Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

ĐÔNG LA "ẴM" GIẢI VĂN CHưƠNG TO



Thế là sáng nay, tôi chính thức nhận được thông báo cuốn “Bóng Tối của ánh sáng” của tôi đã được giải thưởng 2013 của Liên Hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam.
 Còn có cả thiệp chúc tết nữa chứ:
 
Thế là sau bao ngày chăm cây lắm cũng có ngày hái quả, tôi đã được giải, mà xem chừng lại là giải to! Giải của một hội của các hội VHNT trên toàn quốc kia mà! Với cuốn sách gai góc của tôi, phản bác những người nổi tiếng hàng đầu, được xuất bản đã là khó, nay được giải đúng là một kỳ tích. Đó cũng chính là một biểu hiện chiến thắng của nền dân chủ mới. Miễn là được giải, là được tôn vinh, còn A, B, C, D không quan trọng. Chính xác, công bằng tuyệt đối trong văn chương là không bao giờ có, còn tùy người chấm giỏi hay dốt, công tâm hay không? Như cái giải báo chí của Thu Uyên vừa rồi là "đặc biệt" nhưng thực chất chỉ là cái “dải rút” mà thôi!
Không biết có phải do tôi có tài thật hay là do công đức tôi bảo vệ cô Vũ Thị Hòa, một thánh nữ, nên các linh hồn liệt sĩ đã phù hộ cho tôi chăng?
Thực tế tôi chỉ gởi dự xét thưởng ở Hội Nhà Văn VN, nhưng lại được giải ở cơ quan to hơn. Số là trong buổi tiệc kết thúc cuộc Hội thảo Khoa học toàn quốc về sự phát triển Văn học Nghệ thuật do Hội đồng Lý luận Phê văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức, tôi được anh Lê Thành Nghị trực tiếp thông báo cuốn của tôi đã bị Ban Lý luận Phê bình của Hội Nhà Văn loại. Tôi nghĩ mình đã đấu tranh bảo vệ lẽ phải cho bao người không lẽ đến lượt mình, mình lại im lặng. Ban lý luận phê bình của Hội Nhà Văn VN có nhiều người từng cho luận văn của Nhã Thuyên được 10 thì hỏi làm sao “chúng nó” bỏ phiếu cho tôi? Dù có ông GS Trần Đình Sử, bậc trưởng thượng trong đó, người từng sưu tập những bài trong chính cuốn “Bóng tối của ánh sáng”, và sau bao ngợi khen cuối cùng ông còn phải thú nhận toạc móng heo ra là “Tôi rất khâm phục anh”! Thư điện tử của ông tôi còn lưu giữ đây!
          Một điều cũng làm tôi thật e ngại, đó là quá nhiều nhà văn có "vấn đề"! Nguyên Ngọc sau 40 năm chiến thắng giờ lại tìm cách chiêu hồi VNCH! Nguyễn Huệ Chi luôn trên tuyến đầu chống phá đất nước. Nguyễn Khoa Điềm làm thơ ca ngợi Hà Vũ, ca ngợi biểu tình quấy rối, cho khi ông hưu thì “Đất cát có giá, còn Đất nước thì mất giá”; Bằng Việt rung đùi tâm giao với Nguyễn Trọng Tạo cho công an bắt Vũ là ngu xuẩn! Rồi “Lập què” cho đóng đinh vào đầu tù binh VC là có gì đâu. Rồi Trần Mạnh Hảo, Võ Thị Hảo, v.v… đều dần trở thành bất hảo! Và còn nhiều nữa!
          xxx
Nhớ lại hồi mới bước chân vào làng văn tôi dự thi đến 3 cuộc thi văn chương ở TPHCM, một văn, một thơ ở Hội Nhà Văn TPHCM và một văn ở báo phụ nữ. Trước đó, khi đến “ra mắt” Nhà văn Nguyễn Khải, tôi mang 3 truyện ngắn, trong đó có truyện “Lễ tưởng niệm” mà tôi nghĩ: “Nguyễn Khải đọc mà không thích thì ông này cũng không phải thông minh như giới nhà văn nói”. Không ngờ Nguyễn Khải thông minh thật, xem xong 3 truyện, ông khen truyện trên:
- Một đời người viết may ra mới kiếm được cái cốt truyện như thế này. Công nhận cái gì có thực thì vẫn hay.
- Không phải thực đâu, em bịa ra đấy!
- Bịa thế mới tài chứ!
Đó là truyện tôi viết dựa vào câu chuyện ông viện trưởng viện tôi bị bệnh nguy kịch, tưởng chết, phe chống ông vì quyền lợi mừng quá đã hí hửng, chuẩn bị làm đám tang cho ông. Nhưng cuối cùng ông không chết. Câu chuyện chỉ ra sự độc ác không cùng của con người, vì quyền lợi, người ta chỉ mong người khác chết, mà người đó lại là nhân vật tài năng có nhiều dự định lớn lao cống hiến cho đất nước.
Giật mình nghĩ lại thì ra Thu Uyên hôm nay cũng hành động y như bọn xấu trong câu chuyện đó. Cũng vì danh lợi, cô ta sẵn sàng đạp lên trên khả năng siêu phàm, đức độ và biết bao công lao của cô Vũ Thị Hòa!
Tôi đã mang truyện ngắn trên đi thi ở cuộc thi của Hội Nhà Văn TPHCM. Nhà văn Trần Thanh Giao trong ban tổ chức đã gọi điện báo cho cô Anh Thơ: “Đông La được giải đấy”. Truyện ngắn thứ 2 tôi dự thi ở báo Phụ nữ, Nhà văn Vũ Thị Thường trong ban giám khảo cũng bảo sẽ được giải. Nhưng cuối cùng cả hai tôi đều không được gì. Còn cuộc thứ 3 là thi thơ ở Hội Nhà văn TPHCM. Thơ tôi không được đăng nghĩa là đã bị loại. Tôi mang đến gặp cô Vũ Thị Thường:
- Đây là chùm thơ cháu dự thi, cô đưa giúp cháu cho chú đọc xem sao.
Cô Thường mới đưa cho Nhà thơ Chế Lan Viên coi. Đây là lần đầu ông đọc thơ tôi, sau mấy tháng tôi kiên trì “phục kích”. Không ngờ tôi nghe ông nói mà té ngửa:
- Ông cũng có làm thơ à, ông làm được đấy, sẽ được giải đấy!
Tôi ngỡ ngàng trước quyền uy của ông, quyền uy của tài năng, ông cho tôi giải ngay tại nhà ông, không cần phải bàn với ai hết.
Sau này tôi còn dự thi một cuộc thi văn chương rất lớn chào giao thừa Thiên niên kỷ mới nữa. Cuộc thi thơ ở Văn nghệ Quân đội kéo dài 2 năm, bài “Tổ quốc- nửa bàn chân dính bùn và máu” đã được xếp đầu nửa chặng, đứng đầu gần 5000 bài, được tặng thưởng hàng năm của VNQĐ. Tưởng giải thưởng cuối cùng đã nằm một nửa trong túi, nhưng cuối cùng lại không được, còn ông Đồng Đức Bốn xếp sau tôi thì cuối cùng lại được. Tôi biết do một nguyên nhân và chỉ cười thôi. Cuộc thi thứ hai tôi thi thơ ở báo Văn nghệ Hội Nhà Văn VN. Nhà thơ Hải Như, tác giả lời bài hát bất hủ, Thành phố Hoa phượng đỏ, tôi biết mà không quen, gọi điện thoại:
-Tôi là người từng giới thiệu Vũ Tú Nam vào hội. (Vũ Tú Nam nguyên là Tổng thư ký Hội Nhà Văn VN, hồi ấy không gọi là chủ tịch, ông này là ông nội siêu mẫu Hà Anh). Nếu tôi có quyền sẽ cho anh giải nhất, thơ anh rất hiện đại mà đạt được sự giản dị.
Nhưng cuối cùng cũng không được gì. Tôi cũng rất buồn và nản, phải chăng phải tài trí cỡ Chế Lan Viên, cái tâm sáng như Chế Lan Viên, mới đủ công bằng với tôi sao? Và hôm nay hình như anh Hữu Thỉnh cũng đã bắt đầu công bằng với tôi. Xin cảm ơn anh!
15-1-2014
ĐÔNG LA