Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

NHƯ CÁNH CHIM KHÔNG MỎI

NHƯ CÁNH CHIM KHÔNG MỎI

Đó là câu hát trong một bài hát về một nữ anh hùng thấy sao mà nó cũng lại giống viết về cô Vũ Thị Hòa quá. Cách đây ít ngày cô bay vào TPHCM làm lễ Vu Lan, lấy lên một bộ hài cốt liệt sĩ (người thân và chính quyền không thừa nhận) dưới chân tường nhà cô Thương, chứng cớ không thể phủ nhận là lấy lên đúng chiếc răng vàng và chiếc bút máy kim tinh mà cô báo trước có ở dưới 1m8 đất. Cô nói với tôi lẽ ra cô chưa về nhưng phải về đột xuất vì “ngoài nhà có chuyện”. Ra Bắc được vài ngày, đúng là như “cánh chim không mỏi” cô lại a lô: “Em lại vào SG đấy, nhưng bí mật, chỉ có chị Thương biết thôi, anh không được báo cho ai biết đấy”. Nhưng rồi cô lại gọi bảo hoãn lại, do mưa lũ ngập cầu rồi không đi được. Hôm sau tôi chờ đợi mãi thấy cô không gọi nghĩ chắc cô đã thôi kế hoạch, rồi đột nhiên cô lại gọi cười khúc khích: 
-Em vào rồi, nhưng ở nhà nghỉ gần sân bay, cùng đoàn có anh Thu, Phó Tư và Tuấn thôi. 
Rồi cô nói mai đi một chuyện, tính nhờ xe một người, tôi đi được thì cô bảo người đó đến đón tôi đi. Tôi bảo:
-Em không đi được đâu cô, em với ông đó mới cãi nhau đó, thôi chuyến khác, nếu Lãm chở cô đi thì em sẽ đi.
Nghe vậy cô ngần ngừ, ngại chuyện nhờ xe, tôi nói:
-Không sao đâu cô, đến với cô thì ai cũng kính trọng, quý mến cô cả thôi, còn người ta có quý mến nhau hay không lại là chuyện khác. Nên em hay đùa là ai cũng muốn tu nhưng hành động lại “tù” mà không biết. Ai cũng vì cái tôi mà giận nhau, cãi nhau chỉ vì những chuyện vớ vẩn. Thôi cô đi đi, chiều nay về sớm cô gọi cho em, kỳ này cô phải dành cho em chút thời gian gặp riêng cô, còn nhiều chuyện muốn hỏi cô quá.
Chiều không thấy cô gọi, tôi biết là cô về muộn, tối, lúc tôi nghĩ chắc cô đã về nên gọi điện hỏi thăm. Cô bảo đang trên đường về nhà, sáng mai tôi đến gặp cô, rồi đến trưa anh Lãm đi Phú Quốc về thì tôi đi cùng cô chuyện khác nữa.
Buổi sáng qua, tôi đã gặp cô tại nhà ông Duật. Gặp cô thật mừng, cô mặc chiếc áo gụ mà tôi thích nhất vì lần đầu gặp cô cô cũng mặc cái áo đó, mà hình như riêng bộ quần áo này chẳng thấy cũ đi chút nào cả.

Nói vài chuyện xong vào việc chính, tôi nói ý định xin cô chỉnh sửa các bài đã viết, viết thêm để thành một cuốn sách về cô. Để cho “có đầu có đuôi” như cô hay nói, tôi muốn muốn biết cụ thể những nét chính cuộc đời cô từ nhỏ cho tới lúc “phát sáng”, mà đến nay, Phật tử truyền nhau nghe không ít chuyện như huyền thoại. Cuộc phỏng vấn kéo dài mấy tiếng, tôi thấy máy báo có tin nhắn, đọc thì thấy “thằng cha” Duật nhắn: “Xong chưa, xuống chén thôi”. Không biết do tôi cầm máy hay một lần nó bị rơi, máy “stop” mà không biết, phần cuối cuộc phỏng vấn quý giá lại không ghi được. Thật tiếc quá!
***
Rồi Lãm về muộn, chuyến đi hoãn lại, ăn uống trưa xong, cô bảo tôi nghỉ đi chiều cô qua tiếp. Đại tá Nhương xin cô bữa chiều cho gia đình làm cơm mời anh em, cô đồng ý nhưng phải làm tại nhà ông Duật luôn. Tôi ở nhà ông Duật suốt ngày, chiều cô sang, trong tay là chai “thực phẩm” của cô là nước giếng cô mang từ chỗ cô ở vào, còn chúng tôi lại tiếp tục đánh chén. Kỳ này “bí mật” mà cũng có phải đến vài chục người. Ăn uống xong, ngồi uống nước nói chuyện, cô bảo:
-Cô chán viết facebook rồi, viết mỏi cả tay, cứ “nam mô. Nam mô” mà có ngộ đâu. Cô kể chuyện này anh lại viết lên cho cô. anh ghi âm luôn đi.
Tôi mở máy, cô nói:
“Có con Thảo gọi em bằng thím, tức con người anh ông Sửu đấy. Nó ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Nó đi lấy chồng, tháng hai vừa rồi, lâu lắm rồi mới mò đến, em thương nó vì mẹ nó mất sớm, nó mồ côi, chị em nó còn bé. Đầu tiên nó đến thì trông nó khỏe mạnh như bình thường, cái Thảo mà thằng Thự nó cũng biết đó. Em mới bảo thế này này, Thảo ơi thím thấy cái chân mày sau này bị nặng lắm đấy, tao lo sau này mày không cẩn thận, cái xương có triệu chứng làm mày sẽ bị liệt, mà liệt đã tốt, có khi mày còn chết luôn. Nó bảo bây giờ con không có đau đớn gì cả. Hôm sau thì thằng chồng nó xuống, thằng này thì cô đã vạch tội, toàn đi phản bội vợ nó, đi gái. Nghe chuyện, thằng chồng nó mới điên quá, bảo vợ nó có đau đâu, nó mới đi trả thù cô, nó mới đi khám luôn để chứng tỏ cô nói sai. Cô mới nói là bây giờ con chưa bị đâu Thảo ạ, Thảo ở đây phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, mày ở đây với thím tầm độ một tháng đến hai tháng để thím chữa bằng cái năng lượng của thím, để thím chặn đi, để nó đỡ dính bệnh, đỡ dính bị ung thư xương. Cô nói là mày ở đây với thím, mày nói dối chồng mày là bây giờ em đau chân lắm, em ở đây, mày lừa chồng mày, mày chưa đau nhưng bảo đau để ở đây với thím, thím chữa cho. Nó bảo con không đau , nhà con thế, giờ ở đây với thím con khổ lắm. Cô bảo mày ở đây phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, mày để thím chữa đi, không có là mày khổ đấy. Thế nó cứ bảo bây giờ chồng nó không cho ở, thế nọ thế kia, từ tháng 2, thế thì em tức quá à, em mới nói là thím đã biết rồi nhá, mày sẽ bị nặng đấy nhá, xương của mày ấy là không bị thấp khớp bình thường đâu, thế là nó mới tức, cả vợ cả chồng nó mới đưa nhau đi khám thì không có bệnh gì, không đau, không có triệu chứng gì, thằng chồng nó về nó bảo em là lừa. Em mới nói là tao bảo mày đã bị đâu mà mày để cho thằng chồng mày lôi mày đi khám thì con Thảo nó bảo là nhưng mà thím ơi cháu nghe thím nói cháu sợ nên đi khám, nghe thế em mới nói là, thế thì hóa ra mày sợ bác sĩ hơn là sợ tao, thì thôi tốt nhất là mày đừng có đến với thím nữa. Thế rồi bây giờ cô rất khổ tâm. Cách đây là thứ 6 vừa rồi, chưa được một tuần, à thứ 2 vừa rồi, thì tự nhiên là nó khóc, con Thảo đấy, bây giờ nó lại đến hành em tiếp, nó khóc thế này, nó bảo thím ơi bây giờ con đau quá, con đi khám ở bệnh viện Yên Bái, không biết con bị bệnh gì, thím ơi thím thương con với, bây giờ nó giới thiệu con đến bệnh viện tuyến trên. Thứ 3 đấy, nó đến bệnh viện thì khám ra là ung thư xương, à nó bị lao xương chuyển sang ung thư xương, sưng lên không đi được, thì bây giờ nó lại gọi cho mấy đứa con nhà cô, cả nhà nó không ai gọi được. Bây giờ cô nói thực là cô tức mấy người, cô nói không nghe thì đừng gọi nữa để cô khổ, ngày nào nó cũng gọi cho cô, xin cô gia hộ. Bây giờ nó nằm ở bệnh viện Bạch Mai, tiền không có, nó bảo thím ơi thím giúp con, vừa lúc nãy nó cũng gọi điện cho em. Thế đấy, lúc bảo cho thì không nghe, có ông Ba chứng kiến đấy, bây giờ bị rồi mới gọi. Khổ thế đấy anh ạ, người ngoài nói có khi lại dễ, con cháu trong nhà nói không nghe, đúng như là bàn tay ngón không gãi được cổ tay. Nó bảo, đây này, anh đọc cái tin nhắn này đi. Rồi để em chuyển sang máy của anh".
        Tôi mở máy:
         Tiếng Việt mà như tiếng nước ngoài vậy, tôi dịch ra cho rõ thế này:
“Thím ơi, con lỗi lầm nhiều, thôi có gì thím bỏ qua cho con, con thương thím chú, thương các em nhiều. Con biết thím rất khổ tâm với chị em con, biết thím khổ lúc chị em con còn bé, chỉ có thím chú mua quần áo quan tâm để ý, suốt đời này con không quên. Con xin lỗi thím vì chị em con mà thím phải khổ nhiều”.
12-9-2015

 ĐÔNG LA