ĐÔNG LA
GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG VỚI CÁI NHÌN
BÊ TÔNG HÓA LÝ LUẬN
Bữa
trước tôi mới viết về ông Trường “mương
máng” (Tô Văn Trường ngành thủy lợi) bàn về Kinh tế thị trường định hướng
XHCN thì hôm nay đúng là hợp duyên, “chiến hữu” lại gởi cho tôi một bài mà người
viết là một ông “Giáo sư cầu cống”: CHỐNG
NGỤY BIỆN VÀ NHẦM LẪN VỀ CHỦ NGHĨA MÁC LÊNIN (https://www.facebook.com/ngdinhcong?fref=nf).
Ông này đích danh là Nguyễn Đình Cống, U80, nguyên dạy tại Trường Đại học
Xây dựng, được giới thiệu là “chuyên gia về bê tông”. Không biết có phải
do ông mắc bệnh nghề nghiệp, não ông bị bê tông hóa hay không, mà cái nhìn về triết
học Mác của ông đúng là “đặc bê tông”,
như hồi còn nhỏ ở quê, tôi thấy người lớn hay mắng trẻ con là “… đặc cán mai” vậy!
Khi cho Chủ nghĩa Mác là “ngụy biện” như sau:
“Trong thời
gian dài tôi và nhiều người, trong đó có cả những trí thức lớn, đã bị nhầm lẫn,
cho rằng chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) là hoàn toàn đúng, là trí tuệ tuyệt vời của
nhân loại. Dần dần một số trong những người ấy tỉnh ngộ ra, thấy được cái sai
và tác hại của nó, nhưng cũng còn rất nhiều người chưa thấy được. Nguyên nhân
của hiện tượng nhầm lẫn là do người tuyên truyền CNML đã dùng lối ngụy biện ở
trình độ cao, còn người tiếp nhận, đã bị tình cảm chi phối hoặc do vô minh mà
tin một cách ngây thơ hoặc mù quáng”.
Đúng là một thầy giáo, ông Cống đã giảng về chữ “ngụy biện” trước:
“Viết bài này tôi hy vọng phân tích được sự
ngụy biện và nhầm lẫn đó để tự giáo dục mình và thức tỉnh các bạn bè còn mê lầm,
đặc biệt là để các bạn trẻ đừng vì vô minh đi vào con đường mà một số ông cha
đã chọn nhầm, một con đường đầy lầm lạc mà cứ tưởng là tươi sáng”; “Ngụy biện là cách diễn đạt từ suy luận sai
lầm”; “lập luận dối trá để biến sai
thành đúng”; “Ngụy biện là dối trá,
là lừa bịp ở cấp cao vì nó được thông qua suy luận và chứng minh, có hình thức
bên ngoài khá chặt chẽ”; “Ngụy biện
có thể do cố ý hoặc vô tình. Kẻ cố ý tự biết mình ngụy biện, với mục đích đánh
lừa người khác để mưu cầu một mục đích nào đó. Người vô tình phạm phải ngụy
biện có thể do vô minh (trình độ kém) hoặc cũng có thể do lòng tốt mù quáng,
Phạm Đình Nghiệm gọi trường hợp vô tình này là “ngộ biện””.
Từ cơ sở đó, ông Cống đối chiếu vào thực tế:
“Thí dụ: Dựa vào phán đoán - Chủ nghĩa xã hội
(CNXH) là vô cùng tốt đẹp. Suy luận thành: yêu nước thì phải yêu CNXH, hoặc
không yêu CNXH không phải là người yêu nước. Suy luận trên là ngụy biện”; “Kết luận yêu nước phải yêu CNXH là một kết
luận không thể chấp nhận. (hàng tỷ người trên thế giới không yêu CNXH, không
thể bảo họ không yêu nước). Thế mà hàng chục triệu dân VN chấp nhận sự ngụy
biện trên như một chân lý. Họ vui vẻ chấp nhận vì điều đó được cán bộ của Đảng
nói ra, họ đã có sẵn niềm tin vào Đảng, hơn nữa trình độ của họ còn thấp, chưa
đủ kiến thức và phương pháp khoa học để phát hiện ra sự ngụy biện. Những người
thấy là sai mà không dám nói công khai, không dám phản biện vì sợ mang tội phản
động, tội chống Đảng”.
Nói
như trên, như ngày xưa thì ông Cống đúng là “mang tội phản động, tội chống Đảng” thật. Còn hôm nay vì nước ta
dân chủ nhất thế giới, nhiều người được tự do nói bậy, nên chắc ông cũng sẽ
không sao. Giờ hưu rồi ông mới mạnh miệng, chứ ngày xưa, cho ăn kẹo bố bảo ông
cũng không dám nói bậy như thế. Bởi ông rất dễ vào tù chứ không thể được đi làm
Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Xây dựng Khác-cốp, Liên Xô (1969-1972). Chắc
chắn ông sẽ tự bôi đen cái số đỏ của mình, vì chính trong khoảng thời gian ông
vi vu dưới bầu trời xanh XHCN đó, bằng tuổi ông, rất nhiều chiến sĩ đã ngã
xuống trong cuộc chiến khốc liệt giành lại nền độc lập, nhất là trận Tổng tấn
công tết Mậu Thân 1968 và Trận Thành cổ Quảng Trị 1972. Với trận Thành Quảng Trị, quân ta đã chiếm được thành phố, sau đó phía
Việt Nam Cộng hòa bằng Chiến dịch Lam Sơn 72, với sự tham gia của không quân,
hải quân chiến lược Mỹ, kể cả B52 ném bom (4.958 lần/chiếc B-52 (trung bình 60 lần/ngày đêm)), đã
chiếm lại được Thành cổ. Chiến sự trong "mùa hè đỏ lửa" diễn ra cực kì ác liệt, ác liệt nhất kể từ khi
có cuộc chiến tranh tại Việt Nam .
Về phía QLVNCH, kế hoạch chiếm thị xã trong thời gian ngắn để mặc cả tại Hội nghị Paris đã không thực hiện
được mà phải mất gấp 5 lần. Còn quân ta cũng thương vong rất nhiều. Lê Bá Dương, người từng tham gia trận đánh, tuy
không phải là một nhà thơ nổi tiếng nhưng anh lại viết được những câu có lẽ đã
thành bất tử:
Đò lên Thạch
Hãn ơi chèo nhẹ.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước.
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước.
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Viết kỹ một chút về chiến tranh như vậy
bởi tôi thấy cái nước Việt mình có những chuyện quá kỳ lạ. Ngược lại hy sinh
mất mát của đa số người cùng thế hệ, những người như Quang A, Chu Hảo, nay lại
thêm Đình Cống,…, rất may mắn được hưởng nhiều lộc của chế độ, nhưng nay lại là
những kẻ phản thùng, “ăn cháo đá bát”,
chửi lại chính người ưu tiên mình.
Về cái thí dụ “ngụy biện XHCN”. Trước hết hãy xem CNXH có phải là cái không tốt
đẹp để rồi người ta lấy nó làm cơ sở suy luận ngụy biện? Ông Cống và cả những
ai chưa hiểu cần phải hiểu CNXH không phải do Chủ nghĩa Mác tạo ra, rồi các nhà
cách mạng XHCN ở VN lấy đó lừa mấy chục triệu dân nước mình.
Trong
lịch sử phát triển, con người vốn còn phần “con” của dã thú nên đã tham ác
trong cuộc đấu tranh sinh tồn, kẻ mạnh, kẻ ác sẽ thắng kẻ yếu, kẻ hiền. Đó là
bản chất của chủ nghĩa tư bản hoang dã mà chúng ta được xem nhiều qua văn
chương và phim ảnh. Vì thế mà loài người thấy cần có một sự công bằng, đó chính
là tính chất cơ bản nhất của CNXH. John Ball, một trong những lãnh đạo
của cuộc khởi nghĩa nông dân ở Anh vào năm 1381, được coi là người có
tư tưởng chủ nghĩa xã hội đầu tiên, đã nói câu nói nổi tiếng: "When Adam delved and Eve span, Who was then the gentleman?" (Khi
Adam đào đất, và Eve quay sợi, Thì ai là chủ [để họ phải trả tiền cho] đây?) Suốt thời kỳ Khai sáng trong thế kỷ 18,
sự phê bình về bất bình đẳng đã xuất hiện trong tác phẩm của những nhà lý luận
như Jean Jacques Rousseau ở Pháp,
tác phẩm Du contrat social (Hợp đồng xã hội) của ông bắt đầu
với "Con người được sinh ra tự
do, và đâu đâu anh ta cũng ở trong xiềng xích". Trong thế kỷ 19, cụm từ "chủ nghĩa xã hội" thường được các nhà phê bình xã hội châu
Âu nói chung dùng để phê phán chủ nghĩa tư bản. Cứ thế dần dần các nhà tư tưởng đã khái quát
lại thành hệ thống lý luận của chủ nghĩa xã hội, đấu tranh cho một xã hội công
bằng. Những người theo Chủ nghĩa Xã hội đã tự hình thành nhiều nhánh khác
nhau, riêng chủ nghĩa Mác- Lênin thì cho Chủ nghĩa Xã hội là giai đoạn nằm giữa
quá trình từ Chủ nghĩa Tư bản tiến lên Chủ nghĩa Cộng Sản. Một số trường
phái Chủ nghĩa Xã hội vẫn chấp nhận đa nguyên về kinh tế và chính trị
nhưng vẫn tạo ra sự bình đẳng xã hội bằng chính sách thuế và an sinh
xã hội.
Như vậy, Chế độ XHCN phải tốt đẹp hơn
Chế độ Tư Bản CN, là sự phát triển tất yếu của nền văn minh. Chủ nghĩa Tư Bản
hoang dã đã phát triển vô độ thành Chủ nghĩa Đế quốc, gây ra hai cuộc Đại chiến
Thế giới I và II. Khi chiến tranh chấm dứt, những nước chiến thắng lại chia
phe, Mỹ đứng đầu một bên và Liên Xô đứng đầu một bên. Vì bị chính trị hóa, các
“phe” thường tự nhận, tự gán cho nhau những khái nhiệm chế độ không hoàn toàn
đúng với bản chất đích thực của nó. Thực tế đến nay không có nước nào tuyệt đối
là một chế độ theo đúng định nghĩa của lý thuyết. Đến Liên Xô từng coi mình là
“Thành trì XHCN” nhưng thực tế cơ chế vận hành xã hội còn mang nhiều tính chất
của xã hội phong kiến. Như thời Brezhnev khi là TBT đã củng cố vị trí bằng cách
buộc Podgorny nghỉ hưu để đồng thời làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối
cao Liên Xô, tương đương với chức vụ của một tổng thống, là người thống trị ban
lãnh đạo từ năm 1977 trở về sau. Ông ta tự phong mình làm Nguyên soái Liên Xô và được nhận danh hiệu Anh
hùng Liên Xô tới 4 lần. Như vậy Brezhnev đúng là một ông vua kiểu mới và như
một số sự phê phán, thực chất nhà nước Liên Xô là nhà nước mang hình hài XHCN nhưng
máu chảy trong đó còn là máu phong kiến. Cũng chính vì thế mà nó đã vỡ tan tành.
Còn Mỹ và các nước phương Tây thực ra là “được” phe XHCN gán cho theo CNTB.
Nhưng thực tế, để tồn tại và phát triển, nhiều tính chất xấu xa của Chủ nghĩa
Tư Bản hoang dã đã chết đi. Như Wikipedia viết: “Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở
nên tốt đẹp hơn để được xã hội loài người chấp nhận”. Nhiều chính sách an sinh
xã hội tại Mỹ và các nước phương Tây hướng về cộng đồng rõ ràng là mang tính
chất của CNXH mà thời CNTB hoang dã không thể có. Cùng với nền tảng phát triển
sẵn có, họ đã là “phe” thắng thế, được thế giới gọi là các nước phát triển, còn
họ thì tự coi mình là thế giới tự do, dân chủ. Nhưng dù vậy tính chất của xã
hội tư bản vẫn còn nhiều. Vẫn còn nguyên đó sự bất công trong hưởng thụ thành
quả lao động, vì thế mới có Phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall”. Phong trào của những người “đại diện cho 99 % dân lao động”
chống lại “1% giới tư bản”, cái “hệ thống được dựng lên để 1% những người
giàu nhất nhận 40% chiếc bánh”.
Còn nước ta, với thực trạng mất nước,
một chế độ phong kiến nô lệ, thì coi XHCN là “lý tưởng tốt đẹp” là điều tất nhiên, sao ông Cống cho “phán đoán Chủ
nghĩa xã hội (CNXH) là vô cùng tốt đẹp” chỉ là cở sở để “suy luận ngụy biện”?
Còn cái khẩu hiệu “yêu
nước thì phải yêu CNXH, hoặc không yêu CNXH không phải là người yêu nước”
thì ông Cống dốt
ở chỗ không phân biệt được lý luận với tuyên truyền. Tôi tin trong sách giáo
khoa triết học không có, nếu có sẽ rất hãn hữu (vì tôi chưa đọc hết nên không
biết), cái khẩu hiệu “yêu nước thì phải yêu CNXH, hoặc không yêu CNXH không
phải là người yêu nước”. Còn việc
tuyên truyền thì bất cứ chế độ nào cũng tuyên truyền chứ không chỉ có ở VN. Nếu
không có tuyên truyền thì Hít-le không thể kích động dân Đức thực hiện sứ mệnh
dân tộc thượng đẳng của mình để rồi tự diệt vong; thanh niên Mỹ không thể vượt nửa
bán cầu với sứ mệnh “chiến đấu cho thế
giới tự do” rồi bỏ mạng vô ích tại đất nước VN xa lạ, vì sau đó chính Chính
quyền Mỹ phải thú nhận là đã sai lầm khi can thiệp rồi gây ra cuộc chiến phi
nghĩa ở Việt Nam.
Vậy khi nước ta coi Chế độ XHCN là lý tưởng để phấn đấu xây
dựng thì chuyện đưa ra khẩu hiệu để tuyên truyền “yêu nước thì phải yêu CNXH, hoặc không yêu CNXH không phải là người yêu
nước” là chuyện tất nhiên. Nên ông GSTS bê tông Nguyễn Đình Cống viết “hàng tỷ người trên thế giới không yêu CNXH,
không thể bảo họ không yêu nước” thì y như lý sự của một người bị bệnh tâm
thần chứ một nhà lý luận không ai ú ớ như thế! Cũng cần phải phân biệt, hiện
nước ta coi CNXH là lý tưởng để phấn đấu xây dựng chứ xã hội nước ta chưa phải
là XHCN.
TBT Nguyễn Phú Trọng từng nói câu rất thực lòng, rất
thực tế và tuyệt hay: “Đến hết thế kỷ này
không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa". Nói ý ông
TBT hay vì ông đúng là một GS về lý luận. Ông đã nói đúng theo cặp phạm trù “Lượng và Chất” của Triết học Mác. Chỉ
khi nào lượng mới đủ thì chất cũ mới biến thành chất mới. Với xã hội cũng vậy. Trước
nay nhiều người cứ nghĩ ta tuyên bố theo chế độ XHCN thì sẽ khá hơn Anh, Pháp,
Mỹ mà không hiểu rằng, hơn hay kém phụ thuộc vào thực trạng của ta, trình độ
của ta, khả năng ta thực hiện trong thực tế như thế nào chứ không phải cứ tuyên
bố là được. Nếu làm đúng thì sớm hay muộn ta cũng sẽ có XHCN, sẽ sướng hơn
thật. Ngược lại làm sai thì không chỉ như lời TBT Nguyễn Phú Trọng nói, nếu
không chỉnh đốn, sửa sai, chế độ hiện tại hoàn toàn có thể sụp đổ. Lúc đó sướng
hay khổ hơn còn chưa biết, nhưng theo tôi, với thực trạng “tinh hoa thì ít tinh ma thì nhiều” này, thì chắc chắn sẽ là khổ hơn,
dù bây giờ cũng còn nhiều cái khổ.
Còn chuyện về ông “Cống bê tông” sẽ còn tiếp!
14-8-2015
ĐÔNG LA