Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

LỊCH SỬ VÀ THẾ GIỚI TRONG MỘT GIA ĐÌNH


ĐÔNG LA
LỊCH SỬ VÀ THẾ GIỚI TRONG MỘT GIA ĐÌNH
          Có  lúc tôi giật mình nghĩ, hoàn toàn không cố ý nhưng gia đình tôi như một điển hình sống động nhất về sự hòa hợp. Đó là sự hòa hợp Bắc-Nam, Ta-Địch, tôn giáo; Xô-Mỹ; Đông-Tây. Tôi là bộ đội, quê Hải Dương, không tôn giáo đã lấy vợ gốc Long An, một gia đình "Mỹ-Ngụy", thiên chúa giáo. Nếu như tôi từng đi Liên-xô thì đến lượt con tôi đi Mỹ, các cháu tôi đi Đức. Vậy là chỉ trong một gia đình bé nhỏ, cả thế giới, cả lịch sử đã được gói gọn trong đó. Mà điều đó lại xảy ra hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn không cố ý và cũng không phải mất một tý cố gắng nào cả. Thì ra tất cả đều là do tâm và trí. Nếu ta có tấm lòng, ta sẽ biết vị tha, sẽ biết yêu thương và tôn trọng nhau, chỉ thế thôi! 
        Chính vì vậy mới có chuyện một ông chiến sĩ Điện Biên là cha tôi, ở Hải Dương, có một con ruột bị hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân, một đứa khác là tôi tham gia chiến dịch HCM, đã làm thông gia với một ông từng làm ở sở Mỹ quê Long An, có một em ruột là cha tuyên úy, một em ruột là đại úy Quân lực VNCH. Sau giải phóng thì cha tôi làm bí thư chi bộ, trạm trưởng trạm y tế xã vì ông là y sĩ; còn cha vợ tôi vốn là một ông chủ đã mất trắng cái nhà máy xay lúa lớn ở Mỹ Tho, đã phải về quê cuốc đất trồng khoai mì ở Bến Lức:
(Cha vợ tôi đã về quê tôi trong dịp bốc mộ cha tôi, thế là 
2 người cũng đã "gặp" nhau)      
         Tấm hình dưới là cha mẹ tôi khi đã già, chụp trước ngôi nhà của tuổi thơ tôi. Hôm thi tốt nghiệp xong cấp 3, tôi đã ngồi đầu hè tựa vào cây cột phía trái nói với mẹ: “Sau này tôi sẽ sống ở thành phố chứ tôi đếch ở quê này đâu”. Hồi nhỏ tôi không sao nói năng lễ phép được vì cứ thấy giả giả thế nào ấy. Không ngờ lời tiên tri đó lại thành sự thật, nhưng tôi đã đến Sài Gòn không chỉ dọc theo con đường dài theo đất nước mà phải qua mồ hôi, máu, nước mắt và cuối cùng là nụ cười của NGÀY TOÀN THẮNG, kết thúc một cuộc chiến khốc liệt dài 20 năm:   
      Rồi đâu có ai ngờ, mối tình với cô gái “đẹp nhất vùng” ở quê không thành, từng từ chối những “chĩnh gạo” với nhà cao cửa rộng, cái “ổ” đã dọn sẵn, “tên Việt Cộng” là tôi đã gặp một “cô gái xứ Đạo”: 
 có chú ruột là cha. Vì mẹ mất sớm nên chú đã nuôi dạy và cho học trong trường dòng:
(Cô em (giữa) hiện sống tại Mỹ)    
       Rồi có một ngày, tại nhà Nhà thơ Anh Thơ, nơi “tiền trạm” của một đám cưới, mọi người tập trung để chuẩn bị lên xe đến chỗ làm đám cưới tại cơ quan, đúng như là “anh ở đầu sông em cuối sông”, hai người ở 2 đầu tấm ảnh dưới không biết nhau nhưng sau đó sẽ ngủ chung giường:
      Chàng vốn đang tham vọng trước ngưỡng của của ngôi nhà văn chương, đã bị “sét đánh”, nên dễ dàng bật ra một bài thơ, và chính nó đã bắc cầu nối liền hai cuộc đời: 
                         Có phải em như một cánh chim?
                         Bất chợt bay vào khu rừng anh ngơ ngác
                         Rừng chưa kịp nghe chim vui hót
                         Nơi khoảng trời nào cánh chim đã bay đi?...
     Rồi thế là đám cưới: 
           Rồi những đứa con được sinh ra như sinh ra từ chính thơ ca vậy! Thật kỳ lạ, văn chương chữ nghĩa không giúp tôi mua nổi cái tivi nhưng nó lại liên quan đến toàn bộ cuộc đời tôi:
      Không chỉ không được gì mà chính nó còn gây ra “sóng gió" cho cuộc đời tôi, từng khiến tôi phải chạy sang tận Liên-xô kiếm cơm mà vẫn không được:
(Trước Cung diện Mùa Đông bên bờ sông Nê-va)
      Rồi gần như đã “trốn chạy” về nước, sau đó không biết nhờ ơn Đảng Nhà nước, nhờ sự giúp đỡ của ân nhân, hay do số mệnh, linh hồn ông cha phù hộ? Giống như sau một giấc ngủ, mở mắt ra tôi thấy mình đã đổi đời! Không tham ô tham nhũng, không cướp giật, chỉ dùng một tí kiến thức "trong túi" làm ra mấy sản phẩm bán chơi thôi, vậy mà đã nuôi được con ăn học, xây nhà dựng cửa:
 (Căn nhà thứ 2)
      Ăn học trong nước thì chẳng đáng là bao nhưng ông con đang học Công nghệ TT ĐH Bách Khoa đàng hoàng, chán, thích du học Mỹ! Đi thì đi, Mỹ bây giờ đã là "Friend", tao chiều!
    Số nó sướng, sang Mỹ dì dượng nó khởi công xây nhà mới cho ở. Dượng nó, cựu quân nhân Quân lực VNCH, vì thương dì nó quá, đã phải vui vẻ nuôi “ông con Việt Cộng”:
     Dư điểm đậu vào ngành lấy điểm cao nhất của trường cao nhất, nên tuy không giỏi bằng Ngô Bảo Châu nhưng “vừa học vừa ngủ gật” cũng được huy chương:
         Ra trường, 3, 4 nơi nhận làm, thì đi làm, phải thu hồi lại vốn chứ. Đi một mạch, kỳ phép năm ngoái mới về, đúng tròn 7 năm xa:
      Ông bà nội ngoại mất hết, nhà cũ không còn, về nhà mới bé hơn, nhưng trông cũng xinh xinh:
       
(Cái nhà này tự thiết kế luôn)
Thời gian trôi đi nhanh quá! Mới ngày nào chúng còn là 2 đứa trẻ:
         Mà hôm nay đã lớn thế này: 
     Mấy chục năm, qua không ít sóng gió, đến nay đã tương đối bình yên. Cuộc sống thì mênh mông, cá nhân thì nhỏ bé, tài năng thì ít lại đam mê thì nhiều, nhiều lúc vẫn giật mình nghĩ  “nếu ông bà không phù hộ” thì sẽ thế nào? Nên cứ phải ráng “ở hiền” để mong “gặp lành” thôi, như mấy câu thơ tôi đã làm trong bài Tổ quốc-nửa bàn chân dính bùn và máu:
         Giống như bà nội còng lưng mót lúa thuở nào
         Con cũng đi tìm những hạt giống của hạnh phúc
         Nhưng con không gieo trên cánh đồng bao đời mồ hôi ướt đẫm
        Mà gieo trong sự suy tư

        Những hạt giống của con đã nảy mầm như nấm mọc sau mưa
        Chúng đã lớn lên, đã kết trái đơm hoa, như trong phúc lành của 
                                                gia đình, trong phúc lành của Tổ Quốc...
        Vì vậy, trong trận chiến chữ nghĩa hôm nay, mỗi một chữ viết ra, tôi cố viết sao cho đúng, cho có ích. Lúc khó khăn nhất còn không bán rẻ lương tâm, thì bây giờ, tôi còn cần gì mà phải bẻ cong ngòi bút?
      Còn cuộc đời tôi thế nào thì tôi đã huỵch toẹt hết cả ra như thế đó!
         Tp HCM
      26-1-2012
      ĐÔNG LA