Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

CHÙM THƠ TÌNH ĐÔNG LA

 

CHÙM THƠ TÌNH ĐÔNG LA

Hồi tôi bắt đầu sáng tác cũng là lúc trên diễn đàn văn chương người ta oang oang về sự đổi mới. Riêng tôi thấy nền thơ ca có tính ăn chắc mặc bền, đi đều bước đúng là cần có những đổi mới. Cần tăng cường cá tính sáng tạo của nhà thơ, cần sáng tạo ngôn ngữ độc đáo, tứ thơ độc đáo hơn để tăng cường khả năng biểu đạt, biểu cảm, để ngôn ngữ hàm súc, gợi mở, khái quát hơn. Thơ ca cũng như đời sống cũng cần sang trọng, cao quý, cũng cần cởi mở, thoát ra khỏi cái khuôn mẫu phong kiến hủ nho, thể hiện cả những khao khát tình yêu, tình dục. Nhưng với các vấn đề nhạy cảm thì càng cần tài năng của thi sĩ để thể hiện. Không thể viết về tình dục như Trần Dần, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Inrasar, Nhóm Mở Miệng… một cách trần trụi, ô trọc, tục tĩu. Ngôn ngữ thi ca không thể giống ngôn ngữ của lớp người hạ đẳng, đầu đường, xó chợ, vô học, thiếu giáo dục, phản văn hoá.
Tôi cũng đồng hành mà có thể còn luôn đi đầu trên con đường đổi mới. Vào đời tôi hay chọn chơi với những người có cá tính mạnh, trong đó từng rất thân với Nguyễn Quốc Chánh, tiếc là nó còn “đầu gấu” hơn cả Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Hưng. Nhưng về tư cách, tôi thấy Chánh hơn hẳn Thiều và Hoàng Hưng. Chánh chống nhà nước là bỏ luôn, không đeo bám, luồn lách, cơ hội. Không như Thiều, chống chế độ nhưng lại luồn lách đủ cách để có được danh vọng của chế độ, được làm quan chức của chế độ. Với cái tính cách đó của Chánh, thời còn thân nhau, Chánh đã nhận xét một câu rất chính xác về tôi: “Người đổi mới được thơ trong dòng chính thống chính là ông”. Có điều, có sự đổi mới đích thực nào mà không chính thống? Như trong khoa học công nghệ, đổi mới không dựa trên cả nền tảng tri thức chính thống thì dựa trên cái gì?
Ngoài những bài thơ hoành tráng, những tứ thơ bao quát về quê hương, đất nước, nhân loại, tôi cũng đã thể hiện không ít trong thơ những khao khát tình yêu, tình dục, bởi tình dục là bản tính thiêng liêng, thiên chức thiêng liêng mà Tạo Hoá đã ban cho loài người để duy trì giống nòi.
Có lẽ “bọn Nguyễn Quang Thiều” luôn vênh vang đổi mới nhưng không “đứa nào” có thể viết được về nụ hôn một cách mãnh liệt như tôi: “Ta hãy hôn nhau cho rung rinh mặt đất”; rồi: “Nụ hôn có lạnh sương đêm mà làm lòng anh bỏng cháy”. Tình dục trong thơ tôi là tình dục thiêng liêng của nhân bản, của tình yêu, được thể hiện một cách cao sang, tinh khiết, đắm say qua ngôn ngữ lung linh, lấp lánh của thi ca.
Trong bài “Cánh đồng quê” tôi đã viết:
“Nơi có đêm trăng mười sáu ta đã bất chợt được chiêm ngưỡng một vầng trăng khác cũng tròn mười sáu
Em tắm sông hay là em tắm trăng?
Những giọt trăng lung linh đậu trên mịn màng da thịt
Đêm mỏng manh không che được nữa rồi
Em chưa biết hay quên mình đã là mười sáu?
Để ta sững sờ sau bụi cây thưa
Để ta một đời tơ tưởng mộng mơ”;
Rồi:
“Sao là cánh? Sao là đồng? Sao lại Chùa Mô, Đằng Miều,
Con Cóc?
Những cái tên lạ lùng đã khắc dấu hồn ta
Nhớ vệt bùn hôm nao em làm ta lấm áo
Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê
Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ...”
Tôi làm nhiều thơ nhưng mới xuất bản một tập, thấy sự định giá nhố nhăng của giới văn chương nên tôi chán không muốn in. Tập đầu khi soạn xong, khi đặt tên, tôi muốn chọn những gì cao quý nhất, thiêng liêng nhất của đời một con người để đặt tên cho tập thơ, và thấy chỉ có đêm tân hôn là xứng đáng nhất, nên đã làm thêm bài “Đêm thiêng”.
Hôm nay lại cuối tuần, lại giải trí văn chương, tôi sẽ đăng lại bài “Đêm thiêng” và chùm thơ viết về những cảm xúc bản năng giới tính thiêng liêng của con người.
27-11-2021
ĐÔNG LA

ĐÊM THIÊNG

Đêm nay
Anh sẽ ngắt trăng về làm đèn ngủ
Ôm mấy ôm mây trải nệm
Trong những ô cửa sổ
Giam giữ các loại hương hoa
Hãy bước tiếp đi em
Bước cuối cùng con đường tìm đến nhau đằng đẵng
Quẳng lại phía sau lưng
Mênh mông con dốc u buồn
Những giấc mơ chiều đông hoang mạc
Những vực thẳm lỗi lầm thuở mười bảy
Đêm nay
Anh đã đến được rồi giấc mơ hạnh phúc
Nơi cây số 29 cuộc đời anh
Từ bao giờ em đã đứng đợi?
Ta hãy mang hai nửa phần chông chênh nhập vào nhau khăng khít
Lắp ráp một cuộc đời!
1984

NGẤM VÀO NHAU

Đêm buông màn cho ta nằm nghỉ
Cỏ mát mềm trải nệm dưới chân đê
Ta hãy ngấm vào nhau như mưa trên biển cát
Như tự ngàn xưa và mãi mãi ngàn sau.

MUỐN CẤT TA VÀO EM

Có người không biết cất buổi chiều vào đâu (*)
Còn ta không biết cất ta vào đâu trong buổi chiều này
Ta đi tìm ánh ngày
Mi hoàng hôn chợt khép
Ta đi tìm công việc
Những con chữ lười ngủ gật trên trang
Ta biết có một nơi
Nhưng dường như không bao giờ đến được
Ta muốn được cất ta vào em

Cuối năm 1996
(*)Ý thơ Thi Hoàng

C Ơ N K H Á T

Khi gặp em
Anh chợt thấy môt cơn khát của biển
Anh muốn mang biển đi tìm nước
Nhưng biết tìm đâu
Khi tất cả những suối nguồn tươi mát kia
Em cất giữ trong ngôi nhà 18 tuổi
Ngôi nhà có treo đầy ổ khoá nghiêm nghị
Của đức hạnh
Nguồn mạch nơi dòng sông óng ả màu đen
Nơi đáy hồ thu
Nơi chúm chím môi hoa
Nơi những đỉnh núi mềm mại và quyến rũ
Nơi những vầng hào quang vô hình đủ sức thiêu cháy mọi niềm kiêu hãnh...
Chỉ em thôi
Chỉ em có thể và không thể
Nhưng em có bình tâm
Khi biển giãy chết ?
***
Khi gặp em
Anh chợt thấy cơn khát của cánh đồng
Cánh đồng bị rang trên cái chảo mùa hạ
Móng tay của nắng để lại những vết xước hình mắt lưới
Những vết bỏng phồng rộp như bánh đa nướng
Trên da thịt đất
Thế mà bao đám mây mọng nước
Lại thung thăng trôi về phía bên kia.
1996