Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

GẶP CÔ VŨ THỊ HÒA VÀ CÂU CHUYỆN VỀ KHỞI THỦY TỤC ĐỐT VÀNG MÃ



GẶP CÔ VŨ THỊ HÒA VÀ CÂU CHUYỆN VỀ
KHỞI THỦY TỤC ĐỐT VÀNG MÃ

Thế là cô Vũ Thị Hòa cùng đoàn tùy tùng đã trở về Bắc. Hôm trước cô gọi điện thoại cho tôi:
-Anh Đông La, anh phải xin lỗi anh Nguyễn Quang Thiều à?
-Vâng. Nguyễn Quang Thiều là bạn của em. Nguyễn Quang Thiều là nhà văn có tài nên bị nhiều người ganh ghét, đố kỵ, từng bị “đánh” tơi bời. Em cũng đứng ra viết bảo vệ như bảo vệ cô bây giờ. Vừa rồi nghe tin Thiều vận động ngăn em vào HNVVN nên em đã tức điên lên viết liên tục mấy bài phản pháo Thiều. Em có hai địa chỉ email, một để viết cho con cái và bạn thân nhưng lại ít dùng. Hôm qua em viết thư cho thằng con báo nó ngày giỗ ông nội em mới biết Thiều đã viết thư cho em cả tháng rồi. Thiều bảo sự thực không phải như tin em nhận được về Thiều. Em ân hận quá. Nghĩ sai, nghĩ xấu về người khác là phải tội vậy mà em đã làm đau đớn người bạn mà em luôn coi như anh em của mình. Thật buồn quá! Mình làm sai thì cảm thấy thế, vậy mà có những kẻ cố tình, tìm mọi cách gắp lửa bỏ tay người thì chúng nó đúng là ác thật cô ạ!
Cô Hòa mấy lần nói với tôi “Anh Đông La ơi con người bỏ chữ người đi thì sẽ là con gì”. Cô bảo sẽ là con vật xấu xa nhất. Tôi đã phê phán nhiều cái sai cái xấu của nhiều người nên cũng chán ghét con người trong thời thực dụng, tranh đoạt này, hôm nay thì tôi chán ghét chính bản thân tôi. Tôi đã từng làm tất cả để mong những điều tốt nhất đến với Nguyễn Quang Thiều. Vậy mà hôm nay vì một điều không quan trọng với tôi nhưng vì hiểu sai, vì tức giận, tôi đã làm ngược lại, một điều mà tự tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Chữ nghĩa quả ác độc. Cùng một việc người ta hoàn toàn có thể lái theo những quan điểm ngược nhau. Vì thế người ta luôn cần bạn bè ủng hộ còn nói rộng ra về chính trị, mỗi quốc gia luôn cần phải có các đồng minh.  
***
 Cô Vũ Thị Hòa cùng đoàn tùy tùng vào Nam lần này là lần thứ tư mà một phần là vì vợ chồng tôi. Nếu ai hiểu được thực sự cô là ai thì sẽ biết đó là quả phúc rất lớn. Kỳ này cô lại mang thuốc cho vợ chồng tôi và một việc khác nữa. Đến SG hôm trước thì ngay sáng hôm sau cô cùng Thương, vợ Đại tá Cao Thanh Hoa, đi taxi đến nhà tôi. 
 Xong việc, tiện có taxi, tôi và bà xã đã theo cô và Thương đến nhà Thương chơi luôn.  Mỗi khi cô vào, được gặp cô càng nhiều càng tốt. Trên xe cô nói:
          -Anh Đông La, kỳ này em sẽ viết một bài về cái tục lệ đốt vàng mã. Khổ quá anh ạ, dân người ta không hiểu cứ đốt vàng mã, cầu xin nơi đồng bóng, điện tam tứ phủ, họ đâu biết làm vậy chỉ cộng nghiệp chồng chất nặng thêm mà thôi. Thôi, để về nhà chị Thương yên tĩnh em kể, anh viết ra cho em.
          Đến nhà Thương cũng chính là nhà Đại tá Cao Thanh Hoa, hiện công tác tại QK7. Tại đây tôi cũng được gặp cụ bà Lê Thị Thục là mẹ Cao Thanh Hoa, vợ liệt sĩ Cao Văn Kha. Gia đình bà đúng là có cơ duyên đặc biệt với cô. Bà ở trên Bình Phước với người con trai cả là anh Cao Thanh Hoa, đã gặp cô Hòa tại nhà chị Loan là người quen với gia đình cô từ ngoài Bắc. 
 (Cô Hòa, bà cụ Lê Thị Thục)
(Cao Thanh Hoa và mẹ)
Cô đã nói trong vườn nhà bà có hài cốt liệt sĩ tên là Phạm Đình Thoòng. Bà cụ nói với tôi:
          -Thấy cô có khả năng đặc biệt như vậy tôi mới hỏi cô về ông nhà tôi, cô bảo ông cũng đang “có mặt” ở đây, đang nhìn bà khóc đấy. Ông đẹp trai, trắng, mặt tròn, răng đều, đặc biệt là tóc quăn. Cô nói ông nhà tôi trắng, răng đều là đúng nhưng tôi vẫn chưa tin lắm nhưng khi cô nói đến tóc quăn thì tôi tin sái cổ luôn bác nhà văn ạ.
Sau đó, việc bốc hài cốt Liệt sĩ Phạm Đình Thoòng đã được tiến hành trong vườn nhà bà cụ Lê Thị Thục, mẹ Đại tá Cao Thanh Hoa, đó chính là lần bốc hài cốt liệt sĩ đầu tiên của cô Vũ Thị Hòa. Tiếp theo, việc bốc hài cốt Liệt sĩ Cao Văn Kha, chồng của bà cụ Lê Thị Thục, cũng chính là lần bốc hài cốt liệt sĩ đầu tiên của cô Vũ Thị Hòa tại Mây Tầu, Xuyên Mộc, mở đầu hành trình thực hiện sứ mệnh tìm hài cốt liệt sĩ của cô. Những tưởng nó đã được trải thảm khi Trung tướng Triệu Xuân Hòa, đương kim Tư lệnh QK7, xuống tận thực địa, chắp tay chào, cảm ơn và tạo điều kiện cho cô thực hiện sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng rồi không ngờ về sau, thuộc cấp và những người thay thế ông lại quăng ra chồng chất chông gai trên hành trình tâm đức của cô để rồi Thu Uyên và VTV1 lấy đó làm một trong những chứng cớ quan trọng vu khống cô.
Có điều đúng là cây ngay không sợ chết đứng và nếu hiểu tâm linh thì người phàm làm sao có thể hại được thần thánh? Hiện có hàng ngàn người coi cô Vũ Thị Hòa là đại ân nhân, còn gia đình Đại tá Cao Thanh Hoa nói có cơ duyên đặc biệt vì không chỉ được cô giúp tìm được hài cốt người thân mà còn trở thành thông gia với gia đình cô.
***
Ăn uống, chuyện trò đến tận chiều, tôi nghĩ cô đã quên nhưng trước khi tôi ra về cô mới nhắc lại câu chuyện cô nói trên taxi:
-Bây giờ anh về anh giúp cô mà giúp bách dân trăm họ những người chưa ngộ, những người năng theo vào chuyện đốt vàng mã, rồi voi ngựa đủ các kiểu trên đời, đồng bóng. Anh giúp cô, lời nói của cô mượn bút của anh đưa lên cho mọi người ai ngộ thì ngộ, vì em nói ra câu này anh chị và mọi người nghe dễ hiểu là cô nói chuyện hoang đường nhưng cô không hoang đường tí nào, lý giải là tại sao từ cổ chí kim là tại sao chưa ai ngộ được ra là tại sao lại sinh ra đốt tiền giả, vàng giả, quần áo giả cho người chết và cúng bái cầu lợi, thì hôm nay nói luôn cho anh Đông La nghe cô kể thật câu chuyện cách đây 2000 năm.
Quả thật, nếu ai chưa gặp, chưa chứng kiến, chưa hiểu hết về cô Vũ Thị Hòa chắc chắn sẽ cho câu chuyện cô kể  chỉ là chuyện hoang đường. Bản thân tôi đã biết, đã chứng kiến, đã hiểu nhiều về khả năng siêu phàm của cô nhưng vẫn có những chuyện khiến tôi phải ngạc nhiên vì nó kỳ lạ còn hơn cả kỳ lạ. Như có lần Huỳnh Quốc Hồng, người từng theo cô trực tiếp quay hàng trăm băng video cảnh cô bốc hài cốt liệt sĩ, đến nhà tôi nhờ tôi liên hệ với cô vì một việc riêng. Hồng rủ tôi đi uống bia. Hồng kể:
-Hôm bà Thu Uyên mời con đi ăn để mua chuộc con “uýnh” cô Hòa, con đi ăn nhưng con vẫn không nghe lời bả vì con không thể nói sai về cô được.
-Mày như vậy là làm chính trị được đấy. Vừa được ăn mà vẫn bảo vệ được lẽ phải. Mày trực tiếp đi theo cô lâu mày thấy sao?
-Có nhiều chuyện lạ lùng không thể tưởng được bác ạ. Như có lần tụi con theo cô đi tìm mộ đến một chỗ có cây to cô bảo nó đã 500 tuổi và đã hóa thần rồi, có hai người cưa nó đã bị chết, còn một người không bị chết nhưng hai đứa con tay bị tật. Sau đó cô gặp người này và nói ra chuyện đó khiến ông ta quá ngạc nhiên, công nhận chuyện cô nói là đúng. Cô bảo ông ta có muốn con khỏi tật không, đến tối cô sẽ ra nói chuyện với cái cây, bảo nó tha cho, nhưng ông phải lập một cái miếu thờ cúng. Khi người ta chuẩn bị làm miếu thì chúng con theo cô chuyển đến nơi khác không rõ sự việc sau đó thế nào.
Tôi đã gọi điện hỏi cô, cô đã xác nhận. Cô bảo những chỗ làm tượng thờ mà có được gỗ hóa thần làm thì rất quý nhưng rất ít khi có được.
Nhắc đến chuyện này để mọi người biết rằng theo lẽ thường thì có nhiều chuyện về cô Hòa đúng là hoang đường nhưng sự thực lại không phải vậy. Khi muốn nói và viết ra cả tôi và cô chỉ muốn mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người, không mong nhận được cái gì cả, nên tin hay không tùy mọi người thôi.
Cô kể tiếp câu chuyện về tục đốt vàng mã: “Hôm nay nói luôn cho anh Đông La nghe. Bây giờ cô kể thật đây này”. Nói rồi cô làm động tác tay như vén tấm màn thời gian giống như mỗi khi cô tìm mộ liệt sĩ mà cô nói là cô “mở đất”. Cô kể dài, vì ồn ào cô bảo cũng chưa nói cho thật rõ được. Tôi xin lược cho gọn lại  như thế này:
Cách đây 2000 năm có một ông vua ác và một ông quan ác, một hôm đi săn, qua một cái làng thì thấy có một tiệc cưới của đôi vợ chồng. Vua nhìn thấy cô dâu xinh quá bèn sai quân đến cướp cô dâu về cung bắt ép cô này làm vợ vua. Ý vua là ý trời nên không ai cản được. Người chồng trẻ đã đến cung đình đòi vợ. Vua sai quan quân mang anh chàng này ra xử chém. Có người quan tốt báo cho anh biết và khuyên bảo anh này trốn về làng. Khi anh chàng trốn về làng thì vua sai quan quân đuổi theo truy sát, ngày đó vào ngày mồng 8, khi phát hiện ra quan mới sai quân bắt luôn. Anh chàng này cũng chỉ là nông dân thôi nhưng làm ăn tần tảo cũng có tiền, mua lụa là, lễ vật làm đám cưới. Ông quan tham mới sai quân lục soát, giết người thanh niên, có bao nhiêu tiền, quần áo, vàng bạc lấy hết. Ông quan thấy bộ quần áo người thanh niên mặc đẹp quá mới sai quân lột luôn lấy về mặc, cái xác thì vất xuống sông. Trên đường ông quan tham trở về Bồ Tát mới hiện xuống nói ngươi đã giết người là phải đền tội, bị giam ngục đến chết. Ông quan sợ quá mới van xin Bồ Tát từ bi tha cho, từ nay không làm quan nữa, lột mũ áo trả triều đình, rồi về làm trâu ngựa cũng được. Số của cải lấy được Bồ Tát bắt phải mang chia hết cho dân lành. Ông quan nghe lời nhưng ông vua lại biết mới sai ông quan thu lại hết, mang về triều, không nghe lời thì chém đầu. Lúc đó ông vua tự dưng lâm bệnh nặng, đi hết lang y nọ đến lang y kia đều không chữa được, Bồ Tát mới hiện ra nói với ông vua, người đã cướp vợ thì phả trả, bao nhiêu tiền của cướp được của dân và làm những điều bất chính phải mang đi chia hết cho dân lành thì mới khỏi bệnh. Nếu hứa với ta thì ta sẽ cho thuốc uống khỏi bệnh. Ông vua mới nói xin người cho con khỏi bệnh con sẽ nghe lời. Bồ Tát bảo phải chính tay vua mang của cải có trong kho có bao nhiêu đi chia hết. Thế là Bồ Tát đã cho ông vua khỏi bệnh. Nhưng khi khỏi bệnh thì vua vẫn tham, quan vẫn tham, xuất kho rồi nhưng nhìn thấy tiền của tiếc quá mới lại mưu kế, làm sai lệnh của Bồ Tát, ra lệnh cho quân triều đình tiền nào cũng là tiền thì bây giờ đi làm tiền giả, quần áo giả, tất cả bằng giấy, rồi mang phát cho dân làng, bịp các người nghèo. Vua nói với người dân tiền này của vua mang đi đâu cũng tiêu được, quần áo này cũng mặc được. Người dân tâu với vua quần áo giấy sao mặc được. Vua bảo cứ mang về nhà rồi những cái này sẽ đổi sang thành quần áo thật, nhà nào có bộ quần áo giấy này thì vua sẽ cho người mang quần áo thật cho. Thế là dân làng cứ tranh nhau lấy quần áo giả, tiền giả về. Bồ Tát thấy vậy mới hiện hình, vua mới vái xin Bồ Tát tha tội một lần nữa, rồi cho quân lấy tiền thật, quần áo thật, của cải thật chia cho dân lành thật. Nhưng khi Bồ Tát đi thì lại đòi lại, lại bắt quân triều đình làm giả tiếp. Cứ thế đến lần thứ ba Bồ Tát mới làm vua bị bệnh, cứ nhìn tiền của thật chất đống xung quanh mà chết ngồi trong ngai vàng. Như vậy dù giầu có đến mấy ông vua vẫn không được hưởng mà như bị chết ngạt bởi lòng tham của chính mình, quả báo chính là việc linh hồn ông bị đày ải dưới địa ngục. Từ trước tới nay người đời chỉ biết địa ngục trong kinh sách, truyền thuyết, còn cô Vũ Thị Hòa khẳng định cô nhìn thấy được cả địa ngục. Cô nhìn thấy cả ông vua tham, quan tham trong câu chuyện này bị giam cầm như thế nào. Còn dân làng thấy tiền giả không tiêu được, quần áo giấy không mặc được, vua chết rồi không thể thực hiện lời hứa đổi tiền thật, quần áo thật cho, đã mang đến đốt trả cho vua. Đó chính là khởi thủy của tục lệ đốt hàng mã.
Vì người đời sau không biết cứ tưởng đốt vậy là người chết được hưởng, đâu hiểu rằng đốt vậy người chết không được hưởng gì chỉ làm cho họ dậy thêm lòng tham, cả người sống và người chết đều bị cộng thêm nghiệp nặng, càng khó siêu thoát mà thôi! Cùng với quan niệm trần sao âm vậy, có nơi có thời kỳ người ta còn chôn theo người chết của cải thật, người thật, còn tục đốt hàng mã thì thịnh hành đến tận ngày nay.
9-2-2015
ĐÔNG LA