Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

VĂN GIÁ VÀ ĐỊNH GIÁ VĂN GIÁ




ĐÔNG LA

VĂN GIÁ VÀ ĐỊNH GIÁ VĂN GIÁ

Trước đây tôi từng quá ngạc nhiên khi đọc tin 95% GDP của Somalia trong năm 2011 là từ nghề cướp biển. Mới đây TAND TP HCM tuyên phạt tử hình kẻ hành nghề có một không hai chém trước cướp sau. Chỉ có thể nói những hành động như trên là của những kẻ ác, mất nhân tính.

Tương tự, trong sáng tác văn chương, người bình thường cũng không ai có thể hiểu nổi sao lại có những “trường phái” lộn ngược cả đạo lý lẫn thẩm mỹ. Họ coi cái bẩn thỉu, tục tĩu là cái đẹp; sự du côn, lưu manh là cái hay; sự nhạo báng, diễu cợt những cái cao quý thiêng liêng là cái sâu sắc. Thơ của nhóm Mở Miệng chính là một loại thơ như thế.

Việc sáng tác như vậy đã là kỳ quái, nhưng còn kỳ quái hơn khi người ta dốc tâm sức thực hiện một “Công trình nghiên cứu” ca ngợi, tôn vinh thứ thơ đó. Nó lại được tiến hành ở một Trường Đại học Sư Phạm và được một “Hội đồng” cho điểm 10! “Công trình đó” chính là luận văn thạc sĩ của cô Nhã Thuyên.

Cuộc sống vốn bề bộn, việc làm sai trái trên dù hơi muộn vẫn không bị khuất lấp đi. Từ ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu, GS Phong Lê, nhiều nhà phê bình khác và chính tôi đây mới biết và góp tiếng nói. Để rồi những ngày hôm nay những vị, những cơ quan chức năng đã quét dọn đi cái “đống rác văn chương và giáo dục” đó!

Các cụ nói “người khôn ăn nói nửa chừng” là “kẻ dại” đã biết “nửa mừng nửa lo” rồi. Vụ “Luận văn Nhã Thuyên” ngoài bao người, riêng tôi đây cũng đã viết mấy bài, huỵch toẹt hết cả ra, tưởng từ người sáng tác, người nghiên cứu đến người ủng hộ phải biết “lo”, phải biết hiểu mà thấy được cái sai của mình. Không ngờ tất cả vẫn mù điếc trước mọi lý lẽ và chứng cớ, họ vẫn xúm lại cãi chầy cãi cối, không được như những kẻ dại khờ “nửa mừng nửa lo” trong câu ca dao trên mà là những kẻ điên dại!

Họ đã không đậy lại cái bữa tiệc rác rưởi xú uế đó, quên nó đi, mà lại cứ muốn trưng bày ra!

Cách đây vài bữa một anh bạn báo có bài viết của Văn Giá, (giờ đã là PGS. TS, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Lý luận- Phê bình Văn học, ĐH Văn hoá Hà Nội), bảo vệ Nhã Thuyên, được trang của Xuân Diện, (một fan của Bùi Hằng “máu trên máu dưới” thuở nào), đăng và bái phục: “Lâu lắm chưa ngả mũ, hôm nay ngả mũ trước ông Văn Giá! Thật đã quá!”.

Tôi biết Văn Giá từ lâu nhưng thú thực chưa đọc một chữ nào mà Giá viết. Gặp nhau vài lần Giá luôn lịch sự và tôn trọng, vì vậy tôi đã tôn trọng lại bằng cách không đọc Giá, bởi đọc mà thấy Giá sai thì sao còn tôn trọng được nữa? Vụ Nhã Thuyên là vụ lớn, tôi chỉ lên tiếng bởi quá giận khi thấy cái thằng Nguyên quá ngông ngạo và ngu dốt. Cũng có chút buồn khi biết Giá và Nguyễn Đăng Điệp, hai người quen dù không thân nhưng gặp nhau cũng thấy dễ chịu, có trong cái “Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan” gồm: PGS TS Nguyễn Văn Long, TS Chu Văn Sơn, TS Văn Giá, PGS TS Nguyễn Đăng Điệp, TS Nguyễn Phượng và PGS TS Nguyễn Thị Bình (người hướng dẫn), và đã cùng cho Nhã Thuyên hạng xuất sắc (điểm 10)!

Vô trang Xuân Diện đọc bài của Văn Giá thì thấy thất vọng về Giá quá. Vụ luận văn Nhã Thuyên vừa có tính học thuật vừa có tính pháp lý. Vì vậy Giá muốn bênh vực Nhã Thuyên thì phải dùng cơ sở của học thuật tranh cãi để bảo vệ những lẽ mà mình cho là đúng.

Vậy mà Giá cho “Tất cả các ý kiến phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hiện nay đều là của những người hoạt động ngoài lĩnh vực học đường. Họ đọc luận văn này trong tâm thế của người ngoài cuộc”.

Nói như vậy Giá cho “trong học đường” muốn sai đúng thế nào cũng được? Và Giá cho các nhà phê bình phê phán một luận văn có quan điểm thẩm mỹ sai trái về văn chương là “người ngoài cuộc” thì Giá đã nói với tư cách là người đứng ngoài văn chương rồi!

 Giá cho “không thể đòi hỏi những kết quả khoa học ở các luận văn… luôn luôn đúng. Nó cho phép độ dung sai nhất định, với điều kiện cái sai đó cho thấy nỗ lực tư duy của người làm khoa học. Đó là những cái sai lương thiện, có khả năng thúc đẩy tư duy để hướng tới cái đúng, cái khác”.

Tôi đã viết đến Einstein cũng sai thì ai cũng phải có cái sai. Có điều cái sai đó là sai trước những vấn đề chưa biết, đang khám phá. Còn Nhã Thuyên coi thơ của nhóm Mở Miệng là “tài tình và hấp dẫn đến thế” khi họ lấy tục tĩu, bẩn thỉu, diễu cợt, báng bổ làm “thi pháp” (một thứ thẩm mỹ, đạo lý lộn ngược); và cô gái này cũng không ngần ngại ca ngợi nó là “đầy sức mạnh lật đổ”! Như vậy, cái sai của Nhã Thuyên không phải “lương thiện” như Văn Giá nói mà là cái sai của kẻ dốt, kẻ ác!

Văn Giá cho Đỗ Thị Thoan là một người trẻ, có khao khát khẳng định tiếng nói riêng của mình nên cần được tôn trọng. Quả đúng vậy nếu cô bé Thoan này có tiếng nói riêng mới, độc đáo, còn nói lăng nhăng, mất dậy thì vả cho gãy răng chứ tôn trọng cái gì!

Bàn về một vấn đề học thuật và pháp lý mà Giá lại “tôi tự dặn mình không để bị rơi vào những tranh cãi”, chứng tỏ Giá tự thú những ý của mình hoàn toàn chỉ là cảm tính, cảm tình thôi. Viết vậy Giá cũng tự thú là mình đuối lý. Bởi có lý thì chỉ có thằng ngu mới không dùng lý lẽ để đập vỡ mặt những kẻ sai trái, độc ác!

Kết bài viết, Giá viết:

“Tôi cứ nghĩ đến một luận bàn triết học của nhà triết học F. Jullien về Mạnh Tử, trong đó ông có phân tích một chiêm nghiệm của Mạnh Tử như sau: [“Người ta ai cũng có lòng thương xót, lòng chẳng nỡ đối với việc này hoặc việc khác”, từ đó Mạnh tử suy ra: đem tấm lòng chẳng nỡ ấy (đối với người khác) phổ cập đến những điều mình còn nỡ (còn đang tâm đối với người khác), đó là “nhân” vậy] (Xác lập cơ sở cho đạo đức của F. Jullien, Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu, NXB Đà Nẵng, 2000, tr12).

“Lòng chẳng nỡ” (ngược lại với “đang tâm”) không phải là một khái niệm triết học, mà là một kinh nghiệm tồn tại. Hay nói cách khác, nó là một ý niệm thuộc về minh triết. Mà minh triết sinh ra không để cãi lý. Nó để cảm thấu. Và một khi đã cảm thấu được, nó có khả năng “sàng lọc các lý lẽ” (F. Jullien)”.

Ý này chỉ chứng tỏ ông PGS Văn Giá chưa già mà đã lẩn thẩn rồi. Lối ứng xử “lòng chẳng nỡ” như trên có thể rất đắc dụng cho lối sống “đi nhẹ nói khẽ hay cười” để rồi có “phiếu cao” đắc cử, thăng tiến. Khuyên người ta như thế để bảo vệ một tác giả “một công trình khoa học” mà mình cho là bị đối xử sai thì không phù hợp. Xã hội loài người không chỉ có thiện mà còn có ác. Như tôi từng viết, có những vị thánh, nhưng để thành thánh bàn tay họ phải nhúng vào máu của kẻ ác. Cũng như nhiều lần tôi đã dẫn câu nói của Einstein: “The world will not be destroyed by those who do evil, but by those who watch them without doing anything” (Thế giới sẽ không bị phá hủy bởi những kẻ làm điều ác, nhưng bởi những người thấy chúng mà không hành động gì cả).

Tò mò, tôi tìm đọc bài phản biện của Văn Giá về luận văn của Nhã Thuyên. Thật buồn cười khi thấy Văn Giá đã tự thú mình dốt như thế này: “Phải thành thật mà thưa rằng một số vấn đề lý thuyết mà luận văn đưa ra để lấy đó làm điểm tựa cho việc triển khai hoặc tôi chưa có điều kiện để tâm đến nơi đến chốn, hoặc hoàn toàn mới mẻ so với tôi, ví dụ lý thuyết về samizdat chẳng hạn. Đó là điều làm cản trở cho việc đọc thẩm định một luận văn đề cập tới một vấn đề phức tạp như thế này”.

Là một người phản biện lẽ ra không chỉ thấu suốt vấn đề mình phản biện mà còn phải hiểu được vị trí của nó trong tổng thể các tri thức liên quan. Còn nói như Văn Giá ở trên thì phản biện làm gì? Phải chăng những người trong cuộc “trong học đường”, như Văn Giá nói, đã học hành, nghiên cứu, cấp bằng, cấp học vị, phong tài, phong giỏi cho nhau chỉ như một cuộc túm năm tụm ba, thông đồng, gật gù bày ra cho xong việc?!

Càng ngạc nhiên hơn khi Văn Giá viết:

“Tôi nghĩ rằng, lâu nay xã hội Việt Nam chúng ta sống trong một chế độ toàn trị kéo dài, và thời hạn của nó thì không ai có thể lường hết được”.

Không ngờ một anh chàng (với tôi) có vẻ hiền từ như Văn Giá cũng là một chiến sĩ chống cộng đáo để. Đảng ta là “lãnh đạo toàn diện”, chỉ những người chống chế độ mới cho là “toàn trị” thôi. Nếu Giá thấy bị nhà nước cai trị thế sao không bỏ quách cái nhà nước độc ác đó ra sống tự do như “Nhà văn Đông La” đây này, chui vào rồi luồn lách làm gì cho nó khổ!

***

Cái lý để Văn Giá bênh Nhã Thuyên chính là việc Văn Giá cho:

 “Xét riêng trong lĩnh vực văn hóa hiểu theo nghĩa rộng, hiện nay chúng ta đang  trong một  thời kỳ  cực kỳ hỗn  loạn, mất phương hướng. Cái mà  lâu nay chúng ta vẫn nghe về việc “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ban đầu là một sáo ngữ, và hiện giờ đã trở thành một tử ngữ. Những khao khát đắp bồi, sáng tạo văn hóa bị mắc kẹt trong những định chế vừa do thể chế đương đại, vừa do truyền thống đặt ra”; “Liệu có thể trông chờ vào các chính sách ưu tiên của thể chế này? Câu trả lời là chưa thể hoặc không thể. Vậy thì chỉ có cách “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, nghĩa là mỗi các nhân/ nhóm cá nhân phải bằng mọi thể nghiệm, sáng tạo, cách tân nhằm đạt tới thành tựu văn hóa. Nếu nhiệt tình cách tân mà không được bảo hiểm bằng tài năng thì khó có thể thành công, quá lắm họ chỉ được tôn vinh như vị trí của kẻ lát đường.

Tôi nghĩ, nhóm Mở miệng  là một nhiệt  tình cách  tân đáng khâm phục. Toàn bộ  tinh  thần của họ  từ  tuyên ngôn, đến việc  làm  thơ và xuất bản  theo cách của họ biểu hiện hai vấn đề cơ bản:  thứ nhất phản kháng  lại  thiết  chế, đòi quyền thực thi dân chủ trong xã hội; và thứ 2, đòi dân chủ trong sáng tạo thi ca và  trong phẩm tính thi ca”.

Nói chung, xã hội như một bệnh nhân, một bệnh nhân cần bác sĩ chứ không cần kẻ giết người. Tôi sẽ cúi đầu bái phục những ai như tôi đang phê phán những cái sai của Bộ Quốc phòng, VTV, QK7, Tỉnh Bình Phước và những kẻ cơ hội “xôi” của Đảng cũng đớp, “thịt” của phía chống Đảng cũng xơi, chung tay giúp cho xã hội ổn định và phát triển.

Vì vậy, ý của Văn Giá ở trên về sự trì trệ “trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh” có những cái đúng, nhưng Văn Giá “khâm phục” nhóm Mở Miệng là sai!

4-4-2014

ĐÔNG LA