Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN ANH ĐỨC

Hôm nay được tin nhà văn Anh Đức qua đời, tôi có những cảm xúc bâng khuâng. Tôi chỉ viết vậy vì tôi không có quan hệ đặc biệt gì, ông chết ở tuổi 80 cũng là thọ theo lẽ thường của quy luật sinh lão bệnh tử, nếu tôi viết “vô cùng thương tiếc” sẽ là xạo. Với tư cách nhà văn thì ông có tác phẩm Hòn Đất mà tôi đọc hết, một tác phẩm đã thể hiện rất sống động cuộc sống thời chiến rất ác liệt ở miền cực Nam của tổ quốc, với nhân vật chị Sứ đã trở thành một biểu tượng anh dũng bất khuất của phụ nữ VN.
Còn chuyện tôi bâng khuâng chính là vì tôi đã có gặp ông. Hồi tôi “chơi” với Nhà thơ Chế Lan Viên thì còn trẻ nên hay làm liên lạc đưa thư cho ông. Nhớ lại thấy thật lạ, thời đó (1989, năm CLV mất), một nhà thơ cỡ Chế Lan Viên rất mong có cái điện thoại bàn cũng không được, chính vợ ông là Nhà văn Vũ Thị Thường nói với tôi thế. Còn giờ người chạy xe ôm ở thành phố, bà đi cấy ở quê tôi cũng có điện thoại di động. Nhìn lại thế mới biết, đất nước mình “tiến” nhanh thật!
Hồi ấy Chế Lan Viên ở Bà Quẹo còn hoang vu lắm, còn là ngoại thành, tuần nào tôi cũng đến nhà ông, khi về trên “phố”, thỉnh thoảng ông lại gởi mấy chữ hoặc nhờ tôi nhắn tin gì đó cho các ông như Anh Đức, Viễn Phương, Bảo Định Giang, v.v… Qua cô Anh Thơ và Chế Lan Viên, gần như tôi đã gặp hết những người văn chương nổi tiếng sống ở TPHCM. Nhưng tôi không thân thiết với ai cả. Trước hết là vì họ không thích tôi. Còn tôi, với họ tôi chỉ là trẻ con, nhưng thú thật tôi hợp với những người giầu trí tuệ hơn. Nhiều người có tài nhưng họ chủ yếu viết bằng năng khiếu.  Còn một số ít hơn, thậm chí rất ít, là những người vừa có năng khiếu vừa có trí tuệ cao sâu, nên họ quan tâm đến lý luận. Như Chế Lan Viên, Hoài Anh chẳng hạn. Tôi thích gặp những người này, và ngược lại, họ cũng thích tôi, dù tuổi tác cách nhau rất xa. Gặp nhau có thể trò truyện liên miên, hoặc có chuyện thì không cần nói cũng hiểu . Lần đầu tiên đọc thơ tôi, Chế Lan Viên còn vào trong buồng bê chồng bản thảo ra khoe cách làm thơ với tôi nữa kia mà, một điều mà đến nay tôi vẫn còn kinh ngạc!
Còn một điều kỳ lạ nữa khiến tôi nhớ tới Anh Đức nhưng lại không liên quan gì đến ông mà chính là em ông, bà Tuyết! Chuyện  hơi dài, tôi phải “kể có đầu có đuôi”.
Nếu cuộc đời là một đồ thị thì năm 1989 là đáy của cuộc đời tôi. Năm ấy tôi là chủ nhiệm đề tài chiết xuất thành công chất có khả năng chống ung thư là Vinblastine trong dược liệu là cây dừa cạn. Không ngờ bà viện trưởng mới lên muốn loại tôi khỏi đề tài. Một ông cùng quê khuyên tôi nên đi Liên Xô “buôn” một chuyến, có tiền rồi thì tính sau. Tôi làm hồ sơ, viện trưởng ký ngay và tuyên bố “Anh Hùng xin nghỉ làm ở viện để đi Liên Xô!”. Nhưng mang hồ sơ đi nộp thì tôi bị choáng khi nghe tin “Tuần sau anh đi thi tiếng Nga nhé!”. Ở viện dược tôi mới được học tiếng Anh tập trung gần 1 năm về, còn tiếng Nga học có 400 tiết ở đại học gần như tôi đã quên hết. Như có số phận xếp đặt, tôi được giới thiệu một anh bạn sinh viên tiếng Nga tên là Khải giỏi nhất Trường ĐHSP đến dậy. Sau một tuần tôi đi thi, giám khảo là một bà người Nga to như con voi, ở chỗ chính là Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc bây giờ. Tôi đã thi đậu như có phép tiên, chủ yếu là mánh chứ học 1 tuần sao giỏi được, nhưng thi nói trực tiếp với giám khảo muốn mánh mà dốt thì cũng không thể mánh được. Về khoe cô Anh Thơ, cô ấy bảo “Cháu đúng là người thông minh nhất mà cô đã gặp”. Thi đậu, tôi phải có giấy của Liên Hiệp Dược, một cơ quan trung gian dưới Bộ Y tế, mới được đi. Không ngờ cái ông to nhất ở đó bảo:
-Nghe nói anh hay gây mất đoàn kết ở viện nên tôi không cho anh đi.
-Tôi như thế nào thì phải bị ghi lý lịch, chứ ông chỉ nghe người ta nói thì tôi giết người ông cũng tin à?
-Tôi không cho anh đi là không cho!
Tôi buồn nản ra về. Lý tưởng XHCN quả là tươi đẹp nhưng những người xây dựng là những người mới trong rừng ra, còn nguyên vẹn máu phong kiến tiểu nông, cục bộ, kỳ thị vùng miền, tùy tiện ban bố luật pháp. Tiếc là đến tận hôm nay cũng vẫn còn nhiều, như chuyện ông Hành ở Bình Phước chẳng hạn. Tôi đã và sẽ không đi đấu tranh cho “dân chủ”, đòi thay đổi chế độ, vì biết tất cả những yếu kém của xã hội chúng ta chính là do trình độ xã hội chứ không phải do chế độ xã hội, với trình độ kém thì có theo chế độ nào cũng vậy thôi. Còn lúc đó thì tôi đã thực sự bị dồn tới đường cùng.
Không ngờ một sáng tôi tới viện, người ta bảo “Có chị Tuyết viện phó mới về muốn gặp mày đấy”. Tôi đi gặp, lúc này chưa biết bà là em ông Anh Đức, mà bà cũng không thể biết tôi quen ông Anh Đức, vì với Anh Đức lúc đó tôi không là gì. Bà Tuyết hỏi: “Có phải em thi đậu đi Nga mà Liên Hiệp không cho đi phải không? Chị sẽ giúp, chị sẽ lên tận Bộ xin giấy cho em”. Bà nói thật và vì thế tôi đã được đi Liên Xô. Lẽ ra phải đi 6 năm nhưng mới được hơn nửa năm tôi đã “chuồn” về. Chuyến đi “buôn” xuyên quốc gia tôi chỉ được mấy “chỉ”, lời nhất là một chuyến du lịch không mất tiền tại Leningrat, một trong những thành phố đẹp nhất thế giới, mà thú vị nhất là được thăm viện bảo tàng lừng danh Hermitage, hướng dẫn viên chính là anh bạn hiện là facebooker Ke Nguyenkhac . Nhưng có điều kỳ lạ là bà Tuyết sau đó cũng đi khỏi viện. Cứ như bà ấy về viện chỉ để giúp tôi xong rồi đi! Chuyện này chính là một trong những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời tôi khiến tôi đã nghĩ rằng cuộc đời đúng là có sự xếp đặt của số phận! Rồi những ngày hôm nay, tôi được gặp cô Vũ Thị Hòa cũng chính là như vậy.
Còn nhà văn Anh Đức, Nam mô A-di-đà Phật, xin cầu cho linh hồn ông được siêu thoát!
24-8-2014
ĐÔNG LA