Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

TRÍCH BÀI “VÀI SUY NGHĨ VỀ CUỘC ĐỐI THOẠI CỦA THỦ TƯỚNG”

 ĐÔNG LA

TRÍCH BÀI “VÀI SUY NGHĨ VỀ CUỘC
ĐỐI THOẠI CỦA THỦ TƯỚNG”


Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn VN một cách rất không xứng đáng, rất phi lý, với số phiếu rất cao là một chỉ dấu cho thấy công tác cán bộ của thể chế VN còn nhiều yếu kém, sai trái, lầm lạc. Những năm vừa qua, một loạt cán bộ đảng viên, về Đảng, từ uỷ viên BCT trở xuống, về chính quyền, từ phó thủ tướng trở xuống, đã bị kỷ luật, bị bắt tù, càng chứng tỏ như vậy. Nhưng nhìn rộng ra trên thế giới, nhìn sâu vào lịch sử, ta thấy sự sai lầm trong “công tác cán bộ” không chỉ có ở thể chế VN hiện tại mà cũng có ở các nước khác với hậu hoạ vô cùng khủng khiếp. Chính nước Mỹ đã bầu ra các đời tổng thống can thiệp vào Chiến tranh VN, làm hao người, tốn của, để rồi cuối cùng phải thua đau nhục nhã, và thú nhận là “sai lầm khủng khiếp”! Trước nữa, dân Đức cũng từng bầu cho Hít-le làm quốc trưởng để rồi gây ra đại chiến thế giới, làm mấy chục triệu người chết, bản thân Hit-le đã phải tự sát, và cả nước Đức bị Đồng Minh bắt làm tù binh; còn dân Liên Xô cũng từng bầu ra Khơ-rut-sop, rồi Gooc-ba-chop, đã dần dần đập vỡ đất nước mình, đẩy dân chúng rơi vào một thời kỳ thảm hoạ: hỗn loạn, ma-phi-a hoá!
Nhớ lại, 2007, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được bầu, đã đối thoại trực tuyến với người dân 3 tiếng liền, khiến nhân dân cả nước phấn khởi và tràn đầy hy vọng, nhưng tôi đã viết một bài phản biện đăng trên Talawas (Đức). Phong Uyên - Việt kiều Pháp viết: “Đọc Đông La tôi không thể không liên tưởng tới rượu Pháp có năm đặc biệt ngon được liệt kê là có "niên hiệu" (millésime). Bài bình luận về những câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo tôi, đáng được "millésimé năm heo vàng”.
Những năm vừa qua, một loạt từ phó thủ tướng đến bộ trưởng, thứ trưởng, cả bí thư và chủ tịch từ Hà Nội đến TPHCM đã bị kỷ luật, bị tù, xem chừng bài viết của tôi giống như một sự tiên tri vậy. Nếu bài viết của tôi được các cấp coi trọng, xem xét để phòng ngừa hậu hoạ thì rất nhiều tai hoạ đã không xảy ra.
Hôm nay xin đăng lại vài ý bài viết đó.
7-1-2022
ĐÔNG LA
Với câu hỏi: “Thủ tướng nghĩ thế nào khi có nhận định cho rằng doanh nghiệp nhà nước yếu kém gây thiệt hại cho nền kinh tế. Việc “Tập đoàn hoá các Tổng công ty nhà nước hiện nay là không giống ai, bình mới rượu cũ, thậm chí phình thêm bộ máy, nhân sự, không đúng với bản chất của một tập đoàn kinh tế”? (Phạm Trường Hà, Đinh Toàn Thắng (Hà Nội)),
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
“… nhận định như thế là không khách quan và không đúng thực tế… Tuy các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém… nhưng nói một cách sòng phẳng… đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của đất nước… Từ năm 1986 chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường… đã có nhiều đổi mới để phù hợp và đến nay đã thành công. Đến nay các doanh nghiệp nhà nước đã hoạt động hoàn toàn… bình đẳng với các doanh nghiệp khác… Năm 2006 vừa qua, doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp 30% vào GDP, chiếm gần 40% ngân sách và chiếm 50% giá trị xuất khẩu trong nền kinh tế… Hiện nay đánh giá doanh nghiệp nhà nước là đánh giá từ hiệu quả, hiệu quả sản xuất kinh tế, hiệu quả doanh số, hiệu quả theo đồng vốn. Đến nay, chúng ta có 104 tập đoàn nhà nước, tất cả đều hoạt động tốt có hiệu quả, tốc độ tăng trưởng gần 12%”.
Câu hỏi trên xuất phát từ thực tế là tại sao doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn so với dân doanh, trong khi thực chất doanh nghiệp nhà nước không hoàn toàn bình đẳng mà luôn chiếm ưu thế tuyệt đối về các điều kiện kinh doanh: về lĩnh vực, ngành nghề, về vốn, về cơ hội kinh doanh, về thông tin, về trụ sở, về mặt bằng… Những lĩnh vực trọng yếu, những ngành mũi nhọn đều thuộc về Nhà nước. Ví dụ cả nước ta có “hũ gạo” lớn nhất là ngành dầu khí thì thuộc về doanh nghiệp nhà nước, hàng năm thu nhập riêng ngành này đã chiếm đến gần ¼ tổng thu ngân sách nhà nước rồi.
Một câu hỏi khác: “Thưa Thủ tướng, một số vị Bộ trưởng hiện nay khả năng yếu kém, bất tài, dư luận đã lên tiếng chỉ trích nhưng vẫn đương chức đương quyền. Vậy Thủ tướng có động thái gì, cải đổi gì và phải thay đổi chính sách sử dụng, bổ nhiệm nhân sự hiện nay như thế nào để có được người có tài, có tâm phục vụ đất nước? (Tạ Anh Tuấn, Ngô Văn Nghị (TP. Hồ Chí Minh).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Tôi cho rằng nhận xét một số vị Bộ trưởng hiện nay khả năng yếu kém bất tài là không công bằng và không đúng thực tế… Hiện chính phủ có 26 vị Bộ trưởng, mỗi người đều có ưu và khuyết, có mặt mạnh và có mặt yếu… Nhưng nghiêm túc nhìn nhận thì mặt mạnh, mặt ưu là chủ yếu”.
Thật khó thấy các vị bộ trưởng ở ta “có mặt mạnh mặt yếu… nhưng mặt mạnh là chủ yếu” khi đối chiếu với thực tại: tai nạn giao thông ở ta mỗi ngày làm chết từ 30-40 người y như chúng ta đang tham gia một cuộc chiến nhỏ vậy. Nhìn lại thời gian qua, cũng khó nói các vị bộ trưởng mạnh khi tất cả các bộ, ban, ngành đều có dính đến tham nhũng và vi phạm pháp luật, đặc biệt có cả các vị thứ trưởng đứng sát nách bộ trưởng cũng vi phạm, có sự phạm pháp còn mang tính liên minh kiểu ma-fi-a: từ công an, kiểm sát, tòa án đến báo chí (như vụ Năm Cam chẳng hạn).
Để chọn người tài, trả lời một câu hỏi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Các bạn có hỏi là phải làm gì để có chính sách sử dụng, bồi dưỡng nhân sự, đưa thêm những người có tài, có tâm vào bộ máy Nhà nước. Để chọn người có tâm có tài vào bộ máy Nhà nước, không có cách nào khác là phải dân chủ. Xét cho cùng, dù áp dụng quy trình nào, biện pháp nào, kể cả thi tuyển thì đều phải dân chủ thì mới thực sự chọn được người có tâm có tài vào bộ máy Nhà nước”…
Hiểu được giá trị dân chủ không khó, cái khó chính là làm thế nào để thực hiện được dân chủ. Chưa bao giờ xã hội ta không coi trọng dân chủ, chúng ta đã nói quá hay về dân chủ với mục tiêu tối thượng xây dựng một xã hội: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; xây dựng một xã hội mà vị trí của người dân: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; chúng ta cũng muốn xây dựng một chính quyền theo hình mẫu đã trở thành giá trị chung của nhân loại “chính quyền của dân, do dân và vì dân” theo định nghĩa về dân chủ của Abraham Lincoln. Chúng ta còn còn nói hay hơn nữa: “mỗi cán bộ là đầy tớ của nhân dân”… Vậy tại sao xã hội ta có quá nhiều cán bộ không vì dân mà vì mình, một người làm quan cả họ được nhờ. Không khó kiếm những người có vị trí cao đã tạo liên minh, liên kết giữ vững quyền lực. Thật khó nói dân chủ khi có quá nhiều cán bộ đã biến cơ quan thành một vương triều nhỏ (cơ quan tôi từng làm là như vậy), biến cơ quan thành nhà mình, lập ra những công ty gia đình.
Về quốc nạn tham nhũng, với câu hỏi “Thưa Thủ tướng, Thủ tướng sẽ thể hiện quan điểm Sắt và Sạch như thế nào trong việc chống tham nhũng?” (Lê Thanh (40 tuổi, Nghệ An), Trần Văn Thanh (36 tuổi, An Giang), Tống Mai Sang (18 tuổi, Hà Nội), Vũ Sang (19 tuổi, TP. Hồ Chí Minh), Lê Công (17 tuổi, TP. Hồ Chí Minh), Tạ Vinh (Việt kiều châu Âu)…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
“… theo tôi, người lãnh đạo muốn chống được tham nhũng thì phải có được mấy điều kiện: Thứ nhất là, phải có quyết tâm chống tham nhũng… phải dám chống tham nhũng dù bất cứ kẻ tham nhũng là ai, ở vị trí nào, không sợ phức tạp, không sợ bị trù úm, trả thù, mất ghế… Thứ hai, bản thân anh phải không tham nhũng, không dính đến tham nhũng, không bao che tham nhũng mới kiên quyết được… phải hiểu biết luật pháp, làm đúng luật pháp. Đương nhiên, tham nhũng là có tội, nhưng không dám chống tham nhũng hay chống tham nhũng mà không đúng luật pháp cũng là có tội. Theo tôi, cái khó nhất trong chống tham nhũng nói gọn lại là ngân sách chưa đủ lo cho đời sống của công chức. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức không gương mẫu, không quyết liệt chống tham nhũng… Thứ hai, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo rà soát các cơ chế, thể chế, thủ tục để bổ sung, hoàn thiện, nhằm ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng…”.
Tôi tâm đắc nhất hai ý của Thủ tướng, muốn chống tham nhũng “bản thân anh phải không tham nhũng, không bao che tham nhũng, không dám chống là có tội”. Qua câu trả lời của thủ tướng ta thấy quyết tâm chống tham nhũng của ông, có điều những vị tiền nhiệm của thủ tướng cũng quyết tâm không kém, nhưng tại sao tham nhũng vẫn mãi là quốc nạn. Như vậy, không thể chống tham nhũng chỉ bằng tinh thần và tình cảm mà phải bằng biện pháp được thể chế hóa. Không hiểu sao cái công cụ hữu dụng nhất là minh bạch hóa mà các nước tiên tiến đã sử dụng như: công khai tài sản, công khai thu nhập, công khai chi tiêu thông qua thẻ tín dụng, nhưng chúng ta không làm triệt để mà chỉ tiến hành nửa vời hình thức. Chúng ta có đầy đủ lực lượng thực thi pháp luật nhưng lại đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Sự lãnh đạo toàn diện nếu mọi người đều đồng lòng hướng về điều tốt sẽ tạo ra sức mạnh vô địch, nhưng cũng có chuyện ngược lại, người ta cũng hoàn toàn có thể liên minh toàn diện để làm điều xấu. Vụ Năm Cam đã dẫn là một ví dụ. Vậy theo tôi, dù xã hội ta dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng nhưng vẫn cần phải tạo ra những hình thức sao đó, để mọi hoạt động của mỗi cơ quan đều có sự giám sát lẫn nhau, không thể phạm pháp được. Vừa qua, rất nhiều vụ án lớn không phải do các cơ quan thực thi pháp luật phát hiện mà chủ yếu những vụ đó như những nhọt bọc tự bung vỡ người ta mới thấy: như nợ ngân hàng không trả được, riêng vụ Năm Cam nếu Hải Bánh không giết Dung Hà chắc bây giờ vẫn chưa bị phát hiện. Như vậy, còn biết bao vụ phạm pháp được che chắn kỹ như những căn bệnh mãn tính vẫn đang hàng ngày làm mục ruỗng nền kinh tế cũng như sức mạnh của đất nước chúng ta? Cuộc chiến chống tham nhũng còn cam go, bởi bài toán về tiền lương chưa giải được, không ai phấn đấu lên quan chức chỉ để lĩnh đồng lương kém thu nhập của những bà tiểu thương ở các chợ. Kinh nghiệm chống tham nhũng của ông Lý Quang Diệu ở Singapore cũng rất chú ý điều đó, ngoài khả năng chuyên môn, ông chọn những người gia đình có công việc ổn định, thu nhập khá vào nội các để toàn tâm phục vụ đất nước. Còn ở ta, nhiều cán bộ sử dụng cái ghế làm công cụ sản xuất.
Về giáo dục, với một câu hỏi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
““Nhân tài là nguyên khí quốc gia”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ông cha ta đã đúc kết chân lý như vậy. Đảng và Nhà nước đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong suốt những năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã tập trung phát triển giáo dục đào tạo. Nói một cách công bằng, nếu không quan tâm đến giáo dục đào tạo, chúng ta không có nguồn nhân lực như hiện nay, không thể đạt được những thành tựu trong quá trình đổi mới. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến người nghèo, để tạo điều kiện cho đồng bào ta như Bác Hồ mong muốn “người nghèo cũng được đi học”. Đây là mục tiêu, bản chất của chế độ ta”.
Dưới thời Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Minh Hiển, ngành giáo dục nước ta có quá nhiều chuyện quái lạ: có học sinh học cấp hai chưa biết đánh vần, có học sinh học dốt muốn trượt không được, có học sinh không làm được bài thì hát một bài thầy sẽ cho điểm cao. Bộ trưởng mới Nguyễn Thiện Nhân mới lên một thời gian đã có công hạ được chỉ số khá giỏi của học sinh xuống cho gần với sự thực. Nhưng nhiệm vụ chính của bất kể ông bộ trưởng nào cũng phải làm là đưa chất lượng thực của học sinh lên chứ không phải kéo xuống. Có lẽ ông Nguyễn Thiện Nhân bận quá còn chưa có nhiều giải pháp cụ thể cho điều này. Như tôi đã viết vài lần về giáo dục, cái quan trọng nhất là chúng ta cần phải thay đổi chiến lược đào tạo, phải dạy cho học sinh hiểu biết chứ không phải thuộc bài, thi cử nhắm vào hiểu biết chứ không phải thi thuộc bài, cần tạo cho các em tăng tính độc lập suy nghĩ, sáng tạo, học một biết mười chứ không phải học mười biết một như hiện nay; còn giáo dục đại học cần phải gắn học đi đôi với hành nhiều hơn, chương trình ở ta nhiều thứ sinh viên học xong không biết để làm gì, ngược lại, thực tế cần quá nhiều thứ sinh viên lại chưa được học. Thật buồn khi đến tận hôm nay, một công trình lớn, một dây chuyền công nghệ lớn, ta đều phải dựa vào trí tuệ nước ngoài. Đóng góp vào ngân sách chủ yếu vẫn là sản phẩm của tài nguyên, khoáng sản, dịch vụ, gia công, sản phẩm hoạt động cơ bắp chứ không phải sản phẩm của trí tuệ. Chính vậy, nền kinh tế của ta mãi là nhỏ. Chỉ số phát triển nền kinh tế của ta là cao nhưng lại của một nền sản xuất nhỏ.
Không có sự phát triển đột biến về trí tuệ của nguồn nhân lực để tạo ra một nền kinh tế tri thức thì chúng ta, không phải như ông Trưởng Đại diện Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, IL Houng Lee nói: 197 năm nữa mình sẽ đuổi kịp Singapore mà là mãi mãi, vì người ta có dừng lại cho mình theo kịp đâu.
TP Hồ Chí Minh,
14-2-2007
ĐÔNG LA