Bài vừa rồi, để “mắng” Minh Đức, một kẻ vô danh tiểu tốt mà dám dựa vào
suy nghĩ thiển cận về khoa học, báng bổ cả Đạo Phật, phán lăng nhăng về
chuyện ngoại cảm, tôi mới nói những “chuyện” về khoa học chứ chưa viết về
chính khoa học. Để bạn đọc thấy tôi hoàn toàn có đủ hiểu biết chính xác, cụ
thể về khoa học, tôi đăng lại bài này. Tiếc là rất khó hiểu với đa số độc giả. Bài này tôi còn góp ý về vật lý cho cả
GS Viện Sĩ Đào Vọng Đức, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý và Nhà vật lý Thiên
văn nổi tiếng thế giới Trịnh Xuân Thuận chứ không phải chỉ là loại vô danh tiểu tốt
như Minh Đức nào đó.
5-11-2015
ĐÔNG LA
|
ĐÔNG LA
KHOA HỌC VÀ TÂM LINH
TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ CẢM
Với tôi bạn theo nghĩa
đồng cảm, có thể chia sẻ được với nhau những nhận thức tâm đắc, nhất là về
những tri thức cao sâu, là rất ít. Đã thế gần đây lại rơi rụng bớt nhưng may là
lại có thêm bạn mới, một trong số đó chính là TS BS Lương Chí Thành. Hầu như tất
cả các bài tôi viết trong các lĩnh vực từ chính trị xã hội, khoa học, triết học
cho đến tâm linh, ông TS Thành đều đồng cảm với tôi cả. Vì vậy mấy lần ra Bắc
gần đây tính sẽ gặp, có khi chỉ để nói về một điều mình mới ngộ ra được, nhưng
rồi Phật Bà lại không cho đi đâu! Nên kỳ này thấy Thành nhắn tin vào công tác ở
TPHCM “muốn tranh thủ đến thăm anh để trò truyện” tôi mừng lắm. Tôi tự
tay làm vài món “dưa muối” đãi khách, đến giờ hẹn tôi gọi thì Thành mới xuống
máy bay.
(Từ
phải qua: Đông La, Thành, chụp chung cùng các Phật tử đến thăm cô Hòa)
Tôi nhớ có lần Thành cho
tôi là “xuất sắc” hay gì đó nên mời tôi tham gia thảo luận tại trang của một
người bạn bàn về nét tương đồng giữa vật lý lý thuyết và Đạo Phật. Tôi vốn
không thích tham gia thảo luận vì toàn bộ tâm lực tôi muốn dành cho việc viết
về những điều tôi quan tâm. Nhưng có một điều tôi chú ý là giới trí thức nói
chung khi trình bày những vấn đề tri thức ra đại chúng thường dở ở chỗ trình
bầy một cách “sách vở quá”, nói với những người ngoài chuyên môn của mình lại
dùng những ngôn ngữ khái niệm nên người ta tài thánh cũng không hiểu được. Như
về vật lý lý thuyết lẽ ra người ta phải dùng ngôn ngữ của một nhà tư tưởng vật
lý chứ không phải của nhà vật lý. Ngay Einstein cũng từng nói: “Nếu anh
không thể giải thích một điều một cách đơn giản thì anh chưa hiểu điều đó đủ rõ”.
(If you can't explain it simply, you don't understand it well enough).
Còn giữa khoa học và thế
giới tâm linh nói chung và đạo Phật nói riêng giống nhau ở chỗ đều nói về những
điều không nhìn thấy. Qua các hiện tượng trong tự nhiên, khoa học phân tích và
làm thí nghiệm chứng minh. Còn thế giới tâm linh từ bao đời cũng đã xuất hiện
những hiện tượng nên đã sinh ra các tín ngưỡng và các tôn giáo, trong đó có đạo
Phật.
Có một điều xuyên suốt
là nhận thức khoa học không phát triển tuyến tính, có những chỗ bị vấp, hiện
thực mâu thuẫn với lý thuyết, các nhà khoa học lại phải tìm cách lý giải và
thay đổi. Còn nhận thức về thế giới tâm linh vì vô hình nên các tín ngưỡng, các
tôn giáo đã giải thích khác nhau, có cái tương đồng, có cái mâu thuẫn, nếu cứ
cho mình chánh đạo người khác tà đạo là sinh ra đánh nhau.
Với Đạo Phật, nhận thức
xuất phát từ tu luyện và giác ngộ của Đức Phật Thích Ca, các đệ tử ghi lại lời
của Ngài thuyết pháp và giảng đạo thành ra kinh Phật. Sự nhận thức của ngài là
trực tiếp bằng trí huệ, huệ nhãn và khả năng lục thông, khác với khoa học là
giải thích các hiện tượng rồi làm các thí nghiệm chứng minh. Thú vị ở chỗ là
sau hai thiên kỷ rưỡi, khoa học càng phát triển, có khả năng dõi con mắt vào
tận cùng cấu tạo vật chất đồng thời cũng dõi con mắt đến tận đường biên của vũ
trụ bao la, lại ngộ ra rằng những lời mơ hồ của Phật Tổ trong kinh sách là đúng.
Nét tương đồng thứ nhất
giữa nhận thức khoa học và thế giới tâm linh nói chung đó là thường phải thay
đổi. Khoa học từ các hiện tượng mâu thuẫn với lý thuyết người ta phải tìm cách
giải thích và chứng minh, từ đó đã đưa ra những phát minh mới. Còn với thế giới
tâm linh, với sự phát triển của nền văn minh, chính nhận thức từ khoa học đến
triết học đã làm người ta thay đổi nhận thức về tâm linh, có khi phủ nhận luôn,
nhưng rồi các hiện tượng tâm linh vẫn cứ xuất hiện buộc người ta phải thay đổi.
***
Với khoa học có hai sự
thay đổi lớn nhất đã mở ra những chân trời mới của khoa học, đó là Thuyết Tương
đối và Cơ học Lượng tử.
Về Thuyết Tương đối, tôi
nhớ một lần có ông nhà văn hỏi tôi: “Thuyết Tương đối là gì?” Nếu trả
lời theo sách tôi sẽ dễ dàng trả lời. Như về Thuyết Tương đối hẹp nó được dựa
trên hai định đề: (1) các định
luật vật lý là như nhau trong tất cả các hệ quy chiếu quán tính; và (2) tốc độ
của ánh sáng trong chân không là không đổi.
Nhưng nói vậy với người
không có chuyên môn thì gần như chưa nói gì. Thuộc bài chưa chắc nói cho người
ta hiểu mà cái chính là phải hiểu bài. Vậy cần phải hiểu chính xác bản chất vấn
đề và trả lời bằng ngôn ngữ đời thường mới giúp người ta hiểu được.
Tôi nói, bình thường
luôn có phép cộng vận tốc, như ông đi dưới đất phải chậm hơn khi ông đi trên
một con tầu, vì trên tầu vận tốc của ông được cộng thêm vận tốc con tầu, nhưng
với ánh sáng thì không có phép cộng như thế vì vận tốc của nó luôn không đổi.
Các nhà bác học cho điều này là vô lý nên đã tìm mọi cách để giải thích, đo đi
đo lại, chỉ riêng có ông Einstein là đã cho vận tốc ánh sáng đúng là hằng số.
Có điều nếu cho điều đó là đúng sẽ dẫn đến hậu quả xem chừng còn vô lý hơn là,
đối với một hệ chuyển động thì không gian và thời gian bị co lại. Như một chiếc
xe chạy thì chiếc xe sẽ bị ngắn lại và đồng hồ chạy trên xe cũng chậm lại.
Nhưng chỉ nhận rõ với tốc độ cực nhanh mà thôi. Điều này đã được kiểm chứng
đúng nên người ta mới bảo ông Einstein là thiên tài! Với Thuyết Tương đối rộng
thì ông cho lực của chuyển động gia tốc cùng bản chất với trọng trường, mọi vật
thể đều “uốn cong” cả không gian và thời gian quanh nó, khi lớn quá một giới
hạn, lực sẽ lớn khủng khiếp, tự bóp nát chính mình trở thành lỗ đen vì hút luôn
được cả ánh sáng. Cùng với những phát minh cơ bản khác nữa nên Einstein đã được
nhân loại cho là nhà bác học vĩ đại nhất, nhưng cần phải hiểu, như vậy không có
nghĩa là phát minh của ông là tri thức cao nhất và ông nói cái gì cũng đúng!
***
Về Cơ học lượng tử, khởi
thủy từ sự vênh nhau giữa lý thuyết và kết quả thực nghiệm đo năng lượng phát xạ của một vật
đen được nung nóng được diễn tả bằng đồ thị sau:
Như vậy khi bước sóng giảm dần, thực nghiệm cho thấy năng lượng phát xạ đạt cực
đại rồi giảm dần xuống 0, ngược lại theo lý thuyết, năng lượng lại tiến đến vô
cùng. Điều này vô lý như ta ở bên một bếp lò, năng lượng tỏa ra vô cùng sẽ
thiêu cháy ta ngay vậy.
Rồi chính Max Planck đã
cho năng lượng không phát xạ liên tục mà từng lượng nhỏ một (lượng tử), giá trị
“gói” năng lượng cực tiểu bằng bước sóng ánh sáng nhân với một hằng số. Rồi ông
đã “mò ra” một công thức tính năng lượng mà vật đen phát ra, khi bước sóng giảm
đến mức độ nào đó, năng lượng giảm dần hoàn toàn khớp với thực nghiệm. Điều đó
có nghĩa là với một nhiệt độ, năng lượng cực đại của một lượng tử chỉ có giới hạn.
Như ta hơ lửa sơ sơ một thanh sắt nó không đỏ sáng lên được. Thú vị ở chỗ là cả
Planck và các nhà khoa học đều không hiểu tại sao phát minh lại đúng và khớp
với thực nghiệm như thế. Rồi từ viên gạch lượng tử đầu tiên này, khi nghiên cứu
bản chất và các trạng thái của nó, cả một lý thuyết vĩ đại Cơ học Lượng tử đã
hình thành, đạt được vô vàn kỳ tích trong nhận thức và ứng dụng trong đời sống.
***
Trở lại cái điều ông
TSBS Thành bảo tôi tham gia thảo luận về sự tương đồng giữa vật lý lý thuyết và
Đạo Phật.
Lại phải viện dẫn đến
Einstein, ông nói: “Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà
không có khoa học thì mù quáng”. (Science without religion is lame,
religion without science is blind). Về đạo Phật, ông cũng nói: "Nếu có một tôn giáo nào đương
đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo” (If there is
any religion that would cope with modern scientific needs, it would be
Buddhism).
Dù vậy, không chỉ trên
thế giới, ở nước ta hiện tại vẫn có những nhà khoa học phản bác trực tiếp hoặc
gián tiếp Đạo Phật qua những ý kiến phủ nhận những hiện tượng tâm linh. Ông GS
Nguyễn Lân Dũng từng nói trên tivi: “Chết là hết”; Ông Khải “ô zôn”:
"cái gọi là ngoại cảm thì riêng tôi, tôi không bao giờ tin, nó chỉ là
vớ vẩn mà thôi"; ông Bằng “tia đất” thì cho ngoại cảm là “lừa đảo”;
còn ngoại cảm theo ông sư Thích Thanh Duệ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự
GHPGVN, Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, thì những
người có khả năng ngoại cảm không phải theo đạo Phật nhưng khi hành nghề họ cảm
thấy có liên quan nhiều đến đạo Phật nên họ “muốn kéo vào để gây thanh thế”;
“Sau 49 ngày, phần hồn ấy sẽ được quyết định là đầu thai vào nơi này hay nơi
khác. Khi thần thức của con người đã chuyển tiếp rồi thì nó không thể trở lại
nói chuyện được với các nhà ngoại cảm nữa”.
Như vậy so với hiện
tượng ngoại cảm xuất hiện chỉ trong gần 20 năm qua, những ý như trên là không
đúng so với thực tế.
Nhưng bài này tôi không
viết về cả những người phản bác lẫn người tin tưởng hiện tượng ngoại cảm,
mà theo tinh thần tỉnh tín chứ không mê tín, tôi viết về trường hợp những nhà khoa học vì quá
tín ngưỡng đã gán ghép, theo tôi là khiên cưỡng, những nét tương đồng giữa đạo
Phật và khoa học, giữa hiện tượng tâm linh với khoa học. Cũng để chứng minh với
bạn đọc là dù tôi viết nhiều về tâm linh nhưng hoàn toàn không mê tín.
***
Như đã một lần viết, GS
Viện sĩ Đào Vọng Đức, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, cho các chiều phụ trong Lý thuyết Dây chính là trường vong mà các linh hồn
tồn tại nên mắt thường không nhìn thấy. Các chiều phụ trong Lý thuyết Dây là các chiều nhỏ xíu (như không gian
trong sợi tóc), với kích thước Planck, bị xoắn vặn lại nên không thể là không
gian tồn tại của các linh hồn.
Đặc biệt GS Vật lý Thiên
văn Trịnh Xuân Thuận nổi tiếng thế giới, cũng là một Phật tử, lại có những ý về
mối tương quan giữa khoa học và Đạo Phật mà tôi thấy là có những điều còn chưa
chuẩn.
Ông viết: “Phật giáo
đưa ra quan điểm rằng vật thể hiện hữu … tuy nhiên hiện hữu này là thuần túy
duyên khởi. Đây là cái mà Đức Phật gọi là Trung Đạo”.
Về khái niệm Trung đạo, Đức Phật khi nghĩ về
người lên dây đàn, căng quá sẽ đứt, chùng quá không thành tiếng, chỉ vừa phải
mới cho ra tiếng đàn tuyệt diệu, ngài đã ngộ ra con đường tu luyện đúng đắn là Trung đạo. Cũng như ngài đã bỏ
con đường cực đoan mà ngài từng tu luyện theo phép khắc khổ. Trung đạo chính là nguyên lý cho mọi sự thành
tựu nhưng Trung đạo không phải là Duyên khởi.
Phật Thế Tôn sau khi đạt
chính đẳng giác (sa., pi.abhisambuddha), dưới gốc một cây bồ-đề ngồi kiết già
bảy ngày quán chiếu Nguyên lý
Duyên khởi. Duyên khởi cùng vói Vô ngã là hai giáo lí trụ cột của Phật giáo
gồm có 12 yếu tố. Trong đó, Vô
minh, sự không thấu hiểu Tứ
diệu đế, không hiểu Khổ là tính chất căn bản của đời sống; Vô minh sinh Hành,
hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân, khẩu và
ý; Hành sinh Thức,
làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ đúng như Hành tốt xấu quy định; Thức sinh Danh sắc là toàn
bộ tâm lí và vật lí của một cơ thể do Ngũ
uẩn tạo thành. Danh sắc sinh Lục căn là các giác quan, sáu căn (năm giác
quan và khả năng suy nghĩ là sáu). Lục
căn bắt đầu tiếp xúc với bên
ngoài gọi là Xúc. Xúc sinh Thụ là cảm nhận
của con người mới với thế giới bên ngoài. Thụ sinh Ái, tham ái, lòng ham
muốn xuất phát từ vô minh. Ái sinh Thủ là điều cá
nhân muốn chiếm lấy cho mình.
Với khoa học, GS Trịnh
Xuân Thuận cũng có một ý về Duyên khởi:
“Một ý niệm gây
ấn tượng tương tự như duyên khởi của Phật giáo đó là khái niệm về tính “bất khả
phân” hay “phi-cục-bộ” trong Cơ học lượng tử được khám phá qua một cuộc thí
nghiệm tưởng tượng nổi tiếng do Einstein, Podolsky và Rosen (EPR) đưa ra vào
năm 1935
Với hai cái photons
tương tác này, ý niệm về “nơi này” và “chỗ kia” trở thành vô nghĩa bởi vì “nơi
này” cũng chính là “chỗ kia”. Đó là những gì mà nhà vật lý gọi là “tính
bất-khả-phân” hay “phi-cục-bộ” của không gian. Điều này cũng tương tự với ý
niệm duyên sanh, duyên khởi của thế giới hiện tượng trong Phật giáo”.
Trước hết xin nói rõ
thêm tí về vật lý, thí nghiệm EPR của nhóm Einstein nói trên dựa vào chính lý
thuyết của Cơ học Lượng tử nhằm diễn tả câu chất vấn: “Liệu
sự mô tả thực tại vật lý bằng CHLT có thể xem là đầy đủ hay không?” (Can QM Description of Physical
Reality Be Considered Complete?) Theo lý thuyết, một hạt photon có thể tách
thành hai hạt chuyển động ngược chiều nhau, nếu xác định một đại lượng (như vận
tốc chẳng hạn) ở hạt này thì cũng sẽ đồng thời xác định được vận tốc của hạt kia. Vì cũng theo lý thuyết, hai hạt có tính vướng
víu (entangled) với nhau mà Einstein đã gọi là một tác
động ma quái ở khoảng cách (spooky
action at a distance). Đồng thời với phép đo vận
tốc, ta cũng xác định động
lượng của hạt kia cũng sẽ
biết được động lượng của hạt này. Như vậy, ta đồng thời xác
định được cả vận tốc và động
lượng của một hạt, một điều
làm sụp đổ Nguyên lý Bất định,
trái tim của Cơ học Lượng tử. Còn cái tác động ma quái (spooky) cũng mâu thuẫn
với Thuyết Tương đối cho không có gì chuyển động tức thời nhanh hơn cả vận tốc
ánh sáng.
Nhưng Cơ học Lượng tử
cho rằng, không có thực (realism) hai hạt, mà hai hạt chỉ tồn
tại khi ta thực hiện một phép đo mà Cơ học Lượng tử gọi là làm suy sụp hàm sóng; và đặc biệt hai hạt có
trạng thái phi định
xứ (nonlocality),
tức cả hai là nhất thể,
tuy hai mà là một, nên đo cái này cũng chính là đo cái kia, thí nghiệm tưởng
tượng của nhóm Einsetin sẽ không thực hiện được. Nên quan điểm của Einstein và
cộng sự về Cơ học Lượng tử là sai! Tiếc thay, về sau các thực nghiệm tinh xảo
đã chứng tỏ đúng như vậy.
Như vậy việc hai hạt có
trạng thái nhất thể không thể nói như GS Trịnh Xuân Thuận “ý niệm về “nơi
này” và “chỗ kia” trở thành vô nghĩa bởi vì “nơi này” cũng chính là “chỗ kia””.
Như một mặt tròn đồng nhất vẫn có chỗ này, chỗ kia; nhất thể một con trâu cũng
phải có chỗ cái đầu, chỗ cái đuôi! Và tính phi định
xứ (nonlocality), nhất thể cũng không phải “tương tự như duyên khởi của Phật giáo”
như ý của GS Trịnh Xuân Thuận. Vì Duyên
khởi nói về nhân quả, khởi từ cái duyên này
sẽ sinh ra cái kia, rồi khởi từ cái “kia” lại sinh ra cái “kìa”, và cứ thế mãi
chứ không nói về nhất thể!
***
Tiếp nữa, GS Trịnh Xuân
Thuận viết:
“Một thí nghiệm vật
lý hấp dẫn và nổi tiếng khác cho thấy tính duyên khởi của hiện tượng không phải
chỉ giới hạn trong thế giới của các hạt nhưng lan rộng ra đến cả toàn thể vũ
trụ là thí nghiệm về quả lắc được thực hiện bởi nhà vật lý Léon Foucault vào
năm 1851 tại điện Panthéon, Paris nhằm giải thích về việc Trái Đất quay. Tất cả
chúng ta hầu như ai cũng đều biết đến đặc tính của quả lắc. Với thời gian trôi,
phương hướng của quả lắc cũng thay đổi theo. Nếu ta bắt đầu cho nó lắc theo
hướng bắc-nam, chỉ vài giờ sau nó sẽ lắc theo hướng đông-tây… Foucault nhận
thức rằng, trong thực tế, cái quả lắc đã lắc cùng một hướng, chỉ có Trái Đất là
đang quay”.
GS Trịnh Xuân Thuận
viết: “cái quả lắc đã lắc cùng một hướng, chỉ có Trái Đất là đang quay”
xem chừng không đúng, thực chất ông GS còn chưa hiểu bản chất của thí nghiệm
trên. Vì Léon Foucault làm thí nghiệm con lắc chứng tỏ khi Trái Đất quay đã tạo
một lực “văng” (khoa học gọi là Hiệu
ứng Coriolis) làm mặt phẳng chuyển động của con lắc quay quanh trục của nó.
Tại vĩ độ đi qua Paris ,
con lắc đã thực hiện một vòng quay thuận chiều kim đồng hồ sau 30 giờ:
Như vậy, trái đất quay
làm con lắc chuyển động khác hướng chứ không “cùng một hướng” như ý GS
Trịnh Xuân Thuận.
GS Trịnh Xuân Thuận tiếp:
“Tuy nhiên vẫn còn một
vấn đề nan giải mà mãi cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu được rõ ràng. Cái quả
lắc của đồng hồ được thiết trí cố định trong một không gian, nhưng mà cố định
tương ứng đối với cái gì? … Để tìm hiểu xem thiên thể nào đã điều khiển cái quả
lắc của đồng hồ Foucault, việc giản dị là chúng ta đặt con lắc hướng về phía
thiên thể đó. Nếu như thiên thể đó đang di động trong bầu trời, mà vẫn luôn
luôn nằm ở trong hướng chỉ của con lắc, ta có thể kế luận rằng thiên thể đó là
tác nhân chính trong sự vận hành của con lắc. Bây giờ chúng ta hãy để con lắc
hướng về phía Mặt Trời. Sau một tháng, ngôi tinh cầu này đã chệch ra khỏi hướng
của quả lắc 15 độ. Bây giờ chúng ta quay quả lắc về hướng ngôi sao gần nhất,
Proxima Centauri, cách xa khoảng 4 năm ánh sáng. Ngôi sao này lưu lại trong
hướng chỉ của quả lắc lâu hơn, …Và rồi chỉ có những thiên hà có khoảng cách lớn
nhất, tọa lạc tận cùng bờ mép của vũ trụ mà chúng ta có thể biết được, cách xa
ta đến hàng tỉ năm ánh sáng là không hề đi ra khỏi hướng chỉ của con lắc.
Kết luận mà chúng ta rút
ra được từ thí nghiệm này rất mực đặc biệt: Hoạt động của con lắc đồng hồ
Foucault không hề dựa vào thái dương hệ này mà là vào những giải thiên hà xa
nhất, hay nói một cách đúng đắn hơn, vào toàn thể vũ trụ, điều này cho thấy
rằng hầu như tất cả vật chất biểu kiến được tìm thấy trong những giải thiên hà
xa xôi nhất mà không phải là những tinh tú gần ta. Như thế cái gì xảy ra ở đây,
trên Trái Đất này, đều được quyết định bởi cả toàn thể vũ trụ bao la. Cái gì
xuất hiện trên ngôi hành tinh nhỏ bé này đều nương tựa vào toàn thể cấu trúc
của vũ trụ”.
Tôi thấy những ý trên
không đúng với thực tế thí nghiệm Con lắc Foucault. Bởi sau 30 tiếng, Hiệu ứng Coriolis làm con lắc quay quanh
trục 1 vòng đối với trái đất, Trái Đất lại tự quay quanh trục sau 24 giờ, rồi
Trái Đất lại quanh quanh Mặt Trời 1 năm một vòng, làm sao “Bây giờ chúng ta
hãy để con lắc hướng về phía Mặt Trời. Sau một tháng, ngôi tinh cầu này đã
chệch ra khỏi hướng của quả lắc 15 độ”?
Rồi hướng dao động của
con lắc thay đổi theo một mớ bòng bong như vậy, làm sao “chỉ có những thiên
hà có khoảng cách lớn nhất, tọa lạc tận cùng bờ mép của vũ trụ … là không hề đi
ra khỏi hướng chỉ của con lắc”? Để rồi ông GS Trịnh Xuân Thuận đưa ra cái
kết luận siêu hình:
“Hoạt động của con
lắc đồng hồ Foucault không hề dựa vào thái dương hệ này mà là vào những giải
thiên hà xa nhất, hay nói một cách đúng đắn hơn, vào toàn thể vũ trụ… cái gì
xảy ra ở đây, trên Trái Đất này, đều được quyết định bởi cả toàn thể vũ trụ bao
la”.
Thực tế, con lắc chịu
tác động mạnh nhất bởi lực văng do sự quay của Trái Đất; theo quy luật về hấp
dẫn, tác động mạnh kế tiếp phải là Thái Dương hệ rồi mới đến “vũ trụ bao la”.
Vì vậy những ý của GS
Trịnh Xuân Thuận là không đúng với thực tế. Tôi cố gắng suy ngẫm những điều sâu
xa hơn ông GS muốn bày tỏ mà ông không diễn đạt “sõi” nhưng chịu không sao thấy
được điều gì cả. Vì thế từ con lắc Foucault ông viết “Một lần nữa, chúng ta
lại đi đến một kết luận rất gần gũi với ý niệm về duyên khởi của Phật giáo: mỗi
bộ phận đều chứa đựng cái toàn thể, và mỗi bộ phận đều nương tựa vào tất cả các
bộ phận khác” lại không thỏa đáng!
***
Về con lắc Foucault, ông
Phạm Việt Hưng, một giảng sư dạy toán đại học hình như ở Úc, trong bài Con lắc Foucault và Vũ trụ Nhất thể cũng viết:
“Hơn mười năm trước,
thật ngạc nhiên thú vị vô cùng khi tôi biết rằng con lắc Foucault có mối liên
hệ chặt chẽ với toàn bộ vũ trụ. Thật tuyệt vời!
Đã hơn nửa thế kỷ trôi
qua, nhưng có một kỷ niệm thơ ấu tôi không bao giờ quên: đó là câu chuyện về
con lắc Foucault mà thầy dạy Địa lý năm đầu cấp II của tôi là thầy Cang kể cho
học trò nghe.
Đầu tiên thầy làm thí
nghiệm: buộc một vật nặng vào một sợi dây, đầu kia của sợi dây buộc vào một
chiếc thước kẻ, … và cho vật nặng dao động như một con lắc đồng hồ… rồi thầy
nói:
- Các em nhìn đây, trong
khi thước kẻ quay, con lắc vẫn dao động theo tư thế ban đầu, nó không chịu quay
theo thước kẻ, thế có lạ không?
…Nhưng chuyện con lắc
Foucault không dừng lại ở đó. Nó luôn bám theo tôi với một câu hỏi: tại sao con
lắc giữ nguyên mặt phẳng dao động của nó?”
Nếu ông Phạm Việt Hưng “ngạc
nhiên thú vị vô cùng” về câu chuyện trên thì tôi cũng “buồn cười vô cùng”
vì không phải “con lắc giữ nguyên mặt phẳng dao động của nó?” như ông
nghĩ mà mặt phẳng dao động của con lắc xoay tròn vì bị tác động bởi chuyển động
quay của Trái Đất!
***
Thấy quá giờ hẹn, tôi
gọi cho ông TS Thành bảo cơm canh nguội cả rồi, ông đến nhà tôi luôn đi rồi đi
đâu thì đi.
Ông TS đến, vài câu xã
giao xong tôi mời vào bàn luôn. Tôi nói ra cái điều tôi hay nghĩ đến:
-Khoa học đã khó các ông
bác học nhiều khi lại cố trình bầy cho nó khó hơn. Như trong thí nghiệm hai
khe, khi bắn từng điện tử một vẫn tạo sự giao thoa, theo tôi khi điện tử chuyển
động sẽ tạo ra từ trường (dòng điện sinh từ trường mà), chính từ trường đó làm
các điện tử chuyển động qua hai khe như sóng nên đã giao thoa. Vậy mà ông thì
cho giao thoa do “sóng xác xuất” nhưng cái gì tạo ra xác xuất? Còn
Phương pháp “lấy tổng theo mọi quỹ đạo” của Feynman, thực nghiệm đã xác
nhận, nhưng diễn giải như ông Brian
Greene trong cuốn Giai điệu
dây và bản giao hưởng vũ trụ, mỗi
electron “Có thể nó tiến tới khe bên trái, rồi đột ngột thay đổi hướng đi
qua khe bên phải. Nó cũng có thể đi lui nhiều lần rồi cuối cùng mới đi qua khe
bên trái. Có thể nó đi theo một hành trình dài tới tận thiên hà Andromeda trước
khi trở về đi qua khe bên trái để tới màn huỳnh quang” theo tôi là cũng rắc
rối hóa vấn đề.
Tôi định nói thêm nhiều
nữa nhưng ăn uống ồn ào, rồi còn người này người kia thấy không hợp nên thôi.
Thế đấy, với một người
“hâm” như tôi, nhiều khi mong gặp bạn bè chỉ để chia sẻ những điều như thế
thôi, những điều rất ít người quan tâm, nhưng quả thật, với đa số, có muốn quan
tâm cũng không được.
30-6-2015
ĐÔNG LA