Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Bài toán (Truyện ngắn)

*“Bài toán là một truyện ngắn rất hay và theo  tôi là hay nhất trong tháng 10 và 11 nữa, được đăng trên số báo 45 ra ngày 8-11-1997 Tuần báo Văn nghệ...  Cái hay của truyện Bài toán cũng chính là cái tài của tác giả Đông La khi dựng lên được những nhân vật mà mỗi khi đọc chúng ta lại cảm thấy chính là những con người thực từ đời thường đang bước vào tác phẩm của ông...    Cảm ơn tác giả Đông La đã viết nên một truyện ngắn mà tôi đọc thấy rất phù hợp với tôi và có lẽ nhiều người khác nữa. Câu chuyện quả có sức giáo dục và thuyết phục người đọc suy nghĩ và phải suy nghĩ sâu để cùng tìm ra những đáp số cần thiết cho "bài toán" thường gặp trong cuộc sống   ...đến đây tôi khẳng định một lần nữa rằng Bài toán là một truyện ngắn hay, viết rất công phu. Tôi mong rằng Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn sẽ cho ra đời nhiều những truyện ngắn độc đáo như thế...”
   NGUYỄN THỊ TRÂM (Trích Mục Bạn đọc với Văn nghệ, Báo Văn nghệ)
           *Cái truyện này cũng được Đạo diễn Đỗ Chí Hướng dựa vào một phần dựng phim Hoa trạng nguyên.

Đúng giờ tốt, 7 giờ, cái giờ mà một bà dược sĩ cùng cơ quan cũ đã tra cứu rất cẩn thận giúp, anh hồi hộp bước vào chiếc cổng phía trên có treo tấm bảng: “TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU HÓA NÔNG”.
Cánh cổng và bảng hiệu đều sơn mầu xanh, đã bị hơi hóa chất gặm mòn nham nhở. Một mùi thuốc vofatox đặc trưng mà anh từng biết từ hồi bé xộc vào mũi.
Rất nhiều thùng phuy cũng mầu xanh được xếp lớp như lợn con nằm chiếm gần hết cái sân khá rộng. Có một không khí của một xí nghiệp hơn là một trung tâm nghiên cứu ở đây khiến anh ngán ngẩm: “Nơi này thua xa viện cũ, nhất là về độ sang trọng, cuộc đời mình thực sự xuống dốc rồi!”. Nhưng anh đang bị thất nghiệp, mới gần như chạy trốn khỏi nước Nga về.
         Anh nói với chị bảo vệ:
          - Xin chị cho gặp ông giám đốc. Tôi được ông ấy hẹn.
- Chú đợi một lát, để tui đi kêu ổng.
       Lát sau, ông giám đốc trung tâm, người cao lớn, phương phi hồng hào, kính trắng gọng vàng, mặc blu trắng cộc tay bước ra. Ông thấy trước mặt là một chàng trai độ trên ba mươi, người tầm trước, da trắng như con gái nhưng mắt xếch, mặt vuông và gồ ghề. “Cũng chẳng tay vừa, có cá tính đây”- Ông thầm nghĩ, rồi tỏ vẻ thân thiện:
- Sao, mới ở nước ngoài về mà đi cái xe đạp lóc cóc này à? Ông biết không, bây giờ tôi rất thích làm việc với những người đi xe máy, mà xe hơi nữa thì càng tốt. Người ta có tài thì mới làm ra tiền ông ạ.
         Anh gật đầu chào ông rồi nhớ ngay tới lời bà trưởng phòng tổ chức trên công ty: “Ông ấy là người tốt, nhưng chỉ được nghe, cấm có cãi”. Nghe ông nói vậy, không hiểu sao anh thấy thinh thích. Vốn là người tự tin nên anh thích sự thẳng thắn. Anh sợ những cuộc giao tiếp môi mép, nói đến tất cả mà thực chất không nói gì cả, hết sức xởi lởi chu đáo mà không có một sợi tình cảm nào cả. Đó chính là cách ứng xử của tip người sống chủ yếu bằng những mối quan hệ. Còn ông giám đốc này có lẽ thuộc tip người sống bằng công việc. Tuy chẳng có gì nhưng anh vẫn bịa:
- Em mới về nên chưa nhận được hàng.
        Nói rồi, anh theo ông vào phòng khách. Căn phòng khá sang trọng, mát lạnh, rèm cửa vàng rực. Bức tường giữa để một giá trưng bầy nhiều sản phẩm mẫu, phía trên là hàng hàng những bằng khen, bằng lao động sáng tạo; còn bức tường dọc treo rải rác những tấm ap-phích quảng cáo thuốc trừ sâu với hình những cô gái Nhật tuyệt đẹp, mười tám, đôi mươi, mặc bi-ki-ni trên bờ biển, thon thả, chín mọng, những hạt nước dính trên những đường cong trông long lanh như những hạt ngọc! “Mẹ kiếp, bọn tư bản đúng là biết cách moi tiền của thiên hạ thật!”
         Ông giám đốc mời anh uống nước rồi nói:
        - Tôi đã được chị Phúc phòng tổ chức trên công ty giới thiệu ông. Nói chung chúng tôi rất cần người làm việc, mà làm nghiên cứu ấy chứ không phải việc hành chính. Nghe nói hồi ở viện Dược ông làm cũng khá lắm hả? Có biết ông Đoàn không? Mà ông đã làm những gì rồi?  
          - Ông Đoàn viện trưởng từng coi em như con. Nhưng ông ấy về hưu rồi. Ở bên ấy em chiết thuốc chống ung thư Vinblastin từ cây dừa cạn, chiết kháng sinh từ sinh khối...
          Anh khôn khéo trình bầy những giải pháp có tính sáng tạo mà anh đã làm để chinh phục người giám khảo này. Đời anh đã bao lần phải trải qua các kỳ thi, còn lần này, anh không thể không vượt qua, bởi phía sau nó sẽ là miếng cơm, manh áo của vợ con, là anh có thể duy trì sự tồn tại bằng chuyên môn, bằng tri thức, chứ không phải bằng một cuộc vật lộn cơ bắp lam lũ...
          - Ông làm thế là có tư duy đấy. Tôi thích ông đấy. Nhưng thôi, cái gì cũng không bằng thực tế. Tôi cứ thử tay nghề ông trong ba tháng. Nếu được thì tiếp tục, còn không thì anh em mình phải chia tay nhau. Đồng ý chứ? Ông sẽ đi làm ngay ngày mai nhé.       
***
          Anh thở phào ra về. Anh không sợ chuyện thử tay nghề. Cái mà anh sợ chính là thái độ ông giám đốc. Anh có thể loay hoay đủ kiểu để giải các bài toán kỹ thuật, còn những bài toán trong những mối quan hệ thì không bao giờ giải được. Anh không có năng khiếu trong việc làm vừa lòng một người không ưa mình. Anh biết cuộc sống công chức, nghệ thuật sống yên ổn chính là nghệ thuật tước bỏ cá tính, nghệ thuật bôi xóa mình thành con số không, nhưng anh không làm được. Anh thấy vô cùng may mắn khi gặp được một người nắm đầu mình mà có vẻ phù hợp. Anh đã được học rất nhiều để trở thành người tốt, người có ích, nhưng chưa học được bao nhiêu về sự xoay sở, sự toan lo cho cuộc sống riêng tư. Suốt những năm tháng ấu thơ và quãng đời sinh viên, thần tượng của anh luôn là những nhà bác học trán dồ và râu dài. Anh luôn mơ được như họ, và luôn cảm thấy như có một sứ mệnh nào đó phải thực hiện, còn cái công việc kiếm sống tầm thường là thuộc về người khác. Khốn nỗi, nghĩ thì vậy, nhưng anh cũng biết lắm giá trị của cuộc sống vật chất, biết lắm cái chua chát khi thấy vợ con mình thua chị, kém em. Anh cũng đã nghĩ đến chuyện làm thêm để cải thiện cuộc sống, nhưng anh biết làm gì ngoài chuyên môn. Mà anh lại toàn được giao vào những ê-kip làm những công việc không chỉ khó khăn đối với một con người mà còn khó khăn với cả một đất nước, như nghiên cứu thuốc chống ung thư, sản xuất thuốc kháng sinh v.v... làm sao có thể áp dụng vào việc kiếm thêm được?!
          Hôm sau, vừa tới trung tâm, anh được ông giám đốc gọi vào thư viện. Hai người tới gần thì thấy bên trong có mấy người đang truyện trò, nói cười rổn rảng:
- Hôm qua vô quán, con nhỏ quen sà vào ngay, phải chiều nó. Đêm về, vợ bắt trả bài, buốt đến tận óc mà vẫn phải làm... Nếu không, sợ nó nghi. Cuộc đời, đúng là sướng quá cũng có cái khổ!
         Một tràng cười phá lên phụ họa. Ông giám đốc đỏ mặt nói với anh:
- Đấy ông xem, cứ như thế còn nghiên cứu nghiên kiếc cái nỗi gì!
         Hai người bước vào phòng, mấy người bên trong liền im bặt, chào giả lả rồi chuồn ngay xuống phòng thí nghiệm.
        Cầm một cuốn sách tiếng Anh, ông giám đốc nói với anh:
- Đây, việc đầu tiên là tôi muốn ông đọc cuốn sách về các chất điều hòa sinh trưởng thực vật này. Tôi cho ông nửa tháng, rồi sẽ phải trình bầy trước cán bộ kỹ thuật toàn trung tâm đấy nhá. Trung tâm này tuy vậy, nhưng chiều thứ bảy nào cũng đều có sinh hoạt học thuật cả đấy.
        Anh không cần nửa tháng, chỉ mấy ngày sau anh gặp ông giám đốc xin trình bày ngay, anh muốn tạo cho ông một ấn tượng mạnh. Quả là ông có ngạc nhiên:
- Ông đọc cách gì mà nhanh thế? Ông tính đùa tôi hả?
- Sao em dám đùa với anh. Em có cách đọc riêng. Em đọc cả quyển một lúc chứ không đọc từng đoạn từng trang. Từ mục lục em nắm được ngay cái khung, rồi cần biết những điều cụ thể gì thì tra dần ra.
- Được, ông nói có vẻ hay đấy, nhưng cứ để chiều mai sẽ trình bầy xem sao.
      ***
          Thế là anh đã chinh phục được ông giám đốc “cấm có cãi”. Quả là có việc rất khó đối với người này nhưng lại quá dễ với người khác. Một xã hội ai cũng được ngồi đúng vào chỗ phù hợp với mình chắc sẽ phát triển nhanh lắm. Anh đã ra mắt trước toàn thể một trung tâm nghiên cứu bằng một buổi trình bầy chính những vấn đề mà họ đã biết, nhưng anh vẫn đủ sức buộc mọi người phải cắm cúi ghi chép. Người ta luôn có hai cấp độ tri thức, một loại biết và một loại hiểu, loại hiểu luôn ít và quý giá. Muốn làm được việc có kết quả cụ thể, người ta buộc phải có tri thức ở cấp độ hiểu.
        Ông giám đốc không bao giờ nhắc đến chuyện thử tay nghề nữa. Thế là sau một thời gian ngắn gián đoạn, anh lại được đi làm. Anh thầm hứa ở nơi mới này sẽ quyết tâm không làm mất lòng ai. Cái chuyện mất lòng với không mất lòng này lúc mới ra trường tưởng chỉ là chuyện vặt, nào ngờ nó lại rất quan trọng.
     ***
          Trung tâm Nghiên cứu Hóa nông được chia làm mấy nhóm nghiên cứu, nói là nghiên cứu nhưng thực chất chỉ là pha thuốc theo công thức có sẵn của nhà sản xuất hoạt chất và theo dõi việc sản xuất tại các xí nghiệp. Chỉ có nhóm tổng hợp chất là làm những việc chưa có, những công việc cần óc nghiên cứu và sự sáng tạo. Anh được phân về nhóm này.
          Mấy bà, mấy cô ở trung tâm bắt đầu nhận xét: “Từ bé đến giờ chúng tôi chưa thấy có ông Bắc kỳ nào hiền như ông đấy, cả tháng trời chưa thấy ông nói câu nào mà chỉ có cười thôi”. Anh trả lời: “Ở cơ quan cũ, có người thương tôi quá, có người lại ghét tôi quá, làm tôi rất khó sống. Các bà yêu ghét tôi một cách trung bình thôi nhá”. Mọi người phì cười. Nhưng con người anh vốn không phải ở khoảng giữa mà luôn bị đẩy về phía những cực đối lập. Ông giám đốc trung tâm bắt đầu quý anh ra mặt, đến độ mọi người phải phát ghen. Trên chiếc xe hơi sang trọng, đi đâu ông cũng lôi anh đi theo, như để khoe với mọi người vậy. Anh có khả năng giao tiếp thông thường rất tồi, nhưng khi bàn luận, viết lách, trình bầy những vấn đề khó khăn về tri thức thì lại siêu. Ông nói với bà trưởng phòng tổ chức: “Chị đã giao cho tôi một cục vàng chị ạ. Nó hơn hẳn người thường một cái đầu đấy”. Bà trưởng phòng khuyên: “Thôi anh ạ, nếu anh có thương nó thì để trong bụng, đừng khen nó nữa. Tình cảm, danh tiếng, toàn những thứ không ăn được, nhưng người ta cũng giành nhau chẳng kém gì giành xôi, giành thịt đâu!”. Quả đúng vậy. Mấy bà mấy cô bắt đầu tỏ thái độ với ông giám đốc: “Ông này có vẻ thông minh nhưng có vẻ tự kiêu quá anh Lâm ạ!” Ông trả lời: “Tự kiêu à, tốt quá, bao nhiêu năm trời tôi toàn sống với sự khiêm nhường, mong mãi mới vớ được một cậu tự kiêu như thế”. “Anh Lâm nói lạ, tự kiêu lại tốt sao?” “Đúng vậy, có hai loại tự kiêu. Một là không biết mình là ai, luôn coi mình cao hơn những gì mình có, coi thường cả những người giỏi giang hơn mình. Còn một loại cũng giống tự kiêu, các cô thử nghĩ xem nó ra sao?” “Bọn em chịu thôi”. Câu chuyện lúc đầu có ý vui nhưng lại thành ra nghiêm chỉnh nên mọi người im lặng. Ông giám đốc đi về phòng mình thầm nghĩ: “Những người nhu nhược, yếu kém vẫn thường nhìn sự tự tin của người khác thành ra tự kiêu. Đã tồn tại quá lâu rồi cái chủ nghĩa tập thể, cái gì cũng chung chung, người này dựa dẫm vào người kia, nó chỉ phù hợp khi người ta đi trên đường mòn, nhưng khi phải đối mặt với đèo cao, vực thẳm, phải vượt qua những con dốc để vươn lên một tầm cao mới thì không làm gì được; cái việc này nó lại phải cần đến bản lĩnh cũng như sự sáng tạo của những cá nhân tài giỏi. Dân mình kỳ thật, người ta thường quý những người biết sống hòa đồng, khiêm nhường hơn là những người tài năng nhưng có cá tính. Cứ vậy, nước mình muôn đời sẽ chả bao giờ ngóc đầu lên được. Cả thời gian dài ông đã phải sống trong cái môi trường đó, giờ có điều kiện để khác đi thì quỹ thời gian lại không còn nhiều nữa”.
     ***
          Một hôm, ông giám đốc trung tâm được tổng giám đốc gọi lên. Tổng giám đốc là một người thực sự có quyền uy. Ông đã khôn khéo xây nên cái vương triều của mình bằng vô vàn mối quan hệ dằng dịt, chủ yếu là với những ông cốp ngoài triều đình. Con cháu các vị dù không có chuyên môn gì nhưng ông vẫn tìm mọi cách xin về công ty mình bằng được và cho hưởng chế độ đặc biệt. Ông đã 60, tướng ngũ đoản, cao chưa tới mét rưỡi, nhìn phía sau giống một chú bé bụ bẫm, nhưng trước bàn làm việc thì trông y hệt một ông chủ Đại Hàn: Mặt tròn, bóng mỡ, mắt một mí, lúc nào cũng lim dim. Tính cách của ông được pha trộn bởi tính cách của một ông quan lại và một ông chủ tư bản. Ông có tật làm cho cấp dưới rất khó xử, khi người ta chào thì ông ngoảnh mặt đi, nhưng gặp ông mà không chào thì hãy coi chừng! Công ty cũng có đầy đủ ban bệ, nhưng ông chỉ nắm phòng kinh doanh, phòng kế toán và tài vụ. Còn tất cả chỉ là phụ. Chính cái thị trường mới làm ông lo ngại, nó quyết định sự thành bại của ông, chứ không phải cái guồng máy cồng kềnh theo một mô hình cứng nhắc mà tất cả các đơn vị quốc doanh đều phải lập ra kia. Ông phó tổng thứ nhất phụ trách kỹ thuật, nhưng nhiệm vụ chính là phục kích đợi ông về hưu để thay thế; ông phó thứ hai phụ trách công tác Đảng, nhưng thời này đồng tiền là trên hết, không có việc gì cụ thể, nên nhiệm vụ hàng ngày là uống hết mấy bình nước và chăm bón mấy chậu kiểng cho xanh tốt; ông chủ tịch công đoàn đầu gối và dáng người đều củ lạc, có nhiệm vụ là ngày ngày đánh bóng bàn để rèn luyện thân thể, vì ông có niềm say mê nói xấu người khác, trằn trọc nhiều đâm ra bị đau dạ dầy nên người không được khỏe... Nếu nói công ty có một số người làm việc thực sự thì ông giám đốc trung tâm nghiên cứu là một.
        Tới trụ sở công ty, ông xuống xe, lên ngay phòng tổng giám đốc. Tổng giám đốc tiếp ông ở bộ xa-lông. Ông nói:
- Thưa anh, có chuyện chi mà anh cho gọi gấp vậy ạ?
- Cái đề tài thuốc bảo quản kho các ông làm đến đâu rồi?
- Gay quá anh ạ, nó vẫn cứ cháy nổ.
- Dễ mình đã đeo đuổi công việc này đến cả vài chục năm rồi còn gì? Không lẽ không ai làm được?
- Thì mình cũng đã hợp tác với nhiều nơi, thuê cả chuyên gia, thậm chí còn sang tận cả Đức thăm quan, nhưng vẫn chưa tiến triển gì.
- Vừa rồi ông Kim cũng lên đây trình bầy với tôi xin thôi chủ nhiệm đề tài. Có điều bây giờ việc này lại rất quan trọng, không chỉ Bộ mà cả Thủ tướng cũng có quan tâm đấy. Sản lượng lương thực nước mình giờ đã hơn hai mươi triệu tấn. Cứ hư hao 15-20 % do sâu mọt, thử hỏi thiệt hại bao nhiêu? Nên bằng bất cứ giá nào ông phải giải quyết được việc này. Không chỉ đơn thuần là chuyện kinh doanh đâu mà còn là danh dự, là nhiệm vụ chính trị của công ty ta đấy!
- Vâng, tôi sẽ cố gắng.
      ***
           Về trung tâm, ông giám đốc đứng ngồi không yên. Công việc mà ông tổng giám đốc vừa nói quả là một bài toán vô cùng hắc búa. Từ hơn hai chục năm về trước, nó đã được bắt đầu nghiên cứu ở viện Hóa. Công thức pha trộn, quy trình sản xuất đều có sẵn trong tài liệu, vậy mà làm là cứ cháy nổ như lựu đạn! Ngay ông tổng giám đốc hồi ấy còn là trưởng phòng cũng đã bị cụt một ngón tay; còn chính ông đây cũng đã bị bỏng một cánh tay, đặc biệt còn có hai công nhân bị chết nữa! Thật tội nghệp! Chẳng ai có thể làm được. Cán bộ dưới quyền ông không thiếu, kỹ sư, phó tiến sĩ đủ cả, nhưng những lúc khó khăn thế này, chẳng ai có thể chia sẻ được, chia sẻ bằng trí tuệ chứ không phải bằng những lời nịnh nọt, vuốt ve, vô tích sự. Trước các bài toán, nhiều khi những bằng cấp, danh tước, tiếng tăm lại chỉ là đối tượng của sự diễu cợt. Ông quá ngán ngẩm, rất hay cáu, nhưng cũng chỉ biết la hét suông chứ đâu biết làm gì. Con ông cháu cha, người quen người thân thì nhiều, còn người giỏi thực sự lại vô cùng ít. Ông là người giỏi giang nhưng cũng phải thông cảm với sự yếu kém của người khác. Ngay chính ông bây giờ cũng còn đang bí, chưa biết phải làm thế nào đây. Thuốc bảo quản kho gì mà cứ cháy nổ thì là thuốc đốt kho chứ bảo quản cái nỗi gì! Nhưng tổng giám đốc đã gọi lên thì không thể dằng dai mãi được. Trước nay, ông biết ông ta coi cái đề tài này chỉ như một cái chậu kiểng, công ty lớn của một quốc gia thì cũng phải có đề tài này nọ cho có vẻ khoa học thôi, chứ ông ta chỉ cần nhấc phôn một cái là các công ty ở Đức sẵn sàng cung cấp ngay, vừa có thuốc xài vừa có tiền phần trăm, hơi đâu mà nghiên với cứu. Nhưng giờ chef chính phủ đã xuống thăm, còn gởi cả hoàng tử ở công ty, đã ra chỉ thị, thì không thể coi thường được; còn ông ta cũng nhân cơ hội này muốn chứng tỏ khả năng của mình với cấp trên... Thế là cái gánh nặng chuyển đến đè lên vai ông. Nhưng ai sẽ có khả năng giúp ông giải được cái bài toán chết tiệt này? Ông nghĩ đến người kỹ sư mới. Anh chàng có vẻ thông minh, nhưng làm một công trình khó khăn cỡ thế này đâu phải chuyện đùa. Hơn hai mươi năm, bao tên tuổi lừng lẫy trong ngành còn không làm được, huống hồ một anh chàng mới học việc! Khốn nỗi lại không còn ai. Thôi thì cũng đành liều! Cuộc đời biết đâu lại có những điều thú vị... Và cuối cùng ông đã quyết định.
      ***
         - Ông giúp tôi, thế nhé!
Sau khi nói rõ tình hình, ông giám đốc trung tâm nói với người kỹ sư mới như thế.
Anh vô cùng ngỡ ngàng và rất lo lắng khi được giao nhiệm vụ vì việc này gần như anh không biết một tí gì. Anh tính thoái thác nhưng nhớ đến câu của ông hôm đầu nhận anh: “Nếu không làm được thì anh em mình chia tay nhau” lại thôi. Anh tự nhủ, thôi cứ làm, đằng nào cũng chia tay thì cứ làm rồi hãy chia tay, biết đâu?!
        Thế là cuộc đời anh lại bị đẩy vào một thử thách mới, và có lẽ sẽ là khó khăn nhất, có thể còn nguy hiểm đến cả tính mạng nữa!
        Anh xuống thư viện, đại bản doanh của mấy ông giời con. Long thuộc diện con ông cháu cha, thấy anh, nói:
- Ô, xin chào chủ nhiệm đề tài, ông mới về mà dám nhận cái đề tài xương xẩu ấy, tôi hãi đấy.
Anh thấy cũng cần phải làm thân với cộng sự, nhất Long lại là người đang ở trong nhóm tiến hành công việc, chắc phải biết nhiều thứ. Anh cởi mở:
- Ông ấy giao là phải nhận thôi chứ biết làm sao. Nghe nói ông giầu lắm hở, có tiền nhiều chắc sướng lắm nhỉ?
- Sướng gì, ông học triết mà không nhớ à? Cái gì cũng có mặt đối lập, sướng quá cũng có cái khổ.
- Ông nói lạ?
- Thế này nhé, tiền nhiều sẽ ăn nhiều, ăn nhiều sẽ mập, sẽ đột quỵ, có khổ không? Một nhá! Rồi, tiền nhiều sẽ em nhiều, em nhiều sẽ thận suy, đau lưng, có khổ không? Hai nhá!... Hình như dân mình khổ quen rồi nên sướng bất ngờ quá đếch chịu được. Con người muốn chịu được khổ phải luyện tập, vậy muốn chịu được sướng cũng phải luyện tập. Có không ít người chết vì sướng quá đấy!
- Ông biết nhiều chuyện hay nhỉ!
- Nói vậy chứ, có nhiều chuyện rất hay mà mình đâu có biết. Hôm qua đến chơi với con bạn phó tiến sĩ sinh học, hỏi chồng nó đâu, nó bảo đi chăm phong lan rồi. Thấy mình ngớ người, nó cười bảo: “Ông có thấy cái chỗ ấy của đàn bà giống y như cái đài hoa phong lan không?” Bố tiên nhân nhà nó! Ông thấy có hay không?
Anh trả lời:
- Nghe ông kể chuyện đúng là hay thật, nhưng thôi để lúc khác, bây giờ tôi có chuyện muốn bàn với ông.
- Lại cái đề tài chết tiệt ấy chứ gì. Rồi, bây giờ tôi với ông ra quán nước bàn bạc cho mát mẻ.  Ở đó có con bé mới chín tới trông mát mắt lắm!
Anh theo Long ra quán cà phê cạnh trung tâm. Quán khá thơ mộng, chim thú, cây cảnh đủ cả. Long nói:
- Trông bộ dạng ông tôi biết ngay là rách rồi. Ông có thích tiền không?
- Ai chả thích tiền!
- Rồi, ông cứ nghe tôi là có tiền ngay thôi. Bây giờ ông làm chủ nhiệm đề tài, nhưng có cái hay là việc này không ai làm được, bọn tôi đã xài cả mấy trăm triệu mà có làm ra được viên thuốc ma nào đâu. Giờ ông chắc cũng sẽ vậy thôi. Vậy đây là cơ hội ngàn năm có một. Ông cứ vẽ rồng rắn thế nào cũng được, cứ dự trù dăm trăm triệu, anh em mình chia nhau xài cho sướng.
- Năm trăm triệu cơ á?
- Ông thấy to lắm sao? Công ty này, ông tổng chỉ cần ho một cái là mấy thằng tư bản bên Nhật mời sang chữa bệnh mấy chục ngàn đô ngay. Mỗi lô hàng nhập đều có % cái tổng số tiền triệu, chục triệu đô kếch sù đó! Nói chung, có cơ hội, người ta bầy cỗ cho mà xơi mà không chịu, thì chỉ có dại!
- Tôi chưa bao giờ làm thế ông ạ. Ông giàu, ông không cần cơ quan, còn tôi mà thất nghiệp thì bỏ mẹ. Tôi muốn ở đây lâu nên cũng muốn làm việc tử tế. Ông thông cảm, tôi không thể nghe ông được, tính tôi cũng nhát lắm!
- Ông chí cốt vậy tôi phục ông đấy. Nếu làm được việc này, chắc ông sẽ được giải Nô-ben của công ty mất! Thôi gút-bai nhé! Coi như tôi chưa nói gì.
      ***
Chiều ấy, anh không về ngay nhà mà ra cảng, chọn một chỗ yên tĩnh, nơi có mấy khẩu súng thần công bên phía phà Thủ Thiêm ngồi. Những lúc đầu óc căng thẳng, anh hay ra chỗ gần với thiên nhiên này mà trầm tư mặc tưởng, muốn quên đi thực tại để tìm lại sự thăng bằng trong tâm hồn. Anh thích ngắm dòng sông cuộn chảy. Nó như một hình ảnh tượng trưng của cuộc đời. Dòng sông, dòng đời luôn miên man trôi, đầy sôi động và đầy bí ẩn. Sài Gòn đã lên đèn, thật rực rỡ! Đã sống ở đây hai mươi năm nhưng nhiều lúc anh vẫn ngỡ ngàng vì nó. Anh bỗng nhớ đến một thành phố khác cũng tuyệt đẹp, nơi anh từng có gần một năm sinh sống, nơi mà vừa đặt chân tới, người ta đã bảo bọn anh có một vinh dự là được đến một trong những thành phố đẹp nhất thế giới: Leningrat-Saint Perterburg. Lẽ ra anh còn ở nơi ấy nhiều năm và còn có thể kiếm được nhiều tiền nữa. Phải từ biệt nó trong những ngày hè ấm áp rực rỡ của phương Bắc, với những đêm trắng trong vắt, tuyệt vời, anh rất tiếc. Giờ đây, khi ngồi trước dòng sông đầy lăn tăn sóng này, đầy ánh sáng được hắt xuống từ những bảng quảng cáo khổng lồ, đủ sắc mầu rực rỡ kia, anh vẫn còn nhớ như in những lúc đi qua những khoảnh rừng phong, dưới bóng chiều tà, mà thời gian cứ mãi chiều tà như vậy, ngước nhìn những chiếc lá non mỏng manh như làm bằng thủy tinh mầu xanh vàng, ướt đẫm ánh nắng; triệu triệu những chấm sáng nhấp nhánh như những hạt kim cương thêu trên dòng Nhê-va, rải trên Cung điện Mùa Đông, trên vòm vàng Đại Giáo đường Ixaakievxki... Nhưng anh không phải ở đó để mà được thanh thản ngợp vào cái mơ mộng thần tiên ấy. Có một cuộc sống khác luôn vây quanh anh. Đó là cái thế giới của những thau nhôm, nồi áp suất, bàn là và tủ lạnh..., một thế giới nhộn nhạo và xô bồ mà anh không tài nào hòa nhập vào được. Anh đành bỏ về, chịu phạt 600 ngàn đồng, bị kỷ luật, và cuối cùng là thất nghiệp. Lần đầu bị kỷ luật anh thấy cũng hay hay. Biết đâu, có khi phải bị kỷ luật một lần rồi cuộc đời mới khác đi chăng? Từ bé đến giờ anh chẳng bao giờ bị khuyết điểm cả. Anh thầm cảm ơn cha mẹ đã lắp ráp cho anh một bộ não khá tốt. Từ khi ra trường đi làm, anh hay làm được những việc người khác không làm được. Nhưng không hiểu sao cuộc đời lại cứ mãi long đong! Cứ qua được cái oái oăm này lại gặp phải cái oái oăm khác. Hồi mới giải phóng, xin đơn vị cho đi thi đại học thì lại bị đẩy đi rẫy, đi rẫy rồi thì lại được gọi về đi thi; hồi đi làm thì vừa học tiếng Anh về lại được gọi đi thi tiếng Nga để đi Nga! Còn lần này, cứ tưởng yên ổn rồi, đâu ngờ lại bị đẩy vào cái tình cảnh này. Người ta không làm được không sao, còn mình không làm được là thất nghiệp. Người không cần việc lại không mất, còn người cần lại luôn có nguy cơ bị mất. Thật buồn cười! Có phải cuộc đời anh cũng như cánh bèo trôi dạt dưới sông kia, rồi cuối cùng sẽ bị đẩy đến miền vô định nào? Có ai trên đời này có thể lên được kế hoạch cho cuộc đời của mình không?
     ***
       Hình như anh đã nói một lần ở viện cũ: “Chúng tôi phải làm một việc mà các ông, các bà có tạo điều kiện thuận lợi cho cũng chưa chắc làm tốt được, huống hồ lại cản trở!” Giờ đây vở kịch lại được lặp lại. Anh không những phải vượt qua những thách đố về trí tuệ mà còn phải vượt qua những rào cản, sản phẩm của cái cơ chế xã hội chưa phù hợp. Ông giám đốc trung tâm bảo: “Thằng phó của tôi nó bảo hôm qua đi trực đêm ông lấy trộm thuốc dưỡng cây đấy, ông có cầm cái bọc xanh đỏ gì đó phải không?” “Cái chăn vợ em ghép từ vải vụn chứ thuốc men gì! Đề nghị anh phải làm cho rõ chuyện này!” “Ông đừng nóng! Người ta biết không bao giờ có chuyện đó đâu. Tôi có thể ký cho ông cả chục ký làm thử nghiệm, thuốc mình nghiên cứu mà, việc gì ông phải lấy trộm!” “Thế tại sao người ta lại nói ra cái điều biết trước là vô lý như thế?” “Ông chưa hiểu nghệ thuật tuyên truyền. Cứ nói ra một điều gì đó thì ít hay nhiều cũng có tác dụng. Cứ nói xấu thật nhiều thì tốt cũng thành xấu, ngược lại, cứ nói tốt thật nhiều thì xấu cũng thành tốt, ngu dốt cũng thành thông minh tài năng cả. Người ta còn bảo tôi ngu khi giao đề tài cho ông đấy. Rồi có người còn bảo, cứ trông thấy mặt ông là người ta đã ghét, thế đấy!” “Em mới về, đã làm gì ai mà người ta ghét?” “Ông nên biết, nếu ông không có gì thì người ta cũng chẳng quan tâm làm gì cho mệt. Tật người VN mình, mình mà dốt thì bị khinh, còn mình mà giỏi lại bị ghét, bị đố kỵ, thế đấy! Con người ta thường sợ người khác mạnh hơn mình. Thằng phó của tôi nó sợ ông làm được việc, tôi quý ông, khi tôi hưu sẽ giao lại cái ghế cho ông, nên nó phải nói xấu ông dần đi là vừa” “Việc gì phải thế, em có thiết tha chuyện đó đâu, tính em tự do, không thích làm lãnh đạo”. “Tôi ngẫm thấy, xã hội tập thể mình đẻ ra hai cách sống, những kẻ không có khả năng mà lại tham vọng tất phải thủ đoạn, luồn lọt, móc ngoặc, liên minh, liên kết ma quỷ với nhau. Tiếc là bọn này lại đông và khá thành công. Ngược lại, muốn vươn lên một cách quang minh chính đại thì phải giỏi, phải làm được việc. Tiếc là những người giỏi lại thường hay sĩ, khái tính, bất cần đời, không biết liên minh nên hay bị yếu thế. Chính vậy, người ta mới thấy trong xã hội mình có chuyện lạ là, có nhiều đứa dốt lại thành ông nọ bà kia, còn nhiều người tài giỏi lại rất khốn khổ! Còn ông, trước mắt, ông mà giải quyết được cái đề tài này là yên chuyện. Còn không thì chính tôi cũng mệt đấy. Nhưng tôi tin chất nghĩ của ông. Có những bài toán, người ta nghĩ bao lâu cũng không ra, xúm lại bao người cũng chẳng giải được, rồi đột nhiên có thằng bé đến giải nháy mắt là xong. Đó chính là thiên tư, là trời cho, tôi linh cảm ở ông có cái đó. Ông đã cưỡi trên lưng hổ rồi đấy, ráng mà làm, ông mà làm được thì đúng là, chỉ cần bắn một mũi tên mà trúng được cả mấy đích!”.
          ***         
          Rồi anh thực sự lao vào công việc. Có chuyện lạ. Thực tế thì không ai làm được, nhưng khi thảo luận thì nguời nào cũng thông thái lắm, làm rối tinh cả lên, làm anh phải phát cáu mà tuyên bố: “Đây là công việc chưa ai làm được. Giờ cơ quan đã giao cho tôi thì kệ mẹ tôi, tôi không cần bàn luận”. Mọi người im bặt, tức mà không nói gì được, vì anh nói đúng. Vì thế không ít người chỉ mong anh thất bại “cho trắng mắt ra”. Từ đó anh thực sự đơn thương độc mã tiến hành công việc. Giúp anh chỉ có một ông cán bộ trung cấp hơn anh gần chục tuổi, có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ công tác nghiên cứu, chỗ nào bán hóa chất, chỗ nào chế tạo máy, ... khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn ông ta biết hết; chính vậy mọi người ở trung tâm mới phong cho ông là “kỹ sư công nghệ đường phố”. Giúp anh cũng còn một nhóm công nhân thực hiện việc sản xuất thử nữa. Nơi làm việc là một trong những xí nghiệp của công ty đóng ở Bình Duơng, cách Sài Gòn khoảng 30 km. Anh buộc phải mượn tiền mua một xe máy mới đi làm được.
          Thế là ngày ngày sớm tối anh đi đi về về trên xa lộ. Anh lại được gặp lại cái thanh khiết, cái phóng khoáng khi đi trên con đường như một dòng sông chảy giữa đôi bờ xanh mênh mông này. Anh thấy vô cùng sảng khoái. Không gian thoáng đãng dường như đã thanh lọc tất cả những gì tạp nhiễm mà con người đã gây ra cho con người nơi phố thị chen chúc kia.
          Và rồi sau ba năm lăn lộn, bao trăn trở suy tư, như một chuyện không tưởng, anh đã giải được trọn vẹn bài toán công nghệ: một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh đã ra đời, sản xuất thành công một loại sản phẩm mà hơn hai chục năm trời cả ngành Nông dược Việt Nam không ai làm được.
          Giờ đây khi ngồi trước màn hình máy tính viết lại đôi nét, anh còn chưa hết bàng hoàng. Ngay ngày đầu đi làm, tổng hợp được một mẻ hoạt chất để trong thùng phuy. Sáng sau đến, nó đã nổ tung làm bay mất cả mái tôn xưởng sản xuất! Anh thầm cảm ơn đấng vô hình đã mách bảo anh những giải pháp mà sức nghĩ của một người bình thường khó mà nghĩ ra được, anh đã khống chế được sự cháy nổ trong sản xuất cũng như khi lưu trữ sản phẩm. Anh cũng khắc phục được sự cố dính chày khi dập viên bằng cách nâng cao tỷ trọng bột thuốc. Người ta bảo có một nhà thơ làm thơ như nghiên cứu khoa học, còn anh thì ngược lại, lại làm khoa học như làm thơ. Giai đoạn nghiền hoạt chất thường người ta dùng máy nghiền bi, những viên bi sắt va vào nhau tóe lửa, làm mồi gây nổ. Anh nhớ tới hình ảnh của mẹ thường xiết đậu xanh nấu xôi trong những kỳ giỗ tết. Bà cầm một cái chai nghiền mạnh trên những hạt đậu nghe lạo xạo. Anh đã đề nghị chế tạo một cái máy nghiền theo cái cơ chế “xiết đậu xanh” đó, mà không có một sách vở nào có cả. Kết quả tốt đẹp một cách không ngờ... Rồi còn bao nhiêu giải pháp khác nữa giúp anh thành công mà viết chi li ra phải thành cả một cuốn sách. Chúng đều rất giản dị, nhưng là cái giản dị được sinh ra từ sự am tường một cách rất sâu sắc những lý thuyết của khoa học và công nghệ đầy phức tạp.
          Anh không ngờ thành công của anh lại quá vang dội, ngoài dự kiến, vì thực ra anh làm việc chỉ với một mục đích duy nhất là không để: “anh em mình chia tay nhau” như lời ông giám đốc trung tâm nói lúc nhận anh vào làm. Nên khi báo chí, truyền hình phỏng vấn này nọ, anh rất ngượng. Bạn bè, người thân gần xa thi thoảng có người tận mắt thấy anh trên ti vi mà vẫn còn ngờ nên cứ hỏi “có phải mày không?”. Trong ngành người ta cũng bắt đầu nhắc đến anh với một sự kiêng nể. Ông giám đốc trung tâm mừng lắm, đi đâu ông cũng nói lại ý cái câu mà ông từng nói khi giao việc cho anh: “Thằng này đúng là tài thật, nó bắn có một mũi tên mà trúng được cả mấy đích!” làm cho những người không làm được tái cả mặt. Chưa hết sản phẩm của anh còn được cả một hội nghị quốc tế về sau thu hoạch, do tổ chức ACCT và trường Bordeaux tổ chức có 18 nước tham dự, thử nghiệm, rồi đánh giá chất lượng tương đương với sản phẩm của Đức. Một doanh nghiệp bên Pháp còn thư đi thư lại xin được độc quyền tiêu thụ bên Pháp nữa!...
          Với anh được vậy quả cũng có thích thú, anh đã thể hiện được mình và có thể yên tâm về một chỗ làm. Nhưng anh cũng biết lắm, vinh quang có thể đem lại cho người này mọi thứ tiền tài danh vọng, còn với nguời nọ chỉ là một thoáng phù vân! Trò đời cũng có lắm chuyện. Lúc anh chưa làm được không sao, lúc làm được thì người ta tranh nhau nói: “Không có tôi thì thằng đó cũng chẳng làm được”. Anh im lặng, chẳng nói làm gì cho mệt, nhưng lại hứng chí làm hai câu thơ dạng Bút Tre diễu chơi rằng:
                             Phen này ông quyết ra tay
                   Nghiên cứu khoa học để day (dạy) mọi người
          Duy chỉ có một điều khiến anh không thể không buồn, đó chính là thái độ của ông tổng giám đốc. Lúc bắt tay vào việc, anh đã quyết tâm với một niềm hy vọng bao nhiêu thì khi thành công lại thất vọng bấy nhiêu. Không ngờ một ông tổng giám đốc uy danh lừng lẫy, quyền cao chức trọng, bậc cha chú, cũng lại có thái độ rất lạ lùng trước kết quả của anh, không thừa nhận tính sáng tạo của công việc. Chỉ tại anh chưa chịu hiểu, chủ nghĩa tập thể không coi trọng vai trò của cá nhân, mọi công lao đều thuộc vế tập thể, mà mỗi tập thể lại luôn gắn liền với tên tuổi của người đứng đầu nó.
          Khi theo giám đốc trung tâm lên xin nộp hồ sơ dự thi lao động sáng tạo KHKT. Ông tổng giám đốc đã làm anh chưng hửng:
          - Sáng tạo cái gì? Đề tài này đã nhiều người đóng góp, giờ chỉ hoàn thiện thôi chứ có gì mà thi với cử?  Thôi đi!
          “Thôi đi”! Bây giờ, lúc này đây, khi ông ông tổng giám đốc cũng đã về hưu với tài sản ít triệu đô và ngôi biệt thự mênh mông bên bờ sông Sài Gòn hao hao như cái Dinh Độc Lập nhỏ cùng ít bệnh tiểu đường, cao huyết áp, thoái hóa đốt sống cổ, ông luôn ao ước đổi cái tài sản “nho nhỏ” ấy để lấy lại sức khỏe và tình cảm của mọi người dành cho ông như lúc đương quyền; còn anh cũng chẳng còn ở nơi ấy để mà âu lo, để mà hy vọng điều này điều nọ, tất cả chỉ còn là kỷ niệm về một khoảnh khắc đáng nhớ, đầy sóng gió của cuộc đời. Nhưng sao hai tiếng “thôi đi” ấy vẫn cứ mãi theo anh bám riết, bám riết!

                                                               Phú Nhuận 25-4-1997