Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

ĐẠI HỘI THÀNH CÔNG RỰC RỠ!

 ĐÔNG LA
ĐẠI HỘI THÀNH CÔNG RỰC RỠ!

Ngày 16 là ngày họp nội bộ và bầu bán, ngày 17-6-2015 hôm qua mới họp chính thức, là ngày “trình làng” của Hội Nhà Văn TPHCM. Ngày 16 lộn xộn bao nhiêu thì ngày 17 trật tự bấy nhiêu. Cái chính là có nhóm hội viên không thích anh Lê Quang Trang tái đắc cử chức Chủ tịch Hội nên đã có sự công kích trước đó trên mạng và ngay trong đại hội. Nhưng anh Trang lại làm một cử chỉ đẹp, không tham quyền cố vị, là xin rút khỏi danh sách ứng cử. Anh Nguyễn Ngọc Thu đồng hương cùng cái làng Đông La mà giờ thành tên tôi luôn, vốn là một cán bộ ở trường “Nhân văn” nhưng các đời lãnh đạo trường đều coi anh như cố vấn, nhiều lần anh phát biểu trong các cuộc họp ở trường người ta còn nhớ. Anh từng nói với tôi: “Chú là chú dở, tôi mà có tài như chú thì không biết tôi sẽ lên đến chức nào rồi”. Tóm lại anh là người có đầu óc và khiếu nói nên chỉ một lần đầu phát biểu ở Hội là có một nữ văn nhân phát tín hiệu xin làm quen rồi!
(Đông La (mặc cái áo “chim cò” chính anh Thu cho)
 và anh Thu)
Anh nói:
-Hội Nhà văn của chúng ta là một tổ chức của nhà nước nên phải tuân theo quy chế. Đồng chí Lê Quang Trang có quyền xin rút nhưng cái chính là Đại hội có đồng ý cho đồng chí rút không? Quyền quyết định là quyền của Đại hội.
Mọi người vỗ tay tán đồng. Nhưng rồi anh Trang thực tình, quyết tâm quá nên mọi người chấp nhận, cuối cùng việc bầu bán không còn gì để mà căng thẳng nữa. Kết quả cũng làm vừa lòng đa số mọi người chỉ có điều lạ là anh Trần Văn Tuấn, lớn tuổi nhất, một nhà văn có bề dầy và thành tựu sáng tác nhất tái đắc cử vào Ban Chấp hành thì lại được ít phiếu nhất, đúng bán chứ không được quá bán, phải được Đại Hội “châm chước” mới đậu. Thực tế là thế, dân chủ là một tính chất của nền văn minh nhưng ý kiến đám đông không phải bao giờ cũng chính xác. Nên dân chủ cần phải cân bằng với tập trung nếu không sẽ loạn. Dân chủ đại diện của các nước phương tây, kể cả Mỹ, thực chất cũng là một hình thức dân chủ tập trung. Cuối cùng, người được “châm chước”, Nhà văn Trần Văn Tuấn, người cũng rất biết tôi, trở thành vị tân Chủ tịch HNV TPHCM.
Người được châm chước thứ hai là Trần Nhã Thụy, một người đúng là “đàn em” từng rất thân thiết với tôi. Vì Thụy từng chơi với anh Hoài Anh và tôi từ khi còn là sinh viên.
Khi tôi in sách cả thơ và văn Thụy đều viết giới thiệu trên báo Văn Nghệ TPHCM, còn khen tôi với nhà văn thật không còn gì hơn thế. Thụy viết đọc một truyện của tôi “có cảm xúc rợn ngợp như đọc văn chương của Mác-kết”, một nhà văn mà giới văn chương thế giới cho rằng “đoạt giải Nobel trong các giải Nobel”! Thụy làm ở Báo Tuổi Trẻ, hồi con bé nhà tôi là sinh viên thực tập chính tại báo ấy, tôi đã dẫn nó đến gặp Thụy. Sau đó Thụy bảo “Anh bảo cháu cố gắng xem chừng báo muốn nhận cháu ở lại đấy”. Tôi mừng lắm nói với nó không ngờ nó độp một câu thế này: “Con có thích ở lại đâu mà cố gắng!” Hôm qua, sau trình tự thông thường của đại hội, chào cờ, giới thiệu đại biểu, đương kim chủ tịch đọc báo cáo, đến phần tham luận thì chính Thụy, đang đảm nhận vai trò một thư ký, là một trong hai người phát biểu. Thụy nói chậm rãi, từ tốn, là thấy hơi bị bất ngờ, vì mới được đề cử thêm trước khi bầu mà cũng trúng cử, Thụy có ý này làm tôi chú ý:
-Có người hỏi tôi “mày vào BCH làm gì?” “Rồi chúng mày vào Hội Nhà Văn làm gì?” Theo tôi một người đàng hoàng không nên hỏi những câu bắt bí người ta như vậy. Cũng như không nên hỏi người ta “lấy nhau làm gì?”, “Sinh ra trên đời làm gì?”…
Với tôi cứ nghĩ Thụy còn là một chú bé, ngồi nghe Thụy nói vậy biết là Thụy đã trưởng thành rồi và có thể lãnh đạo tôi được rồi!
Rồi cả hội trường cười ồ lên khi người điều hành nói mời Ban Chấp hành cũ lên “từ biệt”. Có người chỉnh: “Từ nhiệm mới đúng”; có người diễu: “Từ biệt cõi trần”. Hôm 16, người ta cũng được phen cười khi ông Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu mời Nhà thơ lão thành Hoài Vũ lên tham gia Đoàn Chủ Tịch, giới thiệu ông là “một nhà thơ có tiếng tăm”!
Rồi Ban Chấp Hành cũ lên từ nhiệm, Ban Chấp hành mới lên ra mắt kế nhiệm, ông Chủ tịch mới phát biểu, khách đọc lời chào mừng, tặng hoa tặng hoét, v.v…
Nội dung chính của đại hội chỉ có thế, còn đa phần mọi người đến chủ yếu để “vui là chính”, tôi cũng vậy nên muốn viết tiếp ít dòng quanh chuyện đại hội này. Không định nói về tâm linh nhưng rồi lại nói. Trong cuộc nói chuyện với Nhà thơ, GSTS Nguyễn Huy Dung, em nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, nhớ đến chuyện bà bị xử bắn cùng cố TBT Hà Huy Tập, tôi hỏi ông khi ở bàn cà phê:
-Hài cốt của ông Hà Huy Tập đã tìm được vậy hài cốt của bà Nguyễn Thị Minh Khai có tìm được không?
-Chịu không tìm được, bao nhiêu năm loạn lạc người sống còn khó nên đến giờ thì mất dấu hết rồi. Còn nhờ giới ngoại cảm thì tôi không tin.
Rồi anh có nói gia đình đã đi gặp người này, người nọ, đọc tin này tin nọ nên đã khẳng định là “mất dấu” hoàn toàn rồi. Vì ngồi đối diện hơi xa, lại đông người ồn ào, tôi cũng không tiện nói. Chuyện tìm hài cốt cố TBT Hà Huy tập là một đề tài của Viện “tiềm năng” kết hợp với họ tộc cố TBT, có những nhà khoa học hàng đầu tham gia như GS Viện sĩ Đào Vọng Đức, rồi PGS Vật lý Hà Vĩnh Tân là con cháu họ Hà, nên người ta không dễ mê tín mà tin theo kết quả chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm. Chính thực tế đã kiểm chứng đúng người ta mới tin. Còn gia đình nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai chỉ tin vào nhân chứng và tài liệu thì chưa chắc đúng, vì sau thời gian rất dài trí nhớ của nhân chứng cũng không chính xác, tài liệu cũng do chủ quan con người viết ra cũng không chính xác. Vì thế khi mộ đã mất dấu mà gia đình lại dị ứng với các nhà ngoại cảm thì lại chưa chắc đúng. Sau đó vào họp tôi lại ngồi bên anh, tôi và anh thì thầm nói chuyện:
-Em đến nay vẫn chưa một lần đến chùa thắp nhang một lần đấy.
Anh Dung ngắt lời:
-Mình thì lại hay đến chùa thắp nhang vì nhà có nhiều người mất.
-Vì vậy em không phải mê tín. Nhưng em quen thân với một người không phải là nhà ngoại cảm mà có khả năng của thần thánh cơ. Như nếu cô ấy quan tâm thì bây giờ từ ngoài Bắc cô sẽ biết là em đang ngồi bên anh, trước mặt anh có cái cặp như thế này này.
-Thế cơ à!
-Sự thật nó thế chứ không phải tùy tin hay là không tin. Cũng như các hiện tượng trong tự nhiên nảy sinh khác với lý thuyết khoa học thì các nhà khoa học phải chú ý, tìm hiểu, giải thích, phải thay đổi lý thuyết cho khớp với thực tế chứ không phải vì dốt mà phủ nhận thực tế. Còn em thì thấy nhiều điều trong kinh Phật hóa ra lại là sự thật. Như khả năng lục thông của Đức Phật. Chính cô Hòa mà em quen đã rất nhiều lần chứng tỏ khả năng đó. Thế mới phải bái phục anh ạ.
-Bạn mình là Đoàn Xuân Mượu cũng GS Y khoa đấy thì tin lắm. Còn mình chưa tìm hiểu, chưa có dịp chứng kiến thì mình luôn tôn trọng nhưng không có ý kiến.
Thế mới biết nhận thức là một quá trình cực khó khăn, với cái hữu hình sờ sờ trước mắt còn cãi nhau loạn cả lên huống chi là thế giới vô hình!
Thời gian này tôi đọc lại cơ học lượng tử, lý thuyết dây, là những tri thức cao nhất của khoa học, là biên giới của nhận thức, để xem có phải từ khi tôi gặp cô Vũ Thị Hòa đầu óc mê mụ đi không? Thật thú vị, ngược lại, chính những điều trước đây tôi còn mơ hồ thì khi được gặp và chứng kiến những khả năng siêu phàm của cô, đọc những trang kinh cô viết với danh xưng là Phật Bà, Quán Thế Âm Bồ Tát, tôi lại vỡ ra nhiều điều hơn. Đây là những điều tôi từng nói là thú vị nhất nhưng lại khó hiểu nhất nên có viết ra thì không phải ai cũng hiểu.
***
Rồi điều mọi người chờ đợi nhất đã đến: liên hoan mừng đại hội thành công rực rỡ! Không phải mọi người tham ăn mà chính là lúc bạn bè tìm nhau, trò truyện. Tôi từng ăn ở nhà ăn của T78 không chỉ một lần, công nhận khẩu vị của “Trung Ương” rất chuẩn vì tuyển được đầu bếp rất biết nấu ăn vào nấu ở nhà khách này.
Hôm trước tôi trông thấy một người quen quen nhưng không làm sao nhớ tên, về lên mạng coi thì được biết là Châu La Việt. Còn nhớ anh Hoài Anh nói ông con Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vì mê Chế Lan Viên nên đã lấy bút danh là Châu La Việt. Mà với con Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì với tôi có cả một trời kỷ niệm:
Số là anh từng là đại diện của Báo Văn nghệ Trẻ ở phía Nam lúc mới phát hành, tờ báo mà chính Nguyễn Quang Thiều là chủ biên, Thiều đã nhờ tôi viết bài.
(Thiều thị sát tôi xây nhà năm 1998)
Như vậy tôi thuộc dạng khai quốc công thần của tờ báo này. Với báo Văn hóa Văn nghệ Công an, trang web của Hội Nhà văn VN, tôi cũng góp mặt ở giai đoạn đầu như thế. Một lần Thiều vào tổ chức gặp gỡ, định giới thiệu tôi, Châu La Việt (lúc đó dùng tên khác mà tôi không nhớ) nói: “Đã là bạn Nguyễn Quang Thiều là có tài rồi, không cần phải giới thiệu”.  Tôi nghĩ mai đi họp nhất định tìm gặp ông này. Đúng là ước gì được nấy, trong bữa liên hoan tôi đã ngồi giữa anh Châu La Việt và anh Nguyễn Ngọc Thu, tôi hỏi:
-Ông có nhớ tôi không?
-Làm gì mà không nhớ!
-Anh… Hoàng Thi Thơ chứ gì? Nói Hoàng Thi Thơ là anh hiểu chứ gì?
-Đúng rồi!
-Anh Thu ơi, ông này là con Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đấy. “Em gái miền quê…”, rồi “Thi ơi Thi…” đấy. À mẹ anh là ca sĩ hát đầu tiên bài Xa khơi, tiên sư cái đầu lại quên mất tiêu tên cụ rồi!
-Tân Nhân!
Anh Thu:
-Thế cơ à, Tân Nhân hát Xa khơi thì nhất rồi, sau này Anh Thơ hát cũng hay, nhưng nghe Tân Nhân vẫn hay.
-Nhưng hồi ấy anh dùng tên gì ấy nhỉ? Tôi cũng lại quên mất. Còn Châu La Việt tôi nhớ ông Hoài Anh bảo anh vì mê Chế Lan Viên quá nên đã lấy tên như thế.
-Ông Hoài Anh mê Chế Lan Viên thì có. Hồi ấy tôi dùng tên Triệu Phong, Trương Nguyên Việt. Nói thực với ông hồi ấy là tôi đầu tư làm cái báo Văn nghệ Trẻ ấy đấy.
-Báo ấy mới ra khí thế quá, vậy mà thằng Thiều lại bị tách ra, tôi bảo Thiều: “Ông chỉ giỏi bầy cỗ cho người ta xơi”, bên An ninh cuối tháng cũng thế. Thiều bảo nghỉ làm An ninh thế giới nhưng Hữu Ước chơi đẹp là vẫn trả lương đàng hoàng.
-Hồi ấy báo Văn nghệ Trẻ chỉ có lỗi là hay hơn báo Văn nghệ “già”. Hồi ấy Thiều đi không chỉ vì Văn nghệ Trẻ đâu. Đông La còn khoa học, còn ngây thơ lắm! Mà tôi cũng không ngờ ông với Thiều thân thiết như vậy mà lại “chơi” nhau. Bây giờ còn liên lạc với nhau không?
-Đúng là còn hơn cả bạn bè đấy, tôi đã hiểu lầm. Tình cảm của tôi với Thiều như viên ngọc, có tì vết là hỏng rồi. Thiều chỉ viết cho tôi mấy chữ: “Tôi đã ủng hộ ông vì ông là bạn tôi và ông xứng đáng. Không ngờ ông lại “chơi” tôi, ông làm tôi đau đớn nhất từ trước tới nay đấy. Giờ thì ông muốn làm gì thì làm”. Mẹ kiếp nghĩ lại những bài tôi viết về Thiều giống như chặt nhầm vào tay mình vậy. Tôi có cần quái gì đâu mà chỉ vì cáu tiết lên lại đi viết như thế!
***
Có một điều là người ta thường ngạc nhiên khi đọc tôi viết rồi gặp tôi ngoài đời. Trong Đại Hội ngồi cùng bàn tôi với anh Thu là PGS Đoàn Lê Giang, vì là Trưởng Khoa Ngữ Văn trường “nhân văn” nên cũng quen biết nhau cả. Giang quê Hải Phòng cũng rất thân với Nguyễn Hữu Sơn, bạn tôi. Giang nói mấy lần: “Đọc Đông La viết thấy như con hổ sao ngoài đời hiền như con thỏ vậy?” Đúng như vậy từ trước tới nay trong đám đông tôi luôn giấu mình, tính tôi nó thế chứ không phải cố làm ra. Đến chỗ đông người tôi thường ngồi một chỗ, ai quý tôi, kể cả người lớn hơn tuổi rất nhiều, thì đi tìm tôi, kể cả quan chức cao cấp. Trong hóa học những chất có cấu trúc mà trạng thái năng lượng thấp nhất sẽ bền vững nhất, như nước chảy chỗ trũng vậy. Đến đám đông là để gặp gỡ mà ngồi một chỗ tôi lại thấy thoải mái hơn, đúng là ngược đời thật! Tôi không dám coi mình là cái gì nhưng không ngờ sự hành xử của tôi vô tình mà lại tuân theo lời dậy của Lão Tử. Tương truyền, khi Khổng Tử thỉnh giáo Lão Tử, Lão Tử nói: “Người giỏi kinh doanh đem cất giấu của cải hàng hóa, không cho người thác trông thấy, mặc dù giàu có nhưng dường như cái gì cũng không có. Người quân tử Đức cao thường bề ngoài cũng giống như người ngu độn, không để lộ chân tướng ra ngoài. Ông cần phải vứt bỏ tâm kiêu ngạo và dục vọng, vứt bỏ tâm thái và thần sắc mà ông đang có kia đi, vứt bỏ chí hướng quá truy cầu kia đi, bởi vì những thứ này đối với ông chẳng có chỗ nào tốt cả. Đó chính là những gì mà tôi muốn cho ông biết”.
Khổng Tử trở về mấy ngày không nói chuyện. Tử Cống thấy lạ hỏi thầy thì Khổng Tử nói:
“Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Có thể chạy thì ta có thể dùng lưới giăng bắt nó, có thể bơi thì ta có thể dùng dây tơ mà câu, có thể bay thì ta có thể dùng cung tên bắn được. Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta hôm nay gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi!”
Theo ngôn ngữ hiện đại, có thể nói Lão tử là một nhà khoa học, một nhà triết học duy vật còn Khổng Tử là một nhà xã hội học. Nhà xã hội học thông thái như Khổng Tử tất phải biết bái phục đầu óc của một người như Lão Tử. Điều này sau Khổng Tử hơn hai ngàn năm, rất nhiều người bây giờ còn chưa biết ứng xử như Khổng Tử, có tí bằng cấp, tí danh tiếng là nói lăng nhăng!
***
Chủ tịch mới của Hội Nhà Văn TP HCM là anh Trần Văn Tuấn, nhà văn, từng là Phó TBT Báo Sài Gòn Giải Phóng, là lớp đàn anh cũng rất biết tôi.
Anh cũng rất thân với anh Hoài Anh, người từng trên tầng cây số với tôi nhiều năm. Gần đây một lần gặp anh Tuấn, không ngờ ông ấy bảo:
-Mày viết được đấy, cũng phải có một người như mày mới trị được mấy lão quấy rối. Mày còn “chơi” cả Nguyễn Duy cơ đấy!
-Anh cũng đọc blog của em à?
-Có chứ.
Hôm qua anh cũng đến bàn tôi, tôi nói:
-Anh phải cảm ơn em đấy nhé, vì không có một phiếu của em là anh phải bầu lại rồi, mà bầu lại thì chưa chắc. Anh còn nhớ chuyện tuyệt mật với ông Hoài Anh không? “Tiên sư cái nhà ông này làm bẩn cả người người ta!”
Anh Tuấn cười tít mắt, chuyện về Hoài Anh đó rất vui mà không thể viết ra được. Như đã nói tôi hay giấu mình trước đám đông nên nghĩ ít người biết mình, hoặc gặp mình một hai lần họ sẽ không nhớ. Như anh Trần Thanh Giao từng điện cho cô Anh Thơ bảo tôi được giải truyện ngắn, tôi cũng đã đến nhà anh một lần ở Quận 1, nhưng là mấy chục năm về trước. Anh cũng ngồi cùng bàn với tôi, tôi hỏi anh có nhận ra tôi không? Không ngờ một người đã trên 80 tuổi như anh nói: “Đông La chứ gì, nhớ chứ!” Anh Trương Nguyên Việt ngồi bên nói: “Đông La thì đéo ai mà chả biết!” Rồi nữ văn sĩ Trầm Hương, một lần cùng Nguyễn Hữu Sơn và mấy người ở Viện Văn đến nhà tôi khi còn là một cái xưởng sản xuất trên mảnh đất. Không nhớ nói chuyện gì, tôi nói làm sao mà Trầm Hương phản ứng đứng dậy bỏ về luôn! Cá tính mạnh thế đấy! Trầm Hương cũng đến bàn tôi gặp ai đó, tôi hỏi: “Nhớ Đông La không?” “Làm gì không nhớ…”
Thì ra giới nhà văn cái tôi cao nên không thân thì trong giao tiếp người ta thường hay làm “mặt nạ”, hoặc tỏ ra kên kên, nhưng thực ra người ta vẫn chú ý đến những người khác, vẫn biết mình biết người. Chỉ những kẻ ngu dốt nhưng hoang tưởng, lập dị, ngông cuồng mới không phân biệt được cao thấp, đúng sai, tốt xấu mà thôi!
18-6-2015
ĐÔNG LA