Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

GIẢI TRÍ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH: THƠ VÀ VẬT LÝ (TRAO ĐỔI VỚI NHÀ THƠ LÊ ĐẠT)

 ĐÔNG LA

GIẢI TRÍ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH:
THƠ VÀ VẬT LÝ (TRAO ĐỔI VỚI NHÀ THƠ LÊ ĐẠT)

Tôi đã viết một số bài xem chừng viết ra thì chỉ có mình và vài người đọc hiểu. Như bài “Thơ và vật lý” trao đổi với Nhà thơ Lê Đạt, GS Trần Đình Sử (hồi còn liên lạc với tôi) đọc xong bảo là “mù tịt”. Một lần tôi ra Hà Nội, khi gặp người làm ở cơ quan tối cao về chính trị tư tưởng, là người duyệt sau cùng cuốn “Bóng tối của ánh sáng” của tôi, anh bạn đã nói: “Tôi có thể tự tin nói, tôi là một vài người ở VN đọc hiểu hết cuốn sách của anh. Vợ tôi là PGS Văn nhưng có chỗ anh viết về văn đọc cũng không hiểu”. Nói vậy, anh bạn thể hiện sự tự tin nhưng là để khen tôi, vẫn khiến tôi phải vì nể, bởi có quyền mà không “ta đây”, đã khách quan, đã có trình độ để hiểu mà tôn trọng tri thức. Quả thật, anh bạn là TS Triết học, từng là học sinh đoạt giải thi toán quốc gia. Có điều luôn khiến tôi buồn là, cái thời đại dân chủ có nhiều tiến bộ nhưng vẫn có những nghịch lý. Theo dân chủ, số ít phải thua số nhiều, nhà văn thành công, thành đạt phải có nhiều người đọc, nhưng viết tác phẩm chứa đựng tư tưởng cao sâu, viết về tri thức cao sâu thì lấy đâu ra nhiều người đọc hiều? Dù vậy, đã là sứ mệnh thì thấy cần viết vẫn cứ phải viết thôi. Bài trao đổi với Lê Đạt, tôi viết nhiều và sâu về vật lý, đã được trích đăng trên báo Văn nghệ khi ông còn sống.
Nghe nói, khoảng đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, Lê Đạt từng trong ban giám khảo đã ủng hộ “sự đổi mới” trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều, giúp Thiều, khi còn rất trẻ, đã đoạt được cái giải danh giá của Hội Nhà Văn VN.
Hôm nay cuối tuần “giải trí Lý luận Phê bình”, tôi cắt bớt những phần thuần về vật lý, chỉ giữ lại những gì liên quan đến thơ ca, xin đăng lại để xem xem quan điểm đổi mới thơ ca của Lê Đạt ra sao?
8-1-2022
ĐÔNG LA
Lê Đạt là một tác giả luôn thể hiện khao khát đổi mới thơ ca dựa trên cơ sở tri thức. Những bài viết rất nhỏ của ông luôn nhắc đến những thành tựu rất lớn của khoa học như thuyết Tương đối, Cơ học Lượng tử, Nguyên lý Bất định, Nguyên lý Bổ sung... Chúng chính là những thành quả chủ yếu của vật lý hiện đại, cái xương sống của nhận thức, cái xa lộ tri thức mà từ đó sẽ lan tỏa ra các đại lộ, mọi con đường, mọi ngõ ngách làm nên nền văn minh. Trong khi đó, nhiều tác giả vẫn quan niệm về cái mới của thơ với những tiêu chí vụn vặt về hình thức như thơ có vần hay không, câu thơ ngắn hay dài, viết cái tôi hay cái ta, viết rõ nghĩa hay mù mờ, sex hay không sex, thô tục hay không thô tục...
Lê Đạt viết: “Nhà nghệ thuật thiếu lý tính chỉ là một nghệ sĩ thứ phẩm mắc bệnh vĩ đại cũng cần chữa trị hoặc nên đổi nghề (Tạp chí Tia sáng xuân 2002, tr.25). Thế nhưng, có điều rắc rối ở đây là, để hiểu cho đúng được những tri thức cao siêu của vật lý lý thuyết lại không đơn giản. Riêng tôi học Hoá nhưng cũng phải học nhiều Vật lý. Bản thân cũng rất thích Vật lý đơn giản là vì lịch sử phát triển của nó hay như một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, đầy kịch tính, các nhân vật lại đều là những bác học vĩ đại. Dù vậy, tôi vẫn phải tự học, tự tìm hiểu rất nhiều, vì cầm bút viết lý luận phê bình mà không hiểu những phát minh nền tảng của khoa học thì không thể viết cao sâu được khi phải đụng chạm đến những vấn đề liên quan đến triết lý, tư tưởng và sự phát triển. Tôi thật e ngại khi thấy có tình trạng một số ít người không thể hiểu nổi tri thức khoa học nhưng lại tung tăng đi vào các khu rừng tri thức như vào chỗ không người, nên có nhiều sai lạc. Riêng Lê Đạt, thật tiếc, khi ông chưa hiểu được chính xác những vấn đề Vật lý hiện đại nhưng ông lại có cao vọng dựa vào chúng để đưa ra những nguyên lý sáng tạo thơ ca.
Lê Đạt viết: “sống là chống lại ăngtropi, sống là đổi mới.../ Một nền thơ lành mạnh sống động không thể không luôn luôn đổi mới. Đổi mới là lội ngược dòng suy thoái. Đổi mới là tạo ra ăngtropi âm nó chính là sinh tố cải lão hoàn đồng của trí tuệ”.
Có một sự không ổn khi Lê Đạt dùng khái niệm “ăngtropi” ở trên. Vậy ăngtropi là gì? Trong cơ học thống kê, entropy là đơn vị đo lường mức độ hỗn loạn của hệ. Sự tăng độ hỗn loạn, sự đổ vỡ cái cũ là một quy luật khách quan, người ta chỉ có thể can thiệp bằng việc tiếp thêm năng lượng để có thể giảm sự hỗn loạn hoặc cao nhất cũng chỉ giữ được trạng thái trật tự cũ. Trong khi đó ngược lại, đổi mới thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung là phải thay đổi trật tự cũ để sinh ra cái mới. Như vậy, viết như trên, Lê Đạt đã cổ xúy cho việc dẫm chân tại chỗ, ngược với ý ông muốn diễn tả.
Trên trang web chungta.com, Lê Đạt đăng bài Thơ và vật lý hiện đại . Ông kể lại cái duyên kỳ ngộ cho ông gặp vật lý rồi đắm say nó: “... một anh bạn... (đó là nhà vật lý lý thuyết Đặng Mộng Lân) giới thiệu với tôi cuốn Einstein: cuộc đời, tư tưởng và lý thuyết của Kouznetsov”; “Lâu lắm tôi mới được đọc một cuốn sách khoa học viết hấp dẫn đến thế. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Cuốn sách đã dậy tôi rất nhiều về lý thuyết tương đối nhưng hơn thế nó còn dậy tôi một bài học lớn lao về cách sống và cách nghĩ của một người tìm tòi”. Ông đã ngẫm ra một điều: “Khoa học thực nghiệm cổ điển đã đem lại cho nhân loại những bước tiến lớn thoát khỏi những vũng lầy mê tín...”, “... nhưng nó cũng có nhược điểm là dễ khiến người ta quá chú trọng đến những hiện tượng tai nghe mắt thấy mà lơ là những khía cạnh sâu xa và bí ẩn của tự nhiên mà chỉ tư duy mới nhìn thấy”. Điều này không đúng vì vật lý cổ điển hay hiện đại cũng đều phải sử dụng cái nhìn của tư duy. Lý thuyết điện từ của Maxwell, các nhà hóa học, sinh học của “khoa học cổ điển” cũng đã buộc phải nhìn thấy những cấu trúc vật chất mà các giác quan không thể nhận thấy rồi.
Lê Đạt viết: “Những nguyên lý bất định, nguyên lý bổ sung của vật lý lượng tử… đã đánh một đòn chí mạng vào lý thuyết chết người "loại trừ vế thứ ba" của logic cổ điển từng gây thảm họa cho loài người … Không nên quên hệ quả cao điểm của nó là định thức “Kẻ nào không đi với ta là chống lại ta". Các nhà vật lý lượng tử đã góp phần thiết kế cho nhân loại một phạm trù mở, cái khác. Từ trước đến nay tư duy cổ điển chỉ vận hành trên hai trục đúng sai giờ đây cái vạc hai chân kia đã thêm một trụ mới, trụ thứ ba về cái khác góp phần tạo nên một cách ứng xử mới… ”.
Thực ra nguyên lý bất định chỉ ra, người ta không thể xác định chính xác quỹ đạo của một hạt vi mô, cũng không thể xác định chính xác đồng thời cả vị trí lẫn động lượng của một hạt, chẳng có gì liên quan đến “cái thứ 3” cả.
Lê Đạt tiếp: “Từ khi cầm bút tôi đã quan niệm việc cách tân thơ Việt là mục đích quan trọng nhất của đời mình... Vật lý hiện đại (và thơ hiện đại) khuyến khích những giả thuyết thoạt nhìn như rồ dại nhưng có khả năng mở ra những khía cạnh kỳ bí của ngoại giới (cũng như thiết kế những tập họp chữ mới vượt qua biên giới cảm nhận sang những vùng tri nhận phức hợp và quyến rũ, chuyển sự chú tâm của người làm thơ vào những tác hiệu (siguthants) đa nghĩa sống động hơn là vào những thụ hiệu (siguihés) minh bạch nhưng cằn cỗi)”. Điều này có vẻ là một tuyên ngôn rất hay về thơ hiện đại. Tiếc là nó lại không liên quan gì đến tri thức vật lý mà ông dựa vào: “Lý thuyết về những phô tông đã khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc liên tục tăng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ”. Tính liên tục và tính lượng tử chỉ khác nhau như một sợi dây liền và một sợi dây đứt đoạn. Tôi thấy cả thơ cũ cũng như mới đều là gián đoạn cả, mỗi con chữ như một lượng tử, rồi mỗi câu thơ, ý thơ, khổ thơ cũ hay mới thì cũng phải gián đoạn. Có lẽ ở đây Lê Đạt muốn nói đến sự diễn tả ý tứ gián đoạn bằng cách “cần phải phá vỡ “những quy luật nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp”. Tôi thấy ở đây ông lại giống không ít người rơi vào chủ nghĩa hình thức, cho đổi mới thơ chỉ bằng thay đổi hình thức giản đơn. Theo tôi, sự chặt khúc ý tưởng bằng sai ngữ pháp chỉ có thể tạo ra được cái ngọng nghịu, ngô nghê, còn cái thuộc tính chính của thơ mà ông đã tuyên ngôn ở trên là cần phải tăng sức biểu cảm, biểu đạt thì không thể được. Mà nếu dựa vào khoa học mà xét thì lại càng không thể. Tất cả các định luật, công thức của khoa học đều phải thống nhất với nhau, còn những chỗ chưa thống nhất tức còn “sai ngữ pháp” thì chính là những bài toán mà khoa học chưa giải được. Ngữ pháp thực chất chỉ là quy tắc của ngôn ngữ, còn ngôn ngữ cũng chỉ là công cụ giao tiếp của con người. Khi sử dụng ngôn ngữ sai thì hoặc do khả năng ngôn ngữ, hoặc do trạng thái tâm thần người sử dụng, chứ hoàn toàn không thể có chuyện: diễn tả hiện thực một cách “sai ngữ pháp” thì sẽ sâu sắc toàn diện hơn. Trong tác phẩm, ngôn ngữ nhân vật có thể sai ngữ pháp, còn nhà văn viết tác phẩm mà sai ngữ pháp là do học dốt. Để diễn đạt những điều phức tạp, thực ra người ta càng phải viết cho chuẩn mực hơn. Hiện tại, thủ pháp “phá vỡ ngữ pháp” thể hiện nhiều kiểu, như câu thiếu thành phần, hoặc ghép các hình ảnh ngẫu nhiên thành câu phi lô-gic ngữ nghĩa...
Hình thức thơ là quan trọng nhưng nó không quyết định được phẩm chất của thơ, không có chất, nó sẽ rỗng, giống như thức ăn không có gluxit, protid, lipit... vậy.
Con người khi đói ăn cái gì cũng ngon, nhưng lúc no nê, người ta kinh sợ trước những bàn tiệc tú hụ với những món được tẩm ướp đủ kiểu, làm cho không còn nhận ra những mùi vị cơ bản của thức ăn nguyên chất nữa, tất cả đều mặn mặn, ngọt ngọt, beo béo, cay cay, dai dai, ròn ròn. Ở thành phố ba mươi năm rồi, tôi vẫn luôn nhớ về dĩa thịt gà luộc giản đơn rắc lá chanh thơm của mẹ và những món ăn dân giã. Nhiều quán “Cơm Hà Nội” ở Sài Gòn đã cố bắt chước cái nguyên sơ ấy, nhưng không tài nào tạo ra được đúng cái hương vị tuyệt vời của nó, bởi giữa thời đại cái gì cũng công nghiệp này, thực phẩm cũng bị ép thành thực phẩm, chúng không đủ không gian và thời gian để tẩm hút linh khí của trời đất để trở thành thực phẩm thứ thiệt. Từ đây tôi liên tưởng đến thơ ca. Nếu tâm hồn, tư duy nhà thơ cũng tẩm hút không đủ những cay đắng, mặn chát, ngọt bùi của đời sống để có thể cung cấp chất liệu đích thực cho thơ ca, chỉ với một chút vốn ngôn ngữ trống rỗng, liệu có nhào nặn nổi thành thơ mới hay hơn thơ cũ được không?
Với Lê Đạt, tôi luôn trân trọng tinh thần đổi mới của ông, tiếc là bài này tôi lại phải viết những điều phản bác những lý luận của ông. Dựa vào tri thức, người ta buộc phải hiểu biết sâu sắc tri thức, như nhà khoa học muốn làm ra sản phẩm phải hiểu đúng mới đưa ra được quy trình sản xuất. Nếu hiểu lờ mờ không thể làm gì được. Khi ấy, tri thức giống như con dao cùn của người mở đường, không thể phát quang được con đường dẫn đến vùng đất mới mầu mỡ, và như thế đã đẩy anh ta rơi vào cái tình cảnh như dân gian thường nói: bỏ đường quang đâm quàng bụi rậm. Vậy có nên không?
TP Hồ Chí Minh, 21-6-2006
(Đã trích đăng báo Văn nghệ)
ĐÔNG LA