Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

NGUYỄN TRUNG VÀ RANH GIỚI MONG MANH

ĐÔNG LA
NGUYỄN TRUNG VÀ
RANH GIỚI MONG MANH

Năm 2002, tôi rất ngạc nhiên nhận được một cú điện thoại của Nhà văn Bùi Bình Thi (Cha của Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) nói là ông phải hỏi bao nhiêu bạn văn mới biết được số điện thoại của tôi, ông bảo lát nữa sẽ có ông Nguyễn Trung, cựu trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sẽ gọi cho tôi để làm quen. Sau đó một lúc thì đúng là ông Nguyễn Trung gọi. Ông hơn tôi đến 20 tuổi, từng có vị trí rất cao trong thể chế, nhưng thái độ lại rất lịch sự, ông nói “xin được làm quen với anh”. Cung Mệnh trong lá số tử vi của tôi có ngôi sao Kình dương nên tính tôi rất cương đối với người cương với mình, ngược lại, lại rất mềm lòng trước sự lịch sự, tử tế. Ông nói sau khi đọc bài giới thiệu cuốn Biên độ của trí tưởng tượng của tôi trên báo Nhân Dân, ông đã đi tìm mua khắp các hiệu sách ở Hà Nội hết cả một buổi chiều mà không được, muốn xin tôi một cuốn. Tôi đã đáp ứng ngay. Rồi sau khi đọc kiểu “ăn sống nuốt tươi” (theo thư ông viết) và thấy tôi có thể “chọn mặt gởi vàng” được, ông gửi tặng tôi cuốn tiểu thuyết đầu tay của chính ông, nhờ tôi góp ý để viết cuốn sau, “cuốn để đời”, cho tốt hơn. Tôi đã viết thư khuyên ông hãy tận dụng ưu thế của mình: một người từng trải, lại ở cương vị biết nhiều chuyện đại sự quốc gia, với cái đầu cố vấn thủ tướng, hãy nâng tầm tư tuởng văn chương của ông lên, và tôi đã hỏi ông: “anh có dám xả thân không?” Sau kỳ tâm giao điện thoại, thư từ ngắn ngủi ấy, cái khoảng cách địa lý và tuổi tác cộng với bao công việc cơm áo gạo tiền bộn bề cứ cuốn đi, đã làm tôi gần như quên ông, tôi không biết “cuốn sách để đời” của ông đã xong chưa, ông còn nhớ đến cái câu hỏi có phần thách thức của tôi đó không?
Thế rồi đến dạo dư luận ồn ào về loạt bài “Thời cơ vàng, hiểm họa đen” góp ý cho Đại hội X của Đảng trên báo Tuổi trẻ của tác giả Nguyễn Trung mà tôi thấy quen quen; phải đến tận khi nhìn hình ông trên tivi trong một cuộc trò truyện, tôi mới nhận ra và tự hỏi, có phải “ông bạn già” đã xả thân rồi không?
Những bài viết của ông đó có nhiều người tâm đắc. Nhưng theo ngôn ngữ thời nay, cả “lề trái”, “lề phải”, đều có người công kích dữ dội. Phạm Toàn, thành viên sáng lập trang Bọ xít (Boxit) hôm nay, viết bài “Nguyễn Trung, người Việt Nam điển hình đương thời” trên talawas 22.2.2006, đã châm biếm, coi những điều tâm huyết của Nguyễn Trung như trò chơi chữ nghĩa vô tích sự, cho ông chỉ “thích hiểm nguy trong lời nói” mà “không thích cái nhọc nhằn của việc làm”, cho Nguyễn Trung là người “đầy lòng tự tinlàm việc đến quá tuổi về hưutrước khi sang cõi bên kia lại vẫn nấn ná để góp ý kiến cho Đảng cầm quyền về nhu cầu và cách thức nắm bắt cơ hội vàng. Tự tin đến thế là cùng!”. Phạm Toàn cũng cho Nguyễn Trung “có một đầu óc tự phê phán cao” nhưng nhát, không dám nói những vấn đề nhạy cảm một cách minh bạch, thẳng thắn, chỉ nói suông, làm ngu dân.
Phía “lề phải” có bài “Ông Trần Thanh Đạm bình cuốn "Thời cơ vàng của chúng ta" trên Vietnam.net (10:07' 03/08/2006):
 “tôi nhận xét xu hướng chung của tập sách là tiêu cực, … phủ nhận nhiều điều trong đường lối hiện tại của Đảng, thậm chí có tính cách phủ định, phủ nhận bản thân sự lãnh đạo của Đảng, đi vào con đường của chủ nghĩa hư vô (nihilisme) và chủ nghĩa thủ tiêu (destructionnisme)... xu hướng này tập trung ở các bài "phông" của tập sách: loạt bài của Nguyễn Trung…”.
Trần Thanh Đạm cũng quy kết Nguyễn Trung rất nặng: “Tính chất dối trá trong bài của Nguyễn Trung, bên cạnh phương pháp lôgích sai lầm còn là phong cách… chính luận có mục đích… gây kích động. Đặc điểm của nó là sự cường điệu, sự phóng đại, sử dụng các biện pháp tu từ để "xảo từ độn ý", "cường từ đoạt lý". Ví dụ rõ nhất là cách nói: thời cơ vàng và hiểm họa đen, kẻ thù núp sau cái bóng của Đảng, Đảng phải vượt qua cái bóng của mình v.v...”.
Đặc biệt, TTĐ còn cho NT là kẻ chống Đảng: “Kẻ thù của Đảng lại chính là Đảng và kẻ thù của Dân cũng chính là Đảng. Nguyễn Trung nói thật khéo, thật xảo quyệt: không phải là Đảng đâu mà chỉ là cái bóng của Đảng thôi, Đảng phải vượt qua cái bóng của mình, tức là làm cái việc không bao giờ làm được”.
Tôi thuộc thế hệ sau, kém tuổi cả ba ông Nguyễn Trung, Trần Thanh Đạm, Phạm Toàn rất nhiều, nên luôn ủng hộ sự đổi mới. Hơn nữa, là nhà văn, tôi luôn cho những tác phẩm phản biện có lương tâm, có trách nhiệm, có tầm tư tưởng có thể cảnh tỉnh luôn quan trọng hơn loại văn chương ca ngợi chung chung. Chúng giống như thuốc của bác sĩ chữa bệnh vậy. Vtamin, nước đường cũng cần cho người bệnh đấy nhưng sao bằng những thuốc đặc trị, có thể tiêu diệt bệnh tật, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Như nhiều bạn đọc đã ngạc nhiên về những vấn đề tôi đặt ra trong các truyện ngắn tôi viết cách nay đã gần 30 năm nhưng vẫn đang được bàn thảo sôi nổi trên nghị trường trong những ngày hôm nay! Vì thế tôi đã bảo vệ Nguyễn Trung quyết liệt.
Tôi cho nhiều góp ý của ông rất hay. Như ông cho “kẻ thù nguy hiểm nhất” đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là “sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất”; “Khắc phục những yếu kém còn tồn tại trong hệ thống không dễ, vì nó đối kháng quyết liệt với quyền lực và quyền lợi”; “Nếu để cho những kẻ làm giàu bất chính câu kết với sự tha hóa trong hệ thống quyền lực tiếp tục lũng đoạn xã hội theo “văn hóa” riêng của họ, thì mọi người tài đức chân chính và mọi thang giá trị xã hội đều có nguy cơ bị lộn ngược”; “Lời giải thật ra phần lớn đã nằm trong tầm tay của Đảng: hiến pháp, điều lệ Đảng và nhiều bộ luật hiện hành khác của Nhà nước!”, “Hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta chưa thể nói là hoàn chỉnh, nhưng khá đầy đủ, cái khó nằm ở chỗ việc thực thi pháp luật nhiều khi bóp méo hoặc vô hiệu hóa pháp luật hoặc các thể chế tốt”. Theo ông: “Chỉ cần Đảng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, phát huy tự do dân chủ trong Đảng để phát huy tự do dân chủ trong cả nước”; “đau thấu nỗi đau của dân tộc, khát vọng da diết khát vọng của dân tộc”.
Với thực trạng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói chúng ta đang đứng trước “nguy cơ tồn vong”; Chủ tịch Trương Tấn Sang nói “đụng đâu vướng đấy” thì những góp ý của Nguyễn Trung ở trên thật xác đáng và cần thiết.
Về một Phạm Toàn từng khóc rưng rức khi đọc thư của “em Từ Huy” ủng hộ “anh Hà Vũ” thì không cần nhắc lại làm gì cho mất công. Nhưng với GS Trần Thanh Đạm thì rất cần phải nhắc lại. Tôi đã công kích GS Trần Thanh Đạm, cho hành động của ông là “một sự xuyên tạc, vu cáo thâm độc” bởi tôi cho: “Không, không bao giờ Nguyễn Trung lại có thể cho rằng Đảng trở thành kẻ thù của nhân dân khi ông viết: “Trong khi nội tình ở nhiều quốc gia có sự tranh giành khốc liệt giữa các lực lượng chính trị để xác lập vị trí lãnh đạo của một lực lượng nào đó, thì ở nước ta Đảng ta là lực lượng chính trị đã được thử thách dày dạn nhất và đang hội tụ được trong hàng ngũ của mình nhiều nhất những công dân ưu tú của đất nước”.
Có điều, đúng như Triết học Mác, thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý. Về logic ngôn ngữ tôi tin là mình đúng, nhưng để thực tế hôm nay “kiểm tra” thì chính GS Trần Thanh Đạm mới đúng. Ông không phải là người mà bọn hãnh tiến luôn quy kết là “cổ hủ”, “Mao ít” mà đúng là một người nhìn xa trông rộng. Ông đã viết:
Khi phê bình những vấn đề thuộc về đường lối, chiến lược của Đảng, người đảng viên phải thẳng thắn, trung thực nhưng phải khiêm tốn, thận trọng, không được chủ quan, tự kiêu, đặt mình đứng ngoài Đảng, đứng trên Đảng để phán xét, để mị dân… Xin dẫn một số ý kiến của Nguyễn Trung để minh họa cho nhận xét trên đây. Ví dụ như nhận định của anh về "thành công của 20 năm đổi mới là đổi mới hệ thống", đó là một nhận định chủ quan. Hệ thống đó là hệ thống nào?… Đó là cách nói hàm hồ và mơ hồ một cách có dụng ý. Hệ thống (Système) tức là chế độ (Régime).
Tôi đã cho Trần Thanh Đạm cố tình không hiểu ý tứ của người viết, suy diễn theo ý mình, quy chụp Nguyễn Trung.  Vì tôi cho Chế độ là một hệ thống chính trị cụ thể của một xã hội. Nguyễn Trung cũng nói về hệ thống, nhưng khi ông viết “Đảng ta là lực lượng chính trị đã được thử thách dày dạn nhất và đang hội tụ được trong hàng ngũ của mình nhiều nhất những công dân ưu tú của đất nướcnghĩa là hệ thống mà ông nói thay đổi không phải là hệ thống chính trị mà là những “hệ thống con”. Như việc cải cách hành chính cũng là một dạng cải cách hệ thống vậy.
Nhưng hôm nay, khi Nguyễn Trung cũng có mặt trong danh sách 72 vị “lật pháp”, đòi thay đổi chế độ, thì những ý của GS Trần Thanh Đạm ở trên hoàn toàn đúng, và ông quả là một nhà tiên tri.
Trong bài phản bác ông của tôi ngày nào đã có thái độ cũng như những nhận xét không đúng về ông, tôi thành thật xin lỗi ông.
Còn cụ thể Nguyễn Trung đã vượt qua cái ranh giới phản biện mong manh như thế nào? (Còn tiếp).
TPHCM
29-8-2013
ĐÔNG LA