Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

KIẾN NGHỊ THU HỒI GIẢI THỬỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA ÔNG NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP

 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP-TỰ DO- HẠNH PHÚC
-o-
KIẾN NGHỊ THU HỒI GIẢI THỬỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA ÔNG NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP
Kính gởi:
-Ông Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng Cộng sản Việt Nam, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng, Tiêu cực.
-Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
-Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
-Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
-Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ.
-Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam.
Tôi là Nhà Văn Đông La, tên thật là Nguyễn Văn Hùng, Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà Văn TPHCM.
Tôi là một cựu chiến binh đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, từng là cán bộ nghiên cứu hoá dược, từng được 5 lần giải thưởng, tặng thưởng về sáng tạo khoa học kỹ thuật, sáng tác thơ và lý luận phê bình, trong đó có giải thưởng, 2013, của cơ quan lớn nhất về văn học nghệ thuật là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Tôi kiến nghị TBT Nguyễn Phú Trọng, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng, Tiêu cực, xem xét, chỉ đạo; đề nghị Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ xem xét, thu hồi Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đối với trường hợp ông Nguyễn Đăng Điệp, vì ông ta không xứng đáng. Theo như “tiêu chuẩn” trong lời của TBT Nguyễn Phú Trọng thì Nguyễn Đăng Điệp chính là một phần tử điển hình tham nhũng chính trị tư tưởng, tham nhũng danh tiếng!
Cụ thể, ông Nguyễn Đăng Điệp đã có sai phạm rất lớn, khi làm giám khảo đã cho Luận văn thạc sĩ của cô Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) điểm 10; luôn ca ngợi văn chương của Nhà Văn Nguyễn Huy Thiệp; và những ngày hôm nay, dư luận đang nổi sóng, bất bình khi những tác phẩm của ông ta đã được xét tặng Giải thưởng Nhà nước lại có sự đạo văn.
Đạo văn nghĩa là ăn cắp văn, cũng là ăn cắp nhưng là ăn cắp tri thức, nên nó nguy hiểm và xấu xa hơn ăn cắp vật chất. Vật chất ăn cắp chỉ có giá trị sử dụng trong sinh hoạt, còn ăn cắp tri thức là điều kiện để thăng quan tiến chức, còn được vinh danh nữa như Nguyễn Đăng Điệp thì nguy hại vô cùng. Dù vậy, dù ăn cắp đúng là xấu xa, đáng khinh bỉ, nhưng vẫn không nguy hiểm bằng chuyện Nguyễn Đăng Điệp có tư cách đạo đức xấu và quan điểm chính trị tư tưởng sai trái. Những cán bộ đảng viên do bất tài thất đức chỉ gây ra những sai phạm, những hậu hoạ cục bộ, còn Nguyễn Đăng Điệp vừa là Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, vừa là PGS TS, tức vừa lãnh đạo cơ quan nghiên cứu ra những tri thức sai trái độc hại, vừa giảng dạy những tri thức sai trái độc hại, đào tạo ra lớp lớp nguồn nhân lực có tri thức sai trái độc hại, thì có lẽ, con “virus Nguyễn Đăng Điệp” còn nguy hiểm cho xã hội Việt Nam hơn cả con covid-19. Loại virus như Nguyễn Đăng Điệp sẽ dần làm lộn ngược các giá trị về lịch sử, văn chương, và văn hoá nghệ thuật, cuối cùng dẫn đến sự thay đổi cả ý thức hệ, đó chính là điều đã làm Liên Xô tan rã, và là nguyên nhân sâu xa khiến chiến tranh đang xảy ra ở Ukraina.
Thể chế Việt Nam chúng ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lê nin làm nền tảng tư tưởng, trong đó điều chủ yếu là chống bất công trong hưởng thụ thành quả lao động và chống bóc lột, nô dịch. Việc trao Giải thưởng Nhà nước cho người như Nguyễn Đăng Điệp đã đi ngược lại điều trên, tất sẽ gây ra bất bình rất lớn trong xã hội. Việc trao Giải thưởng Nhà nước cho một người có nhiều quan điểm và việc làm chống Nhà nước cũng là một điều thậm vô lý!
***
Tôi xin trình bầy cụ thể như sau:
1-Về Luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên:
Trường ĐH Sư phạm HN đã có một luận văn thạc sĩ của cô Nhã Thuyên, tên thật là Đỗ Thị Thoan, với đề tài về thơ của nhóm Mở miệng. Luận văn đó đã được một Hội đồng giám khảo, trong đó có Viện trưởng Viện Văn Học Việt Nam Nguyễn Đăng Điệp, cho điểm 10! Việc này đã bị dư luận phản đối dữ dội, Trường ĐH Sư phạm HN buộc phải thu hồi cái luận văn đó.
Dư luận đã phản đối dữ dội bởi thơ của nhóm Mở Miệng chính là một loại thơ coi cái bẩn thỉu, tục tĩu là cái đẹp; sự du côn, lưu manh là cái hay; sự nhạo báng, diễu cợt tất cả những gì cao quý thiêng liêng là cái sâu sắc; và công khai thể hiện tư tưởng quấy rối, chống phá, phản động, để lật đổ chế độ.
Trong luận văn, Nhã Thuyên đã công khai tư tưởng phản động về chính trị, đã công khai ủng hộ “những kẻ phản đảng” khi viết: “Mở Miệng, sinh ra … để bị/được gánh vác thêm vai trò của “những kẻ phản đảng””; “Việc Nguyễn Huy Thiệp nhét cứt vào miệng kẻ sĩ Bắc Hà để hạ bệ thần tượng hoàn toàn khác việc Mở Miệng đưa chuyện cứt đái ra nói công khai… thể hiện sự phản kháng… muốn lật đổ”; “Mở Miệng, sinh ra trong bối cảnh “thống nhất đất nước” đã tiếp thu cả hai nguồn nổi loạn ấy, để bị/được gánh vác thêm vai trò của “những kẻ phản đảng””. Nhã Thuyên cũng đã ca ngợi những kẻ báng bổ Chúa và chống phá chế độ khi viết: “Mở Miệng … nơi tụ hội các anh em giang hồ… những kẻ sẵn sàng “đái vào Chúa”… phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền”. Nhã Thuyên đã cho nhà thơ “có tài” là như sau: “các nhà thơ Mở Miệng … hé lộ phẩm chất của những kẻ có tài” khi viết: “Tôi kêu đòi chữ nghĩa/ Tôi tổ chức chiến tranh/ Tôi nam mô vị chúa trời”/ “Tôi cải tạo âm hộ””. Giải thích sự văng tục trong thơ của Nhóm Mở Miệng, Nhã Thuyên viết: “Liên quan đến chính trị khi nó văng tục để chửi, để căm uất, … là cách nhổ vào ngôn ngữ tuyên huấn giả trá”. Nhã Thuyên viết về lịch sử:
“… chỉ cần gỡ bỏ những tấm áo đạo đức thần thánh đang choàng lên lịch sử, chúng ta có thể vạch mặt sự gian xảo của nó, tội lỗi của nó, các nhà thơ Mở Miệng đã … phản ứng với quá khứ với một thái độ hủy diệt và lật đổ trong sự nhạo báng”. Chưa hết, Nhã Thuyên còn láo xược khi ca ngợi Nhóm Mở Miệng liều mạng làm thơ diễu nhại cả tác phẩm của Bác Hồ.
Và rồi Nhã Thuyên đã điên cuồng kêu gọi “đập phá triệt để” như sau:
“Cái đập ngăn khủng khiếp… là cả một đập ngăn về ý thức hệ, tư tưởng, chính trị. Sau Mở Miệng, người ta mới thấy thơ Việt cần một sự đập phá triệt để, một cuộc đập phá dữ dội, chấp nhận trả giá”, v.v…
Việc cho Luận văn của Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) điểm 10 đã thể hiện toàn bộ quan điểm chính trị tư tưởng, tư cách đạo đức, trình độ và tài năng văn chương của Nguyễn Đăng Điệp, Nhà Văn, PGS, đương kim Viện trưởng Viện Văn học. Một người không chấm nổi một cái luận văn, sao làm tròn được cái trọng trách Viện trưởng Viện Văn Học?
2-Về NGUYỄN HUY THIỆP:
Việc ca ngợi văn chương Nguyễn Huy Thiệp cũng thể hiện rõ nhân cách và tài năng của Nguyễn Đăng Điệp. Trong một “công trình nghiên cứu” gần đây, “Những cú hích lịch sử-văn hoá và sự phát triển của Văn học Việt Nam đương đại”, đăng trên Tạp chí NGHIÊN CỨU VĂN HỌC Số 9 -2021, Nguyễn Đăng Điệp đã viết, văn chương VN đã theo tinh thần đổi mới, cần phải “nhìn thẳng sự thật” và “nói thẳng sự thật”, và đưa ra một số nhà văn tiêu biểu, trong đó nổi bật nhất là Nguyễn Huy Thiệp.
Theo Trần Đăng Khoa (Văn nghệ quân đội số 596 tháng 4/2004), trong một lần sang Thụy Điển, Nguyễn Huy Thiệp đã tuyên bố trước phóng viên: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”. Về chính trị, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Chính trị rặt trò mờ ám bỉ ổi”; về văn chương: “Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất”.
Khi Nguyên Ngọc làm TBT Báo Văn nghệ, diễn đàn trung tâm của Văn chương VN, đã cho đăng một loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mà truyện "Phẩm tiết" chính là một trong những yếu tố khiến Trần Độ bị kỷ luật! Trong truyện này (bản gốc) Nguyễn Huy Thiệp đã bôi đen hình ảnh Vua Quang Trung, cho “Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả”, và dùng tài văn “nhét c. vào mồm thằng Khải (Nhà văn Nguyễn Khải) tài như cái đấu” mà dám “chê tiệc của vua nhạt”, và “xẻo d. thằng Thi (Nhà văn Nguyễn Đình Thi) xem có còn dê được không?” Chính Trần Độ cũng phải thừa nhận Nguyễn Huy Thiệp “có thể chưa hay, chưa giỏi trong việc xây dựng nhân vật văn học lấy nguyên mẫu từ một anh hùng dân tộc, vua Quang Trung” và “có sự bất bình của một số người đọc đối với truyện ngắn Phẩm Tiết, nhà văn cần rút kinh nghiệm về trường hợp này… anh Thiệp thực có ý định nêu tên để chửi rủa vài người nào đó, thì đó là ý định xấu, có hại”.
Cụ thể, “Tướng về hưu”, truyện ngắn tiêu biểu nhất đã được tung hô sai trái của Nguyễn Huy Thiệp, đã cho rằng cái thời thực dụng, mất nhân tính của “ông con” đã chiến thắng cái thời sống vì lý tưởng, vì đạo lý của “ông bố” tướng về hưu. Những người lính khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đã không có đất sống trong chính ngôi nhà của mình! Ông Tướng lại phải quay lại với chiến tranh, lại ra biên giới, và bị hy sinh ở đó. Nguyễn Huy Thiệp đã viết sai sự thật. Những cựu chiến binh khi về hưu, họ vẫn là chỗ dựa tinh thần và tình cảm cho con cháu, vẫn đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Ngoài ý kiến của các nhà văn, nhà sử học, còn có ý kiến của các độc giả là các tướng lĩnh sau khi xem phim Tướng về hưu: “Thật là thảm hại, thật là xấu hổ, thật là đau lòng”, “Phải chăng một ông tướng nhân đức như thế mà đành thất bại thảm hại trước sự tha hóa của con người” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.39)…
Văn của Nguyễn Huy Thiệp như trên đã chứng tỏ ông Viện trưởng Viện Văn học VN Nguyễn Đăng Điệp viết ngược khi cho Nguyễn Huy Thiệp là điển hình theo tinh thần đổi mới: “viết thẳng sự thật”!
Như vậy, Nguyễn Đăng Điệp đã không làm tròn trọng trách của một Viện trưởng Viện Văn học VN, thực sự đã có tội (như trong vụ Luận văn Nhã Thuyên, chuyện ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp), vì đã góp phần để xẩy ra cái tình trạng loạn chuẩn mực giá trị, lộn ngược các chuẩn mực giá trị của văn chương, để cho cái phản động, cái bẩn thỉu, cái ô trọc, cái tục tĩu, cái xấu xa, cái ác độc, nói chung là phản văn chương, phản văn hoá lên ngôi.
3-Về sự đạo văn của Nguyễn Đăng Điệp.
Có nhiều tác giả đã viết bài hoặc comment trên các báo điện tử và trang cá nhân tố cáo Nguyễn Đăng Điệp đạo văn, trong đó Nhà Lý luận Phê bình Nguyễn Văn Lưu (với nickname Giang Chu), Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Văn học, đã viết về Nguyễn Đăng Điệp: “Trong giới vănc chương người ta biết cả chỉ không thèm chấp trò ăn cắp vặt. Từ Luận án sửa sang lai in thành công trình, tác phẩm thôi thì cho qua, mới cầm bút nhập vào làng văn cũng nên thể tất. Nhưng đưa vào Giải thưởng Nhà nước thì không thể được. Đã ăn gian lại còn đòi gì nữa”. Nguyễn Văn Lưu chính là người lớp đầu tiên phê phán cái luận văn của cô Nhã Thuyên mà Nguyễn Đăng Điệp cho điểm 10 và ông đã bị Phạm Xuân Nguyên trong nhóm ủng hộ Nhã Thuyên gọi là “phê bình chỉ điểm”, tức Phạm Xuân Nguyên đã có thái độ thù địch nên coi thể chế của nước ta như của bọn xâm lược, nên coi anh Nguyễn Văn Lưu như mật thám “chỉ điểm”.
Tôi mới thấy chỉ có một trang báo điện tử của Hội Nhà Văn Việt Nam (https://vanvn.vn/) 12-11-2022, đăng bài của Minh Quang bênh vực Nguyễn Đăng Điệp trong chuyện đạo văn.
Tôi còn nhớ, Nguyễn Quang Thiều, đương kim Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, hồi năm 2012, đã móc với Nguyễn Đăng Điệp tổ chức cuộc hội thảo về thơ của chính mình ở Viện Văn học Việt Nam, nơi Điệp là viện trưởng. Bây giờ, phải chăng đã có sự móc nối ngược lại của Điệp với Thiều để trang báo điện tử của Hội Nhà Văn đăng bài bênh vực Điệp, và chặn những comment bất lợi cho Điệp, một hành động Thiều trả ơn Điệp 10 năm về trước? Tôi nghi vậy bởi nhớ lại, khi tôi phê phán chuyện cho Luận văn Nhã Thuyên điểm 10, trong một lần gặp tôi trực tiếp, Thiều đã bảo tôi: “Thôi, ông tha cho em nó”. “Em nó” ở đây chính là Nguyễn Đăng Điệp.
Cụ thể, Minh Quang, trong bài bênh vực Nguyễn Đăng Điệp nói trên, đã cho “nhiều nhận xét” của Hoàng Thanh trên báo https://phapluatchinhsach.vn/ “Có nhiều chỗ chưa chính xác, thiếu thỏa đáng và mang tính quy chụp”. Với lý lẽ “Việc giải thích các khái niệm đều có những mô hình chung để làm rõ nội hàm”, và “Có thể coi ba khái niệm chủng tộc, môi trường, thời điểm trong lý thuyết của H. Taine như là những khái niệm/ tri thức “nền””, Minh Quang cho rằng: “Diễn giải của Nguyễn Đăng Điệp giống Đỗ Lai Thúy hay Đỗ Lai Thúy tương tự với các nhà nghiên cứu văn học khác thì không thể coi là đạo văn”.
Tôi (Đông La) cho rằng, việc sử dụng tri thức nền như một tiền đề cho một công trình sáng tạo của một tác giả thì đúng là không phải đạo văn, còn chỉ giới thuyết như Nguyễn Đăng Điệp mà lại copy gần như nguyên văn của Đỗ Lai Thuý thì đích thị là đạo văn. Tính chất đạo văn của Nguyễn Đăng Điệp còn thể hiện rõ hơn khi copy những đặc điểm riêng biệt của văn phong người khác, tệ hơn là copy cả những cái chưa chính xác, cái sai. Theo Hoàng Thanh, Đỗ Lai Thuý, trong cuốn “Phê bình văn học - con vật lưỡng thê ấy” ở trang 127- 128, viết: “Taine “khái quát những độc lực chung cho mọi sự sinh thành văn hóa nghệ thuật ở ba sức mạnh khởi nguyên: chủng tộc, môi trường và thời điểm. Chủng tộc ở đây là khí chất bẩm sinh của một cá nhân hay cả một tộc người, một quốc gia dân tộc… Khái niệm môi trường của ông còn bao hàm cả những nhân tố lịch sử và xã hội: môi sinh, giáo dục, gia đình, nghề nghiệp và hiện trạng xã hội… Thời điểm ở Taine, đó là “trình độ lịch sử của văn hóa và truyền thống”. Còn Nguyễn Đăng Điệp, trong cuốn “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” ở trang 157, viết: “Trong tư tưởng của Taine, có ba vấn đề đặc biệt khi nghiên cứu văn học là chủng tộc, môi trường, thời điểm. Chủng tộc là khí chất bẩm sinh của một cá nhân, tộc người. Môi trường ở đây được hiểu là môi trường văn hóa, lịch sử, giáo dục. Thời điểm ở đây là trình độ lịch sử văn hóa truyền thống”.
Theo tôi, viết “Chủng tộc là khí chất bẩm sinh” như Đỗ Lai Thuý là chưa chính xác. Có thể do ông đã dịch sai, hoặc ông dịch đúng nhưng chính Taine đã định nghĩa “chủng tộc” chưa chính xác, bởi “chủng tộc” là khái niệm dùng để phân loại con người theo đặc tính di truyền, còn “khí chất” hoặc “tính khí” chỉ đặc điểm thuộc tính cách của mỗi con người. Như vậy, Nguyễn Đăng Điệp không chỉ đạo văn của Đỗ Lai Thuý mà còn vì dốt đã đạo cả cái chưa chính xác y như một con vẹt.
Văn Huy, 13/11/22, trên https://phapluatchinhsach.vn/, chỉ ra cuốn “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” của Nguyễn Đăng Điệp đạo văn cũng của Đỗ Lai Thúy trong cuốn “Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỉ XX”.
Đặc biệt, Văn Huy cho biết Nguyễn Đăng Điệp, cũng trong cuốn “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại”, đã “hoát cốt đoạt thai”, “giấu đầu hở đuôi”, khi “lấy tri thức từ bài viết (Những dấu hiệu của chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài) của Lã Nguyên để viết mục khuynh hướng mang phong cách (hậu) hiện đại của tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay”. Trường hợp này, Nguyễn Đăng Điệp cũng lại dốt, cũng lại như con vẹt đạo luôn cả những cái chưa chính xác của Lã Nguyên viết về “Những dấu hiệu của chủ nghĩa Hậu hiện đại” của văn Nguyễn Huy Thiệp.
Barry Lewis đã chỉ ra những nét đặc trưng thi pháp hậu hiện đại là: Phá vỡ trật tự thời gian; Sự nhại phỏng (pastiche); Phá vỡ cấu trúc; Tính hỗn độn; Sự hoang tưởng (paranoia); Vicious circles: chỉ cái đặc tính “đi tắt”, khi ranh giới giữa cái nội tại của văn bản và thế giới ngoại tại bị xóa nhòa, khi tác giả bước vào trong văn bản và những nhân vật lịch sử có thật xuất hiện trong những tác phẩm hư cấu.
Như vậy, văn Nguyễn Huy Thiệp không có chút gì cái “dấu hiệu” của thi pháp hậu hiện đại cả. Còn nếu cho trong văn Nguyễn Huy Thiệp có “chủ nghĩa” thì chính là cách viết tự nhiên chủ nghĩa, cái thứ chủ nghĩa tục tĩu, mất lịch sự, vô văn hoá. Thiệp viết ngôn ngữ của một bà cụ nông dân: “Các cụ toàn chim to!”, của một thôn nữ trẻ: “Có mấy tay thanh niên bên Duệ Đông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược” (truyện Những bài học nông thôn); chồng bảo vợ: “Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy lợn vịt thế vào chứ đừng ngủ không” (truyện Thương nhớ đồng quê). Chưa hết, Nguyễn Huy Thiệp còn theo những cái “chủ nghĩa” bất nhân, phi luân. Trong truyện ngắn “Tướng về hưu” có chi tiết cho việc BS phụ sản mang xác thai nhi về nấu cho chó, cho lợn ăn là “chẳng quan trọng gì”; tả những gương mặt nông dân: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”; tả một người đàn ông: “Lão già bị liệt, hai chân teo lại, lông chân như lông lợn”, “Tôi rùng mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta: mặt đen và tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó”; viết về phụ nữ: “Đàn bà không có thơ đâu… Thơ phải cao cả. Mỗi tháng các bà hành kinh một lần thì cao cả gì”; về chuyện loạn luân, chuyện bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm, Nguyễn Huy Thiệp biện minh: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b.”.
Nguyễn Đăng Điệp đạo văn của Lã Nguyên cho văn của Nguyễn Huy Thiệp có “những dấu hiệu” của Chủ nghĩa Hậu hiện đại không phải với ý phê phán mà ở chỗ này, chỗ khác luôn cho văn của Nguyễn Huy Thiệp là “thành tựu nổi bật của đổi mới”. Điều này cũng thể hiện sự dốt nát của Nguyễn Đăng Điệp khi không hiểu bản chất triết học của Chủ nghĩa Hậu Hiện đại. Theo Lyotard, “Chúng ta đang sống trong thời hậu hiện đại, thời mà tất cả những lý thuyết có từ thời Ánh sáng đều đã bị đổ vỡ”. Theo ông, tinh thần hậu hiện đại sinh ra là để “chống lại sự độc tài của các chủ thuyết” mà ông gọi là các “siêu văn bản” (métarécit)”.
Như vậy, theo tinh thần Hậu Hiện đại, Triết học Mác mà thể chế Việt Nam lấy làm nền tảng tư tưởng cũng thuộc “siêu văn bản” và “đã bị đổ vỡ”. Vậy Đảng viên Đảng Công sản Việt Nam Nguyễn Đăng Điệp ca ngợi Hậu Hiện đại thì cần phải xin ra Đảng và càng không nên đưa tác phẩm dự xét Giải thưởng Nhà nước của một nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
***
Còn rất nhiều chứng cớ đạo văn của Nguyễn Đăng Điệp nữa mà nếu tôi phân tích kỹ sẽ thành cả cuốn sách, nên tôi chỉ liệt kê một số tác giả trên các báo điện tử, với đầy đủ chứng cớ và lý lẽ, họ đã chỉ ra sự đạo văn của Nguyễn Đăng Điệp.
Hoài Trinh, 31/03/2022, trên https://sohuutritue.net.vn/, có bài: “Tri thức của nhiều người 'lạc trôi' vào cuốn 'Giọng điệu trong thơ trữ tình' của PGS-TS. Nguyễn Đăng Điệp” cho biết Nguyễn Đăng Điệp đạo văn của Lê Ngọc Trà, và đạo văn trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” do nhóm Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên.
Thanh Tâm, 01/04/2022, trên https://nongthonvaphattrien.vn/, có bài “Có hay không chuyện vi phạm bản quyền trong tác phẩm “Giọng điệu trong thơ trữ tình”!?”, đã chỉ ra Nguyễn Đăng Điệp đã đạo văn trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên. Cuốn “Giọng điệu trong thơ trữ tình” của Nguyễn Đăng Điệp cũng đạo văn của Lê Ngọc Trà.
Trên trang mạng http://www.viet-studies.net/culture.htm, 11-11-22, đã giới thiệu “Kiến Nghị Thu Hồi Giải Thưởng Nhà Nước Đối Với Tác Giả Đạo Văn Nguyễn Đăng Điệp” của nhóm tác giả Đinh Hải - Đức Hòa - Mạnh Gia Thanh Tâm - Hoài Trinh - Hoàng Thanh. Họ viết:
“… Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2473/QĐ-CTN và số 737/QĐ-CTN tặng Giải thưởng Nhà nước cho nhiều tác giả, đồng tác có công trình khoa học xuất sắc. Trong đó có cụm công trình của tác giả Nguyễn Đăng Điệp, gồm 4 cuốn: 1. Giọng điệu trong thơ trữ tình; 2. Vọng từ con chữ; 3. Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng; 4. Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, đến nay dư luận đã phát hiện có 2 cuốn là Giọng điệu trong thơ trữ tình và Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại đạo văn nghiêm trọng. Dự kiến ngày 25/11/2022 tới đây, sẽ tổ chức lễ trao giải thưởng. Chúng tôi kiến nghị Chủ tịch nước, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Nội vụ, Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước, xem xét thu hồi Giải thưởng Nhà nước đối với trường hợp Nguyễn Đăng Điệp”.
Cụ thể, họ đã chỉ ra nhiều chứng cớ với đầy đủ lý lẽ chứng tỏ ông Nguyễn Đăng Điệp đã đạo văn của nhiều người.
***
Như vậy, với những điều tôi viết trên đây và những thông tin đã được đăng trên mạng internet kể trên đã quá dư thừa “tiêu chuẩn” để chứng tỏ Nguyễn Đăng Điệp không xứng đáng được trao Giải thưởng Nhà nước, vì tư cách đạo đức xấu, vì trình độ yếu kém, vì những quan điểm về chính trị tư tưởng và văn chương sai trái, nguy hiểm và vì đạo văn, một sự đạo văn có kế hoạch, có phương pháp, thể hiện bản chất lưu manh ở những mánh khoé ranh ma.
TP Hồ Chí Minh ngày 16-11-2022
NGƯỜI VIẾT KIẾN NGHỊ
NHÀ VĂN ĐÔNG LA
NGUYỄN VĂN HÙNG