Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

NGUYỄN QUANG THIỀU LẠI SAI TRÁI VÀ LỪA ĐẢO TRONG BUỔI LỄ PHÁT ĐỘNG SÁNG TÁC VĂN HỌC THIẾU NHI

 ĐÔNG LA

NGUYỄN QUANG THIỀU LẠI SAI TRÁI VÀ LỪA ĐẢO TRONG BUỔI LỄ PHÁT ĐỘNG SÁNG TÁC VĂN HỌC THIẾU NHI

Đây có thể là bản nháp bởi rất có thể tôi sẽ lại làm đơn gởi đến những vị liên quan. Cuộc chiến chống cái tham, ác, lưu manh quả là không đơn giản, bởi trong cõi nhân gian luôn tồn tại cái xấu, cái ác.
10-1-2022
ĐÔNG LA
Nếu còn chút tư cách, lương tri thì Nguyễn Quang Thiều phải từ chức ngay rồi. Nhìn ti vi chiếu hình “Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất”, Thiều thân thiết ngồi bên Hữu Thỉnh, tôi bật cười nhớ đến bài thơ Thiều làm về “sự giả trang”, và nhớ đến lần Thiều gọi điện hỏi tôi về chuyện bỏ sinh hoạt Đảng: “Có phải thằng Thỉnh nói với ông không?”
Hôm qua, tôi thấy cả báo, đài lớn nhất đã đưa tin về buổi lễ đó:
“Sáng 9/1, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất. Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất đúng, rất hay: "Sáng tác cho thiếu nhi khó nhưng vô cùng thú vị và ý nghĩa… Những gì trong tâm hồn thiếu nhi hôm nay chính là bản thiết kế quan trọng cho chân dung những công dân Việt Nam trong tương lai. Sáng tác cho thiếu nhi có ý nghĩa rất lớn lao". Có điều, nếu ông hiểu được sáng tác và hành động mà Thiều đã làm thì ông sẽ thấy rằng mình đã bị Thiều lừa.
Có lẽ trong lịch sử hoạt động của Hội Nhà Văn VN chưa bao giờ một hoạt động của Hội như vậy lại có sự tham dự của cả nguyên thủ quốc gia lẫn các tư lệnh ngành liên quan đến văn chương như thế. Đây là phúc cho văn chương VN hay là tài che chắn sai trái, lừa mị của Nguyễn Quang Thiều?
Lại nhớ đến chuyện Nguyễn Văn Phước từng in cuốn sách về Gạc Ma, ta thấy cả Nguyễn Văn Phước và Nguyễn Quang Thiều đều dùng hình ảnh các vị lãnh đạo làm bình phong che chắn cho những sai trái của mình.
Trong cuốn sách, Nguyễn Văn Phước từng xuyên tạc lệnh “Không Nổ Súng Trước’ thành “không được nổ súng” để kết tội bán nước cho các nhà lãnh đạo VN, nhưng lại gian manh trưng ra hình ảnh tặng sách hai vị đương kim và nguyên Chủ tịch nước là Trương Tấn Sang và Nguyễn Minh Triết, coi như là hành động họ ủng hộ Phước. Khi Phước nhân danh in sách tôn vinh những anh hùng liệt sĩ bảo vệ biên cương, hải đảo tất họ phải ủng hộ Phước, họ không biết mình đã bị Phước lừa.
***
Bài trên VietNam.net viết: “Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết: Trong diễn từ của nhà văn Toni Morrison - nhà văn Mỹ đoạt Nobel năm 1993, bà kể về một nhà tiên tri … Một hôm có những đứa trẻ đứng trước bà, chúng nhìn bà với ánh mắt đầy thách thức và đe doạ rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già có khả năng nhìn thấy tương lai, vậy bà hãy nói cho chúng ta biết, con chim chúng ta đang cầm trong tay, chết hay đang sống". Bà tiên tri rùng mình trước câu hỏi của những đứa trẻ … Bà đau đớn vô cùng bởi biết rõ rằng, nếu bà nói con chim còn sống, những đứa trẻ ngay lập tức sẽ giết chết con chim trong tay chúng để minh chứng bà đã sai. Nhưng điều hãi hùng hơn, là chúng minh chứng quyền được độc ác của chúng.
"Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của những đứa trẻ, cũng giống như số phận thế gian chúng ta đang sống phụ thuộc vào lòng yêu thương con người và sự chia sẻ của nhân loại. Những đứa trẻ xuất hiện trước mắt bà tiên tri là sự xuất hiện của cái ác đang đe doạ tinh thần của nhân loại", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói”.
Như vậy, “Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi” đã xuất phát sai trái ngay từ cái nhìn của Nguyễn Quang Thiều, khi cho con cháu của chúng ta như những đứa trẻ độc ác. Do tư tưởng cuồng Mỹ, cuồng Nobel, cộng với trình độ chính trị tư tưởng yếu kém, sai trái, Nguyễn Quang Thiều đã lấy cái nhìn của Toni Morrison làm chuẩn mực. Ở lứa tuổi thiếu nhi, chắc chắn có những đứa trẻ hư, kể cả độc ác, nhưng chúng chỉ là số rất nhỏ, mà viết về trẻ em đúng nhất chính là Bác Hồ. Trong một bài thơ Bác đã viết: “Trẻ em như búp trên cành”. Bác nói: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”; “Đối với trẻ em phải dạy thế nào cho các cháu biết đoàn kết ham học, ham làm nhưng phải làm sao cho các cháu giữ được tính chất trẻ con. Phải làm sao cho các cháu có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm, đặt đâu ngồi đấy”.
Lời của Bác không chỉ chứa đựng tình thương yêu con trẻ bao la của một người ông nhân từ mà còn là một chiến lược giáo dục thiếu nhi rất đúng đắn của vị lãnh tụ thiên tài. Lẽ ra ông Chủ tịch Hội Nhà Văn VN phải dựa vào đó mà phát động sáng tác cho thiếu nhi VN chứ không phải vì mình cuồng Mỹ, cuồng Nobel, mà nhai lại cái nhìn độc ác về con trẻ của một bà nhà văn Mỹ.
Nhìn vào thực tế, nhìn sâu vào lịch sử, ta thấy Toni Morrison đã nói sai, vì những đứa trẻ hư, trẻ ác không thể và chưa bao giờ gây ra tai hoạ cho nhân loại, mà ta thấy nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, từng khổ đau, tang thương, và bị huỷ diệt chính là do nạn phân biệt chủng tộc, do Chủ nghĩa Thực dân Cũ và Mới, do Chủ nghĩa Phát xít, do tư tưởng chống “phe” XHCN trong Chiến tranh Lạnh, v.v…
Hiện tại VN đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ, và cả hai nước đã “chọn phần phù hợp của nhau để chơi” vì lợi ích song phương. Chúng ta đã khép lại quá khứ chứ không xoá bỏ quá khứ, chúng ta đã vượt qua những khác biệt chứ không phải đã chấp nhận, đã theo những khác biệt của Mỹ. Vẫn còn đó những khác biệt về thể chế chính trị mà Mỹ và các nước phương Tây thường mang “dân chủ, nhân quyền” ra để phê phán VN. Mỹ và phương Tây vẫn dung túng những đài, báo thường xuyên tạc để chống thể chế chính trị ở VN. Những người phạm pháp chống chế độ ở VN như Bùi Tín, Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, Cù Huy Hà Vũ, Hải “điếu cày”, Mẹ Nấm Như Quỳnh, v.v… đều được Pháp, Mỹ “nuôi”, thậm chí còn được tổng thống đón tiếp. Bên cạnh ý thức hệ, những cái nhìn về lịch sử, về giá trị văn chương giữa VN và Mỹ cùng các nước phương Tây còn khác nhau, thậm chí ngược nhau, nên trong một Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, ông Chủ tịch Hội Nhà Văn VN Nguyễn Quang Thiều lại lấy văn chương của một tác giả Mỹ làm chuẩn mực chứng tỏ hoàn toàn sai trái, một lần nữa lại ngang nhiên, lại trịnh trọng thực hiện sự phản bội văn học cách mạng, thực hiện sự cơ hội, đón gió, trở cờ của mình.
***
Là người thần phục, mê cuồng tư tưởng Mỹ, văn chương Mỹ, mê cuồng Nobel, nên Thiều đã mù quáng, không nhận ra thực tế giải Nobel văn chương và Hoà bình thường trao cho các tác giả, tác phẩm, và những hoạt động chống lại chế độ XHCN ở đất nước họ, như ở Liên Xô, giải Nobel văn chương đã được trao cho: Solzhenitsyn, Pasternak, Brodsky; và giải Nobel Hoà bình đã được trao cho Sakharov, và đặc biệt, Gorbachov cũng được trao giải Nobel Hòa bình vì đã có “công” đập tan tành đất nước Liên Xô. Còn với Trung Quốc, Giải Nobel Văn chương cũng được trao cho Cao Hành Kiện, một nhà văn mà các tác phẩm đã bị cấm lưu hành ở Trung Quốc từ năm 1986!
Còn giải Nobel Hoà bình được trao cho Kissinger (giống với Lê Đức Thọ) vì ông ta mang lại hoà bình cho VN thì thực sự Uỷ ban giải Nobel đã có tội với nhân dân VN!
***
Nguyễn Quang Thiều nói:
"Chỉ có thể làm cho tương lai tốt đẹp, khi thấu hiểu hiện tại và chuẩn bị cho tương lai dân tộc mình bằng cách chuẩn bị cho hiện tại với một trách nhiệm cao cả nhất và ngập tràn tính nhân văn”.
Đây thực chất là sự điêu trá, lừa mị của Nguyễn Quang Thiều nếu so với thực tiễn sáng tác của Thiều và những phát ngôn về các tác giả tác phẩm khác.
Ta hãy xem Nguyễn Quang Thiều “thấu hiểu hiện tại”, “chuẩn bị cho tương lai, và có “trách nhiệm cao cả và ngập tràn tính nhân văn” ra sao?
Trong bài thơ “Con bống đen đẻ trứng”, viết rõ là “cho hai con Thuật, Ngân”, nhưng với cái nhìn bệnh hoạn như để doạ hai đứa con mình, Nguyễn Quang Thiều đã bịa đặt, vẽ ra những khung cảnh rùng rợn, toàn những tan vỡ, sụp đổ trên quê hương, đất nước VN: “Quanh các con tôi thế giới đang tự sát”; “Những vòm cây tự xé rách lưỡi mình”; “Những dòng sông tự cào tướp họng”; “Những trái cây tự rơi vào thuốc độc”; “những đền chùa gục ngã trước những pho kinh phản bội”; “Những ô kính tự tát vỡ mình”; “Những ngôi nhà cao tầng tự chặt xương sống mình”. Và, thật là phản giáo dục và không “ngập tràn tính nhân văn” một tí nào khi Nguyễn Quang Thiều nhồi nhét vào đầu óc non tơ của hai đứa con mình cái hình ảnh rất không phù hợp này: “Những hồ nước thủ dâm đục sóng”!
Không chỉ thế, Nguyễn Quang Thiều còn “đổi mới” thơ ngập tràn những thô tục, dơ dáy, phản thẩm mỹ, như làm bài thơ “Câu hỏi cuối ngày” mà Trần Mạnh Hảo cho Thiều là kẻ “thô bỉ”, “thiếu văn hoá” bởi khi gặp người đàn bà, con gái nào cũng nghĩ đến chuyện ngủ với người ta thế nào? Thiều còn làm bài thơ “nhân văn” khi nhìn trộm đàn bà “Tắm trong toilet không có rèm che”, nhìn trộm “Cuộc làm tình ban ngày/ Của những kẻ thất nghiệp”; và viết trong tập “Lò mổ”:
Ngáp ngủ đã đêm qua.
Chửi tục đã đêm qua.
Gạ gẫm làm tình đã đêm qua.
Âm hộ đã đêm qua.
Dương vật đã đêm qua...
Nguyễn Quang Thiều véo von về chuyện “thấu hiểu hiện tại” nhưng lại làm thơ xuyên tạc, cho ở Việt Nam chỉ những người mù mới không bị lạc đường, còn những người sáng mắt thì bị “lạc ngay trước cửa ngõ nhà mình”; cho “trong ồn ã những ngôn từ khiếp nhược và lừa dối” chỉ “người đàn bà bị câm” mới có thể mang thai và “sinh ra được đứa bé cất lên được tiếng nói, chỉ ra con đường đến với hạnh phúc đích thực”; cho xã hội Việt Nam là xã hội của “những tay phù thủy cao tay”, "giả trang bằng chính mặt mình”.
***
Nguyễn Quang Thiều nói: “Khi chúng ta đặt văn hoá lên tầm cao của đời sống nghĩa là chúng ta thấu hiểu con đường đi tới hạnh phúc của dân tộc. Đây chính là lý do Hội Nhà văn tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi để kêu gọi các nhà văn hãy viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em”.
Nói vậy nhưng thực tế Nguyễn Quang Thiều đã đặt “lên tầm cao” văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, người từng “nôn mửa vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc”; từng viết truyện ngắn bôi đen Vua Quang Trung và cho “Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả”; trong truyện ngắn “Tướng về hưu” cho việc BS phụ sản mang xác thai nhi về nấu cho chó, cho lợn ăn là “chẳng quan trọng gì”; mượn văn chương chửi đồng nghiệp bề trên: “nhét cứt vào mồm thằng Khải (ám chỉ Nhà Văn Nguyễn Khải) tài như cái đấu mà dám chê tiệc của vua nhạt”, và “xẻo dái thằng Thi (ám chỉ Nhà Văn Nguyễn Đình Thi) xem có còn dê được không?”; viết về con người với con mắt bất nhân, về người nông dân: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”, về phụ nữ: “Đàn bà không có thơ đâu… Thơ phải cao cả. Mỗi tháng các bà hành kinh một lần thì cao cả gì”; về chuyện loạn luân, đã biện minh chuyện bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con buồi”; v.v…
Về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều cũng tâng bốc là “chạm vào mẫu số chung nhân loại”, nhưng chính Bảo Ninh đã thú nhận mình xuyên tạc sự thật khi miêu tả đội quân anh hùng toàn là hiếp dân lành, hành lạc tập thể, hút hồng ma, trốn chạy, chôn sống tù binh, con ra trận bố dặn đừng ngu mà chết vì lý tưởng, và coi cuộc kháng chiến vĩ đại giành lại chủ quyền và nền độc lập của dân ta là “nỗi buồn”.
***
Với tư tưởng cuồng Mỹ, cuồng Nobel, với cách sáng tác bệnh hoạn, xuyên tạc sự thật, với sự tâng bốc văn chương của Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, với việc xây dựng tổ chức Hội Nhà Văn VN gồm những người chủ chốt có khuynh hướng chống chế độ, thì những lời của Nguyễn Quang Thiều trong “Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi” chỉ là điêu trá, đã lừa mị Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, và các độc giả mà thôi!
10-1-2022
ĐÔNG LA