Từ hôm nay, tôi sẽ viết rõ hơn đôi ý chính trong cuốn Bóng tối
của ánh sáng. Vì cuốn sách bao gồm những vấn đề cao nhất, sâu nhất về văn
chương, khoa học, triết học và tôn giáo, nên trong hành trình để chào đời của
nó, cuốn sách đã phải qua bước thẩm định của các chuyên gia. Tôi đã gặp trực
tiếp vị có tiếng nói quyết định, một tiến sĩ triết học, từng đoạt giải học
sinh giỏi toán quốc gia, quả là một “đối thủ” đáng gờm. Không ngờ ông ấy nói:
“Tôi tin mình là một trong số mấy người ở nước này đọc hiểu hết quyển sách
của anh. Vợ tôi là một PGS Văn học nhưng đọc bài anh viết về văn cũng không
hiểu”.
Vì vậy khi sách đến tay các bạn chắc chắn có nhiều điều không dễ
hiểu.
Để cảm ơn thịnh thình đặt mua sách của chị Phùng Kim Yến, một người
tôi không quen nhưng đã biết khi đọc bài viết về cuộc hành hương về cội nguồn
Phật giáo của chị trên blog Đôi mắt của Thanh Tùng, tôi sẽ viết trước nhất
về bài cũng về Đạo Phật trong cuốn Bóng tối của ánh sáng.
Bài viết đó là một bài đọc sách nguyên là luận án tiến sĩ văn học
của bạn tôi là Nguyễn Hữu Sơn, PGS TS, Viện phó, Chủ tịch Hội đồng KH của Viện
Văn học hiện thời. Để phân tích và trình bầy rõ hơn trọng tâm của công trình
là cách nhìn của đạo Phật về Bản thể và con đường tu chứng giải thoát,
tôi đã viết sâu hơn về Bản thể, về BÁT NHÃ (pañña) và đặc
biệt là Tính Không; và Thiền, cái phương pháp đã giúp cho chính
Đức Phật giác ngộ, đã trở thành cái việc chủ yếu trong con đường tu
tập của các bậc tu hành.
Để thiền định tốt, trong phái Thiền tông thường dùng
các công án để giúp các thiền sinh. Công án không phải là "câu
đố" thường, không thể giải đáp được bằng suy luận lo-gic. Vì vậy với
công án nổi tiếng Tiếng vỗ của một bàn tay, khi người ta cố giải thích
nên đã có nhiều cách giải thích thú vị.
Về tên nhân vật của công án đó thì mỗi nơi viết mỗi khác, nhưng
nội dung thì giống nhau, đó là chuyện một sư thầy hỏi một sư trò là: “Thế nào
là tiếng vỗ của một bàn tay?”.
Người học trò đã nghĩ ra đủ loại âm thanh để trả lời nhưng sư phụ
đều lắc đầu. Cuối cùng khi vào được thiền định thật sự, chẳng còn tìm được âm
thanh nào nữa, người học trò đã “đạt được âm thanh im lặng” và đã hiểu
được tiếng vỗ của một bàn tay.
Nhưng không dừng ở đó, người ta vẫn cố trả lời cái câu hỏi
“Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?”
Làng
Mai viết: “Chúng con biết rằng là khi nói chuyện thường thường phải có
hai người một người nói một người nghe, hai người riêng biệt nhưng trong trường
hợp này không phải như vậy, đức Thế Tôn và con không phải là hai và cũng
không phải là một và vì vậy chúng con hiểu được thế nào là tiếng vỗ của một
bàn tay”
Trần
Đình Hoành bình về “âm thanh im lặng”: “Tức là, trong tĩnh lặng
ta “nghe”, “thấy”, “hiểu” hay “ngộ” được nhiều điều mà khi tâm ta bị phân tâm
vì các “tiếng động” ta không nghe, không thấy, không hiểu”.
5xublog
viết: “nhưng chúng ta có thể thực sự nghe tiếng vỗ của một bàn tay. là tiếng
vỗ âu yếm của bàn tay người cha ru con gái nhỏ ngủ … là tiếng vỗ vai chia sẻ
buồn vui của hai người bạn giữa quán nhậu xô bồ… là tiếng vỗ về âu yếm người
vợ đang mang thai của người chồng đêm hôm khuya vắng… là tiếng vỗ yêu thương
lên hông người yêu giữa phố xá đông vui”.
V.v…
Theo tôi, tất cả những suy tư về “Tiếng vỗ của một bàn tay”
như trên đều hay cả, nhưng chúng như những sự cảm nhận, sự xúc cảm từ một tác
phẩm văn chương hơn là câu trả lời chính xác cho một công án thiền.
Muốn trả lời chính xác, chúng ta phải hiểu về công án là gì. Tôi
đã viết ở bài về Đạo Phật trong cuốn Bóng tối của ánh sáng: “Công án
(tiếng Hán: gōng-àn 公案)
có nguyên nghĩa là một quyết định phải trái trong xét xử của quan phủ. Thiền
tông dùng công án để thiền sinh quán tưởng trong lúc thiền. Công án không
phải là "câu đố" thường vì nó không thể giải đáp được bằng suy luận
lo-gic, nên thiền sinh buộc phải chuyển hóa tâm thức bằng một bước nhảy của
trực giác, qua khỏi sự mâu thuẫn của lý luận nhị nguyên. Trong thiền định, tự
chứng ngộ là kết quả cá biệt của mỗi người; nếu chỉ nghe lời dạy của các bậc
thầy thôi thì thiền sinh không thể thấu hiểu được bản chất của thực tại. Các
vị Thiền sư trong khi chỉ dạy thường đoạt hết mọi cơ hội suy luận của người
bị hỏi và đặt người đối thoại trước một thử thách; người đối thoại có vượt
qua được hay không, thì các ngài sẽ biết qua lời nói và cử chỉ”
Tiếng vỗ chỉ phát ra khi có hai bàn tay vỗ vào nhau, nên câu hỏi
“Tiếng vỗ một bàn tay?” là vô nghĩa, nhưng thói thường người ta hay
dùng suy luận để giải đáp. Thực ra công án đó chỉ là một cái mẹo để sư phụ
vừa khai phóng nội tâm vừa kiểm tra cái vỏ chấp ngã của đệ tử. Vị sư phụ đã
la rầy học trò: "Ngươi còn đắm nhiễm quá nhiều … “Tiếng vỗ một bàn tay”,
ngươi nên chết đi may ra mới trả lời được!”. Thực ra “ngươi nên chết đi” ngụ
ý phải làm chết đi cái chấp ngã. Vậy câu trả lời đúng nhất chính là thái độ
an nhiên trước bất cứ một nghịch lý nào của mọi sự vật.
Theo tôi câu trả lời hay nhất sẽ là: “Thầy hỏi gì kệ thầy, con
không chấp”.
18-7-2013
|