TRƯỚC BẪY “HỮU NGHỊ” CỦA
“BẠN” TRUNG QUỐC
Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ
TQ, đến Hà Nội trong lúc Biển Đông đang nóng như chảo nước sôi. Nhưng trước
thái độ cương quyết, thẳng thắn của phía chủ nhà, Dương Khiết Trì lại đáp lại
với thái độ bình tĩnh, và còn hơn thế, rất ung dung đường bệ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định
lập trường về chủ quyền của VN với Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là “không
thay đổi và không thể thay đổi”. Dương Khiết Trì lại đáp lại bằng việc chuyển
lời thăm hỏi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình đến Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước Việt Nam; khẳng định
Đảng, Chính phủ TQ hết sức coi trọng và luôn mong muốn phát triển quan hệ tốt
đẹp, ổn định lâu dài với VN.
Tiếp Dương Khiết Trì, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng cũng cho hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền
của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của
Việt Nam. Dương Khiết Trì cũng lại khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Đảng, Chính phủ và nhân dân TQ coi trọng và chưa bao giờ thay đổi phương châm
hữu nghị trong quan hệ với VN.
Trong cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Dương Khiết Trì, Phó Thủ tướng Phạm
Bình Minh cũng khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TQ rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của VN,
kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột. Dương Khiết Trì cũng lại khẳng
định Đảng, Chính phủ và nhân dân TQ luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị
với VN, nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để
xảy ra xung đột!
Còn thái độ của Tập Cận Bình, người
lãnh đạo cao nhất TQ? Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 30/5
tại thủ đô Bắc Kinh, Tập Cận Bình nói rằng tình hình ở Biển Đông “nói chung là
ổn định” và tuyên bố “Bắc Kinh sẽ không gây bất ổn ở Biển Đông”!
Chúng ta thấy có một vẻ như ngược đời
giữa hành động động chân, động tay hung hãn ngoài biển với thái độ của một cái
đầu bình tĩnh, luôn hữu hảo, thủy chung trước sau như một. Nhưng suy ngẫm kỹ
chúng ta sẽ thấy sự thâm hiểm qua cách ứng xử như trên của phía Trung Quốc.
Vì họ coi Hoàng Sa, Trường Sa là
của họ nên chuyện đặt giàn khoan là chuyện đương nhiên, vì thế với họ, tình
hình Biển Đông là “ổn định”. Với sự phản ứng của Việt Nam, Tập Cận Bình
chỉ cho là “những dấu hiệu xuất hiện đáng để chúng ta quan tâm”. Nay Dương
Khiết Trì đến Hà Nội cũng rất bình thản. Trước những bức xúc của những nhà lãnh
đạo của Việt Nam đối với vấn đề tranh chấp trên biển, Dương Khiết Trì một mặt
nêu lại “lập trường của TQ”, đồng thời cũng bày tỏ nhất trí hai bên cần tiếp
tục các kênh trao đổi, tiếp xúc song phương, để giải quyết tình hình căng thẳng
hiện nay và cùng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác hiện có giữa hai nước.
Như vậy phía Trung Quốc coi chuyện đặt
giàn khoan là chuyện bình thường của “tôi”, còn phía “bạn” Việt Nam sai, có nóng
nẩy, “chúng tôi” rất thông cảm, cần ngồi lại bình tĩnh nói chuyện. Và kết cục
“chúng tôi” sẽ độc chiếm được Biển Đông một cách hòa bình, tình hình vẫn ổn định,
trước mắt bạn bè quốc tế như Chủ tịch Tập của “chúng tôi” nói: “Người dân Trung
Quốc luôn yêu chuộng hòa bình và luôn theo đuổi, cũng như truyền lại cho thế hệ
sau niềm tin vững chắc vào hòa bình, hữu nghị và hòa hợp”.
Cái thâm của thằng Tầu là thâm như thế!
***
Chúng ta hãy liếc qua tí CÁO BẠCH
CỦA BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC VỀ HYSY981.
Họ cho hoạt động khoan thăm dò do
HYSY 981 là sự tiếp tục của một quá trình thường xuyên trong lãnh thổ của Trung
Quốc. Việt Nam đã có hành động khiêu khích, phá rối mạnh mẽ và phi pháp, đã vi
phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm trắng trợn luật lệ quốc tế,
gây ảnh hưởng xấu đến quyền tự do và an ninh lưu thông trong khu vực biển, làm
tổn hại đến hoà bình và ổn định trong khu vực.
Quần đảo Tây Sa là một phần vốn có
của lãnh thổ Trung Quốc. Từ triều đại Bắc Tống (960-1126), chính phủ Trung Quốc
đã thiết lập thẩm quyền. Năm 1909, Đề đốc Lý Chuẩn của hải quân nhà Thanh đã
thanh sát quân sự trên quần đảo Tây Sa và tái khẳng định chủ quyền của Trung
Quốc. Năm 1911, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã công bố quyết định đưa quần đảo
Tây Sa vào dưới thẩm quyền của Huyện Ya thuộc đảo Hải Nam, v.v…
Từ cổ xưa, Việt Nam đã chính thức
công nhận quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Quan điểm này đã
được phản ánh trong các tuyên bố và ghi chú của chính phủ cũng như trên báo
chí, bản đồ và sách giáo khoa của VN. Năm 1956, Thứ trưởng Ngoại giao nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa Ung Văn Khiêm, rồi năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều
có tuyên bố Việt Nam “công nhận và hỗ trợ tuyên bố của chính phủ nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc”, v.v…
***
Như vậy từ hành động đến lời nói
phía Trung Quốc như trên họ đã quyết đoán và có những điểm chắc chắn hơn ta.
Còn phía ta, ồn ào hơn, rất hay là
ta được dư luận quốc tế ủng hộ. Nhưng tiếc là có nhiều lý lẽ của các học giả
lẫn những người có trọng trách thì đến người Việt cũng khó thuyết phục nói chi
phía Trung Quốc!
Lại phải xin nhắc lại, những chứng
cớ phía Trung Quốc đưa ra như sách giáo khoa và bản đồ của ta in sai cách nay
cả nửa thế kỷ thì chúng hoàn toàn không có tính pháp lý, chúng chỉ là tài liệu
tham khảo, giảng dậy và học tập, được biên soạn bởi một hoặc một nhóm tác giả,
nên hoàn toàn có thể có sai sót. Mà tính pháp lý phải là luật biển được Quốc
hội VN thông qua và những chứng tích, dấu tích, bản đồ từ cổ xưa cho đến nay
đều thống nhất xác nhận chủ quyền Hoàng sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Còn
những tuyên bố của vài quan chức ngoại giao trong hoàn cảnh VN đang nhờ vả
Trung Quốc chỉ có tính “ngoại giao”, cũng không có tính pháp lý vì cương vị của
họ rất bé so với vấn đề rất lớn là tuyên bố về lãnh thổ. Riêng lá thư của cố TT
Phạm Văn Đồng, cần phải hiểu chính xác cụ chỉ “tán thành” bản Tuyên bố “quyết
định về hải phận của Trung Quốc”, còn Hoàng Sa và Trường Sa vốn của Việt Nam
tất cụ không công nhận.
Vậy trước quyết tâm độc chiếm Biển
Đông một cách êm xuôi của phía Trung Quốc, ta chỉ còn cách là chơi bài ngửa
thôi, hãy chuẩn bị hồ sơ kỹ càng và đầy đủ nhất để kiện Trung Quốc trước tòa án
quốc tế, đồng thời đấu tranh mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa trên mặt trận ngoại
giao, với hậu thuẫn của dư luận quốc tế. Còn ngoại giao song phương giữa ta và
Tầu thì càng mềm mỏng ta lại càng phải kiên quyết. Cần cảnh giác cao độ, không
được cả nể rơi vào bẫy “hữu nghị” của phía “bạn”!
19-6-2014
ĐÔNG LA