Thấy mẹ con chị Thanh Hải Bùi với Lọ
Lem trò truyện trên internet thật hay và thật hiện đại làm tôi nhớ đến mẹ tôi. Mẹ tôi cũng đã ở trên trời, nhưng làm sao mà mẹ con tôi tâm sự được đây? Xin
trích lại một đoạn tôi viết về đám ma mẹ tôi, mà mấy bà, mấy cô đọc nhiều
người cũng đã phải rơi nước mắt
|
(Trích)
Mẹ mất rồi,
Hồn mẹ có còn không?
(Truyện ngắn)
(Cha mẹ tôi)
(Một lần gặp “ông sui” còn ở Long An (cả hai đã mất):
Ông ngoại,
bà nội, bà ngoại (kế), bà xã, Phương, Huy)
…Đúng 11 giờ trưa, cô em dâu coi thầy bảo phải hạ huyệt
trong khoảng 11-12 giờ, quan tài được mấy thằng cháu trong họ khỏe như voi nâng
trên vai khiêng ra đầu ngõ đặt lên xe tang kéo tay. Tôi và ông anh đi giật lùi
đúng theo tục “cha đưa mẹ đón”. Giữa
trưa nắng đến rát cả mặt, nhưng cũng còn hơn mưa. Nhà tôi ở rìa làng nên cách
nghĩa địa không xa. Đám ma mẹ tôi không “phương
tướng” đuổi quỷ mở đường; không “thể
kỳ” ghi câu “Dĩ lĩnh vân mê”;
không “minh tinh” ghi chức tước, họ
tên, thụy hiệu,… chỉ có hương án, người đánh chiêng và cờ dẫn đường trước xe
tang. Cũng không có cảnh con gái trưởng và con dâu trưởng vừa khóc vừa lăn
đường thảm thiết. Tục lệ chỉ còn thế, mà nếu có còn đủ thì mẹ tôi, một người
chỉ quen cho chứ ít khi biết nhận, sẽ rất ngại khi phải nhận những gì quá long
trọng. Sau một lúc, anh em con cháu chúng tôi cùng bà con xóm giềng đã rồng rắn
đưa mẹ tôi đến nghĩa địa. Huyệt đào chỗ ruộng lúa đang làm đòng, khoảng nới
rộng của nghĩa trang.
(Con cháu ra
thăm mộ bà. Cô Vũ Thị Hòa cũng đã đến tận nơi đây)
Mấy đứa
nhóc con đã bị khống chế không cho đến gần huyệt mộ. Cũng chẳng có lễ tế thổ
thần, quan tài mẹ tôi được hạ huyệt. Mỗi người cầm một hòn đất ném xuống mộ,
tôi tra sách thì biết tục đó gọi là “đi
dong nhan”. Rất nhanh sau đó nấm mộ đã thành hình, vòng hoa được ốp
xung quanh, mấy khoanh cỏ được đắp lên để đồ cắm nhang, bát cơm cúng với quả
trứng luộc và cắm chiếc đũa vót cho sơ ra như gai nhọn. Chiếc đũa chữ Hán Việt
là “khoái”, chữ “khoái” có một nghĩa là lính bắt cướp; cái gai nhọn chữ Hán Việt là
“thứ”, “thứ” có nghĩa là đâm chết. Vì vậy, chiếc đũa gai tượng trưng cho một
người lính bảo vệ, được người xưa dùng làm bùa trừ ma quỷ.
Thế là cát bụi lại trở về với cát bụi, thân thể mẹ tôi rồi
sẽ tan dần vào lòng đất, ngay trên cánh đồng quê này, nơi đã nuôi sống bao đời
người dân quê tôi. Một lần tôi đã viết:
Đất như bị lột da vẫn không kịp cho
những vụ chiêm mùa
Những vụ mùa xếp hàng chờ nhau đến
lượt
Cánh đồng là nguồn mạch của hồn thơ tôi, những câu thơ hay
nhất của tôi chính là viết về cánh đồng này, về những người thân yêu. Tôi nhớ
hình ảnh ông nội tuổi 70 vẫn mặc áo tơi, còng lưng cuốc ruộng; mẹ tôi còng lưng
cấy lúa, dáng cong cong như dáng những nhịp cầu, cùng với vô vàn người nông dân
đã bắc nên cây cầu bằng xương thịt, bằng bao nỗi khó nhọc, không phải để xe cộ
đi qua mà tất cả, từ lịch sử, niềm vinh quang cho đến cả nền văn minh đã đi
trên đó. Thử hỏi loài người không có hạt lúa củ khoai do những người nông dân
làm ra thì sẽ đi được tới đâu, không bước nổi trên mặt đất chứ nói gì đến những
nền văn minh! Nhưng loài người vốn bất công và bội bạc, những người cao quý
nhất lại được coi là thấp kém nhất, những sản phẩm do họ làm ra, không có chúng
cuộc sống sẽ không tồn tại, lại được định giá rẻ mạt nhất. Người nông dân được
mùa thì mất giá, còn mất mùa thì mất ăn luôn, mãi mãi luôn là tầng lớp nghèo
khổ nhất. Ngược lại, người ta đã bầy ra đủ thứ trò, trong đó có không ít những
thứ nhăng nhít, rồi xúm vào sơn phết, tôn vinh những cái mà không có chúng cuộc
sống chẳng sao cả, để rồi đầu cơ trục lợi qua chính những trò đó. Từ những suy
nghĩ đó tôi đã viết:
Cong cong như lưng ong
Cong cong như lưng tôm
Như mẹ tôi
Như ông nội tôi
Như Tổ Tiên tôi
Những nhịp cầu
Trên bao cánh đồng quê
Không phải bằng sắt thép bê tông
Những nhịp cầu xương thịt
Không phải để dòng sông chảy qua
Mà máu chảy
Không phải để xe cộ đi qua
Mà lịch sử đi qua
Trên đó có bước đi của nền văn minh
Có bước đi của niềm vinh quang
Cuộc sống đã vươn tới những tầm cao
nhất
Luôn ở tầng thấp nhất những nhịp cầu.
Thôi mẹ hãy an nghỉ. Cầu mong Trời Phật phù hộ độ trì cho
linh hồn mẹ được siêu thoát và sớm được tái sinh đúng như Phật dạy: “Chúng sanh nào tình và tưởng bằng nhau thì
sẽ phát sinh vào cõi người… Bởi tưởng là thông sáng, tình là u mê. Nếu tình và
tưởng ngang bằng nhau thì không lên và cũng không đi xuống”. Trước sáu cõi,
thần thức có thể được đầu thai vào cõi cao hơn, sung sướng hơn cõi người, nhưng
con chỉ cầu xin Trời Phật cho mẹ con được trở lại cõi người, cái cõi có lắm
gian nan, lắm khổ đau, nhưng cũng nhiều niềm vui này, để rồi các con lại được
làm con của mẹ, các cháu lại được làm cháu của bà, cứ thế mãi mãi, vô lượng
kiếp!...