Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

NGUYÊN NGỌC MỚI KHÔNG BIẾT GÌ


ĐÔNG LA
NGUYÊN NGỌC MỚI KHÔNG BIẾT GÌ

Trong bài Hy vọng gì trên basam Nguyên Ngọc viết: “Nhân đây cũng xin được nói luôn: hiện đang có một cái gọi là hội đồng lý luận văn học nghệ thuật  trung ương ban bố mọi thứ đúng sai về văn học nghệ thuật trên cả nước này. Mà đứng đầu cái hội đồng ấy thì theo dư luận là mấy người chẳng dính dáng gì và chẳng biết chút gì về văn học nghệ thuật cả”.
Văn học nghệ thuật cũng như mọi mặt xã hội Việt Nam về mặt tổ chức, quản lý, còn nhiều cái yếu, nên nó không phát triển và đang ở trong tình trạng loạn chuẩn, trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh. Tình trạng loạn chuẩn này được khởi nguồn chính từ công cuộc đổi mới văn chương nghệ thuật do Trần Độ lãnh đạo và Nguyên Ngọc là người phất cờ thực hiện. Cả Trần Độ và Nguyên Ngọc đã sai và bị mất chức từ lâu. Nhưng vì nhu cầu đổi mới là có thật và việc lăng xê những tác giả, tác phẩm sai trái như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, v.v… là “mới”, là “tài năng” đã tạo thành dư luận khủng khiếp, nó cũng tạo ra lực quán tính khủng khiếp, nên dư luận đó còn kéo dài đến hôm nay và sẽ chưa chịu dừng lại nếu không có một lực mạnh hơn chặn đứng. Có như vậy đơn giản là vì việc phân định cao thấp, đúng sai các tác phẩm văn học không dễ như cầm cái nhiệt kế đo nhiệt độ.
Vì vậy theo tôi  là quá tốt và quá cần thiết để có một Hội đồng lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương.
Lĩnh vực Văn học Nghệ thuật là sáng tác, mà sáng tác tất không phải việc đổ khuôn, nên chức năng của Hội đồng không thể là chuyện “ban bố đúng sai” như ý Nguyên Ngọc. Mà chức năng chính của nó theo tôi là tổ chức, quản lý, nó không “ban bố đúng sai” theo khuôn mẫu nhưng lại phải có đủ trình độ và quyền lực để phân định được sự cao thấp, đúng sai.
Với hiện trạng, chính Hội đồng trên cần phải tháo gỡ những nút thắt để phát huy dân chủ, để những nhân tố mới cả về tác giả lẫn tác phẩm nảy nở; cần phải đánh giá, định giá, tôn vinh chính xác và công minh những sáng tác mới xuất hiện, giàu tính sáng tạo, giàu tính phản biện dựa trên nền tảng chắc chắn của tri thức và đạo lý, có tầm tư tưởng cao sâu. Lĩnh vực kinh tế, lẽ ra càng mở rộng tự do làm ăn thì càng phải tăng cường kiểm soát, nhưng vừa qua chúng ta làm chưa tốt nên tệ nạn tham nhũng đã sinh sôi. Văn học nghệ thuật cũng vậy, càng khuyến khích tự do sáng tác thì lại càng cần phải quản lý, giám sát, định giá, nếu không sẽ loạn chuẩn.
Vừa rồi tìm hiểu để gởi sách tôi mới biết Hội đồng lý luận Văn học Nghệ thuật  Trung ương có ông Hồng Vinh là chủ tịch, ông Đào Duy Quát và ông Hữu Thỉnh làm phó chủ tịch. Như vậy nhân sự nghiêng về phía lý luận, chính trị tư tưởng chứ không phải sáng tác. Vì là tổ chức về lý luận nên như vậy cũng là hợp lý. Là người sáng tác, với Nhà thơ Hữu Thỉnh thì tôi biết quá rõ, nhưng hai ông Hồng Vinh  và Đào Duy Quát tôi chỉ biết là hai ông quan to trong lĩnh vực báo chí, lý luận. Thấy ông Nguyên Ngọc bảo các vị “không biết gì” nên tôi lại phải vào google xem sao. Thì ra ông Hồng Vinh từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; từng làm Tổng biên tập Báo Nhân dân; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; từng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô. Ông Đào Duy Quát cũng từng là Phó trưởng ban Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Phó Viện trưởng Viện Mác – Lênin, Hồ Chí Minh; Tổng biên tập Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam; cũng từng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Liên Xô. Vì vậy rõ ràng hai ông về chức vụ và trình độ trong lĩnh vực lý luận đều cao hơn ông Nguyên Ngọc, một người sáng tác và trình độ hình như mới hết cấp 2, rất nhiều.
Vậy mà từ việc phê phán Nhã Thuyên Nguyên Ngọc đã suy ra như thế này: “có một cái gọi là hội đồng lý luận văn học nghệ thuật  trung ương Mà đứng đầu cái hội đồng ấy thì theo dư luận là mấy người chẳng dính dáng gì và chẳng biết chút gì về văn học nghệ thuật cả”.
Lẽ ra Nguyên Ngọc phải là người định hướng dư luận mới đúng, ngược lại ông lại theo đuôi dư luận. Ba ông trên với tôi cũng không phải là ba ông cao siêu khiến tôi phải bái phục nhưng Nguyên Ngọc bảo họ “chẳng biết gì” thì theo tôi là kiểu nói năng lấc cấc.
Vừa rồi nếu họ có chỉ đạo xử lý vụ Nhã Thuyên thì sẽ là một hành động đúng; còn nếu Trường Đại học Sư phạm không biết đường cải tà quy chính mà họ không có ý kiến gì thì chính họ cũng sai.
Với riêng tôi, việc cuốn sách Bóng tối của ánh sáng được chào đời cũng có thể nói là các vị trên có con mắt xanh. Đầu tiên tôi gởi cho Nguyễn Quang Thiều để in. Nhưng tính tôi hay khoe nên cũng gởi cho vài người bạn xem chơi. Vì cuốn sách chứa đựng nhiều điều trọng đại nên dích dắc thế nào đó các vị có trọng trách về văn học nghệ thuật đã biết được. Nghe nói chính ông Hồng Vinh rất thích bài Các Mác-một tình yêu bao la trong cuốn sách. Có điều khi xin giấy phép in ở Nxb Hội Nhà văn thì cuốn sách đã bị giám đốc là ông Trung Trung Đỉnh từ chối. Nghe nói cái ông mặt tăm tối này còn viết hẳn một cái đơn với cái đầu u tối phản đối cuốn sách. Nhân đây, xin mời ông Trung Trung Đỉnh gởi cái đơn ấy cho tôi, tôi sẽ đăng ngay, để tôi có thể chỉ cho ông biết là ông dốt nát như thế nào! Tôi đã cáu, tính làm hẳn cái đơn gửi đến Hội Nhà văn và Hội đồng của ông Hồng Vinh, rồi tung lên mạng cho thiên hạ xem chơi, nhưng người tài trợ bảo tôi không cần, không in chỗ này thì in chỗ khác. Nhưng vì cuốn sách của tôi đụng chạm nhiều người, phá vỡ nhiều chuẩn mực giá trị sai trái, nên nghe nói không chỉ có “thằng” Trung Trung Đỉnh mà còn có cả một “thế lực” ngăn cản việc xuất bản nó. Vì thế sau cả năm trời nó mới được chào đời tại Nxb Hồng Đức thuộc Hội Luật gia VN. Như thế lại hóa hay. Vì một cuốn sách có nhiều chuyện tranh cãi lại in ở nxb của Hội Luật gia. Có thể cái việc kết bè kéo cánh ngầm bảo vệ nhau và hại người, chủ quan khụng khiệng xếp đặt chiếu trên chiếu dưới một cách hủ nho vẫn còn, nhưng không còn được mặc sức tung hoành nữa, vì thời nay là thời của tự do dân chủ và có sự hỗ trợ tuyệt vời là internet. Chỉ với một trang blog cá nhân tôi có thể công kích bất kỳ sự sai trái nào và tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật vì sự công kích ấy. Giờ cuốn sách của tôi đã chào đời, nhân đây không chỉ ông Trung Trung Đỉnh tôi xin “thách đấu”, các vị nào từng ngăn cản cuốn sách hãy lộ mặt “đấu tay đôi” với tôi! Nếu tôi thua sẽ bái phục các vị. Vì đến Einstein cũng sai thì tôi có sai cũng không phải là chuyện mất mặt gì!
Vì vậy, việc một cuốn sách đụng chạm nhiều cây đa cây đề, luận bàn nhiều vấn đề lớn về chính trị tư tưởng và văn học nghệ thuật, “nghe nói” các vị lãnh đạo Hội đồng Văn học Nghệ thuật Trung ương có biết, mà nó vẫn được chào đời. Cùng với việc thơ hiện đại của Nguyễn Quang Thiều không dễ định giá mới được tổ chức thảo luận, theo tôi là những dấu hiệu đổi mới rất tích cực. Phải chăng sẽ có một giai đoạn đổi mới đích thực sẽ diễn ra, không phải như vụ lộn ngược của Trần Độ và Nguyên Ngọc Năm nào.
Vì vậy, cái câu ông Nguyên Ngọc nói “hiện đang có một cái gọi là hội đồng lý luận văn học nghệ thuật  trung ương  Mà đứng đầu cái hội đồng ấy thì theo dư luận là mấy người chẳng biết chút gì về văn học nghệ thuật cả” thì chính Nguyên Ngọc mới “không biết gì” thì đúng hơn.
Vậy Nguyên Ngọc có gì mà dám mạnh miệng tuyên bố như thế? (còn tiếp)
14-8-2013
ĐÔNG LA