Vụ luận văn ThS của Nhã Thuyên trở
thành một vụ chấn động rồi bởi có đến 108 ông, bà (đến 20-4-2014) là “nhà trí
thức”, mà thực tế trong các lĩnh vực chuyên môn của họ, có những người là
chuyên gia hàng đầu của đất nước, đã ký tên, đồng lòng lên tiếng ủng hộ. Có
điều trong những vụ việc liên quan đến chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, những
nhà trí thức trên lại hành động bầy đàn, a dua, bất chấp bản chất sự việc là
gì? Sự thực của vấn đề là như thế nào? Họ hành động như những thành phần bất
hảo, tụ tập, đàn đúm, quấy rối. Tôi từ trước tới hay để đối đáp với kẻ xấu
tôi tự tin xưng danh là “nhà văn”, đơn giản là vì chính Nhà thơ lớn Chế Lan
Viên đã giới thiệu để tôi có được cái danh xưng ấy. Còn là “nhà trí thức” tôi
cũng chưa dám nghĩ đến. Dù chưa ai định nghĩa rạch ròi nhưng ai cũng hiểu, nhà
trí thức là những người có tầm hiểu biết rộng, được xã hội quý trọng. Vậy
những người quấy rối trên, họ đã bôi gio trát trấu vào chính cái danh xưng
trí thức của họ. Trong luận văn của Nhã Thuyên có sai trái và lầm lạc rất
nhiều về tri thức và nhận thức. Lẽ ra những “nhà trí thức” kia nếu họ có tri
thức thật thì phải truyền bá tri thức, chuẩn hóa tri thức cho lớp trẻ nói
chung và chỉ bảo cho Nhã Thuyên nói riêng. Như bài viết trao đổi về triết học
với một bạn trẻ của tôi sau đây chẳng hạn.
Tôi muốn viết hơi kỹ một chút bài mới
về “vụ Nhã Thuyên” nên cần thời gian. Trong khi chờ đợi, tôi muốn giới thiệu
lại bài trao đổi tri thức với một bạn trẻ này, như là một ví dụ về sự ứng xử mang tính trí thức
của tôi:
23-4-2014
ĐÔNG LA
|
KANT VÀ AN-TI-NO-MI?
1- Bác viết: “Còn cái
“cuộc cách mạng Copernicus nổi danh của Kant” đưa ra thuyết “không thể biết”
xuất phát từ việc cho lý tính có tính “an-ti-nô-mi”, tức tách đôi thành những
mặt đối lập: Người ta không nhận thức được vật tự nó (Ding an sich), mà chỉ
nhận thức được hiện tượng (Erscheinung) mà nó thể hiện.” “Vật tự nó” (Ding an
sich) theo Kant là gì? “an-ti-nô-mi” theo Kant là gì? “Erscheinung” theo Kant
là gì? “Thuyết không thể biết” của Kant là gì? Và Kant trình bày “lý tính có
tính “an-ti-nô-mi”, tức tách đôi thành những mặt đối lập: Người ta không nhận
thức được vật tự nó (Ding an sich), mà chỉ nhận thức được hiện tượng
(Erscheinung) mà nó thể hiện.” ở đâu?
Bác sẽ trả lời cháu thành 2 ý chính, bao
quát cả câu hỏi:
1- “Vật tự nó”
(Ding an sich) theo Kant là gì?
Ding an sich theo tiếng Anh là Thing in itself. Itself từ điển triết học dịch là tự
nó, wiki dịch là tự thể, có người dịch là tự thân.
Theo wiki: Nguồn gốc
của khái niệm đó từ giới triết học kinh viện châu Âu khi phân biệt giữa những
hiện tượng quanh một sự việc khác với những cái tất yếu nội tại của "bản
thân" nó. Phần "tự thể", an sich, của khái niệm là cách
dịch của từ kath´auto của tiếng Hi Lạp hoặc từ per se của tiếng
Latinh. Nó chỉ những cái có sẵn như "bản tính" của sự vật. Kant mở
rộng ý nghĩa của "tự thể" bằng thêm vào từ "vật" (Ding),
thành "vật tự thể". Ông viết:
“Tôi lại nói rằng:
Có những vật nằm ngoài chúng ta như những đối tượng của các giác quan; chúng ta
không biết được gì về việc chúng có khả năng tự thể là gì, mà chỉ biết được các
hiện tượng của chúng, có nghĩa là các ý tưởng chúng gây ra trong chúng ta bằng
cách kích động các giác quan của chúng ta”. (Kant,
lời
nói
đầu (1783), p.62-63).
[Ich dagegen sage: es
sind uns Dinge als außer uns befindliche Gegenstände unserer Sinne gegeben,
allein von dem, was sie an sich selbst sein mögen, wissen wir nichts, sondern
kennen nur ihre Erscheinungen, d. i. die Vorstellungen, die sie in uns wirken,
indem sie unsere Sinne affizieren. (Kant, Prolegomena (1783), S.62-63)]
Như vậy, theo Kant, Erscheinung
chính là những hiện tượng mà sự vật thể hiện cho giác quan ta nhận biết,
như màu vàng của vàng, màu xanh của lá cây, cái lấp lánh của kim cương v.v… còn
vật tự nó là những cái bên trong thuộc bản chất sự vật mà các giác quan và
kinh nghiệm của chúng ta không nhận thức được. Đó chính là tư tưởng chính của
thuyết “không thể biết” của ông.
2- “an-ti-nô-mi”
theo Kant là gì?
Năm 1781, Kant cho ra
đời tác phẩm chính của ông: Phê phán lí tính
thuần tuý (Kritik der reinen Vernunft).
Kritik der reinen
Vernunft
theo tiếng Anh là Critique of Pure Reason. Trong đó pur là nguyên chất, thuần
túy; reason là lý trí, lý, lẽ phải.
Như vậy Lý tính
nói chung là nhận thức của con người về thế giới của sự vật, sự việc và các
hiện tượng. Về sau Kant còn đưa ra khái niệm Lý tính thực tiễn (Praktischen
Vernunft) nói về lý tính trong phạm vi đạo đức, luân lý. Như vậy Lý tính
thuần túy có thể hiểu là lý tính chung, lý tính lý thuyết.
Quá trình nhận thức
theo Kant khởi đầu từ cảm giác. Chúng đến với chúng ta qua những giác quan khác
nhau, từ da, mắt, tai, lưỡi, vào não. Nói theo Will Durant: chúng quả là một
đám sứ giả hỗn độn khi chen nhau ùa vào những phòng ngăn của tâm thức để kêu
gọi sự chú ý! Nhưng không phải hết mọi kẻ đều được chọn, chỉ những cảm
giác nào có thể đúc kết thành tri giác thích hợp với mục đích hiện tại của ta
sẽ được chọn. Theo Kant, cơ quan tuyển chọn và phối hợp này sử dụng hai
phương pháp giản dị để phân loại nguyên liệu đưa đến cho nó: Cảm thức về
không gian và cảm thức về thời gian; tâm thức sẽ định vị trí cảm giác của
nó trong không gian và thời gian, quy chúng cho sự vật này ở đây hay sự vật kia
chỗ nọ, cho thời gian hiện tại này hay cho quá khứ nọ, biến cảm giác thành
tri giác. Quá trình từ cảm giác trở thành tri thức là:
Cảm giác là một kích
thích chưa được tổ chức, tri giác là cảm giác được tổ chức, quan niệm là tri
giác được tổ chức, tri thức là hiểu biết được tổ chức.
Mỗi thứ là một trình
độ cao hơn cái trước và cuối cùng là tri thức, sản phẩm của lý tính.
(Văn bia của Kant
tại đại học Kaliningrad:
"Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và
gia tăng mỗi khi nghĩ tới: Bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật đạo đức ở
trong tôi")
Theo Kant, bản chất
của lí tính là luôn kiếm tìm tri thức và cuối cùng, tìm cách nhận thức cái
"vô điều kiện" (das Unbedingte) và cái "tuyệt đối (das
Absolute). Nhưng với những quan niệm siêu nghiệm (transzendentale Ideen) như sự
bất tử (Unsterblichkeit) của linh
hồn; sự vô tận của vũ trụ (Kosmos) và Thượng Đế (Gott) thì
ngoài tầm với của lý tính. Kant cho thấy những đối tượng đó không thể chứng
minh được mà cũng chẳng thể phản bác được. Hơn nữa, Kant đã cho lý tính, về
bản chất, có tính antinomi, tức là tách đôi thành các mặt đối lập (theo từ
điển triết học), như: Thế giới vừa vô hạn vừa hữu hạn; Có vật cấu
thành từ đơn tố có vật không; có hiện tượng xảy ra tự do, có cái phải theo quy
luật; có quá trình quy định theo quan hệ nhân quả có cái không.
Phải chăng vì thế mà
Kant đặt tên tác phẩm của mình là Phê phán lý tính thuần túy? Phê phán
có nghĩa là chỉ ra giới hạn của nó.
Với ánh sáng của trình
độ khoa học ngày nay mà “biện chứng”, ta thấy nhiều tư tưởng của Kant còn hạn
chế do trình độ của thời đại ông. Sự bất lực của lý tính trước những quan
niệm siêu nghiệm (transzendentale Ideen) như về linh hồn. Nếu các nhà ngoại
cảm đã nhìn thấy, đạo Phật cho là thần thức luân hồi theo nghiệp báo, vậy khởi
đầu linh hồn xuất phát từ đâu? Về giới hạn của thời gian, nếu vật lý tìm ra Big
Bang, điểm khởi đầu của không thời gian, vậy trước Big Bang là gì? Có lẽ còn
rất lâu loài người không thể nhận thức được những điều đó, và như vậy, Kant có
lẽ mãi đúng. Còn tư tưởng về “vật tự nó” thì khi khoa học ngày nay đã nhìn thấy
được tận đường biên của vũ trụ, tính được tuổi của vũ trụ, ngược lại cũng nhìn
được tận cõi sâu thẳm vô cùng tận của cấu tạo nguyên tử, thấy mỗi chất khác
nhau do cấu tạo khác nhau nên đã thể hiện những “hiện tượng” cho ta thấy khác
nhau. Và cả thế giới cũng đang trông chờ việc xác định một hạt mới tìm thấy
trong máy gia tốc giống hạt Higg 99,9% có đúng là hạt Higg không? Để lắp ghép
mảnh ghép cuối cùng vào Mô hình chuẩn của vật lý hạt. Vì vậy sự “không
biết” là do trình độ khoa học chứ hoàn toàn không phải có một nguyên lý nhận
thức “không thể biết” theo Kant. Còn tính antinomi của lý tính, mọi sự
vật, sự việc về bản chất đúng là có các mặt đối lập, nhưng theo Kant việc nhận
thức chúng có mặt đối lập là sai, và cái “vật tự nó”, theo tôi, là không có!
Tiếc là nhiều học giả triết học họ có thể thuộc lòng vấn đề họ nghiên cứu,
nhưng nếu không nắm được tri thức của thời đại, họ sẽ bị sa lầy trong chính cái
vũng tri thức đó mà không biết mình sai và lạc hậu như thế nào! Trong đó, có
những người chuyên nghiên cứu về Kant.
***
Tính viết mấy chữ mà thành
một bài luôn. Không biết vannguyen
có thỏa mãn chưa? Bác nghiên cứu chủ yếu để hiểu biết nên không coi trọng tính văn
bản học lắm, vì chi li tìm nguồn gốc mọi thứ mất rất nhiều thời gian, cháu muốn
biết thêm thì cứ google mà tra thôi. Chúc cháu học tốt. Nếu gặp mấy ông thầy
như ông Ân, ông Gầu… ở khoa triết nói có quen bác nhé.
1-6-2013
ĐÔNG LA