Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

VỀ BÀI NÓI CỦA GS TRẦN PHƯƠNG



ĐÔNG LA
VỀ BÀI NÓI CỦA GS TRẦN PHƯƠNG

Hiện trên mạng, những trang “lề trái” và những người đối nghịch với Nhà nước VN hiện thời đang hả hê “rải truyền đơn” bài nói của GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng chính phủ. Tôi hơi bất ngờ về trình độ và thái độ của một vị GS từng giữ những trọng trách cấp “triều đình”. Theo tôi, về trình độ, ông hoàn toàn không hiểu về Chủ nghĩa Mác và ông cũng không hiểu đúng về thực tiễn ở nước ta trong suốt thời kỳ từ “đổi mới” cho đến nay. Về thái độ cũng thật không phù hợp một chút nào khi một vị GS U90 đã nói về những nhà tư tưởng và những vấn đề lý luận cao siêu một cách thẳng băng có phần hung hăng như sau:
“Thế tôi hỏi ông là: bây giờ ông nói là nền tảng của ông là chủ nghĩa Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì đây nhỉ? Thế ông không nói đến chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đâu, cái chuyện đó xa xôi, với các nhà học thuật thôi, có phải không? Thế bây giờ chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì, mà ông nói là nền tảng của ông?”;
“người ta đã trải qua 70 năm (người Việt Nam thì 20 năm) ông xây dựng CNXH theo nguyên tắc mà ông Mác đưa ra, là gì? Chuyên chính vô sản về mặt chính quyền. Thứ hai về mặt kinh tế thì lấy chế độ công hữu làm nền tảng đấy, thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo lao động v.v… Nhưng mà bây giờ ông xem lại tất cả những nguyên tắc đó ông có làm không? Tôi nghĩ ông từ chối rồi còn gì nữa. Có phải không? Khi các ông đổi mới… À, người Việt Nam thì giỏi cái chỗ rằng là ông dùng danh từ để ông lẩn trốn. Ông nói là ông ‘đổi mới’ nhưng thực ra ông ‘thụt lùi’”;
“Ông theo một cái tư tưởng giáo điều mà cái điều này tôi nói là ông Mác sai, ông Mác sai dự kiến là CNXH, với những đặc trưng đó, là dự kiến của ông Mác là sai. Ông Mác có nhiều cái dự kiến phải nói là thiên tài, nhưng riêng dự kiến là những đặc trưng của CNXH là ông Mác sai. Nhưng mà chúng ta không thừa nhận rằng ông ý sai. Chúng ta cứ làm giả vờ như là ta vẫn theo ông Mác. Thì xin lỗi, ông giả vờ ông Mác thì ông đã thay đổi hành động của ông rồi”;
“Bởi vì thế này, thực ra tôi nói là Mác nói là triệt tiêu cái chế độ tư hữu, tôi nói là luận điểm của cụ là sai. Bởi vì 70 năm Liên Xô và Đông Âu, Đông Âu thì 40 năm thôi, ông triệt tiêu cái chế độ tư hữu. Thế là nền kinh tế mất động lực, mất động lực, ông phải lùi lại, thực chất ra ông lùi lại đấy chứ. Việt Nam ta cũng phải lùi lại đấy chứ”;
 “Cái điều mà ông Mác nói về CNXH là chế độ công hữu chiếm địa vị thống trị. Còn ông, thu hẹp cái sở hữu tư nhân đi đến xóa bỏ sở hữu tư nhân, rồi thị trường tự do. Ông làm lộn ngược rồi. Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác!”;
“Hôm nay anh Đào Công Tiến bảo là tư tưởng của Mác có cái sai, có cái đúng. Quá đúng rồi! Tất cả những dự báo của Mác về CNXH và về Chủ nghĩa Cộng sản, tôi xin lỗi, tôi nói thẳng là sai”;
“Nhưng mà hôm nay, nói ra để nói rõ rằng, chúng ta có rất nhiều cái mơ hồ, và chính vì cái mơ hồ trong tư tưởng đó cho nên cương lĩnh đầy rẫy những cái sai. Ông nói CNXH mà ông không hiểu nó là cái gì cả. Ông nói định hướng XHCN mà ông không biết cái định hướng nó là cái gì”;
“Tôi nói thật là chúng ta tự lừa dối chúng ta, thực ra là phải nói như thế. Và chúng ta tự lừa dối chúng ta và đồng thời chúng ta lừa dối người khác. Tôi nghĩ là cái tệ hại đó phải chấm dứt, phải sửa”.
Trước nay với Trần Phương tôi chỉ chú ý chuyện ông kể việc tìm kiếm hài cốt cô Khang LS, em ruột ông, với sự chỉ dẫn của hai nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã (ở TPHCM) và Bích Hằng (ở Hà Nội). Với tôi thì việc ông kể lại tỉ mỉ một cách khách quan, có phản biện, có cân nhắc, suy xét, thì ông chính là một chứng nhân và có công lớn chỉ ra có sự tồn tại của linh hồn và thế giới vô hình.
Chuyện thứ hai tôi biết về ông là một Phó Thủ tướng gắn liền với câu vè mà người dân truyền tụng: “Trần Phương, Trọng Truyến, Trần Quỳnh/Còn ba người đó dân mình đói to”. Chuyện này theo ông Đặng Phong (100 Years-VietNam National University, HaNoi):
Phải 5 năm sau, khi ông giữ chức Phó thủ tướng phụ trách phân phối lưu thông thì bản kiến nghị của ông mới giành được sự đồng tình ủng hộ của các bộ có liên quan, dẫn tới cuộc cải cách giá và lương năm 1985. Kết quả là: hệ thống giá được tự do hoá, tiền lương được tiền tệ hoá, mọi hoạt động mua và bán đều theo giá thị trường. Nhưng cuộc cải cách đã dẫn đến một đợt lạm phát phi mã và vì thế, ông được miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng”.
Câu chuyện Giá-Lương-Tiền đó là chủ trương chung, nhưng chính ông là quân sư và trực tiếp thực hiện, nên thằng San “hô” (Huy Đức) viết trong “Bên thắng cuộc” cho ông bị “oan” cũng không đúng:
 “ông Trần Phương nhớ lại: Tôi quyết định phải từ chức nhưng khi chia sẻ điều này với Đồng Sỹ Nguyên, Bộ trưởng Bộ giao thông, Đồng Sỹ Nguyên nói: “Nếu từ chức, phải từ chức cả Hội đồng bộ  trưởng”. Tôi       bảo: “Đằng nào cũng phải có người chịu trách nhiệm, nếu mình tôi chịu trách nhiệm được với dân thì không nhất thiết phải kéo thêm nhiều người”. Trần Phương bị kỷ luật nhưng, ngay         từ lúc đó, dân gian         đã nói: “Đổi tiền là chuyện Triều đình, cớ sao chịu tội một mình Trần Phương”.
  Vụ giá- lương- tiền chính là một chỉ dấu đánh giá năng lực lãnh đạo của PTT Trần Phương. Ông đã đưa ra cách giải quyết bằng một logic thô sơ, không hiểu và vận dụng đúng cơ sở lý luận của Học thuyết Mác, không lường hết những phát sinh trong thực tiễn, nên đã thất bại. Chợt giật mình nghĩ, nếu ông không bị mất chức mà lên vù vù như Enxin thì không biết ông đã đưa nước mình đi đâu?
Hôm nay, qua bài nói của ông, ông lại thể hiện đúng cái sai lầm đó. Thật e ngại khi nó đang lan truyền như nấm độc sau mưa “trên giời”. Rất mong các nhà lý luận, các học giả ở các viện, các trường quan tâm. Đây chính là thời cơ để các vị “ra tay”, xứng với những bằng cấp, danh tiếng mà chế độ trao cho quý vị. Trong bài nói, GS Trần Phương cũng có câu: “Lắm lúc tôi bảo: trời đất ơi, ba cái thằng trẻ con này đó, nó học một mẩu của chủ nghĩa Mác – Lênin thì nó biết cái gì?!” Điều này thì vị GS U90 từng giữ nhiều chức rất to, rất quan trọng, quả là quá chủ quan. Tìm hiểu thì được biết thực chất ông mới chỉ có học chính trị 2 năm ở Tàu. Tôi đã gởi bài nói của ông cho bạn Lê Quang Trung sinh năm 1989, nghĩa là hàng cháu nội Trần Phương, từng đọc cả bộ Toàn Tập Các Mác, đã một lần gặp tôi nói chuyện khá thú vị, tôi bảo: “Theo chú thì ông Trần Phương sai toét, cháu “ra tay” đi”.
Còn với tôi, chỉ ra cái sai của GS Trần Phương kể cả thời giá lương tiền đến bài nói trên là quá dễ dàng. Nếu tất cả im lặng thì rất có thể tôi sẽ lên tiếng.
16-11-2013
ĐÔNG LA