ĐÔNG LA
VỚI GS TRẦN ĐÌNH SỬ
Trong cái việc viết lách, tôi có những
mối quan hệ tinh khiết, bởi chúng được nảy sinh trên những giá trị cao quý của
văn chương, hoàn toàn không vương một chút “bụi trần”. Chúng vượt qua ranh giới
của tuổi tác, vị trí và danh tiếng. Như với nhà thơ Chế Lan Viên, tôi thật bất
ngờ sau khi đọc những bài thơ đầu tay của tôi bảo “được giải đấy”, ông đã lập cập vào buồng bê ra một chồng bản thảo
khoe cách làm thơ của ông với tôi. Nghĩa là ông đã coi tôi như một người bạn,
dù ông là một tên tuổi lừng danh và hơn tôi đến 35 tuổi! Một sự bất ngờ khác là
Nguyễn Quang Thiều khi chủ trì làm tờ Văn nghệ Trẻ, tôi là một trong những
người góp bài đầu tiên, một lần Thiều gọi báo: “Ông Trần Đình Sử thích cái bài ông viết về Siêu thực đấy”. tôi cũng
rất bất ngờ vì hồi ấy Trần Đình Sử đã là Giáo sư, Trưởng khoa ở ĐHSP HN, là nhà
phê bình lý luận hàng đầu, còn tôi mới chỉ là “cây viết trẻ”, nhất là trong
lĩnh vực phê bình.
Sau đó, một lần ra Hà Nội, với sự sắp
xếp của bạn bè, tôi đã gặp ông, còn cùng nhau bia bọt ở một quán ngoài trời nào
đó mà tôi không rành ngoài HN nên không nhớ. Một người bạn cũng một lần chở tôi
đến tận nhà thăm ông. Thấy trên tường, ông treo bức tranh chữ 忍 (NHẪN). Ông giải thích, chữ Tàu là chữ tượng hình nên chữ NHẪN
chính là bộ đao đè trên chữ TÂM. Tôi cũng hiểu, đơn giản là vì hồi phổ thông
tôi có học tiếng Tàu; năm lớp 9 trong một cuộc thi, tôi còn đoạt giải “kiện tướng
nhớ từ” của trường cấp III Thanh Miện nữa. Tôi cũng nhớ cô giáo là Đức, cô bảo
tên cô là: Chim chích mà đậu cành tre/
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm: 德”.
Một lần vào TP HCM công tác, ở một khách
sạn gần Trần Hưng Đạo, ông đã gọi tôi đến uống cà phê, ông bảo: “Tôi có mấy chục học trò là tiến sĩ nhưng không
ai viết bằng anh”.
Từ khi có internet, bài vở được đăng
dễ dàng hơn, không hạn chế giấy tờ nên ý tưởng cũng được trình bầy kỹ càng hơn,
vì thế tôi cũng viết và được đăng khá nhiều trên Talawas, Vanchuongviet, phiên bản
cũ của trang web Hội Nhà văn VN... Đến khi có blog thì muốn viết gì thì viết.
Một lần nữa tôi lại ngạc nhiên về Trần Đình Sử vì ông có đọc các bài của tôi
trên mạng. Với lớp trên dưới 70 như ông có rất ít người đọc mạng, không thèm biết
internet là gì. Trần Đình Sử không vậy, ông đọc và còn sưu tập các bài tôi
viết. Một lần ông gọi điện nói để lạc đâu mất cái bài tôi viết về Đỗ Hoàng Diệu
nên ông bảo tôi gởi cho ông. Ông nói các bài phê bình lý luận của tôi rất có
giá trị sao không gởi báo viết để cho nhiều người cần đọc được đọc, mà lại chỉ
đăng trên mạng? Tôi bảo trước khi đăng trên mạng tôi từng gởi tất cả cho báo
Văn nghệ, nhưng chỉ được đăng vài lần thôi (Bài về Lê Đạt và Nguyễn Khải) nên
sau này không gởi nữa. Dường như giới hạn của báo giấy và cả tầm của biên tập
viên nữa là quá chật hẹp so với tư duy của tôi. Rất may là có blog nên nhiều
bài của tôi đã đến được với bạn đọc. Trước đây khi uống cà phê chỗ Trần Hưng
Đạo, ông bảo có mấy chục học trò là tiến sĩ nhưng không ai bằng tôi, thì lần
này ông nói toạc ra là: “Tôi rất khâm phục
anh”. Có thể nhiều người cho là tôi xạo, có điều Trần Đình Sử không chỉ “lời nói gió bay” mà ông còn không chỉ
một lần viết thư nói lên tình cảm của mình dành cho tôi. Tuy là thư riêng nhưng
nói về văn chương, tức là về cái chung, nên tôi có thể công bố được:
Tran Dinh Su
<dinhsutran@yahoo.com> (6/6/09) to me:
“Thân gửi anh Đông La,
Tôi
rất vui mừng vì sau bao chuyện bất công mà anh vẫn viết và đăng trên báo mạng. Đọc
anh tôi thấy thái độ làm việc nghiêm túc, có tinh thần phê phán khoa học, không
hùa theo cảm tính. Mong anh khoẻ và viết được nhiều bài hay. Sự thành công sẽ
đánh bạt những định kiến, phe phái tầm thường. Rất thân ái”.
Tran Dinh Su
<dinhsutran@yahoo.com> 8/22/09 to
me
“Thân gửi anh Đông La,
Tôi
đã đọc nhiều bài của anh và rất có cảm tình về một lối làm việc nghiêm túc, phân
tích sắc sảo, có chủ kiến. Tôi cũng thích một số bài phản biện của anh về phương
diện khoa học tự nhiên, đó là lĩnh vực mà tôi mù tịt.
Về
một số nhà văn, nhà thơ thích dùng tri thức khoa học tự nhiên, là vùng sở đoản của
họ để lập luận, theo tôi nên có cách ứng xử hợp lí, hợp tình. Một mặt có thể
dọn vườn để các vị ấy tự thấy cái nhầm của mình mà tự sửa, bạn đọc cũng nhìn
thấy mà cảnh gíác, không tin theo cái nhầm ấy…
Tôi rất quý mến Đông La, yêu bài viết của Đông
La, chỉ muốn đóng góp một ý kiến nhỏ, mong được lắng nghe như bạn bè đồng nghiệp.
Rất thân mến. Trần Đình Sử”.
Một người viết, có gì mừng hơn khi có
một mối quan hệ và nhận được những lá thư như thế. Vì thế cái tên Trần Đình Sử
trong tôi luôn là một niềm vui, một sự ấm áp!
Trong mối quan hệ này thực ra ông là
người chủ động. Nếu là một kẻ kiêu ngạo tầm thường, tôi sẽ đắc chí mà coi thường
người khác, nhưng thực lòng tôi luôn kính trọng ông. Bởi chỉ có một tư duy khoa
học, một sự thông thái, người ta mới có thể nhìn xuyên qua được lớp vỏ bọc hư
danh mà người đời thêu dệt nên, để nhận ra khả năng đích thực của người khác cũng
như bản chất đích thực của các vấn đề.
Vậy mà gần đây tôi té ngửa khi Trần
Đình Sử, một người tôi luôn quý trọng, một nhà khoa học nhân văn, với bức tranh
chữ (NHẪN) được treo trang trọng trên tường nhà, tôi tưởng ông sẽ có cái nhìn minh
triết về cuộc đời, để có thể hiểu sâu sắc về lịch sử của đất nước này, hiểu hạn
chế của dân tộc này, hiểu được những giá trị quý giá mà chúng ta đang có được
bằng một cách đầy nhọc nhằn; ánh sáng của tư duy ông có thể nhìn xa, xuyên qua
được những tăm tối vây quanh mình; nhưng không, ông lại có tên trong danh sách
72 người đòi thay Hiến Pháp, bỏ Điều 4, đòi tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo
của Đảng v.v… Ông cũng có tên trong danh sách gửi thư cho CT Nguyễn Minh Triết
bênh vực Phương Uyên; và gần đây nhất, ông cũng bênh vực Nhã Thuyên!
Về chuyện “lật pháp” là chuyện quá lớn,
là chuyện chính trị mà với một GS chỉ chuyên sâu nghiên cứu phê bình lý luận
văn học như ông, có những quan điểm không đúng cũng có thể thông cảm. Nhưng những
việc cụ thể như 2 vụ Phương Uyên và Nhã Thuyên thì thật khó.
Phương Uyên là cô sinh viên rải truyền
đơn chống phá, sử dụng cờ của VNCH, một chế độ mà Tổng thống là Nguyễn Văn
Thiệu thì tuyên bố: “Mỹ còn viện trợ thì
chúng tôi còn chống Cộng”; còn Phó TT là Nguyễn Cao Kỳ thì thú nhận là “bù nhìn”, là “con rối”; Phương Uyên còn trương khẩu hiệu: “Đảng Cộng Sản chết đi” viết bằng máu (lợn?); còn mưu đồ đặt bom tượng
đài Bác Hồ; v.v… Vậy một người như GS Trần Đình Sử sao lại bênh vực những hành
động phạm pháp đó?
Còn Nhã Thuyên? Ông cho phê phán Nhã
Thuyên là do không hiểu chuyện trung tâm,
ngoại biên; là sự xung đột về khung
tri thức và thế hệ; là giới hạn
việc nghiên cứu khoa học; là phê bình
kiểm dịch v.v… Nhưng thực tế không ai phê phán Nhã Thuyên như vậy. Không ai
phê phán Nhã Thuyên nghiên cứu thơ Mở miệng. Mà sự phê phán chính là phê phán
những nhận thức sai trái của Nhã Thuyên nói chung và quan điểm sai trái về văn
chương nói riêng qua luận văn nghiên cứu thơ Mở miệng. Vấn đề của Nhã Thuyên
không chỉ sai lầm về học thuật mà còn liên quan đến lịch sử, đến lãnh tụ, đến
chính trị tư tưởng, đến văn hóa nghệ thuật, đến đạo đức và thuần phong mỹ tục.
Trong văn chương có chuyện dơ bẩn, tục tĩu, vì cuộc sống có như vậy, nhưng nó
hoàn toàn khác với chuyện nhóm Mở miệng cho dơ bẩn, tục tĩu là thi pháp, là
chuẩn giá trị. Vậy mà Nhã Thuyên ca ngợi: “Những
thi phẩm này (đúng là phải gọi bằng từ “thi phẩm”) đều sạch, đẹp và giàu năng
lượng cảm xúc”! Ngoài hành động kích động có tính chất phạm pháp của những
kẻ nổi loạn, nhóm Mở miệng còn sử dụng tùy tiện hình ảnh các bậc thần thánh. Đó
là hành động báng bổ của kẻ lưu manh, vô văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng tín
ngưỡng giáo dân. Vậy mà Nhã Thuyên viết: “Hiếm
có bài thơ nào sử dụng những chữ vốn bị cho là cấm kỵ tài tình và hấp dẫn đến
thế, thẳng băng ngang hàng, không kêu gọi lật đổ, mà bản thân nó đầy sức mạnh
lật đổ”
Tôi đã viết: “lỗi này không chỉ là lỗi của Nhã Thuyên và những người liên quan mà còn
là lỗi của Trường ĐH Sư Phạm HN và của cả Bộ Giáo dục. Giáo hội Thiên Chúa giáo
và Giáo hội Phật giáo cần phải kiện những kẻ phạm pháp và kiện Trường Đại học Sư
phạm đã gieo mầm và dung túng một công trình phản giáo dục đến thế!”
Khi viết về những người chống đối và
quấy rối, tôi gọi họ là “bầy đàn”, là
“đám”; tôi luôn áy náy và không khỏi
buồn đau vì trong đó có những người từng rất quý trọng tôi và tôi cũng rất quý
trọng họ; như GS Trần Đình Sử trong bài viết này và ông Nguyễn Trung, vị cựu
đại sứ và trợ lý của cố TT Võ Văn Kiệt. Cũng như với GS Trần Đình Sử, tôi với ông
cũng có mối quan hệ đặc biệt mà ít người biết đến. Số sau có lẽ tôi cũng sẽ viết
mấy câu về ông.
26-8-2013
ĐÔNG LA