Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

BÀI VIẾT GỞI ÔNG VŨ ĐỨC ĐAM: CÁC LINH HỒN LIỆT SĨ CẦN LÊ - VÔ MINH CHẮN LỐI!



BÀI VIẾT GỞI ÔNG VŨ ĐỨC ĐAM:

CÁC LINH HỒN LIỆT SĨ CẦN LÊ - VÔ MINH CHẮN LỐI
      Tôi xin đăng lại bài về vụ Cần Lê cho những người có trọng trách điều tra có bằng chứng tham khảo sau khi được tin Thu Uyên đưa tin như sau:     
Nguyễn Phạm Thu Uyên
https://www.facebook.com/beloved.mamacat/posts/10155704203819718

Vậy là sau Thúy - Duyên, đến lượt "nhà/ nhóm ngoại cảm" thứ hai trong danh sách NGOẠI CẢM LỪA ĐẢO mà TRỞ VỀ TỪ KÝ ỨC đã điều tra, đã bị khởi tố và có lệnh tạm giam đầu tiên!
TVTKƯ đã bàn giao tập hồ sơ điều tra, cùng khoảng chục tiếng video kèm lời giải băng, cho Công an Điều tra tỉnh Vĩnh Phúc, theo đề nghị của các anh. Trước đó 4 năm, chúng tôi cũng đã giao tập hồ sơ này cho A83, Bộ Công an.
Vũ Thị Hòa và cái gọi là "Đoàn tâm đức Yên Bái" "tìm mộ liệt sĩ" đã lộng hành tung trời trong đất Nam, đặc biệt địa bàn Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, 1 chút Bình Phước, Gia Lai. Khi bị vạch mặt vào năm 2014, Hòa và thân cận trở ra Bắc, chọn Vĩnh Phúc để lập cơ sở, mua gom đất, hành nghề dị đoan chữa bệnh bằng nước La Vie, Độc đáo là khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp/ hộ tư nhân vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu thuốc Nam, chỉ trong 1 đêm, Vũ Thị Hòa đã được Sở chức năng lập xong bộ hồ sơ giả (vốn giả) để được đưa vào diện hỗ trợ.
Đó chỉ là 1 ví dụ về sự bảo kê cho Vũ Thị Hòa và tay chân. Còn từ khi Vũ Thị Hòa đang lừa đảo trong việc làm giả mộ liệt sĩ, Hòa đã có trong tay hàng loạt chiếc ô che chắn: 1 ủy viên trung ương giữ chức trong lĩnh vực tư tưởng, 1 nhà thơ thần đồng ngày xưa, nhà báo và cựu nhà báo, vài Dư luận viên (chính thức), 1 đại tá quân đội thuộc Bộ TTM,.... Dù bị vạch mặt làm giả, bị Quân khu 7 ra lệnh trục xuất,... những người này vẫn đưa bài ca "cô Hòa mắt sáng lòng trong" lên ca ở 1 vài báo chính thống. Còn tôi thì được "người mình" đe dọa, kể cả dọa tạt axit.
Nhưng, đáng nói nhất, là vụ này mang lại 1 vết nhục cho giới khoa học Việt Nam. Một viện nghiên cứu khoa học với đông đảo các tiến sĩ có tên, Viên Nghiên cứu Tiềm năng con người, lại phong cho Vũ Thị Hòa chức danh "cán bộ của Bộ môn Khoa học dự báo" "có khả năng thấu thị ứng dụng trong dự báo và tìm mộ từ xa"! (Và tôi không muốn nhớ lại thái độ xuýt xoa của họ khi làm việc này!)
Ngụy biện với các nhà khoa học ở Viện sao mà quá đơn giản! Các vị ở Viện đã nghe Hòa thông báo trước: Ngày mai đào ở vị trí đó, sẽ thấy cái bi đông cái đèn pin cái lọ peneciline như thế này, khắc chữ thế này,... Mai đào lên, thấy y như thế. Các vị bèn trầm trồ ca ngợi "ngoại cảm, ngoại cảm"! Họ không suy nghĩ 1 chút để hiểu rằng: Hơn ai hết, kẻ mang những vật đi chôn xuống đất, sẽ biết rõ nhất về chúng, khỏi cần "thấu thị"! Các nhà khoa học này bị xiếc dễ như lừa trẻ con coi ảo thuật! Thật thất vọng!
Cảm ơn Công an Vĩnh Phúc! Cảm ơn Cục Người có công đã luôn hậu thuẫn cho chúng tôi khi điều tra cũng như khi cung cấp tài liệu cho Bộ Công an. Chân thành cảm ơn anh Hoàng Công Thái - người lính, người Cục trưởng tận tâm nhất với các gia đình liệt sĩ! Chúng tôi, Uyên, Trần Ngọc Diên, Luân, Cù LúLam Phan Tan mong vụ này sớm kết thúc để có cảm giác hoàn thành nhiệm vụ!
Đây là 2 số TVTKƯ (phát sóng 2014) có nói về Vũ Thị Hòa:
Số 25 (~từ 3:00 đến 30:00)
http://trovetukyuc.vn/video/tro-ve-tu-ky-uc-25/
Số 22 (~từ 8:00 đến 17:00)
http://trovetukyuc.vn/video/tro-ve-tu-ky-uc-22/                   

Gởi ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

          Tôi là Nhà Văn Đông La (tên trên CMND: Nguyễn Văn Hùng).

Quê quán: Đông La, Hồng Quang, Thanh Miện, Hải Dương.

Thường trú tại TPHCM.

Tôi là Nhà Văn thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam, Giải thưởng Phê bình Lý luận của Hội Liên Hiệp VHNT Việt Nam năm 2013, tặng thưởng phê bình lý luận và thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1997 và 1998; đồng thời tôi cũng từng là cán bộ nghiên cứu hóa dược, Giải A sáng tạo KHKT TPHCM năm 1993.

          Tôi gởi cho ông bài viết này với tư cách một công dân, thực hiện quyền dân chủ ở một nhà nước pháp quyền, đồng thời là nỗi bức xúc của một cựu chiến binh, từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 Giải phóng Miền Nam, về vụ quy tập hài cốt liệt sĩ tại Cần Lê Tây Ninh.
  Vào ngày 27, 28 tháng 4 năm 2013, có một vụ quy tập khá quy mô và rầm rộ hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại trận đánh căn cứ biệt kích Cần Lê thuộc huyện Tân Biên, Tây Ninh. Vụ quy tập đã được tổ chức bởi Trung tâm Thông tin tìm kiếm HCLS thuộc Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam phối hợp với Quân đoàn 4, dưới sự chỉ dẫn của cô Vũ Thị Hòa:


Căn cứ Cần Lê mà trước kia phía địch gọi là Tống Lê Chân là một vị trí quân sự khá quan trọng trong vùng ranh giới của hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long, nhằm chặn bàn đạp xuất phát của Quân Giải phóng đánh vào Tây Ninh từ hướng Căm-pu-chia. Dưới chân căn cứ là trục giao liên Nam - Bắc giữa căn cứ Trung ương Cục miền Nam với vùng kiểm soát Tam giác sắt của quân Giải phóng:


Ngày 7 tháng 8 năm 1967, các đơn vị thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, QĐ4, Quân Giải phóng miền Nam đã tập kích căn cứ Tống Lê Chân. Khi tiếp cận, quân ta bị lộ do gặp một con hào địch có nuôi ngỗng để báo động. Cuộc chiến đã diễn ra rất ác liệt, quân địch với sự hỗ trợ tối đa của các trận địa pháo cùng các cuộc không kích của Mỹ đã gây cho quân ta thương vong nặng nề.

9- 1995, một cựu chiến binh Mỹ thuộc US Army Special Forces từng đóng ở Tống Lê Chân báo cho Đại sứ của ta ở Mỹ rằng: “Khoảng 8-7-1967 vào nửa đêm trại của chúng tôi bị một trung đoàn Bắc VN đánh… Bắc VN chết 152 (KIA) và chúng tôi chôn phần lớn họ trong hào gần đường băng”. Mẫu thông tin (Veterans Initiative Information Form) viết: “có một chỗ chôn lấp (100-150 xác) tại Tống Lê Chân (Burial site, 100-150 bodies, in Tong Le Chon area), ngày 7-8-1967, thộc Tỉnh Bình Long, của bộ đội Bắc Việt”.

Đại tá Nguyễn Sĩ Động, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, người trực tiếp tham gia trận đánh trên, cho biết: “Đại sứ gửi (thông tin) cho quân khu 7, đưa về Tây Ninh tìm suốt mà không thấy. Đến năm 2010, tôi biết nhiều gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ, không biết hy sinh ở đâu chỉ biết ở chiến trường miền Nam! Tôi đã đưa một gia đình vào Sư đoàn 7 gặp, bắt đầu chính thức đặt vấn đề. Năm 2012, gửi thư cho Đại tướng Phùng Quang Thanh, ông chỉ đạo tiến hành nhưng chưa tìm thấy” (Theo http://vov.vn/). Đặc biệt, CCB Nguyên Văn Tính, nguyên trung đội trưởng trinh sát thuộc trung đoàn, đã báo cáo là ông từng trực tiếp quan sát thấy xe ủi của địch ủi xác liệt sĩ của chúng ta xuống một hố dài 20 m. Nó chính là cái hố địch nuôi vịt để báo động.

Tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Mặt trận 479, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4, hiện là Giám đốc Trung tâm Thông tin tìm kiếm HCLS thuộc Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam, theo những văn bản gởi Bộ Quốc phòng, ông đã trình bầy từ các thông tin trên, ông đã cùng CCB Nguyên Văn Tính trực tiếp đi kháo sát tại thực địa. Từ những dấu tích là lô cốt cũ, các ông đã vẽ thành sơ đồ, tương đối khớp với Bản đồ tỷ lệ 1/50.000 của Bộ Tổng Tham Mưu in năm 1997và sơ đồ trận đánh. Nhưng nơi chiến trường xưa giờ đã thành những rẫy trồng sắn (khoai mì) mênh mông, cách vài mét đã không thấy mặt người. Họ chỉ xác định được vị trí tương đối hố chôn liệt sĩ. Việc tìm tới đích chính xác gần như vô vọng.  

Và rồi Tướng Nguyễn Ngọc Doanh đã gặp được cô Vũ Thị Hòa. Chính ông đã khẳng định với tôi là: “Không có sự chỉ dẫn của cô Vũ Thị Hòa thì không thể nào tìm được”.

***


Câu chuyện bắt đầu từ một đồng đội cùng chiến đấu với Tướng Nguyễn Ngọc Doanh tên là Miên, đã nhờ cô Hòa tìm được người anh, đã báo cho ông biết. Tướng Doanh đã tìm cách gặp được cô Hòa tại một nhà trọ ở Quận 12. Ngày 4-3-2013, khi cô còn hoàn toàn chưa biết gì về cái tên Cần Lê hay Tống Lê Chân nhưng chính bằng thiên nhãn thông (theo Đạo Phật) cô đã nói cho tướng Doanh ghi chép có bao nhiêu liệt sĩ có tên, có các vật dụng là 3 cái bình tông, 2 cái của Trung Quốc khắc tên Tạ Đức Ban, Hà Văn Lung và một bình tông của Mỹ khắc tên Trần Duy Phú. Lần thứ 2 gặp, cô nói tiếp hố chôn dài khoảng 5m, rộng 70 phân, sâu 1m 2. Còn có quả mìn như bắp chuối cách chỗ chôn 50-60 m trên mặt đất. Sau khi chuyện trò rất nhiều về cô Hòa, vị tướng già nói với tôi: “đúng là mình cũng không hiểu”; “đặc biệt là người ta ngồi ở Q 12 mà lại nhìn được ở tận Tống Lê Chân, nói những sự vật nào thì đào lên đúng như thế… thế mới giỏi”!

Từ tất cả những thông tin đó, ngày 27, 28 tháng 4 năm 2013, công việc quy tập hài cốt các liệt sĩ đã được tiến hành. Chỉ khi người ta cho xe chở cô Vũ Thị Hòa đến thực địa thì cô mới biết nơi quy tập. Các chiến sĩ trẻ là những người trực tiếp đào bới theo những vị trí mà cô đánh dấu. Thú vị ở chỗ khi đối chiếu với sơ đồ, Tướng Doanh thấy những dấu mốc đó gần với vị trí hào nuôi vịt (cô Hòa đính chính là cô nhìn thấy ngỗng mầu trắng cổ dài chứ không phải vịt) mà ông cùng CCB Tính đã vẽ :


Như vậy việc nhà báo Thu Uyên, trên chương trình Trở về từ ký ức phát trên VTV1, đã dẫn ra cuộc quy tập này, nói cô làm giả hiện trường, làm giả vật chứng, làm giả hài cốt để “lừa đảo”, “trục lợi trên xương máu các liệt sĩ” là hành vi vu khống trắng trợn! Nói như cô ta thì chính Trung tâm của Tướng Doanh và QĐ4 mới là nơi chủ mưu, bày ra việc khai quật để lừa đảo! Cô Hòa chỉ là người được họ mời chỉ giúp. Thiết nghĩ hai đơn vị trên cần kiện cô Thu Uyên và VTV của ông Trần Bình Minh ra tòa!

Kết quả quy tập thành công còn hơn cả thành công. Với sự chứng kiến của hàng trăm người, từ các tướng tá, nhà báo, nhà nghiên cứu đến thân nhân liệt sĩ, có cả người nước ngoài, đã chứng thực cái nhìn siêu phàm, xuyên thời gian, xuyên không gian, xuyên qua các tầng đất của cô Vũ Thị Hòa. Các chiến sĩ đã tìm thấy vật dụng đúng như lời cô đã nói trước với Tướng Doanh:


Tưởng như các đơn vị, các cơ quan, ai cũng phải vui mừng, công nhận kết quả. Nhưng không, theo Tướng Nguyễn Ngọc Doanh, QK7 yêu cầu phải thử ADN. Theo kiến nghị gởi Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị ngày 18-5-2013, ông viết: “Việc quy tập hài cốt liệt sĩ ở Tống Lê Chân có đầy đủ các nhân chứng sống, tai nghe mắt thấy, tay bốc cốt 164 HCLS trong trận đánh trên là hoàn toàn chính xác. Nếu sai Trung tâm Thông tin tìm kiếm HCLS và các nhân chứng sống xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật”.

Nhưng ngày 27-8-2013, Thiếu tướng Trần Văn Hùng, Phó Chính ủy QK7, chủ trì cuộc họp theo Công văn của Tổng Cục Chính trị, tham dự có đại diện của Cục Chính sách TCCT; Bộ Lao động-TB; QĐ 4; Trung tâm Thông tin Tìm kiến HCLS, v.v…  Cuộc họp cho rằng việc quy tập HCLS tại Cần Lê của QĐ4 và Trung tâm Thông tin Tìm kiếm HCLS “có sử dụng bà Vũ Thị Hòa tự xưng là “người có khả năng đặc biệt”” lấy được “một số di vật và sinh phẩm”, “căn cứ theo các nghị định của Chính phủ và thông tư, hướng dẫn là sai với chức năng và không đúng với quy định”; "chưa đủ cơ sở khẳng định đó là hài cốt”. Qua đó ông Phó chính Ủy đã đưa ra những kết luận, trong đó có việc cho tìm kiếm tiếp HCLS tại Cần Lê và tiếp tục lấy mẫu mang đi xét nghiệm.

Riêng việc tiếp tục cho tìm kiếm theo kết luận trên thì đã một năm trôi qua, không biết đến hôm nay ông Trần Văn Hùng đã nhận được kết quả gì chưa?

Tướng Nguyễn Ngọc Doanh không đồng ý với kết luận trên, nên ngày 9-11-2013, ông gởi tiếp kiến nghị tới Tổng Cục Chính trị, trong đó ông có viết: “Nếu không đúng là hài cốt liệt sĩ đề nghị Bộ Quốc phòng cho điều tra mở Tòa án Quân sự xử bắn tôi trước 164 liệt sĩ trên”!

Cũng ngày 9-11-2013, ông cũng gởi kiến nghị tới ông Đại tướng, Bộ trưởng BQP Phùng Quang Thanh, trình bầy rằng Trung tâm của ông và QĐ4 vẫn khẳng định việc quy tập đã tìm đúng được hài cốt các liệt sĩ, đề nghị ông Bộ trưởng cho làm lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ.

Nhưng mọi việc vẫn nằm im không nhúc nhích.

Nguyễn Ngọc Doanh, vị tướng già từng xông pha khắp các chiến trường, thương tật đầy mình, có lần đồng đội đã đưa ông xuống huyệt, phủ lá ngồi canh để kỳ đà không ăn xác ông; trước khi lấp đất, một người sờ thấy bàn chân ông vẫn nóng nên đã mang ông lên, nên ông mới còn sống để gần đây nhất, ông lại viết kiến nghị gởi đến cấp trên, thuộc lớp đàn em, đàn cháu của mình: ông Lê Hồng Anh, Thường trực ban Bí thư Trung ương ĐCSVN và ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng, Trưởng BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ, tiếp tục đấu tranh để di cốt các đồng đội của mình được công nhận, được tôn trọng, được truy điệu và an táng.

Mới đây 5-6-2014, ông đã nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ cho biết đã chuyển kiến nghị của ông xuống Bộ Quốc Phòng.

Thế là quả bóng lại được đưa trở về vạch xuất phát, đúng như “đèn cù nó chạy vòng quanh”.

Tại sao lại như vậy? Tại sao ngay vị tướng già từng xông pha trận mạc, thực tế luôn khẳng định không có sự chỉ dẫn của cô Vũ Thị Hòa thì vụ quy tập tại Cần Lê sẽ không thế đến đích, nhưng trong các kiến nghị gởi từ Tổng cục Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dù luôn khẳng định việc tìm kiếm là đúng nhưng ông vẫn tự nhận lỗi là “chúng tôi có khuyết điểm không nắm được những quy định của cấp trên và có tham khảo nhà ngoại cảm”, đúng như kết luận trong cuộc họp ngày 27-8-2013 của QK7?

***

Để trả lời câu hỏi trên, nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, tôi thấy từ Tướng Doanh đến ông tướng Hùng ở QK7, rồi đến các vị ở Cục Chính sách; ở Bộ Lao động-TBXH; ở QĐ 4, v.v… luôn dựa vào và chấp hành các văn bản pháp luật nhưng lại hiểu sai và làm sai pháp luật.

Thứ nhất, việc Tướng Doanh tự nhận lỗi “không nắm được những quy định của cấp trên” cũng không đúng. Bởi Nghị định của Chính phủ Số 31/2013/NĐ-CP, Điều 56.1: “Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước”. Theo công văn của Văn phòng Bộ Quốc Phòng số 1588/VP-NC, sau khi xem đề nghị của Đại tá Nguyễn Sĩ Động, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có ý kiến: “Giao Tổng cục Chính trị chỉ đạo, QK7, QĐ4 khảo sát thực địa tìm HCLS”. Như vậy, QĐ4 cũng đã được Bộ trưởng giao nhiệm vụ thì việc Trung tâm của Tướng Doanh kết hợp với QĐ4 sao lại sai? Nếu sai chỉ là tích cực quá, làm hết phần việc của QK7. Nhưng nếu đỡ tốn công, tốn của mà vẫn thành công thì càng tốt chứ sao. Việc quy tập đâu phải chia bánh đâu mà sợ thiệt!

Thứ hai, việc cuộc họp trên cho rằng vụ quy tập “có sử dụng bà Vũ Thị Hòa tự xưng là “người có khả năng đặc biệt” là sai  “theo các nghị định của Chính phủ và thông tư, hướng dẫn” cũng là một kết luận hoàn toàn sai!

Theo NGHỊ ĐỊNH Số: 16/2007/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ, Điều 3, khoản 2 viết:

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tìm kiếm, phát hiện và cung cấp thông tin về mộ, hài cốt liệt sĩ”.

Như vậy, Trung tâm của Tướng Doanh và QĐ4 nhờ cô Hòa với tư cách một công dân “phát hiện và cung cấp thông tin về mộ, HCLS” là hoàn đúng theo Nghị định nói trên.

Còn việc nhờ cô Hòa với tư cách một nhà ngoại cảm cũng không có gì là sai trái. Cô không tự nhận mình là nhà ngoại cảm mà Viện Nghiên cứu và Ứng dung tiềm năng Con người đã tự tìm đến cô khảo sát, đã tin, đã cấp giấy công nhận cô. Ngay ông Trần Văn Hùng từng xuống tận thực địa tại Mây Tầu, Xuyên Mộc cảm ơn cô, ảnh chụp còn đây:


Tại sao rồi chính ông lại cho rằng “bà Vũ Thị Hòa tự xưng là “người có khả năng đặc biệt”. Cô có “khả năng đặc biệt” thì dù cô có “tự xưng” cũng đâu có sai, cũng như ông tự xưng là tướng vậy. Còn cho việc nhờ chỉ dẫn của nhà ngoại cảm là “không đúng với quy định” cũng lại sai nốt. Tôi đã đọc rất nhiều văn bản liên quan đến chuyện tìm HCLS chưa thấy một quy định nào như vậy cả. Lĩnh vực ngoại cảm cũng như mọi lĩnh vực khác đều có đúng, có sai, có lợi dụng, có lừa đảo. Theo dư luận hiện tại thì không chỉ lĩnh vực ngoại cảm có lừa đảo mà cả việc quy tập hài cốt liệt sĩ của quân đội và việc cấp kết quả xét nghiệm ADN cũng có lừa đảo. Vì vậy nhân có hiện tượng lợi dụng ngoại cảm lừa đảo để mà tìm mọi cách phủ nhận sạch trơn khả năng ngoại cảm cũng là sai. Bởi chính chính phủ đã chấp thuận tiến hành đề tài cấp nhà nước khảo nghiệm khả năng ngoại cảm ngay từ năm 1997 mà Chủ nhiệm đề tài đầu tiên chính là Thiếu tướng PGS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện KHHS Bộ Công an. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu giai đoạn này. Cựu TBT Lê Khả Phiêu, chính là người năm 1998 đã ký giấy phép thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người. Dưới đây là câu trả lời của ông khi được hỏi về ngoại cảm:


Trong suốt thời gian gần 20 năm qua, các nhà ngoại cảm đã tìm thấy rất nhiều hài cốt liệt sĩ. Trong đó có cả hai cố Tổng bí thư Trần Phú và Hà Huy Tập, Nhà Cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, Nhà văn Nam Cao, v.v... Chính Viện Pháp y Quân đội và Viện KHHS Bộ Công an đã có những xét nghiệm và đưa ra kết luận chứng thực khả năng ngoại cảm! Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thủ tướng Phan Văn Khải lớp trước và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện tại đều có sự quan tâm, khen ngợi hoặc có hành động, hình ảnh xác nhận công lao các nhà ngoại cảm:


Với riêng cô Vũ Thị Hòa, trước khi chỉ giúp việc quy tập ở Cần Lê, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn cô cũng đã chỉ giúp thân nhân và các cơ quan tìm được hơn một trăm liệt sĩ ở Mây Tầu, Xuyên Mộc. Việc cho cô là người có nhân thân xấu nên không được sử dụng cũng là sai. Hiến pháp quy định công dân chỉ bị tội khi tòa tuyên án. Cô Hòa luôn có đầy đủ quyền công dân, tất cả những sự xuyên tạc về cô đều không có tính pháp lý, kể cả cái công văn của Cục Chính trị QK7 từng cho cô “lừa đảo”. Chính cô đang kiện cái công văn này vi phạm Bộ luật Hình sự! Liên quan đến “nữ thánh” Vũ Thị Hòa còn có vụ kiện của CCB Cấn Văn Hành kiện ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch Tỉnh Bình Phước, vì đã đập mộ trái phép anh trai mình là Liệt sĩ Cấn văn Học; và vụ kiện của những người thuộc “Đoàn Tâm Đức Yên Bái” kiện cô  Thu Uyên phạm tội vu khống, mà như tôi đã viết, Cơ quan điều tra hình sự Công an TPHCM đã thành bưu điện chuyển thư vì họ trả lời là không phải việc của họ. Có người bảo tôi sao lại hay ca ngợi cô Hòa và phỉ báng Thu Uyên? Tôi trả lời là tôi phải tôn trọng sự thực khách quan, chứ tôi không ca ngợi hay phỉ báng ai hết. Mà tôi đã viết là tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải viết bừa.

Còn cái kết luận “chưa đủ cơ sở khẳng định đó là hài cốt”?

Theo Quyết định số 150/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin: I. MỤC TIÊU, 1:

d) Xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin khoảng 3.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định gen khoảng 10.000 hài cốt liệt sĩ...”.

Như vậy, theo quyết định trên, xác định hài cốt thiếu thông tin không chỉ bằng xét nghiệm ADN mà còn bằng “phương pháp thực chứng”. Mà vụ quy tập ở Cần Lê thì hoàn toàn có đầy đủ cơ sở “thực chứng” để công nhận hài cốt các liệt sĩ.

***

Các thông tin dẫn tới vụ quy tập đã được khớp nối đầu tiên từ các nhân chứng sống là Đại tá Nguyễn Sĩ Động, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn trực tiếp đánh trận Cần Lê và CCB Nguyễn Văn Tính, lính trinh sát trung đoàn, người từng tận mắt chứng kiến xe ủi của địch ủi xác các liệt sĩ xuống hào rồi lấp đất; thông tin này cũng khớp với thông tin từ phía Mỹ, những người đã trực tiếp chôn các liệt sĩ; cuối cùng hai thông tin trên cũng khớp với sự “cung cấp thông tin” của cô Vũ Thị Hòa. Ba nguồn tin hoàn toàn độc lập mà trùng khớp nhau thì đó chính là sự thật! Khi tiến hành, việc khai quật được tổ chức rất chu đáo dưới sự chỉ đạo của Đại tá Lê Mậu Chương, Trưởng ban Chính sách QĐ4. Ban tổ chức khai quật còn có 1 thiếu tướng 6 đại tá. Hiện trường cũng được canh giữ, bảo vệ và giám sát chặt chẽ do Đại úy Đỗ Xuân Truyền, sĩ quan Bảo vệ An ninh thuộc Cục Chính trị QĐ4, chỉ huy. Kết quả các vật phẩm, vật chứng được chính tay các chiến sĩ khai quật từ bình địa, hoàn toàn mất dấu, nhưng hoàn toàn đúng như lời báo trước của cô Hòa, người chưa từng biết Cần Lê là ở đâu? Lời cô còn được khẳng định một cách khách quan khi tên trên các di vật cũng có đúng trong Danh sách Liệt sĩ Quân đoàn 4 hy sinh tại Cần Lê:

Ngoài vật chứng trên, khi cất bốc mọi người vẫn thấy mùi thi thể phân hủy. Khi gởi mẫu sinh phẩm, Phân viện KHHS tại TPHCM xác định có “01 đốt xương ngón tay, kích thước 1,8cm X 0,3 cm”.

Vậy với tất cả những chứng cớ từ thực tế đã quá rõ ràng, chính xác trên mà vẫn cho “chưa đủ cơ sở khẳng định đó là hài cốt” thì chính kết luận đó đã vi phạm quyết định của Thủ tướng!

***

          Việc QK7 và những người liên quan cố tình đòi phải xét nghiệm ADN “sinh phẩm” một cách dập khuôn, máy móc, nhân danh khoa học nhưng thực tế là phản khoa học.

Bởi thứ nhất, nếu hài cốt phân hủy không còn ADN thì lấy gì kết luận?

Thứ hai, như cô Hòa cho biết việc xét nghiệm có tình trạng chính cô cũng đã bị gợi ý mua một giấy xác nhận ADN giá mấy chục triệu. Vậy có tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, việc xét nghiệm có khách quan không? Cần phải xét nghiệm mẫu trong một loạt mẫu chuẩn, đánh số như rọc phách đề thi của thí sinh, kết luận được một hội đồng xem xét thì mới có thể khách quan được. Có điều mỗi một hố chôn, sự phân hủy hài cốt tùy theo độ tuổi, môi trường, thời gian thì sẽ lấy mẫu nào làm chuẩn để so sánh đây?

Vì vậy chuyện thử ADN hài cốt chôn đã lâu, không phải là chuyện đơn giản. Ngay trên trang web của chương trình Trở về từ ký ức, ông Hoàng Công Thái – Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Đối với những trường hợp, bằng các biện pháp khác mà đã xác định chính xác danh tính liệt sĩ thì sẽ không giám định ADN. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác, khi chúng tôi tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, người ta cũng nói việc giám định ADN là khâu cuối cùng, bắt buộc nếu các phương pháp khác không giải quyết được thì mới giám định ADN”.

Theo báo http://tuoitre.vn/, Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Quang Huấn (trưởng phòng công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN):

Khi lấy mẫu hài cốt… Nên ưu tiên lấy răng trước (1-3 chiếc) nếu còn răng vì đây là phần có cấu trúc rất bền vững trong cơ thể con người. Nếu không tìm thấy xương răng thì lấy các mẩu xương đùi, cánh tay, bả vai, sọ... Lưu ý xương lấy mẫu cũng phải còn trong tình trạng tương đối, không được quá mủn nát, bóp tay vỡ vụn. Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới nóng ẩm nên hài cốt sớm hư hại…”

Theo ông Ngô Đức Phương (phó giám đốc Gentis):

Cần phải hiểu rằng giám định ADN là công nghệ hiện đại, cho kết quả chính xác, nhưng không phải tình trạng xương nào cũng có thể giám định được. Nếu xương bị hư mủn nặng nề thì không còn tìm gen được”.

Với tư cách một người từng học Hóa Phân tích, từng nghiên cứu Hóa dược, từng có công trình đoạt giải A Sáng tạo KHKT, tôi cho rằng khi chiến tranh đã lùi xa 40 năm, hài cốt trong lòng đất rừng xứ nóng ẩm đầy côn trùng, các chiến sĩ còn rất trẻ nên xương mềm rất dễ bị phân hủy, thì coi xác định ADN là cách duy nhất xác định danh tính là phản thực tế và phản khoa học!

Vì vậy, thật tiếc, nhiều văn bản, nhiều tuyên bố vẫn cứ oang oang coi thử ADN là cách duy nhất để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ! Tôi cho rằng Quyết định đến năm 2020 “Xác định bằng phương pháp giám định gen đạt 70.000 hài cốt liệt sĩ” là không thực tế. Hầu hết xương cốt mủn nát thành bột, ADN không có, lấy gì xét nghiệm?

***

Đất nước ta là một đất nước kỳ lạ. Như một câu thơ tôi đã viết trong bài được TC Văn nghệ QĐ tặng thưởng năm 1998: “Một đất nước đến kẻ thù cũng đem lòng yêu mến”. Vậy mà hôm nay thật e ngại khi chính đất nước ấy lại có những dấu hiệu “Một đất nước làm điều tốt cũng trở thành tội lỗi”. Theo tôi đó mới chính là “nguy cơ tồn vong” của chế độ như lời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói. Chứ nguy cơ không phải từ cuộc đấu tranh dân chủ dân chiếc của mấy ông chấy thức rận sĩ với tư duy củ chuối. Cũng như cái nước Liên Xô từng là siêu cường tan rã không phải do kẻ thù của ý thức hệ mà chính là từ sự thoái hóa một nhà nước XHCN biến dần thành nhà nước phong kiến trá hình, mảnh đất mầu mỡ cho tham nhũng phát triển, những người cộng sản biến thành tư bản đỏ. Sự phản bội của những kẻ lãnh đạo như Goocbachov và Enxin chỉ như những nhát rìu chặt nốt những cột chống chế độ đã mục ruỗng cuối cùng. Nếu vậy mà Nga thay thế được LX trên bàn cờ thế giới tốt hơn thì cũng là điều tốt đẹp, nhưng xem chừng còn lâu. Ngày xưa xem World cup, đội tuyển LX từng nhiều lần thua trọng tài chứ không phải do yếu kém, còn hôm nay xem đội Nga đá mới tội nghiệp làm sao!

Về vụ quy tập ở Cần Lê, ngày 11 tháng 1 năm 2014, sau khi gặp tướng Doanh, tôi đã viết một bài với đoạn kết:

Thật trớ trêu, trước các thi thể của đối phương, dù là quân thù, dù cách mai táng không được “long trọng”, nhưng họ vẫn không để phơi xác các liệt sĩ của chúng ta. Vậy mà sau gần nửa thế kỷ, các liệt sĩ đã được gặp lại người thân, gặp lại đồng đội của mình, lại bị chính sự dốt nát, bị những quy định lằng nhằng, sản phẩm của cái “lỗi hệ thống” phơi xác các anh! Dù chỉ còn là chút bột mầu đen mà thôi! Đau xót thay!”.

Một ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 nữa lại sắp đến. Linh hồn các liệt sĩ tại Cần Lê như những đứa con bị thất lạc trong lòng đất mẹ, Trời Phật thương tình đã cho giáng trần cô Vũ Thị Hòa với thiên nhãn thông đã tìm ra các anh. Ngày xưa trong chiến tranh đồng đội thường chia lửa trong các trận đánh, ngày nay thế hệ em, cháu các anh, những tướng tá bụng bự, mặt bóng mỡ, những người được giao trọng trách tìm kiếm HCLS lại tìm mọi cách phủ nhận HCLS. Sự vô minh do dốt, do tham, do ác của họ đã chắn nẻo về cõi âm của các anh.

Ông Vũ Đức Đam, ông thuộc lớp em cháu những anh hùng liệt sĩ thời chống Mỹ, quan lộ của ông có máu xương họ lót đường, nếu ông đúng là tuổi trẻ tài cao thì tôi tin ông đọc sẽ hiểu bài này tôi viết chỉ vì sự thật, vì lương tri của người cầm bút. Ông nên làm tròn trọng trách bởi thời dân chủ pháp quyền cần phải khác trước! Trước những vụ kiện liên quan đến HCLS có người bảo ông không làm gì đâu, tránh đụng chạm để còn vào Bộ Chính trị, lên Thủ tướng! Nếu đúng vậy mà ông thành công thì dân chúng đất nước này sẽ thật khốn nạn!

14-7-2014

ĐÔNG LA