Trong lúc chờ đợi bài viết về chuyện Nguyên Ngọc
kêu gọi thành lập Hội văn chương độc lập, tôi xin đăng lại cái truyện này,
cái truyện mà tôi tin là tài cỡ Nguyên Ngọc có cho “ăn kẹo” cũng “đếch” viết được. Thi pháp của Nguyên
Ngọc là thi pháp “khốt ta bít” cũ rích, thi pháp người thật việc thật, thấy
được chuyện hay thì viết hay, thấy chuyện dở thì viết dở. Thi pháp không cần
tài năng mà cần tài liệu.
Còn cái truyện của tôi ở dưới đây thì khác, tôi
không cần gì cả, chỉ là chuyện gẫu giữa hai người, truyện không cốt truyện mà có thể nói về tất cả. Đó là
loại văn chương cần trí tuệ chứ không cần tài liệu. Cái truyện đã viết gần 20
năm nhưng vẫn có tính thời sự nóng hổi vì có việc trên diễn đàn chính luận,
kể cả ở quốc hội, người ta vẫn đang thảo luận rôm rả. Người ta nói văn chương
có tầm cao tư tưởng là thế. Nó cũng chính là một trong những đích đến của cái
việc đổi mới văn chương mà người ta hay kêu gọi nhưng không biết đi đâu!
Nguyên Ngọc từ 1979 đã được giao lãnh đạo Hội Nhà
Văn VN, đã có tham vọng đổi mới, vào tay tôi, tôi sẽ thành công và vào Bộ
Chính trị rồi. Tiếc là cái số tôi nó không dính tới quyền chức. Còn với
Nguyên Ngọc, với văn hóa cấp II, vốn Tiếng Pháp phổ thông, nhận sứ mệnh nhưng
ông không thể theo được chính đạo nên đã phải theo tà đạo, đưa văn chương
không phải đổi mới mà đổi khác, không tiến lên mà lộn ngược. Chính vậy ông đã
bị thất sủng. Vì tham sân si quá nặng, nay vào tuổi U90 ông vẫn còn vô minh,
chưa nguôi cay cú, cho nên mới có cái trò kêu gọi thành lập cái Văn đoàn Văn
điếc hôm nay!
10-3-2014
ĐÔNG LA
|
LANG THANG
(Truyện ngắn)
(Nguyễn
Quang Thiều, Đông La)
(Chấn, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Huy Duân (con), Đông La)
Có một nỗi trống vắng quen
thuộc đang xâm chiếm lòng anh. Anh không thể làm được gì, lòng đầy bồn
chồn, xao động. Người ta bảo ngày mai sẽ có quyết định nghỉ việc. Lần này,
không phải anh bị đuổi mà anh tự đuổi mình ra khỏi cơ quan. Một chặng đường mới
sẽ đến. Anh sẽ phải từ bỏ cả một phương thức tồn tại, một nếp nghĩ. “Liệu mình
có khùng không khi đang yên đang lành lại xin nghỉ?” Hơn nữa, cái việc này lại
không chỉ là việc của riêng anh mà còn liên quan trực tiếp đến vợ con, rồi
không biết cuộc sống của cả gia đình anh sẽ trôi dạt đến đâu?...
Vốn là một “ông cụ non” ngay từ lúc bé, khi mới 12 tuổi, không hiểu sao một hôm
anh tự dưng nói với mẹ, theo kiểu các nhà hiền triết xưa nói những lời tiên
tri: “Sau này tôi sẽ ở thành phố, tôi đếch ở quê này đâu”. Mẹ anh cười bảo:
“Tông môn nhà anh, ở thành phố rồi cuốc đường rựa lên mà giồng lúa à!?”. Không
ngờ, cuộc đời anh đã diễn ra đúng theo cái lời tiên tri ấy, dù những tiểu tiết
của nó hoàn toàn bất ngờ, vô định như một chu trình chuyển động Brown. Anh lớn
lên, không di cư, nhưng rồi cuộc chiến đã “di” anh vào đây. Có lúc anh lẩn thẩn
nghĩ, không biết mình sinh ra cho khớp với số mệnh của chiến tranh, hay chiến
tranh đã sinh ra cho khớp với số mệnh của mình?
Sinh thời, ông nội anh
từng kể, gốc gác tổ tiên anh ở vùng Nam Hà. Có 3 anh em đã mang hài cốt của cha
và ông nội đến khai hoang, sinh cơ lập nghiệp tại nơi mà anh gọi là quê bây
giờ. Chắt chít đời sau đã gọi cụ Tổ là cụ Vạch cỏ. Sau mấy trăm năm, cũng có ba
người đàn ông, hậu duệ của ba anh em thuở xưa, cũng bỏ quê vào tận Sài Gòn sinh
sống. Cha anh bảo: “Mày sau này cũng thành cụ Vạch cỏ đấy!”. Nhưng cha đã lầm,
con đã ở Sài Gòn hơn hai chục năm, con thấy Sài Gòn toàn người chứ không có cỏ.
Con đã phải vạch người để sống chứ không phải vạch cỏ...
Không thể ngồi
yên một chỗ, anh lại dắt xe đi lang thang như bao chiều đã lang thang trong
cuộc đời này. Rồi anh chợt nhớ đến Hậu, thằng bạn cao kều, dị tướng, người cái
gì cũng dài, ngực như ức chim, kém anh hai tuổi, vừa đồng hương vừa đồng học,
lại còn đồng nhiều tính tình nữa. Trước kia Hậu làm ở Công ty Sơn chất dẻo, bị vùi
dập, lang thang một thời ngoài chợ trời; chính vậy đã nắm được một thị trường,
liền xin nghỉ cơ quan về mở xưởng sản xuất sơn mài. Rồi giàu có, rồi sung
sướng... Anh chợt có một nhu cầu gặp Hậu, cũng không định để làm gì, chỉ
biết là cần phải gặp.
Anh thả xe chầm chậm
trên đường Tú Xương, Quận 3, vì biết Hậu đã mua nhà ở đây, một ngôi biệt thự
khá sang trọng, đủ để bạn bè xuýt xoa kháo nhau. Tuy chưa đến lần nào nhưng anh
cũng biết. Mấy năm rồi anh cũng chưa gặp lại Hậu. Trong số bộ đội đi học sau
ngày giải phóng, Hậu là em út, còn anh thì áp út. Tất nhiên là thông minh. Với
anh, anh rất thích những người thông minh, biết mình, biết người, đúng mực,
trái lại rất ghét những kẻ đã ngu dốt lại khệnh khạng. Đến gần nhà Hậu anh đi
chậm lại. Anh thấy anh chàng đang hí húi làm gì đó trong sân. Anh hắng giọng.
Hậu nhìn lên, ngạc nhiên khi trông thấy anh:
- Ô, đại ca! Đi đâu đấy?
Anh giả bộ như một cuộc
gặp tình cờ:
- Thì buồn đi lang thang vậy thôi chứ đâu có đi đâu.
- Tôi cũng thấy thấp thoáng anh hay chở thằng nhỏ nhà anh qua đây có phải
không?
- Nó học trường Colette gần đây này.
- Xịn nhỉ. Có phải mất tiền không?
- Không. Nó được tuyển thẳng. Mà sao mày cũng ở đây?
- Thì nhà tôi đây mà. Anh em đến là chán! Tôi mua nhà ở đây đã hơn một năm rồi.
- Khiếp thế! Mua nhà ở khu này đâu phải chuyện chơi mày! Cướp được ở đâu mà
nhiều tiền thế?
- Có dăm trăm cây ấy mà! Tôi mở xưởng sản xuất sơn mài. Mỗi tháng làm vài ba
chục tấn bán cho người ta làm guốc, làm đũa... Hơn nữa, thời buổi no ấm rồi,
người ta cần làm sang, vẽ vời nhiều lắm. Thôi, bây giờ vào nhà tôi chơi cho
biết, mình lai rai chút cho vui. Thời buổi này, ai cũng đua nhau làm ăn, anh em
bạn bè rồi biệt tăm biệt tích hết. Mà anh có rảnh không?
- Rồi, bây giờ tao vào chơi với mày, có thể chuyện phiếm đến thế kỷ sau cũng
được, đang tồn kho cả đống thời gian đây.
Vừa nói, anh vừa theo Hậu vào một ngôi biệt thự kiểu mẫu của văn chương Sài Gòn
xưa, kín cổng cao tường, giàn hoa giấy đỏ thắm. Riêng cánh cổng không bít kín
mà ghép những hoa văn thông thoáng. Sân lát gạch nhám khía ô màu xám, mặt tiền
trát đá rửa... Nhưng không khí trong phòng khách thì hoàn toàn là của thời hiện
đại này: tường sơn nước màu xanh nhạt, máy lạnh Sanyo, ti vi màu Sony 29 in,
compac dist... Đó là những đồ đạc xếp đặt cho tiện sử dụng chứ không phải để
khoe của một cách tội nghiệp như một thời.
Đúng là có tiền, người ta chuyển thành sang trọng nhanh thật! Anh khoan khoái
ngồi xuống bộ salon êm kê cạnh khuôn cửa sổ rất rộng, rèm cửa gấm thêu mầu vàng
nâu nhạt lộng lẫy, trông ra một hòn non bộ, cũng gắn đủ những tượng sứ to như
những ngón tay cái: ông già thả câu, tiều phu đốn củi, mục đồng chăn trâu thổi
sáo... Một con suối nhỏ uốn lượn róc rách chảy, cá vàng tung tăng bơi lội...
Hậu lấy ra một chai Johnnie Walker loại Blue Label thượng hạng, một ít nem chả
có sẵn trong tủ lạnh, nướng thêm ít khô cá lóc đặc sản Miền Tây:
- Mình làm vài ly cho ấm bụng nhé.
Anh nói:
- Mày còn nhớ hồi ở ký túc xá không? Mười hai giờ đêm, đói quá, tao dậy nấu bo
bo, rồi mấy thằng mình, mỗi thằng một miếng giấy nháp lót tay chia nhau ăn. Khổ
thật! Phải biết cảm ơn cái hồng phúc, không chỉ của gia đình mình mà còn của cả
cái đất nước này mày ạ!
- Anh cứ hay cả nghĩ, thôi dô đi! Phúc với phận gì, được thế này cũng phải đổ
mồ hôi sôi nước mắt mới có đấy bố ạ. Chỉ mấy thằng móc được túi của Nhà nước
mới phải cảm ơn thôi!
- Công nhận mày cũng hay thật! Tay trắng làm
nên sự nghiệp, mà lại bằng chính trí tuệ của mình mới thú chứ! Hoá ra ông Trời
lại thiên vị mày đấy. Dần cho mày tơi tả để rồi mày mới thể hiện được hết khả
năng. Nếu không, cứ mẫu mực, sáng đi tối về điếu đóm thiên hạ, bao giờ mới ngóc
đầu lên được, chẳng phải là tự làm nhạt cả một đời một kẻ thông minh như mày ư?
Tao sẽ học tập mày. Nhưng không biết có học nổi không!
- Anh chưa biết hết mới nói vậy. Lớp mình mấy thằng theo Nhà nước có thằng đã
lên đến chức Tổng giám đốc, Giám đốc Sở rồi; cùng khóa mình ở những khoa khác
có mấy thằng còn leo đến tận chức Chủ tịch, Bí thư Tỉnh, Thành phố!… Riêng
những đứa học giỏi nhất lại không được vậy. Còn anh, nghe nói chân trong chân
ngoài làm thêm cái gì đó cũng được lắm mà!
- Cũng tạm được. Nhưng làm chung với mấy mụ con buôn nó ăn gian dữ lắm. Bao bì
in một, nó tính hai, ba, bực lắm! Giờ tao tính làm một mình.
- Thế là hay đấy. Dính đến tiền bạc, nhất là khi nó lại nhiều nữa là có chuyện
ngay. Anh làm chủ, được nhiều ăn nhiều, được ít ăn ít, chẳng phải phiền hà gì
ai, thế là sướng. Cũng chẳng phải sợ ai. Nếu có sợ, chỉ phải sợ cái số mệnh!
Rượu ngoại mạnh, ngấm nhanh, lại lâu ngày gặp lại bạn cũ hợp ý tâm đầu, anh
chợt thấy trong lòng trào lên một nỗi gì đấy mà từ lâu nó đã bị những khách sáo
của đời sống thường nhật nhấn chìm tận đáy sâu tâm tư. Anh hứng khởi hẳn lên:
- Mày nói đúng. Bởi đã là lợi lộc thì có đến thánh cũng không chia đều cho
được. Vì không bao giờ người ta thấy công bằng đâu. Người được hơn thì nghĩ
mình phải được hơn nữa mới xứng. Người được ít thì hận, nó có ra gì mà lại được
hưởng nhiều như thế! Có thể thời ông Nam Cao hạnh phúc ở đời là cái chăn hẹp,
còn giờ cái chăn hạnh phúc rộng lớn lắm, có điều, khả năng kéo về mình của mỗi
người lại khác nhau thôi.
- Anh bây giờ cũng hay triết lý nhỉ?
- Tao có thích lý liếc gì đâu, chính cái cuộc đời này nó triết lý đấy.
Lúc này, một đứa bé trai khoảng 9 tuổi từ trên lầu xuống, khoanh tay chào rất
lễ phép. Hậu rủa:
- Mẹ kiếp, vợ tôi dân Sài Gòn nó giáo dục con lễ phép quá anh ạ. Tôi thích con
trai phải cứng rắn, mềm yếu quá lớn lên chỉ giỏi hầu thiên hạ, đếch nên người
được. Chào nhau thì gật đầu thôi là được rồi, lại còn phải khoanh tay, cúi gập
cả người xuống!
- Mày lầm. Tâm lý dân mình vẫn ưa nhu hơn cương. Cái mềm mỏng nhiều khi lại ăn
tiền hơn cái cứng rắn đấy. Công ty tao có thằng công nhân, học tại chức vớ vẩn.
Nó chỉ chuyên đổ bô và hầu hạ ông Tổng giám đốc mấy lần bệnh mà thành Giám đốc
cả một Liên doanh lớn với Nhật đấy. Được cái tính tình nó không ai có thể
chê vào đâu được. Một lần tao trình bầy một đề tài ở chỗ nó, nó là giám đốc mà
muốn hỏi mình nó cũng: “Xin phép được hỏi anh...” Mày bảo thế thì làm sao mình
ghét nó được. Rồi chính vậy nó mới có thể ngồi lên được cả đầu mình!
- Nhưng cái mềm mỏng, cái lễ phép chắc gì là hay. Chỉ mấy thằng ngu dốt mới
phải cần vậy.
- Cũng đừng nên lầm cái mềm mỏng, cái khôn khéo, cái nhẫn nại với cái khôn
ngoan của những kẻ cơ hội. Ngay nước mình còn đến hôm nay cũng chính là do biết
sử dụng tài tình cái mềm mỏng đấy. Toàn bộ lịch sử của ta là lịch sử lấy nhu
thắng cương mà. Các cụ ngày xưa đúng là hay thật. Cứ khi thằng giặc nó mạnh là
trốn mất tiêu, bỏ cả kinh đô, cả lầu son gác tía về rừng, đợi lúc nó hết ăn, nó
ốm đau thì xông ra làm thịt chúng nó. Mày bảo làm sao mà không thắng cho được!
Sức mạnh của cái mềm mỏng là như thế!
- Chuyện của các cụ thì nói làm gì. Tôi nói là nói về những thằng chỉ tài khôn
vặt mà không có khả năng gì ấy. Dù chúng có tốt chăng nữa cũng chỉ nên giành
cho sự yêu mến. Còn lại trọng dụng thì sẽ loạn cờ, xã hội sao phát triển được! Tôi
là tôi sợ nhất mấy thằng dốt có quyền, nó mà nhỏ nhen nữa thì bỏ mẹ
cho nhiều thằng có tài!
- Nói chung phải cần cả hai. Có tài mà không có đức cũng kinh lắm. Mày nên nhớ,
quyền lực mà rơi vào tay kẻ ác sẽ là tai họa khủng khiếp. Cái quyền lực nó vô
hình nhưng có thể biến một con bé đào hát, ai cũng có thể nắm đầu được, thành
mụ Giang Thanh làm điêu đứng cả một đất nước hơn một tỉ dân đấy! Ngay một thể
chế tưởng bền vững muôn đời, khi có quyền, người ta cũng có thể làm vụn nát
trong nháy mắt... Làm lãnh đạo tất nhiên là phải có tài rồi… nhưng phải có đức.
Cái đức nó giúp người ta hành động vì thiên hạ chứ không phải vì mình. Cái tài
nhất, đáng kính trọng nhất của người lãnh đạo chính là cái tài biết sử dụng
người tài hơn mình; cái tài khiến những người tài hơn mình phải khâm phục, kính
nể. Bởi tài năng của một cá nhân thì bao giờ cũng hữu hạn, còn tài năng của
thiên hạ thì mênh mông.
- Theo anh, anh sợ cái gì nhất ở đời này? Còn tôi ấy à, tôi sợ nhất mấy thằng
khôn ngoan mà lại đểu. Vừa ghét, vừa khinh, nhưng vẫn sợ. Chúng có khả năng làm
cho người ta thích chúng, tin chúng, và như vậy,
vô tình đã trao cho chúng cái quyền muốn làm hại mình lúc nào cũng
được.
- Tao sợ cái gì ấy à? Có lẽ muốn sợ cho bài bản phải nhìn vào lịch sử mày ạ.
Tao sợ nhất điều người ta nhân danh cái lớn lao, cái cao đẹp để làm điều xấu,
để vu oan giá họa cho người. Chính thằng cha Đặng, “người lùn không thể đánh
bại”, ghê gớm thế mà cũng phải bao phen điêu đứng đấy. Lão ta cho rằng, cả tả
lẫn hữu đều có hại, nhưng tả khó chống hơn, bởi hữu thì ai cũng rõ, còn tả thì
nó nhân danh chính ta mà lại đánh ta... Có thời, hàng tỉ người sinh ra là để
sống theo mô hình chứ không phải sống một cuộc sống thực sự. Như các cụ ta thì
nói: Dân giàu nước mới mạnh... còn bần cùng sẽ sinh đạo tặc. Đằng này
người ta lại muốn: thiên hạ đại loạn để đại trị, muốn an bần để lạc đạo... Thì
ra, khi chưa giành được quyền lực, người ta có thể hy sinh cả bản thân mình.
Nhưng khi có quyền trong tay rồi, có người lại coi cả thiên hạ chỉ như một
phương tiện để giữ vững quyền lực. Tai họa loại này khủng khiếp lắm, nó sẽ đổ
xuống đầu tất cả mọi người, không chừa một ai, kể cả những người đã gây ra cái
tai họa ấy! Còn những tai họa vặt, những bất công vặt, như một cơ quan hại ta,
một vài cá nhân chơi xấu ta, nếu có khả năng và mọi ngả đường của cuộc đời đều
rộng mở thì cũng có là cái gì!
- Sao bên Tầu nhiều ông lãnh đạo chỉ muốn ích nước lợi dân mà lại bị bọn Hồng
vệ binh “đại diện nhân dân” bắt đi tù, như ông Lưu Thiếu Kỳ làm đến Chủ tịch
nước còn bị cắt gân chân, rồi chết khổ chết sở trong tù như thế nhỉ?
- Vì con người ta đa phần luôn có sự nô lệ trong ý thức. Yêu ghét cũng phải
hướng dẫn, tin tưởng hay căm thù cũng phải hướng
dẫn. Nói chung cũng là do cái trí tuệ cả. Không bao giờ cộng các trí tuệ thấp
lại cho thành cao được đâu. Trí tuệ thì vậy, nhưng sức mạnh thì có thể cộng nhỏ
cho thành lớn được. Nên người ta muốn làm cái gì cũng đều phải lấy lòng đám
đông.
- Bố chỉ được cái tài ăn nói. Tôi thấy bố có làm được như vậy đâu. Lúc
nào cũng cứng đầu, có thấy lụy ai bao giờ!
- Thì thế! Nói thì dễ hơn làm, thương miệng thương môi thì dễ hơn hành động,
chê người thì dễ hơn chê mình... Biết là sống trong đời cũng cần phải có cái
nghệ thuật sống mới có điều kiện thể hiện hết những khả năng của mình, mới đạt
được những thành công mà mình hoàn toàn có thể. Biết vậy mà không làm được vậy
mới tức. Nhiều khi chỉ được cái giỏi bày cỗ cho người ta xơi!
- Tôi cũng vậy chứ gì. Về Xí nghiệp Sơn có tôi với thằng Cao. Tưởng anh em cùng
lớp thì tựa vào nhau mà sống, mà chống chọi với thiên hạ, nào ngờ chính nó lại
hại mình. Nó khôn hơn nên nó thắng. Mẹ kiếp, bạn mới chả bè!
- Hai con hổ không thể ở chung một khu rừng đấy mà. Hồi đi học mày từng làm
thầy nó mà lại thua à?
- Đầu tiên tôi cũng nghĩ như vậy. Mình giỏi thì phải hơn thằng dốt chứ. Nhưng
thực tế đếch phải vậy, cứ thằng nào khôn, thằng nào lắm mồm là thắng. Tôi từng
rất khinh những thằng ngu dốt mà hay to mồm khoe khoang. Không hiểu sao người
ta lại hay tin mấy thằng đó anh ạ!
- Cũng có thể như thế. Bởi chỉ cùng trình độ, hoặc ở cấp độ cao hơn, người ta mới
biết nó khoe khoang, nó nói phét, còn người bình thường, hoặc có chuyên môn
khác thì làm sao mà biết được? Ở Viện cũ của tao cũng có mấy thằng như vậy.
Cuộc họp nào cũng phát biểu, việc vặt gì giao cũng nhận, ai có máu mặt một chút
cũng sán đến làm quen... cứ thế là lên như diều thôi. Còn mình, người trên thì
không muốn quấy rầy, người dưới thì trông thấy cái mặt lì lì của mình người ta
cũng ngại gặp. Cuối cùng trơ ra, không chơi với ai. Còn công việc, việc gì đáng
làm mới làm, còn việc phong trào này nọ thì cho là nhăng nhít, vớ vẩn. Thế là,
với người ta, làm được việc thì là tài năng, không làm được cũng chẳng sao. Còn
mình, làm được thì người ta sợ tự kiêu, không làm được thì thành vô tích sự...
Bi kịch của những kẻ thông minh và cá tính mạnh là như thế.
- Tôi sợ làm ở cơ quan quá! Nếu cứ khôn ngoan thì được trọng dụng, còn tài năng
lại bị đố kỵ thì anh bảo còn ở lại làm quái gì? Tôi đã bỏ cơ quan với một lời
thề, tôi mà không hơn được chúng nó tôi sẽ là một con chó!
- Tiếc là đó chính lại là một vấn nạn lớn ở ta hiện nay. Có những học giả đã
cảnh báo, chính cái cơ chế làm việc không khuyến khích tài năng rồi sẽ gây ra
cái dịch chảy máu chất xám. Rồi sẽ có nhiều người tài bỏ cơ quan làm tư hoặc
làm thuê cho nước ngoài; nhiều học sinh xuất sắc du học thành tài sẽ ở lại làm
việc, nhập tịch, khỏi về nước luôn. Nhưng nói vậy cũng chỉ đúng với những người
tài thôi, chứ đa phần những người bình thường, có khi các cơ quan chỉ cần vài
người, lập tức có ngay hàng ngàn hồ sơ xin việc. Mày có biết câu chuyện xin
việc này không? Ông giám đốc ra một bài toán: Hai cộng hai bằng mấy? Tất cả
những đứa trả lời đúng hoặc sai đều bị loại, chỉ riêng thằng trả lời: Hai cộng
hai bằng tùy ý thủ trưởng là thắng! Thế đấy!
- Như vậy
hóa ra cơ quan rồi còn toàn người dốt à.
- Không hẳn vậy, nhưng mày xem ti-vi
người ta chất vấn công khai trên diễn đàn Quốc Hội đấy, quan chức ở ta giờ có
tài hứa và nhận lỗi, nhưng cái dân cần là kết quả thì hình như còn hơi bị ít.
Vậy tại sao? Không vì trình độ của cán bộ thì vì cái gì? Làm việc thì ai cũng
phải cần ê-kip rồi, nhưng người giỏi sẽ tạo dựng một ê-kíp giỏi, còn người dốt
do dắt díu nhau đưa lên tất sẽ tạo một ê-kíp dốt, bởi chẳng có ông sếp nào muốn
thằng dưới quyền giỏi hơn mình để khó lãnh đạo. Tiếc là người giỏi đã bị hiếm
còn lại bị cái cơ chế “dắt díu nhau” đó loại bớt thêm nữa. Tiếc thật! Mà mày
giờ đã tự do rồi còn quan tâm làm gì, “tự cứu lấy mình” được rồi còn cần quái
gì!
- Anh bảo làm sao mà không quan tâm cho được. Mình là người chứ có phải tảng đá
đâu? Làm sao mà sống tách biệt ra được, có gì ngoài xã hội mà không tác động
đến đời sống của mỗi cá nhân. Làm sao mà phớt lờ khi cái thằng dốt lại được coi
là tài giỏi, khi thằng ăn cắp lại được thưởng huân chương, thằng đầy những thủ
đoạn thấp hèn lại đi dạy đạo đức cho người tử tế... Nó cứ cố tình tán dương
nhau không biết ngượng mồm, dấm dúi chia nhau cái này cái nọ, dấm dúi chỉ định
nhau danh giá, chỉ định nhau sung sướng. Khi đất nước có nạn thì đất nước là
của chung, còn giờ, cơ quan to nhỏ cứ như là của riêng nhà chúng nó. Chỉ chúng
nó mới biết yêu Tổ quốc! Mà yêu gì cái ngữ chúng nó, chỉ có yêu chức, yêu tiền!
- Nhà nước biết hết đấy. Mày không thấy bọn nó đang lần lượt rủ nhau đi tù đó
sao?
- Cũng có, nhưng chưa hết đâu.
- Mày thấy đấy, chỉ một thời gian ngắn nước mình đã có bao thay đổi! Quê tao
giờ cũng đã có điện rồi, cả đường nhựa nữa. Tất nhiên, đi sâu vào đời thường
còn biết bao chuyện. Có điều, cái gì cũng phải từ từ. Một gia đình chuyển biến
còn khó huống hồ chuyện của cả đất nước!
- Có cái từ từ được, chứ anh bảo cứ mỗi thằng nó mượn tạm của ngân quỹ dăm ngàn
tỉ rồi xù, toàn tiền mồ hôi nước mắt đóng thuế của dân, tiền xương máu tài
nguyên của Đất Nước, thì từ từ sao được!
- Đâu phải ai cũng có gan xù năm ngàn tỉ? Riêng tao, tao không sợ những thằng
ăn cắp bằng những thằng ngu dốt. Tao sợ chúng nó dốt mà không biết mình dốt,
làm sai mà không biết mình sai. Nên làm sao thoát ra được cái tình trạng: “Đi
đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?!”
- Tôi không hiểu sao, mình học giỏi, làm được việc, bố liệt sĩ chống Pháp, anh
liệt sĩ chống Mỹ, năm 75 mười tám tuổi, đánh dọc từ Bắc vào Nam. Sư đoàn tôi
chết từ trung đoàn trưởng trở xuống. Vậy mà tôi cảm tình Đảng ngay từ hồi trong
quân đội vẫn không làm sao mà được kết nạp! Hận quá! Mấy lão chi bộ cứ bảo mình
khinh người. Quả tôi có khinh bọn đểu cáng thật, còn người tốt sao lại khinh?
Mấy năm nay, ti-vi hay chiếu về thời chiến, thấy xác mấy thằng bạn giờ chỉ còn
là bó rễ cây; con cái mấy ông bị chất độc da cam ngờ ngệch, u mọc như chùm
sung... thấy mà thương quá! Tôi vậy mà cũng hay khóc lắm anh ạ. Khóc cho họ mà
cũng có thể là khóc cho mình, lỡ mình cũng bị như họ thì sao? Tôi thấy trước
kia, trong gian khổ hy sinh, người ta lại tốt với nhau hơn bây giờ?
- Không phải đâu, con người thì bao giờ cũng vẫn vậy thôi. Có điều, trong chiến
tranh, cuộc sống chưa trọn vẹn là cuộc sống, nên cái xấu cái tốt của con người
không bộc lộ ra hết. Trước cái nạn to quá, người ta phải dựa vào nhau để giữ
được cái tối thiểu là sự sống còn. Trong chiến tranh đâu có gì mà chia nhau,
nếu có chỉ là những trách nhiệm. Bây giờ thì khác. Danh lợi nó làm điên đảo
người ta. Trước danh lợi, làm được một người tử tế khó khăn lắm!
Quy luật đấu tranh sinh tồn mà.
- Thôi, tôi nhường hết cuộc đấu tranh ấy cho thiên hạ, tôi
về. Dùng cái tài của mình làm cho mình thú lắm. Không được bằng khen đâu, chỉ
được tiền tỉ thôi. Hơ... hơ... Nhưng chiến đấu với cái thị trường này nhiều khi
cũng mệt lắm! Lúc nào cũng lo âu. Làm lớn thì rủi ro lớn. Không hiểu sao, cuộc
sống bây giờ phải hơn xưa hàng ngàn lần, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cứ
như thấy mất mát cái gì!
- Mình quen sống với tập thể rồi. Ăn tập thể, ngủ tập thể, suy nghĩ tập thể. Đó
chính là cái nền tảng của cuộc sống bao cấp. Nếu ở trong nó thì khó chịu, còn
không có lại thấy thiếu. Cuộc sống bao cấp giúp tâm lý người ta bình tâm. Nó
bình lặng và ít phiêu lưu, nhưng chính vậy lại đẻ ra trì trệ, sinh ra lộn xộn.
Cái lộn xộn do tất cả các thứ đều nằm trong túi của Nhà nước, mà ai thì cũng
muốn có. Còn kinh tế thị trường, các thứ không chỉ có trong túi Nhà nước mà có
ngay trong chính túi của cuộc sống. Vô vàn con đường được mở ra, ai có sức thì
đi xa. Người ta không phải bỏ sức ra mà đấu với nhau mà đấu với chính cuộc
sống. Xã hội sẽ phân hóa, sẽ cao thấp khác nhau, sẽ đạt được cái công bằng thực
sự, người tài làm được nhiều hưởng nhiều, người dốt hưởng ít, chứ không phải
cào bằng. Một xã hội văn minh nhân đạo là xã hội có pháp chế giúp cho mọi người
được bình đẳng trong việc thể hiện tài năng của mình, tìm kiếm hạnh phúc của
mình. Rồi bằng chính sách thuế thu nhập, thuế lũy tiến, sẽ tạo ra những quỹ
phúc lợi xã hội, sẽ phân phối lại cho những người kém may mắn… Đó chính là Chủ nghĩa
xã hội. Đến khi sức sản xuất mạnh mẽ, người ít của nhiều, rồi vật chất chỉ là
phương tiện tồn tại thôi, không còn giá trị như bây giờ nữa. Chắc lúc ấy, những
giá trị tinh thần sẽ đúng là giá trị, dạng chữ nghĩa như của bọn nhà văn chúng
tao lúc đó sẽ có người chia sẻ... Được như thế thì thật là hạnh phúc…
Nhưng nói gì thì nói, trước mắt cuộc sống của gia đình và con cái vẫn là quan
trọng nhất thôi. Tao cũng tính nghỉ việc đấy mày, nộp đơn rồi… Ngày mai… có lẽ
là ngày cuối cùng tao ở cơ quan.
- Anh vậy là chậm, lớp mình chúng nó bỏ gần hết rồi. Mà đều khá lên cả. Anh
đừng sợ.
Lúc này vợ Hậu ở trên lầu xuống. Chị vốn là một bác sĩ quê ở Long An mà Hậu đã
cưa được hồi còn là sinh viên ở chung khu ký túc xá Ngô Gia Tự. Chị vồn vã chào
khách:
- Lâu quá không gặp anh, nay mời anh ở lại dùng cơm với tụi em.
- Thôi cảm ơn, để bữa khác. Bạn bè bây giờ gặp được nhau là quý rồi. Mà bọn tôi
cũng đang nhậu đây còn gì?
Hậu nói với vợ:
- Thôi để anh lo. Em đi chợ hở?
- Kỳ này anh ăn gì em mua ?
- Một ký
chân gà, một ký bi gà, một ký trứng cá, mấy cái đầu cá lóc, một cái đuôi bò,
một cái chân bò...
Nghe xong, vợ Hậu dắt xe đi chợ. Anh nói:
- Mày ăn cái gì mà lạ thế? Bi gà là cái gì? Mà ở đâu có những thứ đó?
- Sài Gòn có tiền là có hết. Bi gà là dái gà chứ là cái gì. Bây giờ, tôi không
biết ăn cái gì cho ngon anh ạ. Hồi nhỏ tôi chỉ thèm thịt gà, cả ở trong mơ nữa.
Thật tội nghiệp!
- Nhưng mày ăn gì mà toàn mấy thứ xương xẩu vậy. Tiết kiệm à?
- Tiết kiệm
gì. Cái số tôi đúng là có tiền cũng không sướng được. Như người ta thì cứ thứ
ngon mà thích, còn mình toàn thích cái đồ xương xẩu. Hồi trước, khi phải đi
chợ, cứ mua thịt bò nạc cho hai mẹ con nó, tôi lại phải mua mấy lạng gân. Cô
bán hàng hỏi: “Nhà anh nuôi chó hả?”, tôi ừ đại. Thế là những lần sau tôi cứ
việc nói: “Cho nửa ký nạc, hai lạng cho chó !”. Cô bé cười tít cả mắt: “Con chó
nhà anh sướng thật !”… Ngẫm lại thấy cái cuộc đời này cũng có số thật đấy anh
ạ. Có lúc kiếm tiền cứ như truy kích giặc, giăng lưới khắp nơi mà cấm có tóm
được. Vậy mà đến thời vận rồi, có năm tận 29 Tết, dọn dẹp nhà cửa mệt thấy bà,
nó còn kêu đi nhận cả bao tải tiền! Khi có tiền rồi thì buồn cười lắm, mọi thứ
cứ lộn tùng phèo cả lên. Mình có tốt bụng, giỏi giang, tài năng bao giờ đâu,
thế mà gặp ai người ta cũng xuýt xoa khen đến vuốt mặt không kịp. Thì ra, người
ta khen chê mình mà đếch phải nói về mình. Thấy người ta đồn anh cũng kinh lắm
mà!
- Tao bây giờ cũng mới chỉ “đủ sống sung sướng” thôi, cái chính là làm sao phải
dư giả để con cái sau này chúng có thể được sống với những đam mê mà không bị
cái công việc kiếm sống nó trói buộc như tao bây giờ đây này. Tao đã viết xong
mấy cuốn sách rồi, nhưng tình hình này chưa thể in được.
- Anh viết văn mà cũng tình hình cứ như hoạt động cách mạng!?
- Mày bảo in dăm cuốn, mỗi cuốn hết vài mươi triệu, còn tiền đâu mà xây nhà?
- Cũng tốn kém nhỉ! Hậu chợt nhìn đồng hồ: - Hừ, con vợ tôi chợ búa là rất hay
la cà. Đợi nó về, anh em mình lòng vòng một chút chơi. Ngồi mãi một chỗ thấy tê
cả chân! Không biết vợ anh thế nào chứ vợ tôi nó thích đi chợ lắm anh ạ. Còn
tôi, chuyện chợ búa đúng là một cực hình.
- Tại mày không hiểu. Tiêu tiền cũng là một cái thú của những kẻ nhiều tiền.
Nhất là đàn bà. Nó làm cho người ta thấy có sức mạnh, muốn gì có nấy, muốn mua
gì cũng được.
- Tôi cũng không ngờ rằng anh em mình lại được như ngày hôm nay. Hôm trước nghe
đài đọc cái truyện của anh, anh bảo người ta sướng quá không chịu được, tôi cứ
buồn cười. Tôi ấy à, cái gì chứ sướng thì bao nhiêu tôi cũng chịu được. Càng
nhiều càng tốt.
- Không phải đâu. Chỉ vài tuổi nữa mày khác ngay. Cái gì cũng phải có liều
lượng. Người ta không ai chết vì nghèo cả, trừ khi hoàn toàn không có gì ăn,
còn chết vì sung sướng thì không thiếu. Ăn ít làm nhiều thì khỏe như trâu, còn
ăn nhiều làm ít là sinh lắm bệnh đó!
- Đời đúng là có nhiều chuyện oái oăm, được cái này thì lại mất cái khác.
- Nghèo khó thì dễ, giàu có thì khó khăn, khổ đau thì vững bền, hạnh phúc thì
mong manh. Mà càng thông minh, càng danh giá, người ta lại càng dễ bị tổn
thương, càng dễ cảm thấy bị bất hạnh. Ngay bản thân tao, biết là cuộc sống bây
giờ phải sướng hơn ngày xưa biết bao nhiêu, vậy mà vẫn cứ buồn, lúc nào cũng
cảm thấy cứ như có cái tát của cuộc đời hằn vết ngón tay trên mặt. Thực ra đời
tao cũng có nhiều chuyện vui chứ, nhưng chỉ được trong nháy mắt, rồi sau đó lại
tìm cách không vui nữa bằng cái ý nghĩ thật vô lý: “Thì cũng có là gì”. Như
người ta thì cặm cụi góp nhặt, nâng niu từng hạt bụi vàng của hạnh phúc, để mà
bấu víu, vượt qua được vô vàn những khổ cực của kiếp người. Còn mình có đến là
vàng ròng cũng không có mấy ý nghĩa. Ngay cái chuyện văn chương cũng vậy, viết
được đăng, có người đồng cảm thì cũng thích lắm đấy, nhưng rồi cũng lại chép
miệng ngay sau đó: “Thì cũng có làm cái gì!”. Mà mình đúng là không có ý định
viết văn thật, cứ như thừa lúc sơ ý, cái số mệnh nó nhét cây bút vào tay hay
sao ấy! Chẳng được tích sự gì mà lại khổ. Nhưng nếu không vậy, mình lại không
còn ra cái thằng mình nữa! Khổ thế!
- Nhưng giàu sang rồi, có thêm một chút danh cũng thấy hay chứ!
- Đấy là mày nói viết chơi chơi thôi, chứ xông trận thật, nó cũng vật cho khổ
sở lắm. Làm bất cứ việc gì cho tử tế đều khó khăn, huống hồ cái nghề lao tâm
khổ tứ này. Nhưng có một điều làm cho người viết bận tâm hơn cả là, viết làm
sao để được thành công.
- Tôi thấy nhiều người bảo viết chỉ để tự thỏa mãn thôi mà. Đâu cần phải thành
công?
- Người ta thì vậy. Người ta viết là để thanh lọc tâm hồn nhân loại. Còn tao
xấu tính lắm, viết là chỉ mong được nổi danh thôi. Mẹ kiếp, tiếng cũng thích,
tiền cũng ham, sắc cũng mê... toàn những thói xấu xa!
- Xấu quái gì! Theo tôi, chỉ có giết người, cướp của, đố kỵ, nhỏ nhen, gắp lửa
bỏ tay người... mới xấu! Háo sắc, háo danh, tham tiền thì là người chứ sao lại
xấu? Chỉ trừ những bậc thánh, nếu không thì chỉ là bọn đạo đức giả. Nó còn hám
gấp một tỉ lần anh.
- Thì cũng nói chơi cho vui. Cũng như một cô gái đẹp, mày bảo có ai ăn diện cho
thật mốt vào, trang điểm cho thật rực rỡ vào, rồi khóa trái cửa, không muốn cho
ai nhìn thấy mình không?
Lúc này chị vợ Hậu đi chợ về. Anh chợt nhìn đồng hồ:
- Thôi chết! Huyên thuyên với mày thế mà đã mấy tiếng đồng hồ rồi. Tao phải đi
đón hai đứa nhỏ học Anh văn.
- Nếu anh không đón có ai đón mấy đứa không?
- Đến giờ mà chúng không về thì mẹ chúng đi đón thôi.
- Thôi, điện thoại về nói bà ấy đi đón. Bây giờ anh với tôi đi nhậu lẩu dê. Vợ
tôi nó về rồi đó. Có cái quán ở đường đi suối Lồ Ồ bán mấy hòn dái dê ngon lắm!
Cũng là đi dạo cho mát.
- Mày có vẻ thích cái của ấy nhỉ? Tao thấy hôi thấy bà!
- Hôi
gì, tuyệt chứ hôi gì. Tại anh không quen. Mới lại làm việc nhiều, cũng phải bồi
dưỡng anh ạ. Các cụ mình thường nói ăn gì bổ nấy mà… Bây giờ no đủ, nhiều khi
tôi thấy tiếc đời quá anh ạ, nháy mắt cái đã bốn mươi rồi! Chuẩn bị tinh thần
để già đi là vừa… Sợ vợ nghe thấy, Hậu chợt nhỏ giọng: - Năm mươi thì vẫn còn
túc tắc em iếc được, chứ sáu, bẩy mươi thì hết… Buồn thật!… Còn anh, có máu cái
khoản ấy không?
- Đã là người thì ai chả như ai. Nhưng đâu phải cứ muốn là được!
-
Người ta đặt ra cái đạo đức cũng kỳ thật! Yêu thương nhau cũng phải có
liều lượng! Yêu quá liều là thành tội lỗi! Rắc rối thật!
- Nhưng
không thế, ra đường cứ thấy cô bé nào ngon mắt là vồ ngay con nhà người ta à!
- Nếu vậy mà loài người cho là đạo đức thì sướng nhỉ? Nói xong, Hậu cười phá
lên, đứng dậy: - Thôi, chấm dứt chuyện cà kê dê ngỗng ở đây! Mình đi
thôi.
- Nhưng sao
phải xa thế?
- Sài Gòn
cũng có, nhưng không có cái không khí vùng ven. Mà đi xế hộp thì đâu có khái
niệm xa. Bây giờ anh thích đi Đà Lạt tôi cũng chở anh đi.
-Thôi được. Tao cũng muốn ngồi thử cái xe của mày xem thế nào?
Hậu đi lấy xe. Yên vị xong xuôi, nói:
- Anh nhìn kìa! Sài Gòn lên đèn rồi, nhấp nha nhấp nháy! Ra khỏi cái sân yên
tĩnh này là mình lại va vào cuộc sống đầy sôi động kia thôi! Coi chừng sứt đầu
mẻ trán dễ như chơi đấy!
Anh lẩm bẩm:
- Mẹ kiếp, cái xứ mình đi đâu cũng gặp văn chương, vậy mà ở cái chỗ văn chương
có khi lại đếch thấy văn chương đâu cả!
- Anh bảo gì?
- Ồ, không đâu! Tóm lại, hôm nay tao đến chơi với mày là có ý đồ đấy. Mai tao
nghỉ cơ quan rồi, tao phải đăng ký thành lập cơ sở. Có gì rắc rối mày chỉ cho
tao nhé!
- Rồi, OK!
Anh đừng sợ, có tiền là xong hết!
Hậu cho xe chạy theo hướng Hàng Xanh. Không khí đêm ngoại ô thật mát. Phía sau
lưng, Sài Gòn hắt lên trời quầng sáng lộng lẫy của nó. Hồi trong rừng, anh cũng
đã nhìn thấy quầng sáng ấy. Nhưng nó mờ nhạt hơn, xa cách hơn, và đầy huyền
bí... Đã hơn hai mươi năm trôi qua rồi, anh đã được sống, lấy vợ, đẻ con ở
trong lòng cái quầng sáng ấy, đã có biết bao chuyện đổi thay. Và ngày mai,
chính ngày mai sẽ bắt đầu một cuộc đổi thay lớn lao nhất của cuộc đời anh.
Không biết rồi sẽ ra sao nhỉ?
ĐÔNG LA
Phú Nhuận
(về năm 1994)
Viết 15-9-1997