ĐÔNG LA
GIÁM SÁT QUYỀN LỰC?
Trên VietNamNet có bài “3
câu hỏi về kiểm soát quyền lực” với tên tác giả là Bảo Linh. Bàn về một vấn
đề trọng tâm của hiến pháp nhưng tác giả lại hoàn toàn xa lạ. Lên Google tìm
hiểu xem Bảo Linh là ai thì kiếm được hotgirl này:
Nếu cô bé
xinh đẹp và nóng bỏng này đúng là tác giả thì dân trí nước mình có lẽ sẽ đứng
đầu thế giới mất. Nhưng chắc không phải mà tác giả của bài trên chắc là một tên
tuổi quen thuộc nào đó ngại xưng danh nên đã ẩn trong cái bút danh trên?
“Đảng cũng
đang đứng trước “nguy cơ tồn vong” bởi “một bộ phận không nhỏ” đảng viên suy
thoái, biến chất. Vậy nên, một trong những vấn đề đặt ra có tính khoa học và
thực tiễn là: quyền lực của Đảng, hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên
phải được kiểm soát, giám sát như thế nào? Thiết nghĩ, vấn đề này cần được hiến
định rõ ràng, tương thích với điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng đối với “Nhà nước
và xã hội””;
“quy
định Đảng “chịu sự giám sát” và “chịu trách nhiệm” trước nhân dân. Nhưng …
“Nhân dân giám sát như thế nào? Đảng chịu trách nhiệm gì và chịu trách nhiệm
đến mức nào trước nhân dân?”. Như vậy, cần một cơ chế đảm bảo về mặt hiến pháp
và luật để nhân dân giám sát và Đảng
chịu trách nhiệm”;
“Tôi cho rằng,
chỉ khi có một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng với nội dung tiến bộ, phù hợp,
mới tránh được nguy cơ Đảng “lấn sân” chính quyền, tránh được tình trạng cá
nhân hoặc nhóm lợi ích lợi dụng quyền lực của Đảng hoặc nhân danh Đảng để lộng
quyền, lạm quyền để trục lợi và can thiệp vô nguyên tắc vào hoạt động của bộ
máy Nhà nước. Giám sát tốt hoạt động của Đảng thì mới có cơ hội loại trừ “một
bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất, tức là tránh được nguy cơ
“tồn vong của chế độ””.
Tôi rất đồng ý với Bảo Linh về điều
cần phải “có một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng” để Đảng lãnh đạo tốt
hơn. Còn chuyện cho do “Đảng “lấn sân” chính quyền” nên đã gây ra “nguy
cơ tồn vong” bởi “một bộ phận không nhỏ” cán bộ là đảng viên suy
thoái xem chừng là nói ngược, không đúng với thực tế.
Vì trong thực tế
vừa qua chính vì những đảng viên có chức, có quyền ở những lĩnh vực liên quan
đến tiền bạc, đã móc ngoặc, liên minh liên kết, co cụm, tạo lập những vương
quốc riêng, thoát khỏi sự lãnh đạo chung của Đảng; đã tham ô, tham nhũng, hình
thành nên “một bộ phận không nhỏ” nói trên. Những vụ án kinh tế lớn bị
điều tra đa phần vì vụ việc như ung nhọt tự bể, công an, kiểm sát cứ nhắm mắt
bắt và kết tội cũng không sai được. Lẽ ra nếu sự lãnh đạo của Đảng thực sự “lấn
sân”, những vụ đó sẽ được ngăn chặn.
Về danh
nghĩa đúng là Đảng “lấn sân”, trùm lấp, ở đâu cũng có “Đảng”, có
bí thư, có đảng viên. Nước ta cũng có cơ chế tam quyền phân lập, cũng có Quốc
hội lập pháp, Chính phủ hành pháp, Tòa án tối cao xử án. Bao trùm lên cơ chế đó
còn có Đảng lãnh đạo. Lẽ ra sự phạm pháp phải bị kiểm soát tốt hơn cơ chế chỉ
có “tam quyền phân lập”. Nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại.
Có
tình trạng như vậy bởi đúng là Đảng lãnh đạo toàn diện, nói theo “lề
trái” là “toàn trị” nhưng thực tế lại không “trị” được ai. Bởi Đảng
có quyền lãnh đạo nhưng không có quyền chỉ đạo. Đảng chỉ ra đường lối, chủ trương
bằng nghị quyết, rồi mọi chuyện diễn ra ngoài tầm kiểm soát của Đảng. Chính vậy
mới có chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri 2 Quận Hoàn Kiếm
và Ba Đình đã nói: “Cha ông ta nói rất hay: “Miếng ăn là miếng tồi tàn / Mất
ăn một miếng lộn gan lên đầu”… Đụng đến lợi ích là phản ứng, nhất là một
khi lợi ích nhóm móc ngoặc với nhau thành đường dây vô cùng phức tạp”. Chủ
tịch Trương Tấn Sang cũng nói ý là giải quyết các vấn nạn bây giờ rất khó vì “đụng
đâu vướng đó”. Vậy phải chăng thực chất quyền lực của Đảng chỉ là quyền lực
rỗng. Phải chăng đó chính là hậu quả của “lỗi hệ thống”? Đảng lãnh đạo
toàn diện, nhưng là lãnh đạo tập thể, cá nhân chỉ là người được phân công phụ
trách; ai cũng là người của Đảng, đồng thời là người của Quốc hội, đồng thời
làm quan chức; khi sự cố xảy ra thì chịu trách nhiệm chung, không ai bị làm sao
cả, ngoài những người dính líu trực tiếp đến những chứng cớ phạm pháp.
Vì tất cả
các lẽ đó, cần phải có một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng, không phải để “tránh
nguy cơ Đảng “lấn sân” chính quyền” như ý Bảo Linh, mà không chỉ “lấn
sân” còn cần phải làm cho sự lãnh đạo của Đảng đúng là toàn diện. Có vậy
mới giám sát được mọi hoạt động của chính quyền, của các cơ quan, các đơn vị.
Đảng không làm cụ thể nhưng Đảng có quyền giám sát, mà quyền giám sát là quyền
đặt cao hơn. Và càng những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, đến tiền, thì càng
cần phải giám sát chặt chẽ hơn.
Cụ thể, bên cạnh việc
cần phải tăng sự tự chủ cho các cấp, các cơ quan, các đơn vị kinh tế để tăng
cường sự năng động trong mọi việc cũng như việc sản xuất kinh doanh, đồng thời
cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo cần phải được luật hóa bằng
những điều luật. Sự chịu trách nhiệm của cá nhân ở mọi cấp cũng phải được luật
hóa, cả trong “sự lãnh đạo” của Đảng cũng như mọi việc trong lĩnh vực hành pháp.
Còn chuyện
sợ Đảng “lấn sân” trở thành độc tài thì có lẽ không có cơ sở. Đơn
giản là vì Đảng không phải là một cá nhân, một nhóm người mà là cả một tập thể
lớn. Mọi cán bộ các cấp của Đảng, kể cả Tổng Bí thư, song song với chuyện có
quyền theo hiến định đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về
mọi hành vi của mình. Bên cạnh việc có những Đảng viên chuyên trách “lãnh đạo”,
cũng có rất nhiều đảng viên là đại biểu Quốc hội, là những cán bộ hành pháp, tư
pháp, hoàn toàn có quyền chất vấn mọi chuyện công khai. Và Dự thảo Hiếp pháp
cũng đã ghi:
“Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4)
1. Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng …chịu sự giám sát của nhân
dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52)
1. Mọi người đều bình đẳng trước
pháp luật.
Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74)
1 .Mọi người có quyền khiếu nại,
quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp
luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Như vậy cả Tổng Bí thư cũng
có thể bị tố cáo nếu phạm pháp. Rắc rối ở ta không phải là ta không có luật mà
chính là sự cả nể, tàn dư của lối ứng xử trong xã hội phong kiến, thông thường
thì ai cũng ngại tố cáo cấp trên một cách nghiêm túc, tố cáo Tổng Bí thư thì
càng ngại hơn. Có điều, có người tố cáo thì ai sẽ luận tội và truất phế
Tổng Bí thư? Phải chăng điều này cũng cần phải luật hóa?
Như Mỹ, Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép Hạ viện luận tội các viên chức cao cấp liên bang trong đó
có tổng thống, cho phép Thượng viện có quyền truất phế các viên chức bị luận tội.
Trong toàn bộ lịch sử, Hạ viện Hoa Kỳ đã luận tội hai vị tổng thống: Andrew
Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998.
Về Quốc hội, Bảo Linh viết:
“Ai giám sát Quốc hội?
Điều 74 dự thảo viết:
“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước
cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập
hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát
tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
Quy định
như vậy thì mâu thuẫn với điều 2 dự thảo là quyền lực Nhà nước “có sự phân
công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các
quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, bởi một khi Quốc hội là cơ quan quyền lực
Nhà nước cao nhất (không ai cao hơn) và thực hiện quyền giám sát tối cao thì
các cơ quan hành pháp và tư pháp không thể có quyền “kiểm soát” đối với Quốc
hội. Đây là một trong những vấn đề cần được nghiêm túc đặt ra, bởi nguy cơ lạm
quyền và tham nhũng chính sách trên thực tế đã được cảnh báo và phát hiện ở nghị
viện nhiều nước”.
Viết như vậy là không có lý. Bởi “Quốc
hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” nhưng chế độ ta “Đảng lãnh
đạo Nhà nước” nên Đảng còn cao hơn cả Quốc hội. Cái “cao nhất” của
Quốc hội cũng chỉ là nhất trong Nhà nước thôi. Còn nỗi lo “nguy cơ lạm quyền”
của Quốc hội cũng khó xảy ra vì Quốc hội cũng như Đảng không phải là một người,
một nhóm nhỏ, mà là cả một tập thể lớn gồm các đại biểu được bầu ở tất cả các
thành phần và các địa phương. Đại biểu quốc hội cũng đồng thời là công dân như
Đảng viên, cũng đều phải tuân thủ pháp luật như đảng viên vừa nói ở trên.
Vì vậy, làm
tăng hiệu lực “sự lãnh đạo” của Đảng và “quyền” của Quốc hội thực
chất là tăng trách nhiệm cho Đảng, cho Quốc hội trước nhân dân. Sự cụ thể hóa
bằng những điều luật sự lãnh đạo của Đảng và quyền của Quốc hội chính là trao
công cụ hữu ích để Đảng, để Quốc hội làm tốt được trọng trách của mình. Còn sự
lãnh đạo của Đảng khác quyền của Quốc hội như thế nào cũng cần phải minh định.
Phải chăng sự lãnh đạo của Đảng ở tầm bao quát, tầm lý luận, còn quyền của Quốc
hội là quyền cụ thể liên quan đến mọi việc hành pháp?
***
Trái lại việc tăng hiệu
lực sự lãnh đạo của Đảng và quyền của Quốc hội thì quyền cho Chính phủ cần phải
xem xét. Bởi Chính phủ là cơ quan hành pháp, nắm lực, nắm tiền.
Về Chính phủ Bảo Linh viết:
“Chính phủ: hành chính hay hành pháp?
Điều 99 dự thảo viết:
“Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam,
thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách
nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc
hội và Chủ tịch nước”.
Nhiều người
nghiên cứu pháp luật bày tỏ sự ngạc nhiên trước quy định này, bởi viết như vậy
thì không rõ được Chính phủ là “là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất..., là
cơ quan chấp hành của Quốc hội” hay là cơ quan “thực hiện quyền hành pháp”. Bởi
một Chính phủ hành chính sẽ rất khác một Chính phủ hành pháp”.
Đoạn
này thì tôi ngạc nhiên về sự “ngạc nhiên” của Bảo Linh và các vị. Bởi Điều
99 dự thảo viết vậy nghĩa là Chính phủ vừa là “hành chính” vừa là “hành
pháp”, sao lại đặt câu hỏi chính phủ là “hành chính” hay “hành
pháp” để rồi nói 2 cái là khác nhau?
Tiếp theo
bài trên, VietNamNet đăng tiếp bài Chính phủ hành pháp mới là chính
phủ mạnh của Xuân Linh (chắc cũng là Bảo Linh) nói rõ hơn về chuyện “Chính
phủ hành pháp”.
Tôi
đồng tình với các quan điểm trong bài này cho rằng cần phải tăng cường quyền
hành pháp của chính phủ để chính phủ mạnh hơn, năng động hơn. Nhưng tôi thật e
ngại khi đọc:
“Tại
hội thảo "Chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp"
do Bộ Nội vụ cùng Văn phòng Chính phủ (CP) tổ chức sáng 8/3, có nhiều góc quan
điểm tranh luận song tất cả đồng tình cần ưu tiên hàng đầu chế định "hành
pháp" của CP và không đồng tình quy định CP là cơ quan chấp hành của Quốc
hội (QH), bởi nhiều lẽ không hợp lý”.
Bởi nếu để Chính phủ
chỉ “hành pháp”, không còn “chấp hành” mà độc lập với Quốc hội
thì dù quan chức chủ chốt của Chính phủ đều là đảng viên, đều là đại biểu Quốc
hội, nhưng trong tay Chính phủ nắm Quân đội, Công an, Ngân hàng, Doanh nghiệp,
v.v… nghĩa là nắm hết; thì chính phủ hoàn toàn có thể trở thành một nhà nước
riêng, biến Đảng, Quốc hội thành ngồi chơi xơi nước.
Vừa rồi, trong phạm vi
của Chính phủ, một loạt các đại công ty thua lỗ, tham ô, tham nhũng, đã nằm
ngoài tầm kiểm soát của chính Thủ tướng và các Bộ trưởng, bởi đã tăng quyền độc
lập cho các đơn vị kinh tế. Theo CHƯƠNG II, Điều 4, khoản 5 và
CHƯƠNG III, MỤC 2, Điều 19 của
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 132/2005/NĐ-CP VỀ THỰC HIỆN CÁC QUYỀN VÀ NGHĨA
VỤ CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC, chủ sở hữu (Thủ
tướng) phải có nghĩa vụ:
“đảm bảo quyền
tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của công ty nhà nước trong quá trình
hoạt động.
Cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước không can thiệp trái pháp luật vào các công việc của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc của công ty nhà nước”.
Cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước không can thiệp trái pháp luật vào các công việc của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc của công ty nhà nước”.
Vì thế trong bài MỘT
TOA THUỐC CHO CHẾ ĐỘ CẦN MANG ĐI XÉT NGHIỆM phản bác ông Tương Lai, tôi đã viết:
“trên diễn đàn Quốc hội, tôi thật lo ngại khi nhìn mấy ông bộ trưởng về đầu tư,
về tài chính v.v… mặt ngây ngô nói không biết chuyện Vinaline bỏ ra mấy chục
triệu đô mua đống sắt rỉ là ụ nổi về, không phải để dùng mà để sửa chữa, đến
tận hôm nay chưa xong! Tại sao chúng ta đã nói quá nhiều, đã nói liên tục những
lời rất hay ho, soạn ra vô vàn văn bản rất chặt chẽ, vậy mà sao lại có cái
chính sách kỳ quái là giao quyền cho những cá nhân chi tiêu tự do công quỹ nhà
nước!
Vì
vậy, theo tôi, cần phải tạo ra một cơ chế sao đó để có thể giám sát được từ sự
lãnh đạo của Đảng đến sự điều hành kinh tế của Chính phủ; giám sát được
sự chi tiêu ngân sách của các đơn vị kinh tế. Cần phải công khai tài sản của
quan chức và những người thân, minh bạch hóa những khoản thu nhập lớn, buộc phải
chứng minh được nguồn gốc của các loại tài sản.
Đó chính là
toa thuốc trị căn bệnh xã hội hôm nay. Nghĩa là càng thực hiện kinh tế thị
trường phát huy sức sản xuất càng phải hiểu chính xác, sâu sắc và vận dụng linh
hoạt Học thuyết Mác, càng phải coi trọng “đấu tranh giai cấp”, cụ thể là việc chống
tham nhũng và làm giàu bất chính, bởi đó chính là sự bất công lớn nhất, cái
việc một thời cả nước đổ máu để rồi cho hôm nay một số nhỏ trục lợi”.
Cơ chế Kinh tế
Thị trường định hướng XHCN có lý tưởng, mục đích tốt. Nhưng triển khai trong
thực tế còn nhiều khiếm khuyết, nhất là về sự giám sát. Chính nó đã sinh ra
tình trạng “công tư” nhập nhằng, tạo điều kiện cho các “nhóm lợi ích”
lợi dụng để làm kinh tế thị trường, không phải định hướng XHCN mà là TBCN cho
cá nhân mình! Dùng vốn công làm kinh tế tư. Chính điều này đã dẫn đến thực
trạng mà chính TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói là trong Đảng đã có phân hóa giai
cấp!
Vì vậy, cái chính ở
chuyện “Chính phủ hành pháp” là Chính phủ phải chịu sự giám sát của
Quốc hội, dù trong Hiến pháp có ghi câu “Chính phủ là cơ quan chấp hành
của Quốc hội” hay không. Và sự giám sát của Quốc hội đó phải được luật hóa.
Với Mỹ, có thể Hiến
pháp Mỹ không ghi “Tổng thống phải chấp hành Quốc hội”; Tổng thống Hoa Kỳ dù là người đứng đầu nhà nước,
đứng đầu chính phủ và là tổng tư lệnh quân lực, cũng là nhà ngoại giao trưởng;
được Hiến định rất nhiều quyền lực để điều hành công việc quốc gia , còn có
quyền phủ quyết các đạo luật đã được Quốc hội thông qua; nhưng Tổng thống lại
bị giám sát và luận tội bởi Hạ viện và bị cách chức bởi Thượng
viện nếu phạm pháp như đã viết ở trên. Dù vậy, việc lạm quyền của các vị Tổng thống
Mỹ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho không chỉ các nước khác mà cho cả chính
nước Mỹ vẫn thường xảy ra.
Quyền tuyên chiến vốn
đã được Hiến pháp Hoa Kỳ giao phó cho Quốc hội, tuy nhiên các tổng thống đã
không nhận được lệnh tuyên chiến chính thức khi đưa quân vào Panama năm 1903, Chiến tranh Triều Tiên, các vụ xâm chiếm Grenada và Panama (1990), và đặc
biệt là Chiến tranh Việt Nam.
Cuộc chiến làm đau khổ
cho dân ta và dân Mỹ thực chất đã được tiến hành từ “lời nói dối” của TT
Giôn-xơn. Theo baomoi,
chính từ Daniel Ellsberg
(còn gọi là Dan), cựu nhân viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã đưa “Hồ sơ Lầu Năm
góc” cho tờ New York Times nêu rõ, sự kiện Vịnh Bắc Bộ là một trong những
lần nói dối trắng trợn nhất của Chính quyền Giôn-xơn. “Tổng thống nói với
Quốc hội và công chúng rằng, chiến hạm nước ta bị tấn công, bằng chứng về điều
này hết sức rõ ràng. Nói thế là nói dối. Tôi biết rõ là nói dối. Cả Mác Na-ma-ra
đã giấu nhẹm, không cho Quốc hội biết về các cuộc đánh phá mà Mỹ đã tiến hành”,
Dan nói.
Còn chuyện TT Nixon
từ chức sau vụ bê bối Watergate thực ra cũng không phải do cơ chế của nền dân
chủ Mỹ tự động phanh phui ra. Khi cảnh sát bắt giữ những người đột nhập
vào văn phòng của Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate, FBI đã lần ra manh mối:
chính là người của Tổng thống. Nhưng các kết quả điều tra đã bị Nhà Trắng ỉm
đi, chỉ khi Mark Felt với mật danh“Deep Throat”, vốn hy vọng sẽ
được thay thế Hoover nắm FBI sau khi Hoover chết, nhưng đã thất vọng khi Nixon
chỉ định Gray, nên đã đưa tin cho tờ Washington Post công bố. Quốc hội Mỹ lúc
đó mới lập ủy ban điều tra và trước nguy cơ bị Quốc hội phế truất, Nixon mới
tuyên bố từ chức.
Nói hơi sâu chuyện nước
Mỹ để thấy, để nhân dân thực sự làm chủ không phải là dễ!
***
Tóm lại Hiến pháp
chính là đạo luật gốc đưa ra nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Nhưng vì
nhân dân đông quá, trình độ quá khác nhau nên mới sinh ra “dân chủ đại diện”,
trền nền đó lại chọn ra “đại diện của đại diện” để thành lập Nhà nước
điều hành công việc của đất nước. Để điều hành lại cần phải có quyền, nên cũng
lại phải có điều luật để chống lạm quyền. Bên cạnh đó xã hội cũng phải có luật
để ngăn chặn mọi người phạm tội. Tất cả những cái đó là Hiến pháp, là luật pháp.
Như
đã nói chúng ta có đầy đủ Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, cạnh đó còn có sự lãnh
đạo của Đảng bao trùm, lẽ ra kỷ cương phép nước phải tốt hơn các nước không có
Đảng lãnh đạo. Có lẽ bởi trình độ chính trị cũng như trình độ về Kinh tế, Khoa
học công nghệ v.v… ở ta còn yếu. Những điều luật chung của chúng ta quá tốt nhưng
không cụ thể. Chúng ta chưa luật hóa cụ thể quyền cũng như chưa luật hóa cụ thể
sự chịu trách nhiệm.
Chính vì vậy, có
nhiều vụ việc trầm trọng, nhưng lỗi là lỗi của tập thể, là lỗi của cả hệ thống.
Cũng chính vì vậy đã nảy sinh mầm mống của độc tài, của lợi ích nhóm, của
maphia (vụ Năm Cam). Vì vậy theo tôi, ngoài sự vận dụng cơ chế kiểm soát quyền
lực theo cơ chế “tam quyền phân lập” một cách phù hợp trong thể chế Đảng
lãnh đạo toàn diện, cần phân chia và kiểm soát quyền lực theo nguyên lý
cân bằng âm dương của triết cổ phương Đông và của cấu tạo vật chất: Cần tăng
quyền cho phía ít lực, ngược lại cần tăng lực cho phía ít quyền. “Lực”
ở đây là sức mạnh (như quân đội chẳng hạn) và là tiền. Nếu “lực”
mà có quyền tuyệt đối sẽ thao túng được tất cả. Còn quyền là quyền chất vấn,
quyền giám sát, quyền truy tố.
Để kết lại, nói chung,
một nước đông dân và không thuần nhất như nước ta để xây dựng được một xã hội
dân chủ hoàn hảo là khó. Đến như nước Mỹ mà mấy ông “lật pháp” hay mang
ra làm mẫu cũng còn khuya mới được như đã phân tích ở trên. Nước Mỹ cũng chưa
giải quyết được cái nghịch lý này: tại sao người ta mất quá nhiều tiền và công
sức để bầu ra ông tổng thống để rồi ông ta lại đưa ra những quyết định làm hại
chính đất nước mình, để rồi dân lại phải đi biểu tình, thậm chí còn tự thiêu,
như việc phản đối cuộc chiến với Việt Nam chẳng hạn. Tại sao bà Clinton khi lên làm ngoại
trưởng cũng lại nói: “Thế giới nên thở phào vì thời ông Bush đã qua rồi”?
TPHCM
12-3-2013
ĐÔNG LA