ĐÔNG LA
“BÀN SÂU” HƠN TÝ VỀ BỆNH KHỚP
Bác sĩ Phạm Văn Tuấn vừa comment dưới bài tôi kể chuyện tự chữa đau khớp và viết sách tiếng Anh về ung thư: “Em khâm phục đại ca, biết nhiều quá”. Dưới bài tôi viết chuyện lần đầu tiên các nhà nghiên cứu chụp được hình ảnh rối lượng tử của các photon, Phạm Văn Tuấn cũng làm tôi phổng mũi: “Hay quá, em thấy hoang mang các bác ạ! Giờ đây không biết nhà văn Đông La của tôi là nhà văn, nhà báo hay nhà Khoa học nữa, giỏi gì giỏi thế không biết Nguyễn Văn Hùng nhỉ!”
Tôi cũng thích được khen như mọi người, nhưng động cơ khiến tôi tìm hiểu tùm lum trước hết chính là sự tò mò, từ chuyện trăng sao trên trời đến cõi tận cùng của cấu tạo vật chất, riêng lĩnh vực y học vì tôi từng làm ở viện dược nên cũng tìm hiểu một cách tự nhiên, và khi chính mình bị bệnh này, bệnh nọ, tôi đã tự chữa luôn, thú vị là nó lại thành công. Riêng Bác sĩ Bùi Quốc Trị còn phân vân: “Tuy nhiên, chúng ta sẽ có lúc cần ngồi với nhau để bàn sâu hơn về chủ đề trên. Bởi lĩnh vực này, tôi đc đào tạo bài bản, chính qui ở cả 2 nền y học: Tây và Đông Y”. Anh viết như vậy là hoàn toàn đúng. Trong một bài viết khi tôi chữa khỏi cho bà xã bị đau vai không nhấc tay lên được, chỉ sau khi uống 5 thang thuốc tôi tự ra “toa” mua ở tiệm đông y, tôi đã viết: “Trên đây là một việc cụ thể tôi muốn chia sẻ như câu chuyện thú vị giải trí khoa học cuối tuần chứ không phải quảng cáo để hành nghề. Với y học thì không ai dám nói mạnh được. Cơ thể có khoảng 30.000 tỷ tế bào mà trong mỗi tế bào, các bào quan luôn tự hoạt động tấp nập để duy trì sự sống như một công xưởng. Mỗi hoạt động bị trục trặc là sẽ gây bệnh. Thực tế, ông Tôn Thất Bách, một chuyên gia về tim mạch, viện sĩ, Giám đốc BV Bạch Mai, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, nhưng lại chết về bệnh tim khi mới 58 tuổi. Cha ông, GS Tôn Thất Tùng, không chỉ là một bác sĩ mà còn là nhà bác học, một nhà phát minh, nhưng ông cũng chết khi mới 70 tuổi, mà bây giờ so với rất nhiều người thọ trên 90 thì là chết trẻ”.
***
Bài tôi vừa đăng chỉ là câu chuyện giải trí đại chúng nên viết rất sơ lược, có điều để viết được vậy, và có kết quả tôi khỏi bệnh như vậy, thực ra tôi cũng phải đọc rất nhiều tài liệu được viết từ chính các vị bác sĩ. Nhưng với nền tảng tri thức của tôi thì tôi không đọc kiểu học vẹt, đọc 1 tôi có thể biết nhiều hơn, và có những điều tôi có thể phản biện, như tôi đọc hai ông Chu Hảo và Phạm Việt Hưng viết về vật lý, thực ra là tìm hiểu một phát kiến mới về Cơ học Lượng tử, nhưng tôi lại có thể nhận ra cả ông Chu Hảo và Phạm Việt Hưng sai.
Hôm nay, theo ý Bác sĩ Bùi Quốc Trị, tôi muốn “bàn sâu hơn” chút về bệnh khớp; về phía anh, nếu được, rất mong anh bỏ chút thời gian viết hẳn một bài để tôi và mọi người hiểu biết thêm những điều độc đáo, mới lạ thì thật thú vị. Còn theo tìm hiểu của tôi thì thấy về bệnh khớp, giữa Đông và Tây Y có giống và khác nhau.
Đông y gọi chung các chứng đau nhức các khớp là phong thấp, là “tý chứng”, gồm các loại như: phong tý, hàn tý, thấp tý, nhiệt tý. Bệnh này là mạn tính, hay tái phát, nguyên nhân do vệ khí của cơ thể không đầy đủ, các tà khí như phong, hàn, thấp, nhiệt xâm nhập vào gân, cơ, xương, khớp, kinh lạc làm cho sự vận hành của khí huyết tắc lại, gây nên bệnh, đúng theo nguyên lý “tắc tất thống; bất tắc tất bất thống”. Phương pháp điều trị chung của Đông Y là khu phong, tán hàn, trừ thấp, tuy nhiên cần căn cứ vào triệu chứng thiên về thể phong tý, hàn tý hay thấp tý mà dùng bài thuốc phù hợp.
Còn theo Tây Y, đau nhức xương, khớp được phân biệt thành nhiều bệnh, trong đó hai bệnh chính là “thoái hóa khớp” và “viêm khớp dạng thấp”.
Bệnh thoái hóa khớp, chính xác hơn là Viêm khớp thoái hóa (Osteoarthritis – OA) là bệnh do phần sụn khớp bị hư, mòn theo thời gian; còn Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis, RA) là một loại bệnh tự miễn, do phát sinh kháng nguyên xuất hiện ở khớp, hệ miễn dịch tấn công kháng nguyên, đồng thời tấn công luôn các khớp gây bệnh. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn, vi rút, dị nguyên; bệnh liên quan đến giới và tuổi, và di truyền; yếu tố thuận lợi phát bệnh là cơ thể suy yếu, thời tiết thay đổi, lạnh và ẩm kéo dài.
Tôi trích luôn đoạn trong bài viết của TS. BS. Vũ Thị Thanh Hoa : “Khi kháng nguyên là các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào khớp, gây khởi phát một chuỗi các phản ứng miễn dịch, các tế bào lympho T sẽ tập trung nhiều ở khớp đó và giải phóng ra các cytokin như IL-1, Il-6, TNF-α…. Chúng lại tác động lên các tế bào như lympho B, đại thực bào, tế bào nội mô mạch máu màng hoạt dịch… Các tế bào lympho B sẽ sản xuất ra các globulin miễn dịch và tạo ra các phức hợp miễn dịch lắng đọng tại màng hoạt dịch khớp và gây tổn thương khớp. Các cytokin cũng hoạt hoá đại thực bào sản xuất ra các cytokin khác gây kích thích các tế bào màng hoạt dịch, tế bào sụn, nguyên bào xơ… tăng sinh, xân lấn vào sụn tạo thành mảng máu. Chính các tế bào này lại giải phóng ra một loạt các enzyme như collagenase, stromelysin, elastase… rồi gây huỷ sụn khớp, xương”. V.v…
***
Không cần đi khám tôi cũng biết mình bị Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis, RA) vì nó đau cấp tính, và tái phát đối xứng ở hai chân. Từ cơ sở tri thức trên và rất nhiều cái khác nữa, cả từ những bài thuốc Đông Y lẫn các phương pháp trị liệu tây Y, tôi đã chọn ra cách chữa rẻ và tiện nhất, trong đó có sử dụng cây, củ, quả có sẵn ở chợ để chế ra thuốc, chủ chốt là: lá lốt, ngải cứu, gừng, nghệ, dứa và đu đủ xanh.
Thú vị là tôi thấy có thực phẩm chức năng Zymactive của Mỹ chống thấp khớp được bào chế với công thức chứa các men để phân hủy và phá vỡ các Protein kháng nguyên gây viêm và đau, trong đó có hai loại enzyme có trong quả dứa và đu đủ xanh (xem ảnh).
Điều này trùng hợp với các bài thuốc dân gian được truyền miệng từ lâu đời mà các nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã chứng minh quả dứa có khả năng hỗ trợ điều trị chứng viêm khớp nhờ có chất bromelain. Enzyme này kích thích phân hủy fibrin và giảm hàm lượng fibrinogen có trong huyết tương, dần dần sẽ giúp các mạch máu điều chỉnh được độ thẩm thấu để giảm các cơn đau, sưng ở khớp. Còn đu đủ (Đông Y gọi là mộc qua), trong dân gian cũng dùng quả đu đủ xanh điều trị tiêu viêm, khu trừ phong thấp hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp rất tốt, vì nhựa có men tiêu hóa chất đạm là papain, tác dụng như bromelain.
Với toàn bộ hiểu biết của mình, tôi đã tự chữa, bàn chân tôi từ sưng đau, nóng đỏ, nâng lên đặt xuống cũng đau, thật ngạc nhiên là chỉ sau bốn ngày nó hết đau luôn, và năm nay, tôi thực hiện sự phòng bệnh, tròn 1 năm tôi đã không bị tái phát, trong khi năm ngoái tôi bị đến 3 lần. Mẹ Thiên Nhiên đã ban tặng cho chúng ta nhiều cây, củ, quả, vừa là thực phẩm, vừa có thể chữa bệnh thật kỳ diệu. Nhưng với cách chữa tổng tấn công nhiều hướng, bên cạnh uống thuốc tự chế, đắp thuốc tự chế, tôi còn uống thực phẩm chức năng, kể cả tự bấm huyệt, tĩnh tâm điều khí, v.v… thú thực tôi cũng không biết rõ mức độ tác dụng từng loại thuốc, từng cách trị liệu như thế nào? Chỉ biết một sự thật là mình đã khỏi bệnh.
***
Bài trước tôi cũng có nhắc lại tôi viết sách bằng tiếng Anh về chuyện ăn uống phòng chống ung thư. Tôi đã viết đến 3 cuốn, phải đọc hàng ngàn trang tài liệu bằng tiếng Anh, tất nhiên là đọc lướt, chỉ kỹ những chỗ cần thiết. Tôi thấy điều thú vị là việc sử dụng cây, con, thực phẩm chữa bệnh xuất phát từ Đông Y, nhưng bây giờ nghiên cứu bản chất khoa học của những điều đó, Tây Y lại đi sâu và phát hiện ra rất nhiều điều thú vị.
Cũng chính vì tìm hiểu chuyện trên tôi mới biết một lĩnh vực mà tôi thấy ngành Y của ta còn nói rất ít. Đó là Di truyền học biểu sinh (epigenetics), khảo sát sự thay đổi chức năng gen không phải do đột biến làm thay đổi trình tự trong chuỗi DNA của bộ gene, mà do biến đổi bên ngoài chuỗi DNA, đó là metyl hóa DNA, sự thay đổi của histon, v.v… (xem ảnh).
Sự thay đổi di truyền biểu sinh cũng là nguyên nhân gây ung thư, và thú vị là nhiều thực phẩm có khả năng hoàn nguyên các thay đổi biểu sinh đó phòng chống ung thư, nên cuốn sách của tôi có mục: 4- Reverting the epigenetic changes causing cancer (Hoàn nguyên các thay đổi biểu sinh gây ung thư).
21-11-2022
ĐÔNG LA