắng cho đất nước Việt Nam chúng ta. Bởi VN hôm nay cũng có những mầm mống gây bạo loạn dẫn tới chiến tranh như Ukraina. Đó là mưu toan thay đổi chuẩn mực các giá trị trong các lĩnh vực như: chính trị tư tưởng, lịch sử, văn hoá nghệ thuật, văn chương, v.v…
Vài chục năm gần đây, Ukraina không chỉ chống Nga mà chống cả Liên Xô, tức chống lại lịch sử chính nghĩa của chính mình. Ngược lại, Ukraina lại phục hồi Chủ nghĩa Phát-xít. Theo tinh thần đó, Ukraina chống tất cả những gì thuộc Nga: chống người gốc Nga, chống tiếng Nga, chống văn học Nga… Với ảo tưởng theo NATO chống Nga, Ukraina sẽ được bảo vệ, sẽ được viện trợ kinh tế sung sướng, được lên Thiên đường, nhưng Nga đâu có “hiền”, con cháu những người từng đánh tận sào huyệt buộc trùm Phát-xít Hít-le phải tự sát đã và đang trừng phạt Ukraina, những kẻ phản bội.
Khi thay đổi cả hệ giá trị, cái tốt sẽ biến thành cái xấu, cái thiện sẽ thành cái ác, những kẻ phản bội sẽ được lựa chọn để nắm quyền. Đó là Gooc-ba-chov năm xưa ở LX và Zelensky hôm nay ở Ukraina. Và rồi kết quả là LX đã tan vỡ, còn Ukraina thì đang chiến tranh.
Chiến tranh Ukraina là một bài học cho VN. VN coi trọng quan hệ với Mỹ và Phương Tây, nhưng không theo Mỹ, theo Phương Tây để chống Nga, chống Trung Quốc, như bọn trí thức lưu manh, đón gió, trở cờ luôn to giọng để lấy lòng Mỹ và phương Tây vì những tham vọng khác nhau. Chính vì vậy, không vì một mục đích cá nhân nào cả, tôi đã viết “như điên” chống lại những quan điểm sai trái đó vì tôi không muốn VN sẽ lại có chiến tranh.
***
Về chuyện muốn theo Mỹ và phương Tây để sung sướng, TT Putin đã nhắc lại bài học cay đắng trong cuộc phỏng vấn: “Liên Xô đã chấm dứt sự tồn tại, không còn hiện hữu tuyến ranh giới phân chia về ý thức hệ nữa. Nga thậm chí còn tự nguyện và chủ động đồng ý về sự sụp đổ của Liên Xô và xuất phát từ chỗ thực tế này sẽ được cái gọi là «phương Tây văn minh» hiểu như là đề xuất hợp tác và liên minh. Đây là điều mà Nga trông đợi từ cả Hoa Kỳ và từ cái gọi là tập thể phương Tây nói chung”; “sau năm 1991, khi nước Nga trông đợi được tiếp nhận vào đại gia đình anh em «các dân tộc văn minh» thì chuyện như vậy đã chẳng hề xảy ra. Các vị đã lừa dối chúng tôi… đã hứa hẹn rằng sẽ không mở rộng NATO về phía đông, nhưng điều này đã xảy ra năm lần, năm làn sóng mở rộng khối liên minh quân sự. Chúng tôi chịu đựng mọi thứ, thuyết phục tất cả, nói rằng, không cần, bây giờ chúng tôi là người mình, như ở chúng tôi hay nói, là tư sản, chúng tôi có kinh tế thị trường, không có chính quyền của đảng Cộng sản, nào chúng ta hãy thỏa thuận với nhau”; “Tôi trở thành Tổng thống vào năm 2000… đề tài Nam Tư đã kết thúc, cần cố gắng khôi phục quan hệ… tại cuộc gặp ở Điện Kremlin với Bill Clinton sắp mãn nhiệm, ngay cạnh đây, ở sảnh bên, tôi đã nói với ông ấy, nêu một câu hỏi: Nghe này, Bill, nếu Nga nêu vấn đề gia nhập NATO, anh nghĩ sao, điều đó có khả thi không? Bỗng nhiên ông ấy nói: Bạn biết đấy, điều này thật thú vị, tôi nghĩ là có. Rồi buổi chiều, khi chúng tôi gặp nhau trong bữa tối, ông ấy nói: Bạn biết chứ, tôi đã nói chuyện với người của tôi, với đội của tôi – hoá ra không, bây giờ chuyện đó là không thể”.
T. Carlson:
-Theo Ngài nghĩ thì tại sao? Động cơ của việc này là gì? Tôi cảm thấy Ngài có vẻ cay đắng về chuyện đó, tôi hiểu. Nhưng theo Ngài thì tại sao khi đó phương Tây lại từ chối Ngài? Ở đâu ra sự thù địch như vậy? Tại sao không cải thiện được quan hệ? Động cơ của thái độ này là gì, theo nhãn quan của Ngài?
Vladimir Putin:
-Bạn cho rằng tôi cảm thấy cay đắng vì câu trả lời. Không, đó không phải là cay đắng gì cả, chỉ đơn giản là xác nhận tuyên bố thực tế. Chúng ta đâu phải là cô dâu và chú rể... Đơn giản là chúng tôi đã hiểu ra rằng ở đó họ không mong đợi chúng tôi, thế là xong…
T. Carlson:
-Vậy là Ngài đã hai lần mô tả cách các Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định nào đó, rồi tiếp đến ê-kip của họ đã làm chệch hướng quyết định này?
Vladimir Putin:
-Đúng vậy. Cuối cùng họ đẩy chúng tôi xa hơn.
Sự mở rộng của NATO về phía đông… vào năm 2008, cánh cửa gia nhập NATO đã mở ra cho Ukraina. Năm 2014, người ta thực hiện cuộc đảo chính, trong đó có những người không công nhận cuộc đảo chính này bắt đầu bị truy bức đàn áp và tạo ra mối đe dọa đối với Crưm mà chúng tôi buộc phải bảo vệ. Họ bắt đầu cuộc chiến ở Donbass vào năm 2014, sử dụng không quân và pháo binh chống lại dân thường… Và vẫn trong bối cảnh phát triển quân sự của lãnh thổ này và mở cửa vào NATO.
Như vậy, làm sao chúng tôi có thể không lo ngại về những gì đang xảy ra?
Về câu hỏi của T. Carlson “nếu một TT Mỹ khác mới được bầu sẽ có thay đổi không?” TT Putin trả lời:
-…Việc không phải ở người lãnh đạo… cụ thể. Ví dụ, tôi đã có quan hệ cá nhân rất tốt với ông Bush. Tôi biết rằng ở Hoa Kỳ, người ta mô tả ông ấy như là một gã nhà quê không biết gì nhiều về mọi thứ. Tôi cam đoan với bạn rằng hoàn toàn không phải như vậy. Tôi cho rằng ông ấy cũng đã mắc rất nhiều sai lầm trong quan hệ với Nga. Tôi đã kể cho bạn nghe về năm 2008 và quyết định ở Bucharest, mở cửa NATO cho Ukraina và v.v... Đó là chuyện xảy ra dưới thời ông ấy, ông ấy đã gây áp lực với người châu Âu.
Nhưng nhìn chung, ở cấp độ con người, tôi có mối quan hệ rất thân thiện và tốt lành với Bush. Ông ấy không tệ hơn bất kỳ chính trị gia Mỹ, Nga hay châu Âu nào khác. Tôi đảm bảo với bạn rằng ông ấy hiểu việc mình đang làm, cũng như những người khác. Tôi và ông Trump cũng có quan hệ cá nhân như vậy.
Việc không phải ở tính cách của nhà lãnh đạo - mà là ở tâm thế của giới tinh hoa. Nếu chiếm ưu thế trong xã hội Mỹ là ý tưởng thống trị bằng bất cứ giá nào và với sự trợ giúp của vũ lực, thì sẽ chẳng có gì thay đổi – mọi sự sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Còn nếu cuối cùng nhận ra được rằng thế giới đang thay đổi theo bối cảnh khách quan và cần kịp thời thích ứng đúng lúc, sử dụng những ưu thế mà Hoa Kỳ vẫn có ngày nay, thì may chăng sẽ có gì đó đổi thay.
T. Carlson:
-Ngài mô tả hai hệ thống khác nhau, Ngài nói rằng thủ lĩnh hành động vì lợi ích của cử tri, nhưng đồng thời, một số quyết định nào đó lại do giai cấp thống trị đưa ra. Ngài đã lãnh đạo đất nước nhiều năm, Ngài nghĩ sao, với kinh nghiệm của Ngài thì ai sẽ là người thông qua quyết định ở nước Mỹ?
V. Putin:
-Tôi không biết. Mỹ là một đất nước phức tạp, một mặt bảo thủ, mặt khác lại thay đổi nhanh chóng…
Tiếp theo, hãy xem, tại sao trong quan hệ với Nga lại thực hiện chính sách gây sức ép, theo tôi là sai lầm, thô thiển, hoàn toàn vô căn cứ như vậy sau khi Liên Xô sụp đổ? Bởi đó là chính sách gây áp lực. Việc mở rộng NATO, hỗ trợ phe ly khai ở Kavkaz, tạo lập hệ thống phòng thủ tên lửa, đều là những yếu tố gây áp lực. Áp lực, áp lực, áp lực... Sau đó lôi kéo Ukraina vào NATO. Tất cả vẫn là áp lực, áp lực. Tại sao?
Tôi nghĩ, nói một cách tương đối, trong đó có phần nguyên nhân cũng vì tạo ra năng lực sản xuất dư thừa. Trong cuộc chiến chống Liên Xô, nhiều trung tâm khác nhau đã được thành lập và có các chuyên gia về Liên Xô không biết làm gì khác hơn. Họ cho rằng dường như đang thuyết phục được ban lãnh đạo chính trị: phải tiếp tục dồn ép Nga, cố gắng làm Nga sụp đổ hơn nữa, tạo ra một vài trạng thái gần như Nhà nước trên lãnh thổ này và khuất phục các thực thể này dưới dạng chia rẽ, sử dụng tiềm năng tổng hợp của họ cho cuộc chiến trong tương lai với Trung Quốc. Đây là sai lầm, bao gồm cả tiềm năng dư thừa của những ai từng làm việc đối đầu với Liên Xô. Cần loại bỏ điều này - phải có những lực lượng tươi mới, những con người biết nhìn về tương lai và hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới.
***
Câu nói trên của TT Putin rất thú vị bởi có liên quan đến VN. Ông nói về các trung tâm ở Mỹ từng thành lập để chống Liên Xô, bây giờ tiếp tục chống Nga và chuẩn bị cho cuộc chiến tương lai với Trung Quốc. Với VN, nhân chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 10-9-2023, hai nước Việt – Mỹ đã chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, thế nhưng Mỹ vẫn luôn dung túng các tổ chức, cá nhân chống thể chế chính trị VN, bởi thể chế đó đã được hình thành từ lịch sử giành lại quyền độc lập của VN, trong đó có mối quan hệ thân thiết với Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng như tôi đã viết nhiều, VN cần quan hệ bình đẳng với Mỹ để phát triển, còn VN lại trở thành tay sai của Mỹ để chống Trung Quốc, chống Nga như bọn trí thức lưu manh hót theo giọng của Mỹ thì sẽ là tai hoạ, VN sẽ là một Ukraina phương Đông.

13-2-2024
ĐÔNG LA