ĐỌC “CAO XUÂN HUY:NGƯỜI THẦY - NHÀ TƯ TƯỞNG”
Trong bài viết nhân sinh nhật cô cháu ngoại, tôi có kể, trước bàn thờ ở nhà tôi, tôi hay cầu xin cho cháu tôi “học giỏi nhất thế giới”, vì tôi thấy trong giới trí thức danh nhân có những người được coi là hàng đầu VN nhưng cũng sai tùm lum; còn tôi cũng tự thấy mình bình thường, nhưng cũng đã có không ít độc giả có học, kể cả người có danh vị, chức vụ cũng ca ngợi tôi hết lời: Anh Giang Chu (Nhà Phê bình Nguyễn Văn Lưu) “kính phục Nhà Văn thày thuốc Đông La”, cặp vợ chồng Hường, Việt rất quý tôi, Việt cho tôi là “siêu phàm, vĩ đại”, Ân Lê Hoàng cho tôi viết về thời cuộc “như Lê Đức Thọ tái sinh”, BSTS Lương Chí Thành (Lương CT Vinimi) không phải 1 lần đánh giá tôi là “số 1 Việt Nam”, bạn Dinhchien Do có nhiều comment đọc rất xúc động, Anh Bùi Tuấn “khóc” khi đọc thơ tôi, còn BS Hoa Huynguyen cho một bài thơ của tôi “lớn nhất thế kỷ 20”, như “thánh thi”, v.v... Vì vậy, đã cầu xin thì phải cầu xin cho cháu “giỏi nhất thế giới”, chớ giỏi nhất Việt Nam như nhiều người, như tôi thì cũng bình thường quá. Thực ra, tôi chỉ diễu chút để gây cười, nhưng không phải cười vui mà cười chua chát về cái thực trạng của giới trí thức VN.
Tôi từng viết Trần Mạnh Hảo vĩ cuồng, Nguyễn Quang Thiều bất tài, dốt nát, chỉ tài véo von rỗng tuếch, v.v… tất nhiên khi viết vậy tôi phải có những cái để chứng minh mình không thể như họ. Những bài tôi viết về những cái sai của Cao Xuân Huy có thể là ví dụ. Cao Xuân Huy là người không chỉ được coi là trí thức hàng đầu VN mà thực tế còn là thầy của nhiều người được coi là trí thức hàng đầu VN. Cao Xuân Huy đã được trao giải Hồ Chí Minh và được đặt tên đường, vì thế chuyện sai trái vừa qua khi trao giải Nhà nước cho Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Đăng Điệp, và trước đó còn nhiều nữa, chỉ là chuyện rất nhỏ. Chỉ buồn là xã hội VN ở thời hiện tại văn minh hôm nay lại có nhiều của giả đến thế: trí thức giả, tài năng giả nên đã tạo ra những giá trị giả! Tất cả là do những người bất tài, thất đức nhưng lại có quyền xét duyệt và ký tặng các giải thưởng. Vừa rồi lãnh đạo hai cơ quan đứng đầu về nghiên cứu và đào tạo là Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đều bị kỷ luật. Những người như vậy thường dùng mọi cách để có quyền chức, có rồi thì không đủ tài đức để làm tốt được trọng trách mà chủ yếu tìm cách giữ ghế, tạo nên thực trạng trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh hôm nay.
***
Với một nền “văn minh lúa nước”, đặc tính dân Việt chúng ta là cảm tính chứ không phải lý tính. Cái tính đó nó ngấm tận gen trong máu nên có những người với chuyên môn cực chính xác như toán, lý, đã ở tầm nổi tiếng toàn thế giới như Ngô Bảo Châu, Trịnh Xuân Thuận, v.v… nhưng khi bàn về những vấn đề ngoài chuyên môn tư duy vẫn đầy cảm tính.
Thật buồn ở chỗ chính đặc tính cảm tính, chung chung, đại khái, thiếu chính xác mới là nguyên nhân cơ bản nhất khiến nước ta kém phát triển và còn nhiều tệ nạn, chứ không phải là do “dân chủ” hay “độc tài”, “độc đảng” hay “đa đảng” mà những “con vẹt trí thức” cả nội lẫn ngoại vẫn hàng ngày lải nhải trên diễn đàn.
Vì thế, từ lâu tôi đã đã viết nhiều về chuyện đúng sai của tri thức như những bài tôi viết về Cao Xuân Huy. Cao Xuân Huy tuổi ngang ông nội tôi, hầu hết các GS KHXH đầu ngành đều coi Cao Xuân Huy là thầy, nên tôi “chê” ông đồng nghĩa với việc tôi chê hết các vị GS nói trên khi họ xưng tụng ông.
Hôm nay tôi đăng lại một bài về Cao Xuân Huy. Xin cảnh báo trước, bài viết dưới đây về tri thức rất cao, rất sâu nên rất phức tạp và khó hiểu, ai có tư duy giới hạn, chi quen đọc thông tin đơn giản trên báo thì không nên đọc, vì sẽ nhức đầu, hoa mắt, không hiểu nên sẽ thấy rất dài. Dù sao thì tôi cũng sửa lại cho gọn và đăng lại. Những lời tốt đẹp của người đọc viết về tôi rất nhiều, ngay những ngày hôm nay cũng có đều đều, tôi chỉ chụp một số cái thú vị và hôm nay đăng kèm bài viết như là dẫn chứng để chứng tỏ tôi không phải là kẻ hoang tưởng, tự tôn, ba xạo.
23-2-2023
ĐÔNG LA
ĐỌC “CAO XUÂN HUY:NGƯỜI THẦY - NHÀ TƯ TƯỞNG”
Từ thành quả của Lễ kỷ niệm và Hội nghị Khoa học nhân lần thứ 95 ngày sinh của Cao Xuân Huy, Viện Văn học đã biên soạn cuốn "Giáo sư Cao Xuân Huy: Người thầy - nhà tư tưởng”. Cuốn sách gồm các bài viết của các tên tuổi hàng đầu của nền học thuật Việt Nam, đều bày tỏ tình cảm và xưng tụng GS. Cao Xuân Huy.
Giáo Sư Viện sĩ Nguyễn Duy Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm KHXH và Nhân văn Quốc gia viết GS. Cao Xuân Huy có “một tư tưởng thông tuệ khác thường”; GS. Trần Quốc Vượng: “Ông già không “giáo sư” dạy ông trẻ “giáo sư” mà cái thằng tôi nghe thun thút”; PGS. Bùi Duy Tân viết: “Các môn sinh hãy làm cho Đạo và Đức của thầy hiển dương như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh đối với Chu Văn An khi xưa”; GS. Nguyễn Đình Chú viết: “Tư tưởng phương Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu… Tôi biết sức mình chưa thể hiểu hết… tôi vẫn muốn coi nó là một hiện tượng đột khởi trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tính từ xưa tới nay”, “tôi muốn nói đây là sự im lặng của núi. Núi của tri thức. Núi của trí tuệ. Núi của sự suy tư, của sự nghiền ngẫm”; GS. Nguyễn Huệ Chi: “Ông như một vầng sáng đã đi qua lâu rồi nhưng tới nay ánh sáng mới kịp tỏa chiếu”; và, cao hơn hết, Phan Ngọc viết: “Việt Nam có triết nhân Cao Xuân Huy cũng như Trung Quốc có Lão Tử, Trang Tử”; v.v…
“Tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp của văn hóa ứng xử phương Đông. Có điều, những phát kiến của GS. Cao Xuân Huy lại sai.
***
Cao Xuân Huy viết: “vì có cách nhìn tách biệt “không gian”, “thời gian”, nên “đã có những nhà khoa học như Einstein và những nhà triết học mưu đồ thống nhất hai phạm trù này, nhưng họ không thành công, vì hai phạm trù này là kết quả của một sự sai lầm cơ bản trong tư tưởng logic” (Tư tưởng phương Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu…, tr.77).
Viết vậy, Cao Xuân Huy đã hiểu sai, hiểu ngược về thuyết Tương đối của Einstein, bởi thuyết Tương đối đã cho không gian, thời gian không phải là “tách biệt”, không bất biến mà cả hai cùng phụ thuộc vào chuyển động, cả hai tồn tại trong một thể thống nhất không-thời gian bốn chiều. Phát minh của Einstein đã được kiểm chứng và ông đã được tôn vinh, nghĩa là ông rất thành công chứ không phải “không thành công” như Cao Xuân Huy viết.
CXH viết, do tư duy “chủ biệt” người ta đã “hư cấu” ra “không gian”, “thời gian”, để rồi cho đó là “những cái trường sở quyết định sự tồn tại của vạn vật, thậm chí cả Bản thể nữa” (Sđd, tr.116). Và theo ông, nếu “thủ tiêu hai cái trường sở hư cấu ấy đi thì chúng ta sẽ nhận thấy một cách cụ thể rằng cái toàn thể, cái bản thể là cái trường sở trong đó mọi vật tồn tại cùng nhau và kế tiếp nhau” (Sđd, tr.116).
“Không gian” và “Thời gian” là những thực tại, tồn tại khách quan đối với ý thức con người, là đối tượng nghiên cứu chính của khoa học, và chúng cũng được triết học phạm trù hóa để khái quát những quy luật chung nhất, vì vậy, chúng không phải được “hư cấu” ra như ý của Cao Xuân Huy. Còn ý ông muốn “thủ tiêu” chúng đi thì sẽ mất tất chứ chẳng còn gì để ông nhận ra “bản thể” đâu, bởi nếu có cái “bản thể” như ý ông đi chăng nữa thì nó cũng phải ở trong không - thời gian chứ không thể ở bất cứ một nơi nào khác.
Theo Cao Xuân Huy có hai tư tưởng “chủ toàn” của phương Đông và “chủ biệt” của phương Tây làm nên hai nền văn minh Đông, Tây mà phương Tây thì thấp và sai lầm, còn phương Đông thì cao và đúng đắn. Rõ ràng là thực tế không có vậy. Trong nền văn minh có thể có những yếu tố mang tính “chủ toàn” độc đáo thuộc về phương Đông. Còn nói phương Tây có phương thức “chủ biệt” ngược với phương Đông là điều không có thật, mà phương thức “chủ biệt” là cái tất yếu của mọi việc nghiên cứu ở bất cứ lĩnh vực vào, từ bất cứ phương trời nào, không phân biệt Đông Tây, kể cả trong phương thức “chủ toàn” cũng có tính “chủ biệt”. Cái tính “chủ toàn” có lẽ được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực Đông y và lĩnh vực tu luyện thiền định, tu luyện khí công. Từ những cách thức chung nhất như bắt mạch, ngồi thiền, hít thở, quán tưởng, những động tác, tư thế tập luyện… người ta có thể phòng ngừa, chữa bệnh (đặc biệt tốt cho các bệnh thoái hóa và lão hóa) và khai mở những tiềm năng đặc biệt của cơ thể con người mà phương Tây không có (nếu sau này có là chỉ học theo). Tuy nhiên cả nền triết học cổ phương Đông cũng như lĩnh vực Đông y và tu luyện về đại thể mang tính chủ toàn nhưng chúng cũng chứa những yếu tố chủ biệt. Bởi trong triết học người ta cũng phải phân rõ ra “âm” - “dương”, định ra ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, và đưa ra luật tương sinh, tương khắc cụ thể của chúng. Kinh dịch cũng đưa ra quy luật: thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật… Còn trong Đông y cũng phải xác định cụ thể những đường kinh, lạc, xác định đúng vị trí các huyệt; các thang thuốc cũng có những vị, tùy theo mỗi bệnh, được phối hợp với nhau tùy theo tính chất riêng của chúng và với những khối lượng cụ thể… Tất cả, tất cả những điều đó đều mang tính phân tích, tính chủ biệt. Còn cứ cho phương Tây có riêng tư tưởng “chủ biệt” đi thì người ta cũng lại phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, có định luật bảo toàn năng lượng, họ cũng biết con người, sinh vật sống phải phụ thuộc vào môi trường, và người ta còn chỉ ra cơ thể con người cũng như toàn bộ sinh thể cũng đều được cấu tạo từ những nguyên tố trong Tự nhiên. Tất cả những cái đó cũng đều mang tính chủ toàn.
***
Theo GS. VS. Nguyễn Duy Quý, Cao Xuân Huy cho “toàn thể quyết định bộ phận” (tr.17); GS. Vật lý Nguyễn Hoàng Phương cũng viết: “Ông CXH viết: “Phương thức chủ toàn cho rằng toàn thể quyết định bộ phận, bao giờ cũng sử dụng phương pháp luận biện chứng, còn phương thức chủ biệt cho rằng bộ phận quyết định toàn thể” (tr.183); PGS. Cao Xuân Hạo: “Quan điểm chủ toàn đẻ ra phương pháp tư duy biện chứng và tổng hợp; tư tưởng chủ biệt đẻ ra phương pháp tư duy siêu hình và phân tích tính” (tr.164); v.v…
Theo định nghĩa của triết học, siêu hình coi sự vật, hiện tượng là bất biến, ngược lại, biện chứng coi vận động là phương thức tồn tại và động lực của phát triển. Vậy phải cho phương thức chủ toàn có tính siêu hình còn phương thức chủ biệt mang tính biện chứng mới đúng, nên các vị viết tư tưởng Cao Xuân Huy có tính biện chứng như trên là viết ngược!
Nếu nhìn vào thực tế ta cũng sẽ thấy có rất nhiều dẫn chứng cụ thể và sống động chứng minh tư tưởng “toàn thể quyết định bộ phận” là nói ngược. Bất cứ một việc to hay nhỏ nào, người ta thường phải tìm ra “cái chìa khóa” hay “điểm mấu chốt”, tức tìm ra cái bộ phận có thể quyết định sự phát triển của cả cái toàn thể. Như Chiến dịch Điện Biên Phủ chẳng hạn, chính quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển từ cách “đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc” là cái chìa khóa mở ra cánh cửa tới chiến thắng; Chiến dịch tổng tấn công 1975, đòn điểm huyệt bất ngờ vào Buôn Ma Thuột khiến thế trận địch đổ vỡ như dãy đô-mi-nô cũng là việc mở một trong những cánh cửa chính đi tới Ngày Toàn Thắng. Nhìn vào tự nhiên ta cũng sẽ thấy, trong mọi cơ thể sinh vật thì chính cái gen bé tí trong nhân các tế bào mới là “bộ phận” quyết định cái “toàn thể” cơ thể, chính từ nó mà làm nên sự khác biệt giữa các giống loài và lưu giữ mật mã di truyền đến các đời sau. Quá trình sinh sản, sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng thực ra là sự ghép đôi nhiễm sắc thể của hai nửa tế bào để thành một tế bào mới mang thông tin di truyền của cả cha mẹ, rồi từ một tế bào gốc đó, tức từ một “bộ phận” bé tí ti đã phân hóa rồi hình thành nên cả cái “toàn thể” cơ thể. Khi gen bị tác động, như những người lính bị nhiễm chất độc da cam chẳng hạn, sẽ sinh ra những đứa trẻ tật nguyền; còn làm đột biến gen có chủ đích và sàng lọc trong sinh học phân tử, sẽ tạo ra được những giống mới tốt hơn.
Nói chung, giữa toàn thể và bộ phận có mối liên hệ hữu cơ qua lại tuỳ theo mỗi sự vật hoặc hiện tượng. Còn cứ nhất quyết chia ra xem hơn thua, thì như chứng minh ở trên, chính “bộ phận” quyết định “toàn thể” chứ không phải ngược lại.
***
Cao Xuân Huy cho phân chia triết học thành duy vật và duy tâm “chưa đạt tới tầm cao trong nhận thức bản chất vũ trụ, và không tránh khỏi vi phạm lô-gic”. Ông cho “nhà triết học phải hiểu biết thế giới như một thực thể toàn vẹn không chia tách, trong “tâm” có “vật”, trong “vật” có “tâm”; “Nếu tách “vật” ra khỏi “tâm” thì làm sao “tâm” biết được “vật”. Ngược lại, nếu tách “tâm” ra khỏi “vật” thì cũng không làm sao giải thích được “tâm” từ đâu mà sinh ra”. (tr.86-87).
Cũng như “không gian” và “thời gian”, “tâm”, “vật” là những thực tại, việc xác định và khái niệm hóa chúng để nghiên cứu giống như chuyện trong đồng ruộng có lúa, có ngô thì người ta nói có "lúa", có "ngô", sao lại nói là “vi phạm lô-gic”, là “sai”? Những ý này, nếu diễn tả cho tiện và chính xác, là “phản khoa học”, bởi nếu cho “tâm”, “vật” là một, và có sẵn trong bản thể thế thì tại sao đất đá và vô vàn vật vô tri lại không có “tâm”? Tại sao ý thức (“tâm”) lại chỉ có ở con người? Tại sao vật chất sinh ra ý thức? Vật chất ở đây chính là bộ não người, khi tỉnh thức sẽ nhận thức, sẽ suy tư, sẽ thể hiện tình cảm… đó chính là “tâm”. Người ta hoàn toàn dễ dàng chủ động làm cho bộ não ngưng “tiết ra” ý thức, như gây mê trong phẫu thuật chẳng hạn. Ngược lại, chưa hề có bất cứ chứng cớ nào, cả thí nghiệm khoa học lẫn các hiện tượng tự nhiên, chứng tỏ “tâm” sinh ra “vật”. Điều này chỉ có trong truyện thần thoại và một số giáo lý tôn giáo.
Việc cho: “Nếu tách “vật” ra khỏi “tâm” thì làm sao “tâm” biết được “vật”? Các cụ đã nói “Dao sắc không gọt được chuôi”, giống như dù tinh đến mấy ta cũng không thể nhìn thấy gáy của mình, việc cho “tâm”, “vật” phải nhập vào nhau thì “tâm” mới thấy “vật” là nói ngược. Trong thực tế, muốn nhìn thấy bất cứ vật gì phải có khoảng cách nhất định, tùy thuộc thủy tinh thể điều tiết tiêu cự của mắt sao cho ảnh của vật hiện đúng võng mạc, tế bào thần kinh thị giác mới nhận được và chuyển thành ý thức, tức là “tâm”; và với hỗ trợ của kính thiên văn hiện đại, người ta còn có thể thấy được các thiên hà ở tận biên của vũ trụ xa xôi, cách ta hàng chục tỷ năm ánh sáng nữa. Còn cái lập luận cho ta nhìn thấy vật là do ta có cùng bản thể với vật, thì tại sao trong tối cái bản thể còn nguyên đó, sao ta vẫn không thấy gì? Và chắc những người bị khiếm thị sẽ là chứng nhân sống động nhất phản bác cái “ngụy vấn đề” mà các vị đã tưởng tượng ra đó!
***
PGS. Cao Xuân Hạo, người con yêu của GS. Cao Xuân Huy cũng phân tích học thuyết “chủ toàn” của cha mình: “Dương sở dĩ có được là nhờ có âm và ngược lại… chứ không phải là “trong vũ trụ có dương và có âm” và “bất cứ vật gì trong vũ trụ cũng có âm có dương: năng lượng, vật chất…” (Sđd, tr.163).
Cao Xuân Hạo viết vậy cũng là phản khoa học. Bởi khoa học đã chứng minh không phải “âm”, “dương” có được là nhờ có nhau mà chính “âm”, “dương” cùng được sinh ra sau Big Bang từ “chân không lượng tử” khi nhiệt độ giảm xuống phù hợp và các lực vật lý từ từ “kết tinh” tách khỏi nhau. Trong vũ trụ cũng chẳng phải “bất cứ vật gì cũng có âm có dương” bởi hạt ánh sáng (photon) tràn ngập trong vũ trụ và nơtron trong hạt nhân không có âm dương (tức điện tích) bởi chúng là trung hòa tử!
***
Tóm lại, trong lịch sử nhận thức không hề có hai phương thức “chủ toàn”, “chủ biệt” ngược nhau như ý Cao Xuân Huy, làm nên hai nền văn minh cao thấp khác nhau. Cao Xuân Huy đã sai đơn giản là vì chưa đủ tri thức. Thực chất GS. Cao Xuân Huy chỉ học Trường Cao đẳng Sư phạm, mà lại về lĩnh vực xã hội, lại ở thời trình độ mọi mặt ở nước mình rất thấp, các phát minh mới trên thế giới cũng chưa có, nhưng khi bàn về bản thể luận và nhận thức luận ông buộc phải tiếp cận nhiều lý thuyết phức tạp về vật lý như Thuyết Tương đối; về sinh học và hóa học như Thuyết Tiến hóa, chất vô cơ và hữu cơ, chất vô sinh và hữu sinh; về triết học, mà đặc biệt triết học duy vật biện chứng lại lấy khoa học tự nhiên làm “chứng”, như các cặp phạm trù “không gian thời gian”, “Tâm” “Vật”, “Nhân Quả”, “mâu thuẫn”, “đối lập và thống nhất”, “chất và lượng”, “riêng”, “chung”, v.v… Để hiểu tất cả những điều đó, cần phải có một nền tảng tri thức vững chắc và tư duy chính xác, chứ một cái đầu chỉ giàu suy tư và khát vọng sáng tạo thôi thì khó mà hiểu để rồi sáng tạo ra tri thức mới được. Vì vậy, việc GS. Cao Xuân Huy sai và một loạt học giả hàng đầu là học trò của ông cũng sai theo là điều dễ dàng xảy ra; chỉ có những bậc thiên tài, không học khoa học tự nhiên mà cũng hiểu thì mới không sai mà thôi, mà trên thế giới hình như còn chưa có, bởi có những học thuyết phức tạp đến nỗi cả thế giới có thời chỉ vài người hiểu mà thôi. Với nhiều nhà kinh điển phương Tây, trước khi là nhà triết học, họ cũng là các nhà khoa học tự nhiên, như Descartes là nhà toán học, vật lý và sinh lý học; Kant là nhà vật lý và Husserl cũng là một tiến sĩ toán học, v.v… Còn ở ta không ít người không học tự nhiên nhưng đã ngộ nhận tin mình cũng hiểu. Tôi đã viết, tự tin không phải đi thi nên tha hồ mà tự tin, nhưng khi viết sẽ lộ ra cái sai, cái dốt ngay.
Thật tiếc, các vị học trò của GS. Cao Xuân Huy đã đọc một công trình triết học, đánh giá đóng góp khoa học của một con người lại đầy cảm tính, cảm tình, đã không có một nền tảng tri thức khoa học vững chắc, không dựa trên thực tiễn cuộc sống, lại cảm nhận một cách xúc động nên đã liên tưởng quá phong phú như đọc một tác phẩm văn chương vậy. Vì thế sai lầm là tất yếu!