Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN CHIẾN SĨ TRÚC PHƯƠNG

 

Hôm qua, tôi lại cưỡi cái xe dream quen thuộc mấy chục năm đi tới nhà anh Trúc Phương, tưởng xa, nhưng đi hơn nửa tiếng là tới rồi. Có nhiều chuyện muốn viết nhưng mệt, mới đưa lên một tấm ảnh. Anh em cùng ở Sài Gòn bao nhiêu năm mà lần đầu gặp nhau, mừng quá, uống hết một chai rượu vang, rồi bốc lên, cứ “lon nữa”, “lon nữa”... Thấy đã quá trưa thì tôi ra về, anh Phương có phần lo lắng, đến nhà tính lấy điện thoại báo tin cho anh yên tâm, nhưng Trời ơi! Bỏ quên bố cái điện thoại ở nhà ổng rồi! Gì thì gì, quen rồi, phải ngủ trưa cái đã, mọi chuyện tính sau. Bốn giờ chiều, tôi lại cưỡi xe đến nhà anh lấy điện thoại. Hai anh em ôm nhau “Đúng là ông Trời chưa cho chúng mình xa nhau, và chắc còn phải gặp nhau nhiều nữa!”
***
Cách đây ít lâu, qua điện thoại anh Trúc Phương đã vài lần mong hết dịch dã anh em gặp nhau “làm vài lon”, còn mới đây anh điện cho tôi bảo rủ thêm mấy người thân đến nhà anh chơi vì “nhà mình thuộc vùng xanh rồi”. Tôi nói với bà xã: “Tôi phải đi gặp ông này vì tôi đã viết sách tiếng Anh về bệnh ung thư, thứ hai người cùng quan điểm và ra tay tố cáo quyết liệt sai trái của thằng Thiều như ổng là rất quý hiếm!”
Sáng qua, tôi đã đến nhà anh Trúc Phương, một căn nhà mới, xinh xắn, ở vùng ngoại ô đã đô thị hoá nhưng nhà còn thưa, còn những khoảng trống xanh mát cỏ cây. Hỏi anh mới biết, anh phải bán nhà ở Quận 5 ra đây để có tiền chữa bệnh. Hỏi tiếp thì được biết, sau giải phóng anh được học một lớp đào tạo cán bộ cùng với cựu Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, người chức thấp nhất lớp đó cũng là bí thư tỉnh uỷ, còn anh, máu văn chương đã khiến anh tìm mọi cách thi vào được trường Viết Văn Nguyễn Du. Ở Bắc gần chục năm, gặp “em yêu” là một cô gái Hải Phòng, sau về lại Miền Nam dạy ở Đại học Cần Thơ, còn “em yêu” dạy tiếng Nga. Rồi vợ chồng anh lên Sài Gòn đã mấy chục năm, anh làm ở Sở Văn hoá Thông tin, rồi Giám đốc một nhà xuất bản. Tôi hỏi về bệnh của anh thì anh bảo bị ung thư lưỡi, phải cắt đi một phần, bác sĩ lấy thịt ở cằm vá vào lưỡi, sau một thời gian dài mới nói được, vài năm gần đây không chữa chạy gì hết, đến nay là được 9 năm rồi. Tôi bảo vậy là chắc khỏi rồi, nếu không di căn lâu rồi. Anh bảo buồn là đến lượt vợ anh lại đang bị bệnh rất nặng, và nói tôi theo anh lên lầu thăm chị. Trông chị thật ái ngại, nhưng tôi khâm phục chị vô cùng, gương mặt chị không chút buồn bã mà luôn tươi cười, đúng là nụ cười Võ Thị Thắng, bệnh vậy mà chị còn đọc bài tôi viết và bảo tôi viết hay lắm!
***
Xuống lại phòng khách, tôi nói anh kêu cô con dâu chụp ảnh giúp. Xong, lúc này chúng tôi mới bắt đầu cụng ly, và tư tưởng cứ theo hơi men bốc dần lên. Vậy là chúng tôi cùng ở Sài Gòn đã mấy chục năm mà không biết nhau. Tôi hỏi anh:
-Trong giới văn chương tôi cũng nổi lắm chứ bộ, vì tất cả những cuộc bút chiến tôi đều có mặt, vậy mà anh không biết tôi à?
Trúc Phương:
-Đúng là mình không biết, công việc bận quá, trước đây mình cũng ít theo dõi mạng. Đến cái vụ thằng Thiều này, lên mạng tìm hiểu Hậu hiện đại thấy người ta viết rải rác nhưng không rõ, không sâu. Thế rồi kiếm được cái bài của ông, mừng quá, cứ nghĩ ông ở ngoài Bắc cơ.
Đông La:
-Như vậy là cá nhân anh em mình chẳng cần gặp nhau làm cái gì cả, nhưng rồi vì sứ mệnh của người cầm bút, ông Trời đã bắt chúng mình gặp nhau. Như tôi, hồi mới vào đời chỉ mơ làm Khoa học Tự nhiên, chứ có thiết tha gì văn chương đâu. Nhưng rồi cứ như có sự xếp đặt, bạn tôi là đồng hương của cô Anh Thơ, thấy tôi ở gần nhà cô thì rủ đến chơi thôi. Không ngờ gặp cô, cô ấy lại thấy tôi “có tài quá” nên mới giới thiệu đi gặp Chế Lan Viên. Hôm ấy cô ấy cho chai rượu thuốc bảo mang lên biếu “ông Chế” nhưng “ông này kiêu ngạo lắm, cháu mang tờ báo mới đăng truyện ngắn của cháu đưa cho bà Thường đọc trước, rồi có dịp thì đưa thơ cho ông CLV”. Tôi đã lên nhà gặp cô Thường, bả hỏi tôi làm nghề gì, tôi trả lời thì bả bảo “thế là tốt quá rồi, văn chương làm gì, con tôi cho đi học Y hết”. Nói xong, cô lấy bút dắt vào tai, cầm tờ báo của tôi đọc, bảo “có gì thì sửa luôn nhá”. Không ngờ bả bị cuốn vào câu chuyện, đọc một mạch hết luôn, không sửa chữ nào, bảo “viết được đấy!” Tính tôi cũng tự ái, hôm ấy nếu cô Thường chê tôi thì không biết có ngày hôm nay anh em mình gặp nhau không? Phải mấy tháng sau, có kỳ thi, tôi mới có dịp đưa thơ cho “ông Chế”, không ngờ tôi còn ngạc nhiên hơn, CLV đọc xong đã cho tôi giải luôn, còn vào buồng bê bản thảo ra khoe cách làm thơ với tôi. Còn tôi đến tận hôm nay, tôi chưa gặp được ai có thể khiến mình phải mang bản thảo ra khoe như vậy.
Trúc Phương:
-Như vậy là cùng tần số đấy. CLV đúng là có tài, thông minh, mình cũng rất kính trọng ổng.
Đông La:
-Như vậy cuộc đời đúng là có sự xếp đặt huyền bí. Anh có tin tâm linh không?
Trúc Phương:
-Tôi cũng tin, nhưng tìm cái này cái kia như báo chí đưa thì tôi không tin.
Đông La:
-Vậy là anh chưa có duyên để chứng kiến tận mắt những chuyện tâm linh rồi. Còn tôi dân khoa học tự nhiên thứ thiệt nhá nhưng phải công nhận đúng là có khả năng siêu phàm, đúng như kinh Phật ghi, đúng là có thế giới tâm linh. Nhưng ngạc nhiên là, những người có khả năng của thần thánh cũng lại nói dối, làm sai. Cũng như nhà văn, đã cầm bút thì ai cũng phải biết viết vì lương tâm, phải bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác, nhưng loại như thằng Thiều nó chỉ nhân danh véo von thôi, thực tế nó lại làm ngược lại, nó làm mọi chuyện chỉ để đạt được tham vọng của nó.
Trúc Phương:
-Lúc đầu viết tâm thư tố cáo thằng Thiều tôi thấy cô đơn quá.
Đông La:
-Giờ nó là Chủ tịch Hội Nhà văn rồi, đa phần ôm chân nó, mong chút lợi danh, chứ có mấy người “dại” mà chống nó như anh. Còn tôi, lúc ông Hảo chửi nó như chó thì tôi lại đến che chở cho nó, còn giờ nó có vào Bộ Chính trị như ông Điềm mà phản động thì tôi cũng nhổ toẹt vào cái quyền lực, cái danh vọng của nó!
Trúc Phương:
-Thằng trông như thế mà ông cũng thân được, tôi thấy là không gần được.
Đông La:
-Ông lầm rồi, nó ứng xử giỏi lắm, đi đến đâu là có bọn nhà văn cứ bu nó như ruồi, nhiều đứa mê nó lắm, đến tôi còn mê nó đây này. Tôi quý nó nhưng vẫn thấy ngay những cái sai của nó, nhưng có thời đất nước mình dân khổ thật, quan chức thì lại giầu có, nó có viết để chửi chế độ thì cũng có phần đúng. Dù vậy, tôi không thể chấp nhận nó có tư tưởng phản bội. Nhưng như anh viết đấy, tôi cũng nghĩ nó có nhiệm vụ bí mật phải diễn. Giờ mới thấy, bí mật kiểu đó làm thể chế sụp luôn rồi thì bí mật con khỉ gì nữa!
Trúc Phương:
-Lúc đầu cô đơn nhưng sau thì vui có một số anh em gọi điện. Hôm trước ông Chu Giang gọi tôi cả tiếng thì hôm sau ông gọi cho tôi đấy. Thật mừng quá!
Đông La:
-Ông Nguyễn Văn Lưu thì phải ủng hộ anh rồi! Ổng là người đầu tiên phê phán Luận văn Nhã Thuyên đấy. Thằng Phạm Xuân Nguyên đã ngang nhiên gọi ông Lưu là “phê bình chỉ điểm” trong một cuộc họp có mặt cả ông Trương Tấn Sang đấy! Tôi biết mới cáu tiết viết một loạt bài, có bài đặt hẳn đầu đề gọi thằng Nguyên là “Thằng mù chữ, thằng lưu manh”. Chính vậy cái luận văn ấy mới bị thu hồi đấy. Nhà văn tốt có nhiều nhưng ra mặt chống lại cái xấu như anh em mình ít quá. Ngoài Nguyễn Văn Lưu có GS Trần Thanh Đạm, Nhà Văn Vũ Hạnh, GS Mai Quốc Liên, tiếc là các ông đều tuổi quá cao, ông Đạm, ông Hạnh đã mất rồi!
Trúc Phương:
-Cái thằng Inrasa rất láo, có lần tôi thấy nó viết ông Vũ Hạnh là tên nằm vùng, chỉ điểm.
Đông La:
-Anh phê phán nó sai rất đúng nhưng anh cứ viết nó là nhà thơ lớn là sai!
Trúc Phương:
-Mình viết theo giọng của nó thôi!
Đông La:
-Với tôi nó đã là thằng vô học, lưu manh thì sao có tài chân chính được? Vậy sao cái trường Nhân Văn lại mời nó dạy học? Tôi hay đến trường này chơi, rất quen mấy ông hiệu trưởng luôn, vậy mà tôi không biết chuyện đó. Có tài phải làm thơ hay, phải nói rõ ra được cụ thể cái hay chứ không phải tán thơ lăng nhăng như thằng Thiều. Hay là phải làm ra được cái sáng tạo có ý nghĩa, như bà Anh Thơ nói với tôi là “không được giống ai” đó. Như đã có biết bao nhà thơ viết chuyện mẹ khóc con liệt sĩ, nhưng tôi viết được như dưới đây thì phải hay, nếu không thấy thì hoặc người đọc không thích và không hiểu gì về thơ, hoặc có làm thơ thì theo khuynh hướng tà đạo, phản nhân tính như đám thằng Thiều, thằng Inrasara:
Nấm mộ này mẹ thường đến thăm con
Khắc trong tim hình dáng ấy mãi còn
Có phải thời gian trôi mòn bia đá?
Hay bia đá mòn bởi nước mắt mẹ tuôn?
Trúc Phương:
-Cái tứ thời gian làm mòn bia, nước mắt chảy mòn bia là hay đấy!
Đông La:
-Tài cỡ như thằng Thiều thì có làm nổi thơ như vậy không? Còn bảo không thiết làm thơ ca ngợi cách mạng, thích làm phản biện cơ, vậy có làm được như thế này không?
Có một ngôi nhà làm nên bởi những con mọt
Kèo cột dui mè toàn những gỗ thơm
Năm tháng trôi lũ mọt tròn béo mập
Căn nhà chỉ còn nguyên vẹn lớp sơn
Nghe tôi đọc, anh Trúc Phương gật gù, bốc lên tôi nói nhiều quá, nói hết phần của anh.
Rồi cứ thế nhoáng cái đã quá trưa, tôi phải tạm biệt anh ra về. Anh bắt tay tôi: “Cuộc gặp gỡ thật tuyệt” và hỏi: “Về được không?”. Tôi trả lời: “Được chứ!”
***
Cái bài thơ về “lũ mọt” tôi đọc hôm qua ở nhà anh Trúc Phương tôi đã làm khi đọc được cái ý quá hay của một học giả Mỹ viết về sự tan vỡ của Liên Xô: “Đảng Cộng Sản Liên Xô, người làm giầu trong lễ tang của chính mình”, thấy Liên Xô đúng là đã mục ruỗng, chỉ còn lại cái tên, và đã sụp đổ. Bài thơ của tôi cũng có thể cảnh tỉnh cho xã hội Việt Nam, khi mà cán bộ đảng viên đã bị kỷ luật từ Uỷ viên Bộ Chính trị trở xuống, giữ chức từ Phó thủ tướng trở xuống.
Một xã hội rất cần văn chương phản biện chân chính để sửa sai, để tiếp tục tồn tại, phát triển vững mạnh.
Sau khi LX sụp đổ, nước Nga dưới thời của Enxin đã hỗn loạn, ông ta đã phải từ chức. Dù có tội lớn nhưng Enxin lại có công là giao quyền lực cho Putin. Putin đã không theo con đường phản bội của Enxin bởi biết sẽ đưa nước Nga đến chỗ hỗn loạn và nội chiến. Putin đã sửa sai, đã ãnh đạo nước Nga trên tinh thần kế thừa những di sản tiến bộ của Liên Xô, bảo vệ lịch sử cách mạng của Liên Xô, đã lấy lại được phần nào vị trí của Liên Xô ngày xưa.
Với Việt Nam cũng vậy, thể chế cần phải sửa sai, chỉnh đốn, luôn luôn cần phải sửa sai, chỉnh đốn. Dù vậy, Việt Nam cũng cần phải kiên định đi theo con đường đã đưa Việt Nam từ chỗ nô lệ, mất nước đến được vị thế như hôm nay, chứ theo con đường của bọn cơ hội, đón gió, trở cờ, con đường của sự phản bội, vọng ngoại như tình trạng Hội Nhà Văn VN hôm nay thì chắc chắn đất nước sẽ lại loạn!
5-11-2021
ĐÔNG LA