ĐÔNG LA
“TÔI KHÔNG CẦN TRANH LUẬN”
Đây là câu nói của tôi năm 1990 trước những cán bộ
kỹ thuật của Công Ty Thuốc Sát trùng Việt Nam, một công ty quốc gia lớn nhất
và duy nhất về ngành nông dược VN, trong một cuộc “sinh hoạt khoa học” thảo
luận về đề tài sản xuất thuốc Phostoxin, một
chế phẩm diệt sâu mọt trong kho tàng, bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Nước ta là
nước nông nghiệp, hồi đó thuốc này rất quan trọng, nên cán bộ lãnh đạo của
công ty vốn làm ở Viện Hóa công nghiệp, đã tiến hành nghiên cứu từ đầu những
năm 1970, nhưng vẫn chưa làm được vì khi làm nó cứ gây cháy nổ rất dữ. Chính
ông Luật Tổng giám đốc bị cụt một ngón tay; ông Ban, giám đốc trung tâm
nghiên cứu, bị cháy bỏng một cánh tay; và có 2 công nhân bị chết! Hồi đó, tôi
vốn làm ở Viện Công Nghiệp dược, Bộ Y tế, từng làm chủ nhiệm đề tài chiết xuất
thành công hoạt chất chống ung thư Vinblastine
từ cây dừa cạn, giá hàng triệu đô 1 kg, nhưng rồi chuẩn bị làm quy mô lớn,
lại bị con mụ Đào mới lên viện trưởng nó giật khỏi tay cái đề tài đó, chỉ vì
cục bộ Nam Bắc và ý thích cá nhân mà thôi. Hồi tôi đi làm, nạn cục bộ Nam Bắc
còn căng hơn Ta Ngụy nhiều. Lẽ phải thuộc về tôi, nhưng mụ Đào có chị ruột
làm thứ trưởng Y tế, từng hoạt động trong rừng trước giải phóng, là bạn từ
ông Võ Văn Kiệt trở xuống. Tôi đi kiện chắc sẽ thắng nhưng sẽ phải tốn cả
cuộc đời mất, trong khi hai đứa con, đứa 4 tuổi, đứa mới có một tuổi! Tôi đã
khóc và chấp nhận thua cuộc. Thế rồi đúng là “ác giả ác báo”, mụ Đào vốn đã
bị Trời phạt không có con, sau vụ đối với tôi đó, đã bị tai nạn giao thông
gãy xương vai! Còn tôi phải chấp nhận một giải pháp tình thế, xin đi làm đội
trưởng lao động bên Liên Xô. Nhưng rồi, vốn là cán bộ nghiên cứu tôi không
sao quen được việc đi lùng mua hàng đóng thùng gởi về, nên ở được có hơn nửa
năm, tôi đã “chuồn” về nước, phải chịu phạt. Rồi tôi đã xin vào làm Công ty
thuốc Sát Trùng VN sau đó. Hồi đó, ông Tổng giám đốc vốn rất khôn ngoan, đã
củng cố địa vị bằng cách xin con ông Đỗ Mười làm ở sân bay về công ty “làm
kiểng”. Một lần ông ĐM đến công ty thăm con, sau đó không biết công ty có
khoe mẽ hứa hẹn gì không mà không hiểu sao cả công ty nháo nhào cả lên, họp
bàn giải quyết cái đề tài nói trên. Có điều đã hơn hai mươi năm, cả ngành
Nông dược VN, có biết bao GS, TS, còn sang tận Đức thăm quan, vẫn không sao
làm được. Thế rồi chỉ còn có mình tôi mới về chưa “thử sức” nên ông Ban, Giám
đốc Trung tâm nghiên cứu, xếp trực tiếp của tôi, đã giao cho tôi. Trước khi
bắt tay làm, công ty lại tổ chức một cuộc họp để cán bộ kỹ thuật bàn bạc. Tất
cả họ, không ai làm được, nhưng ai nói cũng hay, cứ loạn cả lên. Tôi mới cáu,
dõng dạc tuyên bố: “Đây là việc chưa ai làm được,
giờ công ty đã giao cho tôi thì kệ mẹ tôi, tôi không cần bàn luận”. Sau
đó, nếu tôi không làm được, chắc chắn sẽ phải gút-bai công ty. Nhưng tôi lại
làm được, còn được một hội nghị quốc tế 18 nước về bảo quản nông sản sau thu
hoạch thử nghiệm sản phẩm và đánh giá ngang với sản phẩm của Đức. Một ông ở
Pháp còn xin tiêu thụ độc quyền; rồi ông giám đốc còn bắt mang đi thi sáng
tạo KHKT và giật được giải A nữa! Tôi đã
viết đôi nét về cái việc này thành truyện “Bài
toán”, đã đăng trên báo Văn nghệ, còn được ĐD Đỗ chí Hướng dựa vào
dựng thành bộ phim đã chiếu trên truyền hình: “Hoa
trạng nguyên".
Thế
đó, để làm được cái việc trên gần như tôi đã phải làm ngược lại những điều
những người đi trước làm, mà theo lẽ thường, họ luôn tin là đúng, có điều
thực tế họ lại không thành công. Giờ đây, sang lĩnh vực viết lách, sau bài về
Các Mác dính tới Văn Giang, tôi lại gặp
cảnh hàng ngàn lượt người vào blog đọc như trước đây người ta cũng vào đọc
bài tôi phê phán ông Phạm Viết Đào, bênh
ông Đào Duy Quát.
Vụ này tôi đã cho ông Đào là tiểu nhân, xoáy vào
chỗ sơ xuất của ông Quát mà đánh ông Quát, chứ ông Quát làm sao mà lại thực
tâm tiếp tay cho bọn Tàu chiếm đất của nước mình được. Ông Đào dường như đánh
ông Quát chỉ vì ông Quát làm quan to hơn ông Đào rất nhiều mà thôi!
Tôi từng viết, tôi đã bị thua thiệt rất nhiều bởi
những cái còn chưa hoàn thiện ở xã hội VN này. Nhưng tôi cho như là lẽ đương
nhiên bởi thực chất xã hội ta mới ở dạng nửa tập thể nửa tư bản và còn
nhiều tàn dư phong kiến. Có thể tại tôi tự mình trụ được, rồi vượt lên, nên
tôi không cay cú chuyện thua thiệt như bao người chăng? Nên khi viết về những
chuyện đại sự, tôi luôn đứng trên hoàn cảnh bản thân, để có cái nhìn khoa học
khách quan.
Trong hàng ngàn lượt người vào đọc blog của tôi,
tôi tin là những người có học, biết suy xét, khách quan hiểu đúng ý tôi, sẽ
thấy tôi viết đúng. Tiếc là có không ít người mà tôi từng gọi là “hồng vệ binh dân chủ” với tâm lý bầy đàn, họ
chỉ láng máng hiểu khuynh hướng của tôi khác họ là họ chửi bậy. Có điều những
điều tôi viết liên quan đến những tri thức rất cao sâu về khoa học, triết học,
chính trị xã hội, đến GS Viện sĩ còn sai, thì họ biết gì mà nói bậy! Có lần
tôi đã bỏ blog cả năm trời vì thấy có những bài tôi bỏ ra rất nhiều tâm sức
viết về những vấn đề rất tinh tế, rất cao sâu về văn chương, khoa học và
triết học thì chỉ vài người đọc, còn những bài có chút giật gân thì xúm xít
chen nhau vào. Thật buồn cho dân Việt ngày nay khi lũ choai choai thì chen
chúc đi đón thằng ca sĩ Hàn Quốc, còn hôn cái ghế nó ngồi; còn lũ trung trung
có quan tâm đến tình hình xã hội thì phần rắn rết nhiều hơn phần người!
Có lẽ tôi lại phải tuyên bố giống như cái câu mà
tôi đã nói trước đây hơn 20 năm là:
“TÔI KHÔNG CẦN TRANH LUẬN”!
TPHCM
23-5-2012
ĐÔNG LA
|