Tôi đang viết một bài ủng hộ Việt Nam ta trở thành thành viên HDNQ
LHQ. Cuộc bầu cử sẽ được tiến hành tại phiên họp của Đại hội đồng vào ngày 12/11/2013. Viết chưa xong thì lại nhận được thư của Đại tá Đào
Văn Sử về chuyện ngoại cảm. Tính từ từ đăng vì tôi cũng đã đăng về ngoại cảm nhiều
rồi, tưởng mọi chuyện đã ngã ngũ. Như chuyện “mảnh sành, răng lợn” của Bích Hằng
thì đã có thông tin gia đình Tướng Phùng Chí Kiên khóc xin lỗi Bích Hằng
và tấm ảnh đăng dấu tích hộp sọ Tướng Phùng Chí Kiên rất rõ trong lòng đất. Cả
thư và chữ ký của ĐT Võ Nguyên Giáp “đề nghị” nhờ Bích Hằng nữa:
Qua việc này, tôi thấy thật e ngại. Đó là trong việc tranh biện,
người ta bất chấp thực tế, đi tìm mọi ý kiến đồng tình bất kể đúng sai, để bảo
vệ ý mình chứ không phải để biết sự thực là gì. Với thực tiễn ngoại cảm VN, có
những điều vượt ra khỏi nhận thức của cả khoa học, tôn giáo lẫn triết học,
nghĩa là toàn bộ nhận thức của loài người vẫn còn chưa giải thích được. Mà
theo Triết học Mác, thực tiễn mới là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.
Còn chuyện của Vũ Thị Hòa tưởng cũng đã ngã ngũ sau loạt bài của Đại tá Sử trực tiếp chứng
kiến và thư của những thân nhân liệt sĩ chứng thực khả năng tìm mộ. Vậy mà tôi
lại té ngửa khi thấy ông Vũ Thế Khanh, một người có nhiều công sức trong lĩnh vực ngoại cảm, cũng lại hồ đồ y như Thu Uyên và Nguyễn Lê Cát đã
phát biểu về Vũ Thị Hòa. Có lẽ cũng như ông Cát, ông Khanh chỉ cho việc của
ông mới là đúng, đã bất chấp những ý kiến của Đại tá Sử và Nhà
nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải chứng thực khả năng ngoại cảm của Vũ Thị Hòa,
nên đã cho Vũ Thị Hòa là lừa đảo. Quốc hội đang họp bàn về sửa đổi Hiến pháp sao cho
nhân quyền được bảo vệ tốt nhất, vậy mà toàn những vị có chức sắc, trên những phương tiện thông tin chính thống của nhà nước, lại đang thi nhau tùy tiện xúc phạm
nhân phẩm con người! Mà lại là những con người dấn thân làm việc nghĩa rất cực khổ bằng khả năng đặc biệt của mình.
Vậy tôi phải cho đăng ngay lá thư của Đại tá Sử gởi cho tôi:
|
Thưa Nhà văn Đông La,
Trên VTV1 và một số phương
tiện thông tin đại chúng cho rằng: Khi sống ở Yên Bái, cô Vũ Thị Hoà
bán cá, bán thịt, bán động vật hoang dã và lừa đảo. Tôi hoài nghi.
Một người lặn lội đi tìm hài cốt liệt sĩ bằng cái tâm trong sáng,
không vụ lợi, không hề nhận tiền của thân nhân liệt sĩ… lẽ nào có 2
mảnh đời đối lập vậy ?!
Tôi quyết định về Yên Bái, tìm sự thật. Cùng đi với tôi là phóng viên trẻ báo Quân đội nhân dân, khá xông xáo và
nghiêm túc trong công việc. Anh là
con trai một nhà báo. Đến nơi,
chúng tôi lại có thêm hai người bạn đi cùng là Hoàng Thị Lâm (công
tác tại Đài Phát thanh - truyền hình Yên Bái) và nghệ sĩ Lại Thị
Đông ( Diễn viên Đoàn Nghệ thuật Yên Bái).
Khi chúng tôi đặt vấn đề
tìm hiểu thêm về Nhà ngoại cảm Vũ Thị Hoà thì một số người dân ở
Tổ 15, phường Đồng Tâm – nơi cô Hoà thường trú- nói rằng: Cô Hoà không
lừa ai đâu. Các anh không tin, cứ gặp chị Trà (Bí thư Thành uỷ Yên
Bái) và ông Cường ( Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái) là biết rõ về cô
Hoà. Hai vị lãnh đạo này rất đàng hoàng, gần gũi nhân dân. Tôi cười
vui, nói: Cám ơn các bác. Cô Hoà là công dân thường thì cấp lãnh đạo
cao nhất của Thành phố và của Tỉnh biết làm sao được ? Thế mà mấy
bác không chịu, cứ “xui” chúng tôi đi gặp.
Người chúng tôi gặp đầu
tiên là cựu chiến binh Nguyễn Sơn Lâm – tổ 32, phường Yên Thịnh,
TP Yên Bái.
(Tác giả (bên phải) hỏi
chuyện ông Nguyễn Sơn Lâm( thứ hai bên trái).
Ông là người láng giềng sát vách nhà cô Hoà, những năm cô khốn
khổ nhất. Ông Lâm nói: Đài, báo
nói cô Hoà lừa đảo, tôi không tin. Từ mấy chục năm ở gần nhà cô ấy,
tôi đều nói với các con: Phải “đói cho sạch, rách cho thơm” như cô
Hoà. Chồng đau ốm, nuôi 4 con nhỏ, cô ấy khổ lắm, có lúc cõng con
nhỏ đi mò cua bắt ốc. Khi thiếu, cô ấy mượn tiền, lúc vài chục, lúc
vài trăm. Mượn tôi nhiều nhất là 2 triệu đồng năm 1997. Vài tháng sau
cô ấy tìm cách trả, chẳng quỵt ai,
chẳng lấy cắp của ai cái gì. Cô ấy chỉ bán bánh dầy chứ không bán
cá, bán thịt bao giờ. Sao họ bịa đặt thế. Khi khổ quá, cô ấy theo đi
buôn bán động vật hoang dã, bị họ lừa mất sạch. Cô ấy thế chấp nhà
nên đành mất nhà luôn. Ngôi nhà của cô chú ấy bên cạnh nhà tôi, bây
giờ là của chủ khác rồi. Họ mua rồi đóng cửa để đó.
(Đoàn đứng trước ngôi nhà cũ của gia đình cô Hòa đã
mất vì bị lừa)
Khi ấy, không còn nơi ở, những bạn bè thân thiết thuê nhà cho gia
đình cô Hoà ở. Hiện nay gia đình cô Hoà về sống ở phường Đồng Tâm,
thỉnh thoảng chú ấy ghé tôi chơi.
Còn bà Nguyễn Thị Thư, 25 năm làm chi hội trưởng phụ nữ, 13 năm
làm Chủ nhiệm HTX Yên Thịnh thì
xúc động nói: Ai nói sai cho cô Hoà là mang tội. Tôi thương nó nhất,
vì cuộc đời nó quá khổ, nết na, chăm làm, thương người, sống biết
điều. Cách đây 2 tháng, khi gặp nó, tôi biết nó bị oan khi đi bốc hài
cốt liệt sĩ ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Tôi khuyên nó cứ bình tâm, rồi sẽ
sáng tỏ. Cây ngay không sợ gì.
Bà Nguyễn Thị Thư ( bên phải) tiếp chuyện các nhà
báo
Diễn viên Lại Thị Đông, thêm vào: Những hôm hết sạch tiền, cô
Hoà bảo tôi: Chị ơi cho con em ăn sáng, em gửi tiền sau. Thế là sau đó
cô Hoà vẫn nhớ trả đủ. Khi cô đi bốc hài cốt ở xa, gửi nhà cho chị
em chúng tôi. Chúng tôi đều thay nhau đến chăm nom, giúp góp tiền, gạo
cho chồng con cô. Chúng tôi nói vui: Cô bị oan, đừng buồn. Thày trò
Đường Tăng còn vượt bao kiếp nạn mới lấy được Kinh.
Các ông Tổ trưởng dân phố tổ 14 và 15 phường Đồng Tâm các thời
kỳ( gồm các ông Mai Văn Nhiên, Ngô
Văn Bình, Trần Hữu Minh ) đều có chung nhận xét: Cô Hoà là công dân
tốt, không lừa đảo ai.
Còn Trung tá Hà Đức Bình, phó trưởng phường Đồng Tâm thì cho
biết cô Hoà chưa lừa ai ở phường nhưng có lần bị công an nhắc nhở về
việc cúng bái quá khuya, để nhiều phật tử kéo đến đoạn đường gần nhà
gây ách tắc giao thông. Ông Lê Trung Hiếu ( Phó Chủ tịch UBND phường
Đồng Tâm) cũng có ý kiến tương tự như vậy.
Trước khi rời Yên Bái, tình cờ chúng tôi gặp đồng chí Phạm Thị
Thanh Trà (Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Yên Bái).
Chị vừa họp Hội đồng nhân dân về. Không ngần ngại, chị dừng chân trước trụ sở Thành uỷ, vui vẻ nói: “Các
anh cứ xuống khu dân cư tìm hiểu cho rõ. Hơn một tháng trước, tôi có
gặp cô Hoà tại Thành phố. Tôi biết cô ấy có hoàn cảnh đặc biệt,
mấy năm nay có khả năng tìm hài cốt liệt sĩ. Chưa nghe ai nói cô ấy
lừa đảo”.
Sau khi đến ngôi nhà gia đình cô Hoà đã sống trong những năm cơ
cực ở phường Yên Thịnh, chúng tôi về thăm nhà cô ở phường Đồng Tâm.
Đoàn đứng trước cửa ngôi
nhà mới của gia đình cô Hòa. Chồng cô ( thứ tư bên phải), con gái cô (thứ hai bên phải)
Anh Nguyễn Đức Sửu (chồng cô Hoà, sinh năm 1961) và cháu Nguyễn
Thu Phương (con út, sinh năm 2002) dè dặt đón tiếp chúng tôi. Anh Sửu
tâm sự: “Nhà tôi đi biền biệt, lâu lâu mới về nhưng chúng tôi xác định đi làm việc nghĩa,
giúp đời thì dù xa xôi, cách trở, khó khăn cũng cam chịu, không ca thán gì. Ở nhà bố con
tôi vẫn được bà con lối xóm đùm bọc. Ngôi nhà này cũng do bà con
giúp cho”.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết: Khi chị Hoàng Thị Lâm (công tác
tại Đài Phát thanh - truyền hình Yên Bái) thấy gia đình cô Hoà ở nhà
thuê như vậy, trong khi cô đi xa, làm việc nhân đức nên chủ động bàn
với chị em trong phường mua đất, xây nhà cho gia đình cô. Các chị em
thân thiết tại TP Yên Bái và huyện Lục Yên đã bảo nhau giúp góp. Trong đó có cả những
người ở xa là phật tử và những người coi cô như ân nhân nghe tin cũng
gửi tiền đến. Gần Tết nguyên đán, khi về Yên Bái, biết việc này, cô
Hoà giận lắm, không đến ở. Chị em phải đến thuyết phục, năn nỉ mãi cô mới chịu về nhà. Cô ra điều kiện: Không được làm sổ đỏ tên vợ
chồng cô vì đây là nhà tình nghĩa! Nhưng ở một thời gian, công an yêu
cầu phải chuyển hộ khẩu về. Muốn vậy , ngôi nhà phải đứng tên vợ
chồng cô mới chuyển được. Vì chồng con, cô lại đành chấp nhận làm
sổ đỏ.
Hiện nay hai con cô đang học trường y ở xa nhà. Con trai thì học Trường Thiếu sinh quân. Chỉ còn cháu
út, học lớp 6 ở nhà với bố. Cháu nói với tôi: “Cháu nhớ mẹ lắm.
Nhiều đêm cháu sang nhà cô Lâm hoặc cô Đông ngủ cho đỡ nhớ mẹ.”
Cô Hoà lo đi tìm hài cốt khắp nơi nên việc ăn học của các cháu
đều do chị em thân thiết giúp đỡ. Chồng cô mấy năm nay bị bệnh hiểm
nghèo nhưng vẫn mượn đất vườn các nhà bên cạnh, trồng rau xanh quanh
năm.
Thưa anh,
Tuy gia đình cô Vũ Thị Hoà sống thanh đạm, thiếu thốn về vật chất nhưng ấm áp tình làng
nghĩa xóm.
Thế là rõ. Mọi nỗi lo lắng, băn khoăn trong lòng chúng tôi đã
được giải toả. Cô Vũ Thị Hoà không có hai mảnh đời đối lập, vẫn là
người con gái có tâm sáng và ở hoàn cảnh nào cũng sống đẹp!
Mong anh coi đây là thư ngỏ, công
khai…để mọi người hiểu cô Hòa hơn. Cám ơn anh !
Đại tá ĐÀO VĂN SỬ